Chuyện buồn hơn nước mắt

Thứ Bảy, 29/04/2017, 17:22
Uất nghẹn trước việc con rể thường xuyên đánh đập con gái và gây sự với gia đình mình, trong một phút không thể kiềm chế được bản thân, ông Nam đã xách dao hạ sát con rể rồi chở thi thể nạn nhân ra công an đầu thú.

Mâu thuẫn gia đình được giải quyết bằng bạo lực đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nỗi đau với người thân hai bên sui gia, và đặc biệt là đứa con trai nhỏ của nạn nhân.

1. Tháng 5 năm ngoái, những ngày trời cũng nóng như chảo rang thế này, một vụ án nghiêm trọng xảy ra tại quận Gò Vấp khi ông Nguyễn Văn Nam (59 tuổi) đã dùng dao sát hại con rể là Tôn Thanh Việt (35 tuổi) rồi chở thi thể đến cơ quan công an đầu thú. 

Vụ án đã gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài bởi lẽ, ông Nam gây ra tội ác để bảo vệ cho gia đình và con gái được sống bình yên. Bức ảnh ông Nam dùng xe gắn máy chở thi thể con rể phía yên sau cũng khiến dư luận chấn động.

Tháng 11 năm rồi, Tòa án Nhân dân (TAND)  TP HCM đưa vụ án ra xét xử, ông Nam bị truy tố về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 6 tháng - 3 năm tù giam. Tuy nhiên, tại tòa phát sinh nhiều tình tiết cho rằng ông Nam phạm tội Giết người nên TAND TP HCM đã trả hồ sơ để điều tra lại. 

Sau thời gian điều tra lại nhưng kết quả xác định ông Nam chỉ phạm tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cuối tháng 3 vừa qua, VKSND TP HCM tiếp tục ra cáo trạng với ông Nam về tội danh này, chuyển TAND  cùng cấp để đưa vụ án ra xét xử.

Ông Nam tại phiên tòa tháng 11-2016.

Theo nội dung cáo trạng, cách đây 9 năm, anh Tôn Thanh Việt (35 tuổi) kết hôn với chị N.T.T.H. (32 tuổi) và sinh được một đứa con trai chung vào năm 2009. Anh Việt mưu sinh bằng nghề chạy xe cuốc, chở hàng thuê cho người ta, còn chị H. làm công nhân. Gia đình nhỏ thuê trọ ở quận 12 (TP HCM).

Thường ngày, sau giờ làm, anh Việt thường có thói quen "lai rai" vài chai với bạn bè. Về nhà khi trong người có hơi men, người đàn ông này chửi bới, thi thoảng lại đánh đập vợ, con. 

Theo lời chị H., bình thường anh Việt sống khá hiền lành, nhưng mỗi khi rượu vào lại biến thành con người khác. Chính vì thế, người vợ cố nín nhịn, khuyên can chồng tu tỉnh để vun vén hạnh phúc gia đình, chăm lo cho con.

Tuy nhiên, anh Việt không nghe mà còn bạo hành vợ thậm tệ hơn. Không những thế, thi thoảng trong cơn say, người đàn ông này tìm đến nhà vợ, gây sự chửi bới mọi người trong gia đình. 

Bất lực trước người chồng vũ phu, chị H. đã nhiều lần đưa con về nhà cha mẹ ruột ở quận Gò Vấp "lánh nạn" và trình báo chính quyền địa phương can thiệp nhưng không được giải quyết triệt để. Đến tháng 4/2016, sau một trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng, chị H. quyết dứt tình, đưa con về hẳn nhà bố mẹ đẻ sinh sống. Bi kịch của gia đình họ cũng bắt nguồn từ đây.

Sau khi chị H. bỏ đi, anh Việt không suy xét lại lỗi lầm của bản thân mà đổ lỗi cho gia đình vợ cố tình ngăn cản, chia cách 2 vợ chồng. Anh ta sa đà vào bia, rượu rồi tìm đến nhà vợ gây chuyện. Thi thoảng, người ta lại nghe những tiếng chửi bới tục tĩu xuất phát từ con hẻm nhỏ, nơi gia đình chị H. cư ngụ. Đã có lần, Việt đe dọa nhà chị H. nên chuẩn bị 8 cỗ quan tài vì anh ta sẽ giết cả 8 người trong gia đình để trả thù.

Sự việc lặp lại nhiều lần, nhưng bố mẹ chị H. là ông Nam và bà N.T.P. (61 tuổi) vẫn cố nín nhịn. Thậm chí, ông Nam đã có lần phải quỳ, xin con rể buông tha cho gia đình. Không những thế, ông Nam còn nhiều lần khuyên can con gái và Việt bỏ qua mọi xung đột để chăm lo cho con cái. Việt nhiều lần hứa hẹn sẽ thay đổi, nhưng rồi lại chứng nào tật nấy.

Khoảng 16h cái ngày giữa tháng Năm định mệnh ấy, sau khi nhậu say, anh Việt lại chạy xe máy đến nhà ông Nam tiếp tục gây sự. Biết tính con rể nên ông Nam bỏ vào nhà, chốt cửa lại, mặc cho Việt chửi bới ngoài hẻm. 

Sự việc lên đến đỉnh điểm khi con gái thứ 2 của ông Nam là chị N.T.N.D. đi làm về bị Việt chặn đánh. Đang nằm trên gác, nghe tiếng Việt hành hung con gái mình, uất hận trào lên, ông Nam xuống bếp lấy dao chạy ra đuổi chém con rể. 

Do rượu say, Việt không thể kháng cự và nhanh chóng bị ông Nam chém nhiều nhát vào người, tử vong tại chỗ. Gây án xong, ông Nam bế thi thể con rể lên xe máy và chở ra trụ sở công an đầu thú.

