Ăn nhanh và ăn chậm

Thứ Năm, 12/03/2015, 15:38
Trong khi nhiều người hay nhắc đến “fast food” - thức ăn nhanh như một giải pháp cho việc ăn nhanh gọn và tiện lợi thì cũng không ít người trung thành với “slow food” - thức ăn chậm như là một hướng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và an toàn.

Mặc dù tới tận tháng 5/2015, Hội chợ quốc tế về ẩm thực Milan Expo 2015 mới chính thức được khai mạc tại thành phố Milan, Italia nhưng tới thời điểm này đã có tới gần 150 quốc gia đăng kí tham gia. Với chủ đề “Nuôi dưỡng hành tinh - Năng lượng cho cuộc sống”, Hội chợ Expo hướng tới những tiêu chí của phong trào Slow food – thức ăn chậm. Không chịu lép vế, đại diện của phe Fast food - ông trùm ngành công nghiệp thức ăn nhanh tại Mỹ McDonald’s - cũng tham gia hội chợ để quảng bá nhiều mặt hàng thức ăn nhanh. Xem ra cuộc chiến giữa hai xu hướng ăn nhanh và ăn chậm tồn tại gần 30 năm qua vẫn diễn ra với nhiều điều thú vị.

Ăn nhanh lên

Khái niệm “fast food” (thức ăn nhanh) là sản phẩm của cuộc sống hiện đại, khi con người ngày càng có ít thời gian để ăn uống và thư giãn, khi những bữa ăn chớp nhoáng trở nên tiện lợi để có thể tiếp tục làm việc, học tập và vui chơi. Nhưng sự thật thì dạng thức ăn chế biến sẵn lại xuất hiện từ lâu ở nhiều khu vực trên thế giới.

Ngay từ thời cổ đại, thức ăn dạng nấu chín gắn liền với sự hình thành của các đô thị. Trên đường phố của thành Rome cổ đại, người ta chủ yếu bán bánh mỳ, xúc xích và rượu vang. Còn ở các thành phố cổ La Mã, bữa sáng quen thuộc và tiện lợi là bánh mỳ ngâm rượu vang. Đồ ăn nhanh ở nơi đây chủ yếu phục vụ dân nghèo không có nhà ở, không có đủ điều kiện để nấu thức ăn riêng và du khách hành hương đến những địa điểm linh thiêng.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhanh chóng bị ảnh hưởng của loại hình thức ăn nhanh. Tuy nhiên có những thay đổi ở từng quốc gia để phù hợp với khẩu vị và truyền thống ẩm thực của người bản địa. Ở Trung Quốc, người dân chủ yếu ăn các món liên quan đến mì, gạo và thịt với cách chế biến chính là chiên thay vì hấp hoặc nướng. Còn ở Nhật, nhắc đến thức ăn nhanh là người ta nghĩ ngay đến sushi – món ăn từ cơm dấm, cá và tảo biển. Tương tự, pizza là một loại thức ăn nhanh phổ biến tại Mỹ với dây chuyền sản xuất trên toàn quốc.

Ở Anh, sự phát triển của các tàu đánh cá vào giữa thế kỷ XIX đã hình thành loại hình thức ăn nhanh được chế biến từ hải sản. Những cửa hàng bán thức ăn nhanh đầu tiên đã xuất hiện từ năm 1860, đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp thức ăn nhanh tại xứ sở sương mù. Trên cầu cảng ven biển, món ăn chế biến từ ốc, sò được bày bán nhiều; còn ở thủ đô London, dạng thức ăn liên quan đến cá chình đặc biệt được ưa thích. Hiện tại, bên cạnh việc ăn thức ăn nhanh, xu hướng sử dụng “slow food” - thức ăn chậm một cách lành mạnh vẫn phổ biến ở Anh.

Hình thức bày bán thức ăn nấu chín trên các đường phố đã trở nên quen thuộc từ rất lâu nhưng phải đến năm 1951, thuật ngữ “fast food” mới chính thức xuất hiện trong từ điển Mỹ. Thời điểm này người dân Mỹ bắt đầu rộ lên xu hướng ăn các loại thực phẩm được chế biến sẵn và phục vụ rất nhanh chóng, tiện lợi. Đầu tiên chỉ là các ki-ốt đứng bán hàng đơn giản và không phục vụ ăn tại chỗ. Đến nay, Mỹ là nước có ngành công nghiệp thức ăn nhanh lớn nhất thế giới với chuỗi các nhà hàng đặt tại hơn 100 quốc gia.

Sở dĩ thức ăn nhanh trở thành món ăn khoái khẩu cho nhiều người vì tiết kiệm được thời gian ăn uống, chi phí không nhiều và việc ăn trên đường đi làm, đi chơi là vô cùng tiện lợi. Các món ăn được chế biến và sản xuất theo dây chuyền công nghiệp nên có sự đồng nhất về mùi vị, màu sắc và chất lượng. Nhưng các sản phẩm “fast food” cũng bị chỉ trích gay gắt vì có ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, lạm dụng người lao động và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi mô hình ăn uống của người dân khiến họ rời xa các thực phẩm truyền thống.

Một nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa sự gia tăng lượng thức ăn nhanh trên toàn thế giới và việc ngày càng phổ biến tình trạng thừa cân và béo phì, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một nghiên cứu về cuộc khủng hoảng béo phì, trong đó kiến nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn để đảo ngược xu hướng tiêu thụ thức ăn nhanh.

Ăn chậm đi

Trong khi nhiều người hay nhắc đến “fast food” - thức ăn nhanh như một giải pháp cho việc ăn nhanh gọn và tiện lợi thì cũng không ít người trung thành với “slow food” - thức ăn chậm như là một hướng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và an toàn.

