An Nam trong mắt lữ khách thuở ấy

Xuyên qua những mảnh ghép phong tục, tập quán

Chủ Nhật, 19/04/2020, 09:22
Khác với những quan sát thiên nhiên cảnh quan ít nhiều nhàn nhã thư thái, ghi chép, mô tả và định hình về phong tục tập quán An Nam đòi hỏi lữ khách phải dấn thân thực sự. Không thể nắm bắt, cắt nghĩa được các phong tục An Nam vốn dĩ như “ma trận” nếu không có thời gian trải nghiệm dài lâu, không tận tâm lắng nghe người dân bản xứ giải thích, không tỉ mỉ tham khảo, đối chiếu tư liệu.

Nhưng như khách bộ hành trên con đường thiên lý gian khó, một khi đã bước qua được cánh cửa phong tục, họ sẽ trở thành người trong cuộc, chính ở nơi đây và ngay lúc này, với hành trang tri thức sâu dày và con mắt tinh tường ít ai bì kịp.

1. Có thể nói, các lữ khách, học giả Pháp đã dành cho phong tục tập quán An Nam một thái độ làm việc nghiêm túc và kiên trì. Một mặt, trước hết, họ không muốn bị cớm bóng bởi các Nho sĩ uyên bác bản địa vốn có nhiều lợi thế hơn khi xử lí, diễn giải các mảnh ghép văn hóa truyền thống.

Mặt khác, tâm lí e ngại thường xuyên bị người dân sở tại “dắt mũi” khiến họ nhanh chóng bám sát thực địa để thâu nhận càng kĩ lưỡng càng tốt những thói quen, tập tục sinh hoạt thường ngày trên mảnh đất xa lạ mà họ đang sinh tồn theo đúng nghĩa đen.

Charles Gosselin, một trong những người tiên phong và có thành tựu trong tiếp xúc, tiếp nhận đời sống văn hóa xã hội An Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đã thổ lộ chân thành trong cuốn Vương quốc Annam (L’empire d’Annam, 1904): “Sở dĩ tôi viết cuốn sách này là do bị thôi thúc bởi một ước muốn duy nhất là có thể cung cấp cho tất cả những ai hiếu kì muốn hiểu biết một tổng thể những thông tin chỉ dẫn trung thực về đế quốc An Nam, như nó đã từng tồn tại trong ngày hôm qua và nó đang tồn tại như chúng ta thấy được trong ngày hôm nay”.

Ước muốn có phần tham vọng đó của Gosselin, thực ra, cũng là mục tiêu chung của nhiều người Pháp, kéo dài vài thập niên và thú vị thay, đã kích thích một sự đối thoại lẫn tham chiếu từ chính những học giả An Nam xuất chúng.

Để công bằng hơn, cũng phải nói rằng, nhận biết về phong tục An Nam đã đem lại cho người Pháp những chân trời cảm xúc và kiến thức mới mà bản thân họ, do bị chi phối bởi tư duy “Châu Âu trung tâm”, “da trắng văn minh”, đã không thể lường trước đầy đủ.

Tính chất phong phú và riêng khác của văn hóa, tập quán thuộc địa khiến các nhà “thực dân chủ nghĩa” không chỉ phải thay đổi cái nhìn miệt thị mà dần trở nên thiện cảm, thậm chí là yêu mến với quốc gia bị coi là lạc hậu, thấp kém hơn họ về mọi mặt.

Có thể thấy khá nhiều thân danh đã gắn bó lâu dài và là những chuyên gia trong mô tả, phân loại và diễn giải hệ thống tập quán, tôn giáo tín ngưỡng An Nam như E. Luro, E. Diguet, J. Silvestre, E. Langlet, G. Dumoutier, P. Giran, P. Mus, L. Cadière, J. Przyluski...

Đi từ phong tục tập quán sang tôn giáo tín ngưỡng, với họ là những bước tiến tràn đầy say mê khám phá và ít khi thỏa mãn với kết quả của người đi trước. Vì thế, giữa các tác giả lại có sự bổ sung tiểu tiết hoặc vươn đến tầm phổ quát, trong đó, hàng chục tiểu luận của L. Cadière hay của G. Dumoutier, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học và tham chiếu.  

