Các ‘ông lớn’ làng công nghệ thế giới năm 2015: Vươn vòi bạch tuộc

Thứ Hai, 02/02/2015, 17:04
Năm 2014 đã khép lại với nhiều sự kiện công nghệ đáng chú ý. Từ khoảnh khắc Apple giới thiệu 2 mẫu iPhone 6 và iPhone 6 Plus cho đến những vụ sáp nhập tiền tỷ, hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn, và sự vươn lên của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc.

Vậy câu chuyện nào sẽ xảy ra trong năm 2015 – thời điểm được dự đoán sẽ tiếp tục do các “ông lớn” thống trị? Đó có thể là sự thay đổi của Microsoft dưới thời CEO mới, Uber tuyên chiến với thị trường taxi rộng lớn trên khắp thế giới, việc Apple chính thức nhảy vào cuộc chiến “màn hình to” cùng đồng hồ thông minh, hay “đề tài muôn thuở” Facebook và những thương vụ mua bán khổng lồ?.

Microsoft và câu thần chú của Nadella

Khi vị thủ lĩnh gốc  Ấn Độ Satya Nadella tiếp quản ghế CEO vào ngày 4/2/2014, Microsoft đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của triều đại “độc tài” Ballmer – cựu CEO đồng thời là cổ đông lớn của Microsoft. Hãng công nghệ Mỹ này đắm chìm trong chiến lược “thiết bị và dịch vụ” mà Ballmer đã xây dựng trước đó quá lâu.

Nhiều người có thể cho rằng di sản Ballmer để lại khiến Nadella không đủ thời gian tạo nên ảnh hưởng của mình trên mọi mặt của Microsoft. Nhưng đã có nhiều thay đổi xảy ra dưới sự lãnh đạo của Nadella, hứa hẹn Microsoft sẽ chuyển mình đáng kể trong thời gian tới đây.

Với nhiệm vụ xây dựng chiến lược mới, củng cố và phát triển vị thế của Microsoft, Nedella luôn nói về câu khẩu hiệu “mobile first, cloud first” ưu tiên tính di động và điện toán đám mây, với 3 mảng kinh doanh chiến lược Windows, Office 365 và Azzue. Dưới thời Nadella, Microsoft cũng không ngần ngại phát hành miễn phí Office cho iPad và iPhone, thậm chí ứng dụng này được khen ngợi, hoạt động còn tốt hơn trên “gà nhà” Windows.

Trong năm 2014, về mảng phần cứng, Microsoft cũng đã cho ra mắt chiếc máy tính bảng 12 inches - Surface Pro 3, với cover bàn phím và bút cảm ứng, hướng tới những người dùng chuyên nghiệp, nhận được nhiều lời khen ngợi. Năm 2014 cũng là năm đánh dấu việc Nokia chính thức về tay Microsoft, tạo điều kiện cho Microsoft có thể kiểm soát toàn bộ sản phẩm của mình từ hệ điều hành đến phần cứng.

Câu thần chú “mobile first, cloud first” của Nadella cho thấy một tầm nhìn xứng đáng nhận điểm A. Rõ ràng, nhiều năm lãnh đạo mảng điện toán đám mây tại Microsoft đã giúp ông tìm thấy một “lối thoát” tương lai của Microsoft phù hợp với xu hướng mới. Mặt khác, Nadella liên tục lặp lại mục tiêu cốt lõi là gia tăng năng suất. Điều được Microsoft hô hào qua nhiều thập kỷ, tới mức gây nhàm chán cho hầu hết mọi người trước đây, bây giờ được Nadella “tái phát minh” và cụ thể hóa theo hướng tập trung phát triển Office cho nhiều nền tảng và các ứng dụng Windows.

Trong năm 2015 sắp tới, có 2 điểm mà người nắm giữ vị trí CEO của Microsoft rất cần chứng tỏ: sáng tạo và sẵn sàng thay đổi. Nadella phải giải quyết được những tồn đọng của Nokia và ngăn chặn Google ngừng “xâm lấn” miếng cơm của mình bằng các ứng dụng Google Apps và hệ điều hành Chromebook. Ông cũng phải cải tổ lại đội ngũ bán hàng doanh nghiệp để gắn kết với thái độ và mục tiêu mới của Microsoft. Nadella cũng cần “làm phép” để Windows 8 được yêu quý, nếu không thì chính ông sẽ phải tạo ra những hệ điều hành mới và các thiết bị di động có thể “mê hoặc” được người dùng.

