Quấy rối tình dục ở công sở - những bông đùa đầy nguy cơ

Thứ Sáu, 27/04/2018, 16:43
Trên nhiều Facebook cá nhân của những phóng viên nữ vài ngày qua là hàng loạt câu chuyện về trải nghiệm cá nhân bị quấy rối tình dục bởi chính đồng nghiệp và sếp khi tác nghiệp.

Một phóng viên viết: “Chuyện nữ phóng viên đi tác nghiệp bị tấn công tình dục là rất dễ xảy ra, không cần xinh, không cần mồi chài.

Kẻ tấn công không chỉ là đồng nghiệp, cấp trên, mà còn có thể là nhân vật bạn gặp - trong bối cảnh công việc khiến bạn sẽ gặp rất nhiều người lạ. Một ông bác sĩ đầu ngành - chuyên gia số 1 của một trong những bệnh viện lớn nhất nước. Một ông quan chức ngang cấp thứ trưởng. Có thể sờ ngực, sờ mông... và chưa biết định làm gì tiếp theo, ngay trong lúc bạn thực hiện phỏng vấn, ngay tại bệnh viện đó, ngay tại văn phòng cơ quan đó”.

Câu chuyện quấy rối tình dục trong không gian tòa soạn không hề mới. Nhưng nó chưa bao giờ được nhìn trực diện như vấn đề tồn tại rõ ràng ở trong ứng xử thường ngày giữa các nhà quản lý và phóng viên của mình. Không phải chỉ có phụ nữ làm nghề phóng viên bị quấy rối, sờ soạng hay đùa bỡn khi tác nghiệp. 

Trong nhiều không gian sống khác tại Việt Nam, phụ nữ từ lâu đã là đối tượng của trò đùa về thể xác, sự bỡn cợt mang hàm ý quấy rối, làm nhục, quấy rối tình dục.

Năm 2017, khi hoa hậu người Bana H’Hen Niê đăng quang. Lập tức, một nhà báo nổi tiếng so sánh màu da sậm của cô với… bộ phận sinh dục của đàn ông. Vụ việc lan rộng và vấp phải sự lên tiếng nghiêm khắc buộc Bộ Thông tin và Truyền thông phải kỷ luật nhà báo đó và ông phải chính thức xin lỗi hoa hậu.

Không dừng lại ở đó, cuối năm 2017, khi đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu trở về, hãng hàng không Vietjet tổ chức một buổi chào mừng với nhiều người mẫu nữ diễn trang phục bikini trên máy bay. 

Chỉ trong vài giờ đồng hồ, hình ảnh thân thể nữ người mẫu Lại Thanh Hương đã xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội với bình phẩm cực kỳ nặng lời về cơ thể cô. Bình luận nhắm vào nhan sắc, giới tính, vòng hai, vòng ba… như thể cô chỉ là món đồ vật gì đó. 

Trang mạng cá nhân của cô trở thành kênh chính giúp “khán giả” thỏa sức mạt sát cô bằng lời lẽ bạo lực và xúc phạm nhân phẩm. Hình ảnh cơ thể của Thanh Hương được chế lại với đủ lời lẽ dâm ô nhắm vào cơ thể, cân nặng và vòng một của cô.

Nhưng sự đùa bỡn bằng lời lẽ kỳ thị giới tính không chỉ dừng ở trên mạng. Những khảo sát từ tổ chức ActionAid (1) trên 2.000 phụ nữ ở 5 thành phố tại Việt Nam cho thấy bức tranh nghiêm trọng hơn nhiều. 

Báo cáo này viết: “Khảo sát cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục và có tới 89% nam giới và người chứng kiến từng chứng kiến những vụ việc này. Các hành vi quấy rối tình dục thường thấy bao gồm huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm vào một bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và sờ mó một cách cố ý vào người đối phương. Thêm vào đó, 50% phụ nữ và trẻ em gái khẳng định rằng họ đã từng bị người đàn ông liếc mắt đưa tình”.