Phong trào “Slow food” - thức ăn chậm ra đời với logo có hình con ốc sên chính là một trong những hướng đi nhằm đảo ngược xu thế tiêu thụ thức ăn nhanh trên thế giới. Tổ chức “Slow food” được nhà hoạt động xã hội người Italia Carlo Petrini thành lập năm 1986 để phản đối việc mở một cửa hàng thức ăn nhanh của Hãng McDonald’s tại thành phố Rome.

Năm 1989, bản tuyên ngôn sáng lập phong trào “Slow food” được kí kết tại Paris, Pháp với các đại biểu của 15 quốc gia. Giờ đây, tổ chức này đã trở thành một phong trào quốc tế với hơn 100 nghìn thành viên đến từ 153 nước. Phong trào ăn chậm nhằm bảo tồn các giá trị ẩm thực truyền thống ở các địa phương và hoạt động sản xuất lương thực. Mục tiêu của phong trào chính là tiêu dùng các loại thực phẩm bền vững, chống lại xu hướng ăn thức ăn nhanh và toàn cầu hóa, bảo vệ các nhà sản xuất lương thực nhỏ ở các địa phương bằng một nhãn hiệu chung. Và “Slow food” trở thành một thương hiệu được đăng kí.

Tổ chức “Slow food” có trụ sở chính ở Italia và văn phòng đặt tại nhiều nước trên thế giới như Thụy Sĩ, Đức, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Anh… Với nỗ lực nhằm hạn chế tối đa sự xâm lấn của thức ăn nhanh, tổ chức này đã ra ấn phẩm về ẩm thực phát hành bằng nhiều thứ tiếng, tổ chức các hội chợ ẩm thực lớn hàng năm trong đó có lễ hội cá. Ngoài ra hoạt động thường niên của tổ chức này là hội nghị quốc tế về thực phẩm. Năm 2004, tổ chức “Slow food” đã thành lập Trường Đại học Khoa học ẩm thực (UNISG) tại Italia.

Sau gần 30 năm thành lập, “Slow food” ngày một lan rộng tạo sự gắn kết giữa các quốc gia có chung mối quan tâm đến thực phẩm bền vững. Ở Mỹ, song song với sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh là các phong trào ăn thức ăn chậm diễn ra sôi nổi với việc khuyến khích người dân tạo ra các khu vườn đô thị. Một số trường đại học của Mỹ được công nhận là trường “Slow food”, trong đó nổi bật là Trường Đại học Wisconsin ở tiểu bang Madison.

Phong trào “Slow food” hoạt động đặc biệt sôi nổi ở Anh với việc thành lập hiệp hội các đầu bếp cùng những cam kết bảo tồn đa dạng sinh học, chế biến thực phẩm sạch tại các địa phương. “Thực phẩm bị lãng quên” là một chương trình nổi tiếng ở xứ sở sương mù với việc phổ biến lại các thực phẩm lành mạnh nhưng có quy mô sản xuất nhỏ không trụ vững trên thị trường và đang có nguy cơ biến mất.

Nếu như “fast food” là sản phẩm của công nghệ chế biến thực phẩm siêu tốc thì “slow food” hấp dẫn vì mang lại cảm giác an toàn khi các cơ sở nông nghiệp không dùng biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng hay biến đổi thời vụ, không dùng hóa chất độc hại để tăng tốc các quá trình chế biến thực phẩm mà áp dụng các công thức cấy trồng, chăn nuôi và chế biến thực phẩm dựa theo các quy luật thiên nhiên và tôn trọng môi trường.

Ăn nhanh hợp lí

- Suất ăn cỡ nhỏ: Thay vì mua một chiếc bánh pizza cỡ đại, hãy chỉ dừng lại ở cỡ bánh nhỏ. Sẽ vẫn là một chiếc bánh và cảm giác của chúng ta bị đánh lừa. Cách này sẽ ngăn chặn được lượng chất béo, calo, đường đáng kể không bị tống vào cơ thể.

- Nước không thể thiếu: Song song với việc chọn một chiếc bánh cỡ nhỏ, sự lựa chọn thông minh sẽ là nước lọc, nước trái cây, nước soda uống kèm thay vì nước uống có ga.

- Rau thay nước sốt: Bạn thường thích cho thêm nước mayonnaise, nước sốt, nước thịt vào những suất ăn nhanh. Hãy từ bỏ thói quen bởi chính những thứ đó lại cung cấp chất béo và calo cho cơ thể. Hãy yêu cầu thêm rau xà lách cho món ăn nhanh của mình.

- Thay vì ăn các thực phẩm chiên, hãy hào hứng với các món nướng, hấp.

- Chọn lựa các cơ sở cung cấp thức ăn nhanh đảm bảo, có cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Ăn ở nhà: Tuy bất tiện và tốn thời gian hơn, nhưng nếu có thể, bạn hãy mua thức ăn nhanh về nhà. Bằng cách này, chúng ta không mất thời gian nấu nướng mà vẫn tránh được trường hợp gọi thêm các món ăn phát sinh.

Tiêu chí của “Slow food”

- Tốt: Chế độ ăn uống theo mùa, thỏa mãn các giác quan và là một phần của văn hóa địa phương.

- Sạch: Sản xuất thực phẩm và tiêu thụ mà không gây hại môi trường, không gây hại đến sức khỏe người dân cũng như chính các con vật nuôi.

- Công bằng: Thông báo chi tiết giá cả cho người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

Huyền Châm
.
.