“Vòi bạch tuộc” của Uber

Uber ra đời từ năm 2009, cho phép kết nối dịch vụ giữa những xe nhàn rỗi và khách hàng có nhu cầu. Cho tới năm 2014, cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh có kết nối mạng và GPS, Uber mới thực sự bùng nổ. Hoạt động trên nền tảng công nghệ cao, kết nối giữa mạng di động, GPS và thanh toán qua thẻ, Uber trở nên vô cùng tiện dụng so với loại hình taxi truyền thống. Khách hàng có thể dễ dàng nhìn thấy vị trí di chuyển của xe, tính toán quãng đường hay thanh toán chỉ thông qua chiếc điện thoại sau khi tạo tài khoản.

Được định giá khoảng 17 tỷ USD và có mặt trên 36 quốc gia, Uber được nhiều người dùng ủng hộ và vẫn rất hứa hẹn phát triển trong năm 2015. Giá rẻ cùng xe xịn, Uber đang định “giết” hẳn taxi tại nhiều thành phố lớn. Có lẽ các hãng taxi phải tìm ra một giải pháp mới kết nối với khách hàng, nếu muốn cân bằng lợi thế với Uber.

Tuy nhiên, trong kinh doanh, không có ai bỏ tiền ra mà không nhằm mục đích kiếm lại số tiền lớn hơn. Uber có chính sách thu cước “surge pricing” – tăng giá khi thiếu xe. Rất có thể khi các hãng taxi đầu hàng, Uber thoải mái “làm giá”, và người sử dụng dịch vụ sẽ phải trả những khoản tiền đắt hơn cả đi taxi truyền thống.

Hiện nay, Uber đang phải đối mặt với những tranh cãi về mặt pháp lý tại hầu hết các quốc gia do vấn đề lái xe thiếu giấy phép và môi trường cạnh tranh không công bằng. Uber vấp phải sự phản kháng rất mạnh từ hiệp hội lái xe taxi tại các quốc gia mà dịch vụ này có mặt, thậm chí là những chỉ trích về việc theo dõi, nghe lén và đe dọa nhà báo.

 Một số chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo tin tặc có thể tấn công Uber và ăn trộm dữ liệu nhạy cảm về hoạt động đi lại của vô số người. Ở một số quốc gia như Thái Lan,  Ấn Độ, Hà Lan và Tây Ban Nha, dịch vụ này đã bị cấm hoạt động. Và mới đây, vụ tài xế Uber tại  Ấn Độ bị cáo buộc hãm hiếp một hành khách càng làm dấy lên nỗi lo ngại khi sử dụng dịch vụ này.

Theo các chuyên gia, chính phủ phải thành lập cơ quan giám sát việc sử dụng dữ liệu khách hàng để đảm bảo rằng người sử dụng hiểu rõ về quy trình thu thập dữ liệu và có quyền lựa chọn vô hiệu hóa tính năng đó. Liên minh châu  Âu đã đề ra các quy định quản lý dữ liệu cá nhân. Nếu có quản lý tốt và thích đáng từ phía Uber, nó sẽ là một phương tiện vận tải thú vị và rẻ tiền đối với xã hội. Nhưng cũng giống như mọi cái mới trên đời, Uber cần thêm thời gian và sự điều chỉnh để có thể tạo được niềm tin vững chắc từ khách hàng.

Apple “khiêu chiến”

Kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên với màn hình 3.5 inches ra mắt năm 2007, Apple trung thành với “tỉ lệ vàng” này trong 5 năm cho tới tháng 9/2012 mới giới thiệu chiếc iPhone 5 màn hình 4 inches. Tuy nhiên, tháng 9/2014, Apple chính thức nhảy vào cuộc đua màn hình lớn với iPhone 6 - 4.7 inches và iPhone 6 Plus - 5.5 inches.

Chậm chân khá lâu so với những “ông lớn” như Samsung, Sony, LG và cả HTC trong phân khúc màn hình lớn, nhưng sự ra mắt của cặp đôi iPhone thế hệ mới vô cùng ấn tượng. iPhone 6 và iPhone 6 Plus liên tục “cháy hàng” ngay trong tháng đầu tiên ra mắt. CEO Tim Cook từng tuyên bố rằng không phải Apple không thể sản xuất một chiếc iPhone màn hình lớn sớm, mà hãng muốn “làm ra một chiếc điện thoại tốt hơn ở mọi mặt”.