Trong không gian nhiều tòa soạn lớn, phóng viên nữ thường được coi như trò đùa trên bàn nhậu. Đồng nghiệp/sếp nam giới  nói về thân xác của phóng viên nữ bên chai bia. Các trưởng ban trao đổi phóng viên nữ cho nhau “giải trí” qua đường. Ở nhiều tờ báo lớn, chuyện các sếp một tối đi nhậu, nói vài câu, sau đó “tặng lại” cô cộng tác viên cho đàn anh là điều cực kỳ phổ biến.

Nhiều người thường hỏi vì sao phóng viên nữ dễ rơi vào những cái bẫy quấy rối như vậy? Bởi nhiều tòa soạn theo mô hình quản lý nhân sự cũ hiếm khi tuyển dụng phóng viên bằng thi cử hay có chuẩn thời gian làm việc là được ký hợp đồng. Họ có thể để mặc phóng viên làm danh phận cộng tác viên suốt nhiều năm và không có sơ đồ sự nghiệp rõ ràng. 

Khi ấy, các sếp có quyền ký tá trở thành người ban phát hợp đồng, theo kiểu: Em chiều anh thì anh ký phóng viên cho, muốn làm biên tập thì ghé qua anh, hoặc muốn ở lại báo thì cố lên với anh, anh tạo điều kiện cho.

Không có quy chuẩn về nỗ lực đạt được thành tựu hay hợp đồng trong nghề là yếu tố đẩy phóng viên nữ vào tình trạng dễ bị thao túng. Về giới tính, phóng viên nữ đã bị coi thường hơn nam giới khi tòa soạn chọn ký hợp đồng. Về cơ thể, họ dễ bị lợi dụng hơn. Hậu quả là nhiều nữ phóng viên bị đẩy vào thế nếu “chịu” sếp thì sẽ được an toàn.

Vài năm trước, khi vụ việc trưởng văn phòng một báo lớn có hành động quấy rối tình dục phóng viên bị phanh phui, một nạn nhân kể lại: “Khi tôi báo cáo tình trạng của mình với sếp thì bị nói là em suy nghĩ quá nhiều”. – 

Những kêu cứu của nữ phóng viên bị bỏ qua cho đến vài năm sau. Phóng viên này phải nghỉ việc để tự vệ. Khi số lượng nạn nhân bị quấy rối tăng lên, và tòa soạn phải cách chức trưởng văn phòng, nhưng đến nay ông vẫn là phóng viên của tòa soạn, trong khi các nạn nhân đều phải uất ức ra đi.

Trường hợp trên trùng hợp với một báo cáo năm 2014 của tổ chức ActionAid, khảo sát trên hơn 2.000 người tại TPHCM và Hà Nội. 

Kết quả báo cáo này viết: “Trên trung bình, có tới 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động phản ứng nào khi họ gặp phải các hành vi quấy rối tình dục ”.. 

“Đa số người trong nhóm nam giới/người chứng kiến (65%) chọn cách không làm gì khi họ bắt gặp hành vi quấy rối. Chỉ có 0,8% gọi điện trình báo cho đường dây nóng”. (1)

Khi những sự vụ quấy rối ở tòa soạn xảy ra, đa số nạn nhân trở thành người bị chĩa mũi dùi vào xăm xoi. Đồng nghiệp của tôi trong bài viết bị nói là “suy nghĩ nhiều quá”.

Cô kể lại: “Nói với cơ quan thì họ lại bênh nhau, nói tôi nghĩ quá, đặt điều. Rồi bảo không có chứng cứ, không lẽ phải bị lạm dụng rồi mới được coi là chứng cứ?”.

Nạn nhân thường bị chính đồng nghiệp nữ coi là “tại anh tại ả”, “ngủ để ký hợp đồng”, và bị cô lập, mà không hề được nhìn nhận lành mạnh từ cộng đồng các nữ phóng viên là họ bị đẩy vào thế khó khăn để có thể có hợp đồng nên chọn cách làm đó – cũng là con mồi sa vào cái bẫy của quy trình tuyển dụng không lành mạnh.

