Không chỉ là bảo vệ "PGS Záo Zujk"

Thứ Bảy, 30/12/2017, 14:16
Cơn bão gây ra bởi đề xuất biểu thị chữ viết "Giáo dục" thành "Záo zụk" có vẻ đã qua, và cũng chờ nó qua đi, mọi người bình tâm lại tôi mới dám từ từ viết thêm những suy nghĩ của mình. 

Đó là những suy nghĩ xung quanh câu chuyện, thẳng thắn mà nói là về hành xử của chúng ta, những người đã từng quan tâm đến ý tưởng gây tranh cãi nhưng cũng rất thú vị này.

Tôi cũng sẽ xin gác lại những ý tưởng kiểu như "người Việt Nam bây giờ khả năng phản biện kém"  (trước một bài viết, một ý kiến… không cần hiểu người viết đang trình bày điều gì, mà tiếp tục lôi về điều mình muốn nói, đang quan tâm và tệ hơn, tấn công cá nhân người đang tranh luận) sang một dịp khác.

Thực tế là tôi đã viết bài bình luận về vấn đề này rồi, và khi nó được đăng lên báo thì có rất nhiều ý kiến phản hồi, nhiều câu hỏi, thắc mắc. Có một câu hỏi mà tôi rất lấy làm thú vị: "Anh có họ hàng gì với ông PGS đó hay không mà bảo vệ ông ấy vậy?".

Cũng có những ý kiến cho rằng cần bảo vệ tương lai, bảo vệ thế hệ trẻ, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt… mà cần phải có ý kiến để những đề xuất thay đổi cách biểu đạt của PGS không được đem áp dụng… Đây thực ra là những mong muốn chính đáng của cộng đồng, trước một thực trạng xã hội càng ngày càng có nhiều mối lo cho chính những con người sống trong đó.

Mỗi ngày mở mắt ra, chúng ta phải tiếp xúc với những thông tin như "nữ sinh đánh nhau, lột đồ quay cờ-líp tung lên mạng" rồi "bảo mẫu hành hạ cháu bé một tháng tuổi…". 

Đáng lo lắm chứ! Thế rồi chúng ta lại than vãn, từ vỉa hè đến mạng, rằng thời này là thời nào mà con người sinh ra vô đạo đức với nhau đến thế, con người thích dùng bạo lực với nhau đến thế, và không thiếu những ý kiến đổ lỗi cho ngành giáo dục.

PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh: LG.

Tất cả những ý kiến đó đều có những hạt nhân hợp lý, nhưng đưa ý kiến một cách dễ dãi thì đơn giản thôi, nhưng hầu hết chúng ta đều chỉ hời hợt vậy, mà chưa bao giờ ngẫm sâu hơn thử xem, tại sao lại đến mức như thế, và bản thân chúng ta đây, có lỗi gì không.

Nếu theo dõi phản ứng của cộng đồng sau mỗi sự việc như vậy, càng ngày chúng ta sẽ thấy càng ít đi những ý kiến bình tĩnh, đúng mực, phân tích đầy đủ trước sau, hợp tình hợp lý… mà thấy càng nhiều hơn những phản ứng hết sức… "sôi nổi". 

Tôi nhớ mấy tuần trước, sau một vụ thi hành án tử hình, người ta đã sục sôi lên là "thằng đó phải mấy lần xử tử," thậm chí đề xuất quay lại những hình phạt của thời trung cổ kiểu lăng trì, tùng xẻo.

Mới đây nhất là vụ bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ, cũng có những phản ứng thái quá tương tự. Đành rằng rất nên biểu lộ thái độ đối với một sự việc rất đáng lên án, và tác động của dư luận, của cộng đồng cũng có những ảnh hưởng không nhỏ lên sự vận hành của hệ thống tư pháp, của hệ thống cơ quan công quyền, nhưng… "Loại bảo mẫu như thế cần băm vằm nó thành từng mảnh nhỏ" "phải treo cổ nó lên…".

