Hành hương về “cõi mình” và những chuyện mắt thấy, tai nghe

Chủ Nhật, 05/08/2018, 08:41
Những người bạn thuần đạo của tôi thường nói: "Cõi Phật thực ra là "cõi mình". Tại sao vậy? Câu hỏi đó thôi thúc tôi bắt đầu chuyến hành hương đặc biệt về với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thử sống như những tu sĩ.

Ngày của Hôm nay

Thế nào là "ngày của Hôm nay", là ngày mà…

3h sáng, giữa cái tiết trời hanh hanh lạnh làm tôi thèm ngủ đến man dại. Đó cũng chính là thời điểm thức chúng (thức giấc) của toàn bộ thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Chẳng thấy một sự gấp gáp, khẩn trương nào. 

Thoáng chốc, mọi người đã có mặt tại chính điện trong thời khóa ngồi thiền đầu tiên trong ngày. Và thứ âm thanh duy nhất được điểm ngoài những âm thanh của tự nhiên vốn có như chim hót, thông reo là những nhịp thở đều đặn.

Tôi bước vào buổi thiền với tâm thế tự tin và sẵn sàng nhưng tâm thế đó cũng chỉ giúp tôi vượt qua được 30 phút đầu tiên bởi cơn đau đã chế ngự và chiến thắng bản thân mình. Tôi xả thiền -hành động thư giãn cơ thể sau khi thiền và lặng lẽ theo dõi thật kỹ. 

Xung quanh tôi, lạ thay, chẳng có biểu hiện của một cơn buồn ngủ hay sự đau đớn nào cả. Những khuôn mặt điềm nhiên và hạnh phúc. Thi thoảng trong mỗi nhịp thở ra còn ẩn chứa một nụ cười hiền.

Họ ngồi đây, điềm tĩnh vững chãi như có sự hiện diện của một đấng siêu nhiên nào đó vậy. Gần hai tiếng trôi qua, kết thúc thời khóa thiền tập đầu tiên, mặt trời đã bắt đầu ló rạng bằng thứ ánh sáng có thể nhìn rõ từng ánh mắt trong trẻo và hiền từ của cả một tăng đoàn.

Nghi thức khất thực trước giờ thọ trai (dùng bữa) của các Thiền sư và phật tử.

5h sáng, đó cũng thời điểm những bước chân trần nhẹ nhàng đang thiền hành (thiền đi) dọc trên những bờ cỏ, những triền núi. Tiếng lá khô xào xạc. Thi thoảng, có một sự dừng chân hơn chỉ độ vài nhịp bước. 

Quanh đó, một đóa hoa đang bắt đầu nở. Cả tăng đoàn cứ lặng lẽ bước đi như thế, bóng người trước đan cài lên người sau. Đôi khi, gặp những dốc cao họ lại ngồi nghỉ độ mươi phút. Nhìn ngắm nhau và cười hiền, vẫn lặng im. 

Chẳng hiểu sao khi đón nhận thứ năng lượng ấy, mọi mệt mỏi trong tôi đều tan biến, có một thứ gì đó hạnh phúc đến lạ lùng vang lên trong cả tâm hồn.

6h sáng, một hồi chuông được điểm lên. Cả tăng đoàn lại rảo những bước chân nhẹ nhàng về trai đường, nơi dùng bữa của các thiền sư. Đồ chay ăn sáng đã được chuẩn bị sẵn. Chẳng có một lời nói chuyện nào. Bữa ăn cứ thế tự nhiên diễn ra. 

Dù những thức ăn rất đạm bạc nhưng dường như tất cả đều cảm nhận được một cái gì đấy đủ đầy, hàm ơn. Sau những nghi thức cá nhân, 8h sáng chính là thời khóa giảng pháp của thầy Viện chủ. Và đây cũng chính là thời điểm đầu tiên trong ngày mà tôi thấy mọi người giao tiếp với nhau.

Những thiền sư tại đây một ngày chỉ dùng hai bữa thanh đạm vào sáng và trưa. Sau giờ ăn trưa và nghỉ ngơi, sẽ là thời khóa tự do dành cho mỗi người. Có lẽ chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng nghĩ đời sống xuất gia sẽ vô cùng tẻ nhạt, nhưng thực tế lại không phải vậy. Bên mé rừng, những sư anh đang cùng nhau chơi đá cầu, bóng rổ. 

