Tại sao dữ liệu có thể hiểu ta hơn chính ta?

Thứ Hai, 09/03/2020, 09:24
Số báo trước, cũng ở chuyên trang này, chúng tôi đặt ra vấn đề: “Tại sao “dữ liệu” thay đổi thế giới này?” nói về những tác động nhận thức mà dữ liệu có thể tạo ra ở thế kỷ 21. Rất nhiều độc giả gửi tới chúng tôi câu hỏi: vậy thì bên cạnh những tác động tích cực, chủ nghĩa dữ liệu có tàn phá đời sống con người hay không?


Thực ra, đây là một câu hỏi đã được đặt ra và trả lời ở rất nhiều tác phẩm mà điển hình nhất là tác phẩm “Big Data” (Dữ liệu lớn) của tác giả Viktor Mayer và Kenneth Cukier. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, chúng tôi xin trả lời câu hỏi dựa trên tinh thần của cuốn sách này và một cuốn sách nổi tiếng khác viết về văn minh con người của nhà nghiên cứu lịch sử Harari: “21 bài học cho thế kỷ 21”.

Khi chủ nghĩa dữ liệu lên ngôi, tác động tiêu cực đầu tiên có thể nằm ở chỗ: những góc bí mật nhất, khuất lấp nhất của con người sẽ bị thu hẹp lại. Hãy thử tưởng tượng, ở thế kỷ 19, để biết về một góc bí mật nào đó của một người A, chúng ta nhất định phải thuê thám tử âm thầm theo dõi người A.

Hình ảnh những thám tử với áo rộng choàng người, mũ phớt che mặt, tay vừa cầm tờ báo, vừa “bắt sóng” hàng loạt những tín hiệu xung quanh đã trở thành hình ảnh mẫu mực của rất nhiều bộ phim trinh thám. Nhưng, trong thời đại của “dữ liệu lớn” thì không cần một thám tử bằng da bằng thịt như vậy. Trong thời đại này, dữ liệu - con số - và các thuật toán thường trực giám sát chúng ta và sẽ là những thám tử vô hình trong đời sống của chúng ta.

Khi bạn viết 1 status lên mạng xã hội thì ở một trung tâm xử lý dữ liệu nào đó, người ta cũng giám sát bạn về mặt dữ liệu. Rồi bạn viết 10 status. Rồi bạn viết 100 status. Và thế là cái trung tâm xử lý dữ liệu sẽ phân tích 10 status, 100 status của bạn để “đọc vị” ra con người bạn, từ đó sẽ biết bạn là mẫu người nào: lý tính hay cảm tính, nóng nảy hay hiền lành, thích người trong nước hay người nước ngoài...

Nếu các status giám sát chúng ta về mặt đặc điểm viết lách (ít nhất là như vậy) thì Google sẽ giám sát chúng ta về đặc điểm truy cứu thông tin. Tổng hợp các thông tin truy cứu Google mà bạn thực hiện rồi sẽ trả lời xem: bạn có xu thế tra cứu các thông tin thời sự hay thông tin giải trí, thậm chí là trong thông tin giải trí, nó cũng trả lời rõ xem bạn ưa thích những kiểu giải trí nào.

Chưa hết, thẻ ngân hàng sẽ giám sát tài chính của bạn, những chiếc điện thoại có định vị sẽ giám sát các tọa độ di chuyển của bạn. Lúc ấy, bạn đang ở bất cứ cái ngõ ngách nào trong “thế giới nhỏ bé” này cũng đều có thể bị nhận diện.

Và, hãy thử tưởng tượng tiếp: sẽ có một trung tâm “siêu xử lý” nào đó có được tất cả những thông tin về tất cả những phương diện này: từ thói quen viết status trên Facebook đến thói quen tra cứu Google, từ dữ liệu trong thẻ ngân hàng đến những dữ liệu định vị trên điện thoại, khi ấy điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời là: khi ấy, cái trung tâm “siêu xử lý” ấy có thể hiểu bạn hơn chính bạn. Nó có thể nhận dạng được ngay cả những ngóc ngách bí ẩn nhất trong con người bạn.

Bạn sẽ phản bác: Vẫn có những ngóc ngách mà cái tập hợp những dữ liệu chết tiệt kia không thể nào đụng tới. Đó là cảm xúc. Bởi lâu nay chúng ta vẫn luôn cho rằng cảm xúc là cái đặc thù riêng có của loài người. Robot có thể thông minh hơn con người nhưng cũng sẽ thua con người ở phương diện cảm xúc. Vậy thì bạn lầm to!

Trong tác phẩm 21 bài học cho thế kỷ 21, sử gia Harari đặc một câu hỏi rất đáng suy nghĩ: Cảm xúc suy cho cùng là cái gì? Và ông trả lời: cảm xúc suy cho cùng cũng chỉ là sản phẩm của một quá trình sinh hóa trong một con người mà thôi. Vậy nên đến một thời điểm nào đó, nếu mỗi công dân ở một quốc gia đều được gắn một chiếc máy cảm biến trên cánh tay mình thì máy cảm biến ấy rồi sẽ đọc vị được những phản ứng sinh hóa tưởng là rất bí ẩn của chúng ta. Chiếc máy cảm biến ấy sẽ “đọc” ra ngay: các tế bào trên cơ thể ta đang va chạm ra sao, máu trong người ta đang di chuyển thế nào... và từ đó nó có thể trả lời ngay, chúng ta chuẩn bị đối diện với trạng thái cảm xúc nào: vui hay buồn, sung sướng vỡ òa hay bừng bừng giận dữ.