“Một sản phẩm tốt hơn” cũng có thể dùng để ám chỉ đến Apple Watch - chiếc đồng hồ thông minh đã được giới thiệu, nhưng phải tới đầu năm 2015 mới được Apple bán ra. Sony, Samsung hay LG đều đã đi trước Apple trong việc sản xuất Smart Watch với những chiếc máy có giá khoảng 200 USD/chiếc, trong khi là “kẻ đi sau” Apple định giá Apple Watch ở mức từ 349 USD. Apple Watch có kiểu dáng khá bắt mắt, kích thước 1.5 inches và 1.65 inches, màn hình Retina với ba phiên bản Apple Watch, Apple Watch Sport và cao cấp nhất là Apple Watch Edition với vỏ mạ vàng 18 karat.

Dưới thời Steve Jobs, Apple đã định nghĩa lại các khái niệm về máy nghe nhạc, điện thoại thông minh, máy tính bảng hay laptop. Và giờ đây, “táo cắn dở” cũng muốn viết lên một câu chuyện tương tự với Apple Watch. Chưa nhiều người hình dung được về cách mà Apple Watch sẽ thuyết phục thế giới, nhưng với những gì Apple đã làm được với hàng loạt các sản phẩm cao cấp trước đó thì có lý do để tin rằng, những chiếc đồng hồ thông minh Apple cũng sẽ trở nên khác biệt.

Facebook chưa bao giờ ngại… chi tiền

Những vụ mua bán của Facebook luôn trở thành đề tài trong giới công nghệ, và sẽ còn tiếp tục được đem ra bàn luận. Tháng 2/2014, CEO Facebook Mark Zuckerberg làm thế giới sửng sốt khi thực hiện một trong những thương vụ lớn nhất của làng công nghệ là mua lại ứng dụng nhắn tin miễn phí WhatsApp.

Thương vụ mua WhatsApp được thanh toán bằng 12 tỷ USD cổ phiếu Facebook, 4 tỷ USD tiền mặt và thêm 3 tỷ USD cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng dành cho các sáng lập viên WhatsApp cũng như nhân viên trong vòng 4 năm tới. Đây là khoản tiền khổng lồ đối với một công ty thành lập cách đây 5 năm trong trào lưu phát triển ứng dụng di động và hiện mới chỉ có 55 nhân viên.

Thương vụ được cho là sẽ tăng cường sức lan tỏa cho mạng xã hội lớn nhất thế giới có 1,2 tỷ người dùng nhờ vào 450 triệu người sử dụng WhatsApp, trong bối cảnh ông chủ của Facebook đang tìm cách tăng thêm người sử dụng trên điện thoại di động.

Mark Zuckerberg nói rằng WhatsApp có thể sẽ đạt 1 tỷ người sử dụng trong vài năm tới nhờ sự hỗ trợ của Facebook. Ứng dụng này đã trở thành một sự thay thế rẻ tiền cho các tin nhắn văn bản đối với nhiều người và đóng góp vào sáng kiến Internet.org của Zuckerberg nhằm kết nối thế giới trên điện thoại di động.

Chỉ một tháng sau, Facebook thực hiện thêm một cuộc mua bán nữa trị giá 2 tỷ USD để mua lại hãng Oculus - nổi tiếng với bản thiết kế kính thực tế ảo Oculus Rift dự kiến ra mắt thị trường vào cuối năm 2015. Oculus cho ra mắt chiếc kính đầu tiên của mình vào năm 2013.

Hãng liên tục đưa ra những cải tiến mới như hỗ trợ độ phân giải HD, âm thanh 3D về sản phẩm và nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các ông lớn trong làng công nghệ. Mặc dù thương vụ này gặp phải sự chỉ trích gay gắt từ ngành công nghiệp game nhưng Facebook chắc chắn rằng Oculus và Oculus Rift sẽ là yếu tố then chốt để phát triển công nghệ thực tế ảo ở tương lai.

Mark Zuckerberg kỳ vọng dưới sự hỗ trợ hùng hậu từ Facebook, Oculus sẽ cho phép người dùng trải nghiệm những điều hoàn toàn mới với Oculus Rift, mà trước đó không một thiết bị nào có thể làm được và tạo nên những đột phá lớn trong năm 2015…

Trần Quân
.
.