Trong một góc nhỏ ở thiền viện ni (nơi ở và tu tập của các ni cô), những giai điệu nhẹ nhàng thảnh thót đang vang lên: "Hiểu và thương/Có hiểu mới có thương/Hiểu càng sâu thương càng rộng/Hiểu càng rộng thương càng sâu/Hiểu sâu thương lớn/Hiểu và thương". 

Thì ra các sư chị đang cùng nhau tập hát một bài thiền ca. Góc khác trong tăng phòng, thầy Viện chủ đang cùng với các đệ tử biên tập kinh sách. Chẳng có một sự hối hả nào, tiếng thông vẫn reo. Những chú chim đỗ quyên đang đỗ dọc theo các đỉnh mái và thoang thoảng trong gió mùi hoa dẻ rừng đang tỏa.

Tối đến, trong tăng phòng bên mé trái trai đường, tôi được tham dự một buổi thiền trà cùng các sư, thật may mắn. Nếu trà lễ của người Nhật đặt nặng  kỹ thuật thì thiền trà tại đây lại chú trọng đến sự tỉnh thức.

Chủ toạ buổi thiền trà gọi là vị trà chủ, phụ trách pha trà gọi là người trà giả và tất cả những người tham dự khác đều được gọi là trà khách.

Thiền sư cùng các cư sĩ đang dùng bữa trong chánh niệm bên mé rừng.

Trà chủ và trà giả phải biết số trà khách nhất định để chuẩn bị đủ nệm ngồi và gối ngồi. Trong một buổi thiền trà, khay trà sẽ được chuyền tay từ người này sang người khác. Mọi người ngồi thành một vòng tròn, và vị trà chủ ngồi ngay trước bàn thờ thiền tổ, quay lưng lại với bàn thờ này. Trà chủ có phận sự chủ tọa và hướng dẫn buổi thiền trà. Tất cả mọi động tác của trà chủ đều khoan thai, cẩn trọng, đẹp đẽ và đi đôi với chánh niệm. Trà giả theo dõi hơi thở và ý thức về mọi động tác của mình trong khi pha trà. Từng cử chỉ được đại chúng theo dõi, vì vậy sự thanh tịnh của người pha trà rất có liên hệ tới sự thanh tịnh của mọi người. Ta chỉ có thể đảm nhiệm vai trò của một trà giả khi ta đã tham dự thiền trà nhiều lần và quan sát cũng như thực tập cách pha trà. Và cứ thế, hai tiếng đồng hồ trôi qua, lần đầu tiên tôi cảm nhận được trọn vẹn hương vị của trà trong sự tỉnh thức lạ kỳ…

 "Chén trà trong hai tay/ Chánh niệm nâng tròn đầy/ Thân và tâm an trú/ Bây giờ và ở đây".

Sau giờ khóa sám hối, một sư anh vẫn với nụ cười hiền, đến bên tôi, nhẹ nhàng: "Chúc mừng em đã sắp hoàn thiện một "ngày của Hôm nay". Sao lại là ngày của hôm nay? Sư anh bảo, ngày của "Hôm Nay" là ngày mà chúng ta sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Khi uống nước, chúng ta ý thức về nước mà chúng ta đang uống.

Khi ăn, chúng ta ý thức về giá trị của thức ăn, về sự sinh diệt vốn có của tự nhiên. Khi đi, chúng ta thực sự ý thức từng bước chân của mình và nhận diện rõ ràng sự có mặt của cơ thể. Khi chơi, chúng ta thực sự có mặt của mình trong trò chơi… Hôm nay kỳ thực là một ngày mầu nhiệm.

Điều đó không có nghĩa là ngày hôm qua hay những ngày tới không màu nhiệm. Chỉ có một sự thật rằng, ngày hôm qua thì đã qua rồi, ngày mai thì chưa tới. Vậy tại sao ta lại phải cuống cuống để quên đi sự có mặt tuyệt vời của giây phút hiện tại? Thì ra là vậy, đơn giản đến bất ngờ!