Kết quả, nạn nhân là người phải rời tòa soạn, bỏ nghề, uất ức, không thể lấy lại danh dự. Tòa soạn sẵn sàng hi sinh cộng tác viên chưa lành nghề hoặc là sinh viên, chứ tuyệt nhiên không hi sinh phóng viên điều tra tài giỏi, hoặc sếp cứng nghề. 

Có chuyên môn/ có kinh nghiệm được coi là kim bài miễn tử để nhiều sếp tiếp tục quấy rối liên tục các phóng viên nữ mới vào, sử dụng cộng tác viên như trò giải trí tình dục (miễn phí).

Rào cản lớn khiến nạn nhân không thể tìm lại được công bằng có cả “sự kỳ thị và phụ thuộc của phụ nữ” và “định kiến về giới tính và định kiến từ những nơi cung cấp sự hỗ trợ”. 

Những nạn nhân là nữ giới này đôi lúc buộc phải từ bỏ quá trình tìm lại sự công bằng vì họ “bị đối xử không tôn trọng và không nhạy cảm, bị buộc phải kể lại câu chuyện nhiều lần, khi trình báo bị từ chối, trình báo không được điều tra hoặc bị trì hoãn”…

Trong báo cáo của ActionAid mô tả cách nạn nhân bị đổ lỗi: “Trong nhiều trường hợp, phụ nữ cảm thấy xấu hổ và thậm chí bị xã hội kỳ thị nếu họ khai báo các hành vi quấy rối tình dục, bởi suy nghĩ đổ lỗi cho phụ nữ vì đã có hành vi sai trái gì đó nên mới bị đàn ông quấy rối tình dục vẫn còn tồn tại trong xã hội. 

Điều này lý giải vì sao phần đông phụ nữ và trẻ em gái có tâm lý dễ bỏ qua trong khi một số khác lại sợ tìm đến công an nhờ giúp đỡ. Chỉ có 1,9% phụ nữ khi được hỏi trả lời rằng họ sẽ trình báo với công an, những người khác cho rằng việc khai báo về hành vi quấy rối là hoàn toàn không đáng và không cần thiết”. (1)

Là một phóng viên nữ, tôi tin rằng không gian tác nghiệp ở các tòa soạn có thể an toàn và sạch hơn khi những chính sách về đạo đức hành nghề và quy tắc ứng xử nơi công sở được tôn trọng. Phóng viên nữ có quyền từ chối khi bị gọi đi nhậu, bị sếp ép đến các cuộc “họp” sau giờ ở quán nhậu, quán karaoke.. với mục tiêu “gặp nguồn tin” hay “làm quen với anh em”. 

Quy định thử việc, cộng tác viên phải có thời hạn, yêu cầu phóng viên chứng minh năng lực làm việc và ký hợp đồng làm việc với họ, thay vì để mặc cho số phận công việc phụ thuộc vào sự hài lòng của ai đó trong hàng ngũ lãnh đạo.

Xa hơn nữa, khi những sự việc như các tố cáo quấy rối tình dục được nêu lên trong tổ chức, nạn nhân (người tố cáo mình bị quấy rối) phải được bảo vệ, được tôn trọng và cơ quan sẵn sàng tiến hành các biện pháp điều tra độc lập và kỷ luật kẻ gây hại khi sự việc rõ ràng. 

Những hành vi như kỷ luật chuyển ban (cho có lệ), hay tỏ động thái coi thường nhân phẩm nạn nhân đều tạo điều kiện cho kẻ gây án tiếp tục có cơ hội quấy rối đồng nghiệp khác. 

Tòa soạn đó cũng bị nhìn nhận như một nơi dung túng cho kiểu hành vi như vậy phát triển. Những phóng viên trẻ hơn giờ đây có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn và xứng đáng được bảo vệ tốt hơn khi tác nghiệp.

Không gian tòa soạn dung dưỡng cho quấy rối tình dục không phải là nơi đẹp đẽ để yêu nghề.

Khải Đơn
.
.