Điểm Sử thấp kỷ lục, tại sao các bậc cha mẹ không nhận ra trách nhiệm của chính mình?

Thứ Năm, 26/07/2018, 11:08
Điểm sử thấp, những đứa trẻ nhầm lẫn "Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai anh em ruột", tại sao những bậc phụ huynh chỉ biết trách nhà trường... mà không nhận ra sự vô trách nhiệm của chính mình?

Chiều đổ bóng xuống con đường chính dẫn vào chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Hẳn nhiên, hỏi người Bắc Ninh “chùa Dâu ở đâu?”, ai cũng có thể chỉ dẫn nhiệt tình. Nhưng từ chùa Dâu đi ra, hỏi “đền Sĩ Nhiếp ở đâu?” thì mỗi người nói mổi kiểu, chả biết đâu mà lần. Lại có người hỏi ngược chúng tôi: Sĩ Nhiếp là ông nào nhỉ?

Có thể ai đó đang đọc bài báo này cũng buột mồm hỏi y như thế, rằng Sĩ Nhiếp là ai nhỉ? Xin được dẫn lại hai câu trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Vương (Sĩ Nhiếp) độ lượng, khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang có hàng trăm người". 

Theo tinh thần của Đại Việt sử ký cùng nhiều sử quan phong kiến thì Sĩ Nhiếp chính là người đầu tiên mang chữ Hán vào Giao Châu, đặt cột trụ cơ bản và quan trọng đầu tiên, tạo nên nền văn hiến Đại Việt sau này.

Thế nên Sĩ Nhiếp mới được tôn là "Nam Giao học tổ", đến thời nhà Trần lại tiếp tục được sắc phong bởi một chuỗi các mĩ từ: Thiện cảm Gia ứng Linh vũ Đại vương.

Đến thời Nguyễn lại có một cái nhìn khác về Sĩ Nhiếp, rằng ông là người theo lệnh triều đình phương Bắc sang làm thái thú, dù có là vị thái thú thương yêu dân chúng nhưng danh chính ngôn thuận thì chưa từng xưng vương bao giờ, "thế mà sử cũ cũng chép riêng thành một kỷ, nay tước bỏ đi" - những dòng ghi trong Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục. 

Sau này, trong cuốn Việt Nam sử lược nổi tiếng, sử gia hiện đại Trần Trọng Kim tiếp tục đặt vấn đề: "Nhà làm sử thường cho nước ta có văn học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến đó có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán cai trị đất Giao Chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao Chỉ đã có người học hành thi đậu hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có Nho học thì chẳng sai lắm ru?".

Tóm lại, đã và vẫn sẽ có những tranh luận khác nhau về Sĩ Nhiếp, rằng ông có đích thị là "Nam Giao học tổ" hay không? Nhưng bất luận thế nào thì các sử gia đều gặp nhau ở điểm, Sĩ Nhiếp là một trong hiếm hoi những vị thái thú (dưới thời thuộc Hán) khoan hòa, độ lượng, thương yêu dân chúng. 

Và bất luận ông có phải là người đầu tiên mang chữ thánh hiền vào xứ sở này hay không thì dưới thời của ông, chữ nghĩa được coi trọng, học hành được mở mang. Như thế, ông là một phần của lịch sử, đáng để người đời sau ghi nhớ! 

Thế mà một bộ phận không nhỏ người đời sau - những người đang sống trên mảnh đất mà ông từng cai trị 2000 năm trước lại không biết đền thờ ông nằm ở chỗ nào!

Một bà cụ bán nước mía ở ngoài chùa Dâu nói chắc với chúng tôi: "Đền Sĩ Nhiếp ấy à? Các bác cứ đi ngược trở lại". Nghe lời bà cụ, chúng tôi đi ngược trở lại, hỏi thêm vài người dân thì được dẫn đến một ngôi đền cổ nằm giữa cánh đồng. Một chị nông dân đang gặt lúa khẳng định: "Đấy! Đền Sĩ Nhiếp đấy". 

Vào đền, chúng tôi phát hiện ra, đấy không phải đền Sĩ Nhiếp, mà chỉ là một ngôi đền làng. 

Hỏi đi hỏi lại, hỏi tái hỏi hồi, cuối cùng chúng tôi quay ngược về phía chùa Dâu, đi tiếp lên vài km nữa thì bắt gặp một tấm biển chỉ dẫn rất lớn đặt ở lề đường: Đền thờ Sĩ Nhiếp - Nam Giao học tổ. Ồ! Biển chỉ dẫn to như thế mà một bộ phận không nhỏ dân chúng ở khu vực này cũng không biết chính xác ngôi đền thì lạ thật! 

Theo biển chỉ dẫn, chúng tôi rồi cũng tới được nơi cần tới. Đền bạc màu thời gian, nằm phía sau một rừng nhãn um tùm. 

Trước cổng đền treo một tấm biển nhỏ: "Đề nghị các cháu không đá bóng trong sân!". Như thế có nghĩa là gì? Như thế có nghĩa là nơi lẽ ra phải là một trung tâm văn hóa, tâm linh, nơi ghi dấu một phần vàng son của lịch sử hóa ra lại là nơi mà vào mỗi buổi chiều, những cháu nhỏ trong làng tới đây... đá bóng! 

Cụ thủ từ gần 90 tuổi, vừa giới thiệu ngôi đền với chúng tôi, vừa bảo: "Ít người đến lắm. Dân làng cũng ít, nói gì đến khách thập phương". Rồi cụ chỉ tôi đi vòng ra phía mép ngôi đền, nơi có lăng mộ Sĩ Nhiếp. 