Cũng chỉ vừa tuần trước đây thôi, "cộng đồng mạng" lại sục sôi cãi cọ chuyện có một tên trộm, mà chỉ là một chú "nhóc con" với đúng nghĩa của từ đó trèo vào nhà khác và theo những thông tin truyền thông chính thức thì bị chủ nhà chém "bê xê lết" - nghĩa là gần chết, máu me bê bết. Lại cãi nhau, và chủ yếu là lo ngại nếu không bạo hành "chú bé trộm" thì biết đâu lại xảy ra một vụ thảm sát kiểu Lê Văn Luyện nữa thì sao?

Ngược dòng thời gian, lại vụ thảm sát do Lê Văn Luyện gây ra - người ta đã từng sục sôi lên về việc phải cố gắng làm thế nào để tử hình được những người phạm tội chưa thành niên như thế này vì họ đã ra tay quá tàn bạo, lấy đi sinh mạng nhiều người. Thậm chí ý kiến như vậy còn xuất phát từ chính những người công tác trong ngành bảo vệ pháp luật.

Chúng ta sẽ băn khoăn rằng, việc "biểu lộ tình cảm nồng nhiệt" đến vậy, chúng ta được cái gì, và xã hội thì được cái gì?

Đáng tiếc là chẳng ai được cái gì cả, trái lại cái mất mới thực sự là nhiều. Ở đây có một sự lầm tưởng, thậm chí từ một số người nổi tiếng "người của công chúng". 

Thời nay là thời bùng nổ thông tin, không chỉ có thông tin chính thống mà cả những thông tin phi chính thống không được kiểm chứng, dạng "mỗi người là một thông tấn xã" thì việc nổi như cồn nhờ đưa thông tin lên mạng và thêm thắt bình luận cá nhân, không có gì khó khăn. 

Điều lầm tưởng, hoặc nhầm lẫn ở đây chính là ranh giới giữa tiêu cực và tích cực. Ngay trong một phản ánh, có thể có cả tích cực (thông tin, đánh giá trên cơ sở chuẩn mực đạo đức xã hội) lẫn tiêu cực (kích động bạo lực, thù hằn).

Cái hại của sự lẫn lộn, không phân biệt được rõ ranh giới của tính tích cực với tiêu cực là ở chỗ đó. Chúng ta thử tưởng tượng ngày nào cũng một vài chuyện đập vào mắt, ai cũng tham gia bình luận "thể hiện quan điểm" và trước cái sự quá tàn độc của hành vi đang bị phản ánh, thì việc chính chúng ta giữ được bình tĩnh là khó tránh khỏi. 

Bằng cách này hay cách khác, những cư xử đó của chúng ta tác động lên thế hệ trẻ, và con cái của chúng ta cũng chẳng ngoài vòng ảnh hưởng, chúng cũng sẽ bị tác động. Đến khi phát hiện ra con mình hư, thì đã muộn - nhưng chúng ta có khi cũng chẳng nhận ra là bản thân mình cũng có phần lớn lỗi lầm trong chuyện đó.

Cần phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng, thời điểm này với đa số chúng ta, mạng xã hội đóng một vai trò rất quan trọng.

Không phải cha mẹ là tấm gương cho con cái hay sao? Tất cả xuất phát từ tâm hồn con người ra hết, tốt đẹp cũng từ đó mà bạo lực, độc ác cũng từ đó. Vậy tại sao chúng ta không xây dựng cái tốt đẹp ngay từ trong chính bản thân mình trước đã? Hô hào trừng phạt, không cần đến lượt chúng ta, xã hội sẽ có những công cụ khác để làm việc đó. Hãy đặt chính mình vào địa vị lầm lỡ xem có sung sướng gì hay không.