Những phép lạ có thật

Trong thiền viện, có một tăng phòng khác, nơi tu tập của các vị cư sĩ, những người chưa xuất gia nhưng sinh hoạt theo thời khóa của các thiền sư. Ở với họ vài ngày, lắng nghe những tâm tình của họ tôi mới lắng lòng và hiểu được đằng sau mỗi con người ở đây là một thân phận đặc biệt. Nhưng kỳ thực, điều đáng nói nhất là phép lạ đều đã xảy ra với mỗi người.

Dưới khu giường trong góc cuối cùng, một người đàn ông trung tuổi hiện lên với những hình xăm phủ kín khắp người. Trên đôi mắt sắc lạnh đặc trưng của một "đàn anh" còn có vết sẹo của khuyên cài chắc hẳn vừa được tháo ra chưa lâu. 

Anh Thanh vừa lần chuỗi tràng hạt, vừa tâm tình với tôi bằng cái giọng khàn khàn: "Anh đã từng vào tù ra tội nhiều lần vì đủ thứ lý do. Nhưng rồi ra tù lại vì cái ác cảm giữa cuộc đời, vì cơn cùng quẫn vì đã mang trong mình cái xích giam vô hình của kẻ có tiền án tiền sự. Nhưng từ khi vào đây, mọi thứ đã thay đổi".

Một thiền sinh nhí đang “vấn đạo” các thiền sư trong một khóa tu dành cho thanh thiếu niên.

Anh tìm đến với đạo Phật, với thiền định trong cơn túng quẫn để chạy trốn những ánh mắt của người đời. Hẳn rằng trong mọi cơ man của sự suy nghĩ, anh cũng chẳng thể ngờ được mình thay đổi đến thế. Từ một con người vốn lạnh lùng, bốc đồng, dễ nổi nóng giờ đây đã có thể ăn chay trường, có thể từ tốn hơn, biết lắng nghe và sẻ chia với những người xung quanh. Anh nói: "Có thể với mọi người, đó là điều bình thường, nhưng với những người có chút "máu giang hồ" như anh thì đó thực sự là điều kỳ lạ em ạ. Anh yên lặng hồi lâu, một nụ cười hiền, thấp thoáng. 

Anh kể tiếp: "Từ khi vào đây, anh hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc đời, sống an nhiên với từng phút giây của hiện tại". Anh vỗ nhẹ vai tôi, từ ánh mắt sắc lạnh có gì đó long lanh hạnh phúc: "Chắc đợt này ra, học lấy một cái nghề, lấy vợ cho ông bà vui, mình làm nhà mình khổ quá rồi em ạ". 

Giờ sám hối tối hôm đó, trên gò má anh Thanh những dòng nước mắt đang chảy. Tự nhiên, trong tôi xuất hiện một niềm tin mạnh mẽ, anh Thanh sẽ hoàn lương, sẽ sống quãng đời còn lại thật ý nghĩa, bởi anh mới chỉ 35 tuổi, cái tuổi mà con người ta mới chỉ mới chạm ngõ một nửa cuộc đời.

Và chắc chắn trong hành trình hoàn lương đó, anh cũng sẽ khiến những người bạn của anh thay đổi, vì "bây giờ anh mới hiểu thì ra chiến thắng chính mình mới là quan trọng nhất em ạ, có lẽ sự thay đổi từ chính mình sẽ là sự tin tưởng lớn nhất với những người xung quanh".  

Gần một tuần trải nghiệm với đời sống của một tu sĩ thực sự, tôi đã mắt thấy, tai nghe bằng đúng tinh thần tự chiêm nghiệm. Tôi hiểu rằng đạo Phật nguyên chất không dạy con người phải cầu khẩn, lễ lạy thật nhiều mà dạy người ta cách sống trọn vẹn từng phút giây. 

Và tôi cứ nhớ mãi tiếng ngâm thơ của các sư cô, sự chị: "Gá thân mộng/ Dạo cảnh mộng/ Mộng tan rồi/ Cười vỡ mộng/ Ghi lời mộng/ Nhắn khách mộng/ Biết được mộng/ Tỉnh cơn mộng".

Huy Hoàng
.
.