So với giới Nho sĩ bản địa ít có điều kiện đi thực tế, họ có lợi thế dịch chuyển nhiều nơi nhờ công việc hành chính hoặc chuyên môn, đặc biệt là thao tác khoa học hiện đại để cấu trúc hóa mạng lưới phong tục tập quán dày đặc.

Chẳng hạn, trong Tiểu luận về dân Bắc kỳ (1908), tuy theo hướng liệt kê chi tiết nhưng G. Dumoutier đã chủ ý qui các tập tục, thói quen sinh hoạt theo các nội dung lớn như “Xã hội”, “Gia đình”, “Trò chơi, thói quen, nghề nghiệp”, “Mê tín”...; trong Vùng đất An Nam (1897), E. Luro đã dành một số chương cuối để bàn về “Thờ cúng tổ tiên”, “Gia đình”, “Luật lệ xã hội”; trong Bắc Kỳ tạp lục (1903), H. Souvignet đặt ra một số chương đáng chú ý như “Tín ngưỡng đa thần ở An Nam”, “Tang lễ”, “Hôn nhân”...; Nhờ thao tác sắp xếp, cấu trúc mà các mảnh ghép phong tục, tín ngưỡng không bị hỗn loạn, ngược lại, như các mắt lưới đan xen gối tiếp, chúng hiện lên rất dễ nắm bắt. Và với độc giả Pháp thời đó, cách làm này chắc chắn giúp họ dễ hình dung những điểm tương đồng hay khác biệt giữa tập quán của nước Pháp và của An Nam.

2.  Nhưng sự tinh tế trong cái nhìn phong tục tập quán đôi khi còn nằm ở những phát hiện tuy nhỏ song sáng giá cùng một lối bình luận dí dỏm mà sâu sắc.

E. Diguet phát hiện ra “trưởng tộc là vị quan tòa hòa giải hợp pháp của mọi tranh cãi có thể xảy ra giữa các thành viên gia tộc”; E. Luro thì nhận thấy “dưới chế độ phụ quyền, tất cả những gì con cái họ làm ra, hoặc bằng lao động hoặc bằng tài nghệ, hoặc do vợ của họ mang về, hoặc do sự hào phóng của những người khác, tất cả đều thuộc về người cha, vị chúa tể của ngôi nhà”; J. Silvestre lại ngạc nhiên vì các nghi lễ cúng giỗ liên miên đã làm cho một số gia đình “bị khuynh gia bại sản trong chi tiêu cho việc mồ mả, cúng tế”; H. Souvignet thì bàng hoàng vì “tín ngưỡng đa thần ở An Nam tạo thành một tổng thể những kiểu thờ cúng rất đa dạng [...] tạo thành một bức tranh ghép tôn giáo độc đáo nhất”; P. Giran lại nắm rõ quan niệm vạn vật hữu linh của người dân, bởi với họ, “bầu trời, các vì sao, mặt đất, mưa, gió, sấm chớp, núi non, cây cối, tất cả ở một mức độ nào đó đã bị đồng hóa thành những sinh linh”...

Có nhiều tập tục liên quan đến chu kì vòng đời (sinh nở, trưởng thành, hôn nhân, tang ma) rất nhiêu khê phức tạp nhưng cũng được các nhà khảo cứu tường thuật cụ thể. Chẳng hạn, về tục “gọi rể”, G. Dumoutier cho biết: nếu gia đình nhà gái không có con trai nối dõi thì sẽ cho chàng rể tới và trong trường hợp đó, chàng rể được gọi bằng cái tên đẹp đẽ là “cục thịt thừa”; về nghi thức đưa tang, ông cũng có những cận cảnh: con trai cả phải bước giật lùi phía trước linh dư, lưng cúi gập, tay tì vào một cái gậy tre “đầu trên cao ngang ngực, phải tròn như trời, trong khi đầu dưới phải vuông như đất”, chiếc gậy của người con gái lớn dẫn đường đám tang bà mẹ hình dáng cũng như vậy nhưng làm bằng “gỗ vông”... Ngoài ra, các tập tục liên quan đến làng xã, hương đảng, một tập hợp những khế ước bất thành văn trải khắp các không gian sống và sinh hoạt cũng đã được nhận diện với độ chính xác khá cao. Đơn cử, về tục trọng lão, P. Ory viết: “Để tỏ lòng kính trọng người lớn tuổi, những cư dân từ sáu mươi tuổi trở lên, ở mọi cảnh ngộ và có lối sống tốt đẹp, đều được xếp vào hạng vai vế”.