Tóm lại, việc xử lý dữ liệu của một chiếc máy cảm biến gắn trên cơ thể người rồi sẽ “đọc” được cảm xúc của người đó một cách tương đối chính xác. Và, chính vì vậy có thể nó sẽ dẫn đến một xu thế xử án chưa từng có trong lịch sử loài người: xử án dựa trên các khuynh hướng hành động, chứ không phải là bản thân hành động.

Ví dụ: tôi có thể xử án anh vì chiếc máy cảm biến trên cánh tay anh nói với tôi rằng, anh chuẩn bị giết người. Đây là một tình huống đã xuất hiện trong một bộ phim giả tưởng của Hollywood, khi toán cảnh sát lao vào ngôi nhà ở thị trấn nọ để bắt một người chồng vì các cảnh sát nghĩ rằng ông chồng này chuẩn bị giết vợ.

Và, nhiều người tin rằng trong tương lai, nó sẽ không chỉ là tình huống của một bộ phim Hollywood. Còn với Harari, ông đưa ra một giả định dễ hình dung hơn: ở một chế độ độc tài nào đó, những dữ liệu chứng minh rằng một công dân đang có những suy nghĩ thiếu tích cực về một nhà chính trị và chỉ cần có thế, công dân này hoàn toàn có thể bị bỏ tù.

“Ý tưởng xử phạt chỉ dựa trên các khuynh hướng là một ý tưởng tồi tệ. Để buộc tội một người vì các hành vi có thể xảy ra trong tương lai là phủ nhận nền tảng rất cơ bản của công lý: người này phải làm điều gì đó trước khi chúng ta có thể buộc anh ta chịu trách nhiệm về nó.

Xét cho cùng, nghĩ đến những điều xấu không phải là bất hợp pháp nhưng thực hiện chúng lại là bất hợp pháp. Đó là một nguyên lý cơ bản của xã hội chúng ta, rằng trách nhiệm cá nhân gắn liền với sự lựa chọn cá nhân của hành động. Nếu một người bị buộc phải dùng súng để bảo vệ sự an toàn của mình, anh ta không có lựa chọn nào khác và do đó không bị buộc chịu trách nhiệm” -  Viktor Mayer và Kenneth Cukier nhận định rất có lý trong tác phẩm Dữ liệu lớn.

Ảnh minh họa: L.G

Phá vỡ những góc khuất cá nhân; xử án, kết tội con người dựa trên các khuynh hướng, đấy vẫn chưa phải là tất cả những tác động tiêu cực mà “chủ nghĩa dữ liệu” có thể tạo ra cho đời sống con người. Khi chúng ta tin rằng dữ liệu trong rất nhiều trường hợp còn hiểu ta hơn chính ta thì việc nghe theo những mệnh lệnh dữ liệu chắc chắn sẽ được thực thi.

Vậy thì, khi một người đàn ông muốn lấy một cô gái, anh ta phải làm gì? Phải tìm hiểu cặn kẽ cô gái ấy chăng? Không cần! Phải về hỏi ý kiến của bố mẹ, họ hàng mình chăng? Cũng không cần. Điều duy nhất anh là cần làm là hỏi các thuật toán xem cái “tệp dữ liệu” của mình liệu có phù hợp với cái “tệp dữ liệu” của cô gái hay không. Nếu các thuật toán trả lời là không, anh ta sẽ phải tìm một cô gái khác có một “tệp dữ liệu” phù hợp hơn. Còn nếu thuật toán trả lời là có, anh ta nhiều khả năng sẽ có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Lúc này, không phải là “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, cũng chẳng phải là “con đặt đâu, bố mẹ ngồi đấy” mà là “dữ liệu đặt đâu, chúng ta ngồi đấy”.

Từ việc lấy vợ, lấy chồng đến chọn nghề, tuyển nhân viên..., tất tần tật, từ A đến Z, chúng ta đều chỉ nghe theo dữ liệu. Và nếu quả nhiên con người ứng xử với nhau dựa trên những tệp dữ liệu được xử lý bởi những thuật toán đa nhiệm và thông minh như vậy thì còn đâu nữa tính thiêng của đời sống con người?

Rõ ràng là dữ liệu lớn đem lại rất nhiều lợi ích trong việc “đọc vị” một con người cũng như quản trị một xã hội nhưng dữ liệu lớn một khi bị đẩy tới mức độc tài cũng sẽ tạo ra hàng loạt hệ lụy tàn khốc với đời sống nhân loại này.

Cho nên, điều quan trọng nhất của nhân loại thế kỷ 21 không phải là việc ủng hộ hay khước từ chủ nghĩa dữ liệu - cái thứ chủ nghĩa mà nhiều khả năng sẽ có tầm ảnh hưởng lơn hơn bất cứ thứ chủ nghĩa triết học nào. Điều quan trọng là phải tìm ra một mô hình tồn tại mẫu mực để vừa có thể tận dụng những lợi thế có một không hai của chủ nghĩa dữ liệu, vừa không để nó cuốn mình vào một sa mạc mang tên “độc tài dữ liệu”.

Phan Mỹ Chí
.
.