Có một người tôi rất kính trọng nói rằng thời nay là thời của bạo lực tập thể ở trên mạng - điều này rất đúng. Bất cứ một cá nhân nào cũng có thể là nạn nhân của một vụ bạo lực như vậy. Chúng ta cứ thử tưởng tượng một ngày, bị ào ào bao nhiêu câu bình luận, như trong bài viết trước tôi viết là "từ nhẹ là cười cợt, đến mạnh là chế giễu, và nặng hơn nữa là rủa xả, sỉ nhục" thì chúng ta thấy cuộc đời có còn vui không? 

Người yếu tâm lý hoàn toàn có thể đi tìm những giải pháp tiêu cực, như tự kết liễu cuộc đời sau một trận như vậy được. Với mỗi người, nói một câu không khó; nhưng cũng với một người, hứng chịu nhiều câu như thế, vượt qua quả chẳng dễ chút nào.

Quay lại với ông "PGS Záo zụk," có cần bảo vệ ông không? Cá nhân tôi thấy không cần bảo vệ đề xuất của ông, vì nó thuộc về quan điểm cá nhân, có thể đúng, có thể sai, và nếu quan tâm thì có thể có ý kiến nhận xét, đây là điều tích cực. 

Mạng xã hội cung cấp cho chúng ta phương tiện rất tốt để làm việc đó. Cần phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng, thời điểm này với đa số chúng ta, mạng xã hội đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, ngay cả với tôi cũng vậy. Rất nhiều người nói "mạng xã hội như cái chợ" nhưng tôi thì thích mạng xã hội, và nhìn ở nó những cái tích cực, cũng như nhiều bài học từ những mặt tiêu cực của nó.

Nhưng với cá nhân ông PGS, tôi thấy rất cần phải bảo vệ ông, trước bạo lực tập thể mà cộng đồng mạng xã hội đang dành cho ông. Bắt đầu từ bảo vệ ông PGS, chúng ta sẽ tiến lên được những bước tiến mới trong chống "bạo lực tập thể về tư tưởng và ngôn từ". 

Đơn cử, khi chúng ta hiểu tại sao có rất nhiều nước bãi bỏ án tử hình, mà tỷ lệ phạm tội nói chung, và phạm tội nghiêm trọng có thể bị tử hình (theo luật cũ, tất nhiên!) lại giảm thì sẽ thay đổi rất nhiều trong nhận thức của chúng ta. 

Chúng ta sẽ hiểu việc bỏ án tử hình tạo điều kiện để xã hội giáo dục các cá nhân tốt hơn bằng việc bồi đắp một cái gốc rễ là tình thương yêu, thân thiện giữa con người với con người. Và khi cái gốc rễ này đã vững chắc dần lên, đương nhiên sẽ ít tội phạm hơn. 

Việc đổ lỗi cho xã hội này có nền giáo dục không hoàn thiện dựa trên kinh tế còn nghèo, không bỏ được án tử hình và xã hội khác thì phồn vinh, văn minh… là không thỏa đáng, vì vẫn có những nước nghèo nhưng thanh bình và con người chủ yếu sống thiện lương.

Đến đây, chúng ta đã có thể trả lời câu hỏi đặt ra sau câu chuyện rồi: "Chúng ta cần bảo vệ ai và bảo vệ cái gì?".

Điều chúng ta cần bảo vệ là những người yếu thế trong cái thời "bạo lực tập thể trên mạng xã hội"; và xa hơn, bảo vệ con em chúng ta và tương lai của chính chúng ta. Cái "hàng rào bảo vệ" ấy cần được dựng lên bằng sự tốt đẹp từ suy nghĩ đến lời nói và việc làm trong bản thân mỗi người, chứ không phải là sự thả rông cho con thú trong ta, muốn làm gì thì làm.

Khi bỏ đi được tâm tính độc ác trong mỗi con người thì tình thương yêu cũng được nhân rộng hơn, và xây dựng vững chắc hơn trong mỗi con người và toàn xã hội. Sự yên bình không thể có được nếu không có sự yên bình trong tâm hồn từng người chúng ta.

Thích Phúc Lai
.
.