Cơn mưa nhẹ đột nhiên đổ xuống, chắp tay cúi người trước mộ tiền nhân, vừa chân thành cảm nhớ tiền nhân, trong đầu tôi vừa vân vi một dòng suy nghĩ: Có phải chúng ta đã mất đi những cảm thức thiêng liêng về lịch sử - một lịch sử hiện hữu ngay trên mảnh đất mình sống, ngay dưới bước chân mình đi, ngay dưới khí trời mình thở?

Đất ấy, trời ấy là của hôm nay - đương nhiên rồi, nhưng đất ấy, trời ấy được chưng cất từ cả ngàn năm lịch sử, vẫn còn vang vọng lại một linh hồn lịch sử. Trong bộn bề đời sống hôm nay, chúng ta chỉ còn biết đến cái hôm nay, cái đang hiện hữu, mà mất đi những cảm thức, những rung động, những ghi nhớ về cái hôm qua - cái vô hiện hữu nhưng lại là cái thiêng liêng hồn cốt?

Nếu câu chuyện về ngôi đền Sĩ Nhiếp là chuyện ở một xã, một huyện, một làng quê thì hãy thử nghĩ mà xem, trong cái thành phố chúng ta đang sống mỗi ngày, mỗi con phố đều là một cái tên và mỗi cái tên đều là một phần lịch sử, nhưng khi đi trên những con phố ấy, chạm vào từng phần lịch sử ấy, những cảm thức về lịch sử có đột khởi trong lòng chúng ta không? 

Chẳng hạn như ở Hà Nội, nếu lấy hồ Gươm làm điểm mốc thì từ đó trở xuống lần lượt có 3 tuyến phố rất đẹp nằm song song với nhau: phố Hai Bà Trưng - phố Lý Thường Kiệt - phố Trần Hưng Đạo. Mỗi lần dắt con cái mình đi trên những con phố ấy, chúng ta có bao giờ thì thầm giải thích với tụi trẻ Hai Bà Trưng là ai? Lý Thường Kiệt là ai? Trần Hưng Đạo là ai? 

Có bao giờ nói với tụi nhỏ rằng, chúng ta đang vinh dự đi trên những con phố mang tên những vị anh hùng dân tộc? Từ năm 2012, Hà Nội triển khai hàng loạt bảng tên đường mới, kèm theo chú giải. 

Chẳng hạn, trên tấm biển ghi "Phố Hai Bà Trưng" có có 4 dòng chú giải ở dưới: "Hai Bà Trưng: tức hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Anh hùng dân tộc, đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân ta lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán...". 

Những chú giải như thế là rất ý nghĩa vì nó giúp những người đi đường được gợi nhớ lại một phần lịch sử. Nhưng liệu có bao nhiêu người đọc cho con cái mình dòng chú giải ấy, nói với những đứa con về những dòng chú giải ấy và giúp chúng có cái khả năng thổn thức với những cái tên đường - những  dòng chú giải tưởng rất khô khan nhưng lại thấm đẫm hồn vía ông cha ấy? 

Ở ngay trong lòng Hà Nội thôi, một Hà Nội "ngàn năm văn vật", một Hà Nội "vì hòa bình", một Hà Nội "chẳng thơm cũng thể hoa nhài" có bao nhiêu bậc bố mẹ đèo con đi trên phố Tây Sơn, qua gò Đống Đa và nói cho con mình cái ý nghĩa đơn giản của một chữ "gò"? 

Đền thờ Sĩ Nhiếp - Nam Giao học tổ.

Nếu chúng ta nói với tụi nhỏ rằng trong thăm thẳm lòng đất dưới "gò" là xương cốt của hàng vạn quân xâm lược và ở trên đỉnh "gò" có một tấm bia ghi nhớ công lao của một người anh hùng "Đánh cho nó biết nước Nam có chủ" thì tụi nhỏ có xúc động không? Có yêu lịch sử thêm không?

Lịch sử nằm ngay ở đó, ở mỗi địa danh, mỗi di tích, mỗi tên phố tên đường mà chúng ta qua lại mỗi ngày. Nhưng dường như chính chúng ta đã mất đi cái cảm thức lịch sử lẽ ra phải có ấy, nên chúng ta đã không thể truyền vào trái tim con cái mình những rung động lịch sử cần phải có, một lịch sử hiện hữu gần gũi mỗi ngày, chứ không phải là một lịch sử trong những cuốn sách giáo khoa mà chúng tiếp nhận khi đến lớp.

Mới đây, khi điểm số kỳ khi phổ thông trung học quốc gia được công bố và những tổng kết đại loại: "Đề sử dễ nhưng điểm thấp kỷ lục", rồi "80% thí sinh TP Hồ Chí Minh điểm sử dưới 5", "90% thí sinh Đà Nẵng điểm sử dưới 5" - những thống kê cũ rích thì chúng ta lại kêu gào những điều cũ rích: phải thay đổi cách dạy sử trong nhà trường! 

Thì đúng quá rồi! Nhưng bên cạnh cái đúng cũ rích ấy có bao giờ những bậc cha mẹ chợt nhận ra sự vô trách nhiệm của chính mình trong quá trình cùng con cái mình học sử và hiểu sử không?

Nếu mỗi ngày đưa con đi học, qua những con phố mang tên những vị anh hùng, mỗi bậc cha mẹ đều sống dậy những cảm thức về lịch sử, và truyền một phần cảm thức đó vào con em mình để giúp chúng có thể yêu lịch sử hơn, bằng một cách thức đơn giản, gần gũi mà dễ thấm thía hơn thì tình hình có bi đát đến mức này không?

Điểm sử thấp, những đứa trẻ nhầm lẫn "Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai anh em ruột", tại sao những bậc phụ huynh chỉ biết trách nhà trường, trách thầy cô giáo, trách sách giáo khoa, mà không nhận ra sự vô trách nhiệm của chính mình?

Pham Mỹ Chí
.
.