Trên thực tế, khá nhiều tập tục truyền thống của An Nam trong tư liệu Pháp mô tả ngày nay không còn hoặc đã được lược giản, biến đổi. Nhưng vẫn còn đấy một số tập quán đã hằn sâu vào văn hóa, trở thành giá trị dân tộc. Chẳng hạn tục thờ tổ tiên của người An Nam từng được L. Cadière bàn luận và hẳn mang đến cho ông nhiều cảm xúc.

Theo vị linh mục này, gia đình của người An Nam không chỉ bao gồm người sống “mà cả những người chết”, “gia đình trở thành cả một ngôi đền”. Các mối liên hệ khi còn sống, vì thế, “không bị tháo gỡ vì cái chết”, ngược lại chúng “được thần thánh hóa trở thành kiên vững hơn và trường cửu”. Tục thờ tổ tiên được cả L. Cadière và E. Diguet coi là “tôn giáo bản địa” (religion domestique).

Tính chất mờ nhòe ranh giới giữa tập tục và nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống An Nam, không nghi ngờ gì nữa, là điều làm cho các lữ khách có cảm giác như đi vào một đại lộ mênh mông với vô số qui ước vừa cần tuân thủ triệt để vừa mềm dẻo, linh hoạt châm chước nhất định.

Các lữ khách, rút cuộc, đành phải lựa chọn thái độ “kính nhi viễn chi” cùng lưu ý rằng, chớ vội vàng tự mãn đã thấu hiểu hoàn toàn, bởi “những người An Nam đã luyện hợp, mà không phải là bao giờ cũng hiểu rõ, trong lò đúc của trí thông minh chất phác và nguyên thủy của họ, những hồi tưởng của các nhà siêu hình Ấn Độ, những lễ tế vi thần học, chủ nghĩa duy vật của các nhà Đạo học, những quan niệm biểu tượng và triết học của những người Trung Hoa” (G. Dumoutier).

Cũng có những tập tục “quái dị” mà khía cạnh mê tín đã kịp len vào khiến chúng tồn tại dài lâu. Hầu như tập tục nào của người An Nam cũng phảng phất màu sắc mê tín, ma thuật và người dân một mực làm theo là còn vì nỗi âu lo dai dẳng về bệnh tật, nghèo đói hay chết chóc.

Các kiêng kị, cấm đoán án ngữ thế giới tinh thần người An Nam được học giả Pháp cảnh báo như là hệ quả của “ngu dốt”. Những dân tộc ngủ quên trong hi vọng hão huyền, ảo tưởng hoang đường, theo họ, sẽ có nguy cơ bị mai một.

3.  Đó cũng là quan điểm của học giả An Nam cùng thời như Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, những người đã rất mực duy tân trong chính nhận thức về phong tục, văn hóa, văn minh An Nam. Vậy là, ít nhất, trên lộ trình hiện đại hóa Việt Nam đầu thế kỉ XX, nhiều trí thức Pháp và Việt đều dừng lại ở phong tục tập quán, bảng chỉ dẫn quá khứ nhưng đồng thời là trọng tâm bài toán loại bớt cái dở, lưu giữ cái hay ra sao để hiện tại, tương lai nhẹ gánh mặc cảm và tự tin, mạnh mẽ tiến bước. 

Đón đọc kỳ 5: Những phác thảo “hay ít xấu nhiều” về tính cách người Việt 

Mai Anh Tuấn
.
.