2. Khi quyết định giải quyết mâu thuẫn của gia đình bằng cách vung dao tước đoạt mạng sống của con rể, ông Nam đã lường trước được sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng về hành động đó. 

Gặp người thân vài phút ngắn ngủi trước khi bị tạm giam, ông Nam nói: "Ba không chịu nổi cảnh bị con rể hành hạ, khủng bố tinh thần mỗi ngày. Ba biết hành vi đã gây ra là trái pháp luật, nhưng ba sẵn sàng chịu mọi hậu quả, chỉ mong gia đình mình và các con được sống bình yên".

Tuy nhiên, sau vụ án, mâu thuẫn tiếp tục xảy ra giữa gia đình ông Nam với người thân Việt. Đến tận bây giờ, gia đình 2 bên vẫn không thôi trách móc nhau về những gì đã xảy ra. Từng là sui gia, nhưng giờ họ không còn nhìn mặt, thậm chí còn dùng những lời lẽ không hay khi nói về nhau.

Chị gái nạn nhân bật khóc khi kể về em trai.

Có lẽ vì bị bạo hành suốt nhiều năm nên tình cảm của chị H. với người chồng đã nhạt phai. Kể về anh Việt, chị H. rơm rớm nước mắt, nhưng không phải thương tiếc chồng mà khóc vì nhớ lại quãng thời gian kinh hoàng đã qua. 

Theo lời người vợ, mâu thuẫn trong gia đình bắt nguồn khoảng năm 2013 từ việc anh Việt hay rượu chè và nghi ngờ chị có người đàn ông khác nên ghen tuông và đánh đập vợ.

Sau mỗi trận đòn của chồng, người phụ nữ này đều trình báo chính quyền nhưng không được giải quyết. Chị H. cũng nói rằng đã nhiều lần kể cho người nhà Việt can thiệp nhưng họ thờ ơ, dẫn đến mâu thuẫn của vợ chồng kéo dài dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng hơn. "Tôi có làm đơn ly dị nhưng Việt không chịu. Vì thế, đưa con về nhà bố mẹ đẻ sống là lựa chọn cuối cùng của tôi để thoát khỏi anh ta", chị H. nói.

Còn bà P. (vợ ông Nam) kể, biết việc Việt ghen tuông và đánh con gái mình, bà đã nhiều lần khuyên can con rể nên tìm hiểu kỹ rồi giải quyết êm đẹp mọi chuyện chứ không nên đánh vợ. 

"Thậm chí, có lần Việt đánh H. ngay trước mặt chúng tôi. Làm cha mẹ, chúng tôi không đồng ý việc con gái bị hành hạ như thế", bà H. nói. Đồng thời, bà H. cũng nhiều lần tìm chị gái anh Việt nói chuyện, nhờ khuyên can nhưng người này từ chối.

3. Trong khi đó, chị T.T.T. (chị gái, cũng là người thân duy nhất của nạn nhân) nghẹn ngào khi kể về đứa em quá cố. Theo lời chị T. bố mẹ mất sớm, nhà có 2 chị em ôm ấp nhau sống từ tấm bé. Lớn lên, 2 chị em cùng rời quê vào TP HCM sinh sống. Chị cho biết, cuộc sống hôn nhân của vợ chồng em trai thời gian đầu khá hạnh phúc.

Chị T. kể, khi Việt và chị H. xảy ra mâu thuẫn và đánh nhau, chị có biết và cùng gia đình ông Nam khuyên can đôi vợ chồng trẻ chứ không phải thờ ơ như lời tố của "sui gia".

"Em tôi là người hiền lành, tôi chưa thấy nó gây gổ với ai bao giờ. Lúc Việt đến nhà vợ cũng không mang theo hung khí gì, cớ sao chú Nam lại giết nó, lại còn chở xác đi như chở một con thú, tôi đau lòng lắm. Giá như chú Nam kiềm chế thì vụ án này đã không xảy ra", chị T. khóc.

Chị T. nói rằng, sau khi Việt chết, gia đình ông Nam không một ai đến thăm hỏi, động viên. Hiện tại, chị T. rất giận phía sui gia, có thể sau này sẽ hàn gắn lại mối quan hệ, nhưng phải cần nhiều thời gian để làm việc đó. 

Gia đình nạn nhân yêu cầu phía ông Nam bồi thường gần 50 triệu đồng, là chi phí mai táng cho anh Việt. Còn lại, họ chỉ mong các cơ quan pháp luật điều tra, xét xử đúng người, đúng tội.

"Đúng hay sai thì hậu quả lớn nhất là Việt đã chết, cớ sao gia đình bên ấy còn trút hết tội lên đầu nó. Chỉ tội con trai Việt, nó đã phải chịu quá nhiều nỗi đau khi còn quá nhỏ", chị T. ngậm ngùi. Chị gái nạn nhân kể, sau khi xảy ra vụ án, bé L. (con trai anh Việt) vẫn sống với mẹ và bà ngoại. Thi thoảng, nhớ cháu, chị T. lại bí mật nhắn bé L. ra ngoài gặp.

Vụ án xảy ra, dù ai đúng ai sai thì người đau lòng nhất là bé L. Đứa trẻ năm nay mới học lớp 2 đã sớm phải chịu cảnh bố mẹ đánh nhau, gia đình ly tán. Và bi kịch nhất, ngày xảy ra vụ án, đứa trẻ ấy ở nhà và chứng kiến cảnh ông ngoại cầm dao đuổi chém bố mình đến chết, có lẽ hình ảnh ấy sẽ ám ảnh em suốt cả cuộc đời. 

Và hiện tại, đứa con của nạn nhân phải đứng giữa xung đột khó tháo gỡ của gia đình hai bên thông gia đã từng rất thiết thân.

Khắc Thành
.
.