Tàu vũ trụ X-37B của Mỹ trở về trái đất

“Vũ khí tuyệt mật” và nghi án gián điệp vũ trụ

Thứ Sáu, 14/11/2014, 16:33

Ngày 17/10 vừa qua, tàu vũ trụ không người lái X-37B của không quân Mỹ đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Vandenberg ở miền trung California. Mẫu tàu không gian với vẻ ngoài tương tự một tàu con thoi thu nhỏ của NASA trở về sau 674 ngày trên quỹ đạo. Không quân Mỹ cho biết chiếc tàu vũ trụ do Boeing chế tạo thực hiện nhiệm vụ giảm thiểu rủi ro, tiến hành thí nghiệm và phát triển các ý tưởng dành cho công nghệ phương tiện vũ trụ tái sử dụng. Tuy nhiên thông tin chi tiết của sứ mệnh mà X-37B thực hiện vẫn là một bí mật.

Bí mật xung quanh thông tin về X-37B đã làm dấy lên nhiều giả thiết xung quanh mục đích hoạt động của nó trong thời gian qua. X-37B có thể là công cụ hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động do thám của Mỹ, hoặc nhờ chiếc máy bay này, một vệ tinh nhỏ có thể triển khai ở tầm quỹ đạo mong muốn. Trong khi đó, một số thông tin khác cho rằng X-37B được trang bị vũ khí và hoạt động như một bản sao trên không gian của máy bay không người lái Predator.

Dự án tối mật của Quân đội Mỹ

X-37 là máy bay vũ trụ gọn nhẹ nhất hoạt động trong không gian vũ trụ. Nó có 3 phiên bản X-37A, X-37B và X-37C, với phiên bản sau lớn hơn và hiện đại hơn phiên bản trước. Cho đến nay, chỉ có X-37B và tàu con thoi Buran của Liên Xô tiến hành các chuyến bay không người lái trên vũ trụ và trở về trái đất an toàn. Cụ thể, máy bay vũ trụ X-37B có chiều dài 8,9m, chiều cao gần 3m và có sải cánh 4,5m. Nó nặng khoảng 5 tấn và được đưa lên không gian bằng tên lửa đẩy Atlas V.

Kể từ năm 2013, X-37B giữ kỷ lục thế giới về máy bay vũ trụ tự động không người lái nhỏ nhất thế giới. Tốc độ bay của X-37B vào khoảng 3,1 km/s và nó có thể liên tục thay đổi quỹ đạo bay. Nó được thiết kế với hai cánh đuôi đứng tương tự như máy bay chiến đấu, cho phép hạ cánh bất cứ nơi đâu mà không cần phải xác định quỹ đạo từ trước. Điều này phản ánh quan điểm thiết kế hoàn toàn mới cho nhiệm vụ của máy bay vũ trụ không người lái.

Việc chiếc X-37B hạ cánh mới đây đã chấm dứt nhiệm vụ dài ngày nhất của nó tính đến hiện nay, trong “Chương trình X-37” bí mật do không quân Mỹ phụ trách. Lúc đầu, Chương trình X-37 là một dự án của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và được phát động trong năm 1999. Sau đó, Chương trình X-37 được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm 2004 và trở thành một nhiệm vụ bí mật. X-37B tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 7/4/2006, được thả từ trên không, tại căn cứ không quân Edwards ở California.

Chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của X-37B được tiến hành vào ngày 22/4/2010 và sử dụng tên lửa đẩy Atlas V. X-37B trở về Trái đất an toàn vào ngày 3/12/2010. Chuyến bay vũ trụ thứ hai của X-37B được tiến hành vào ngày 5/3/2011 và trở về trái đất ngày 16/6/2012. Trong sứ mệnh mới nhất này, X-37B được phóng vào quỹ đạo ngày 11/12/2012, từ căn cứ không quân Cape Canaveral ở bang Florida. Được biết, không quân Mỹ đang chuẩn bị thực hiện sứ mệnh thứ tư với X-37B từ Cape Canaveral vào năm 2015.

Một trong những nhiệm vụ của X-37B là tiếp cận các vệ tinh trên quỹ đạo để nạp nhiên liệu và thay thế các tấm pin mặt trời bị hư hỏng. Không quân Mỹ từng tuyên bố X-37B được phát triển nhằm “thử nghiệm các công nghệ về một tàu vũ trụ của không quân có khả năng đáng tin cậy, tái sử dụng và không người lái”. Trong số các công nghệ được X-37B thử nghiệm, có hệ thống cách nhiệt tiên tiến, hệ thống hoa tiêu hiện đại và hệ thống điều khiển tự động. Hệ thống cách nhiệt của X-37B cũng sử dụng các viên ngói silic như các tàu con thoi trước đây. Theo NASA, việc phát triển X-37B nhằm phục vụ cho việc thiết kế chế tạo máy bay vũ trụ để làm nhiệm vụ cứu hộ trên vũ trụ và đưa các phi hành gia cùng các thiết bị lên và rời trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Nhiều giả thiết cho rằng phi thuyền X-37B có thể dùng để giám sát trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc.

Thoạt tiên, Lầu Năm Góc dự định kéo dài chương trình thử nghiệm X-37B trong vòng 9 tháng, nhưng trước kết quả hữu hiệu vượt quá sự mong đợi nên đã quyết định cho phi thuyền không gian tiếp tục sứ mạng cho đến lúc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy thông tin về các trang thiết bị của X-37B được liệt vào hàng siêu mật, nhưng giới chuyên viên quốc tế am hiểu nhận định rằng con tàu không người lái này là một dạng vũ khí đánh chặn, có thể làm tê liệt vệ tinh đang bay của đối phương, cũng như dùng bom hoặc tên lửa tấn công mục tiêu dưới mặt đất từ độ cao 390km.

Nhưng khi X-37B ở trên quỹ đạo hơn 22 tháng sau lần phóng thứ ba, có nhiều đồn đoán về các ứng dụng khác - trong đó có việc thử nghiệm một loại vũ khí không gian hoặc thực hiện nhiệm vụ tình báo. Giới phân tích sành sỏi cho rằng việc phóng các thiết bị bay tương tự đã đạt được thành công mỹ mãn, chứng tỏ người Mỹ hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật đưa phương tiện bay lên quỹ đạo rồi trở lại mặt đất. Theo đó, người Mỹ đang rắp tâm bố trí hệ thống đánh chặn trên quỹ đạo, tiếp nối Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) do cố Tổng thống Ronald Reagan khởi xướng. Và thế hệ phi thuyền không người lái mang ký hiệu “X” luôn thuộc dạng tuyệt mật này chỉ là bước khởi đầu.

Một số nhà quan sát khác lại nhận định rằng, không quân Mỹ có thể chỉ đang tận dụng khả năng tiêu hao nhiên liệu hiệu quả đến đáng kinh ngạc của X-37B, và giữ nó trong không gian càng lâu càng tốt để quảng bá khả năng cũng như bảo vệ nó khỏi việc cắt giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng. Họ cho biết thỉnh thoảng X-37B lại thay đổi quỹ đạo bay. Giáo sư Joan Johnson thuộc Trường cao đẳng Chiến tranh hải quân Mỹ giải thích: “Một mục đích thử nghiệm của không quân Mỹ là khả năng cơ động của phi thuyền. Quỹ đạo vệ tinh rất dễ đoán nên dễ bị vũ khí chống vệ tinh triệt hạ”. Theo bà, quân đội Mỹ từ lâu đã quan tâm đến việc phát triển các khả năng “né tránh, cơ động và khó dự đoán” đối với một phi thuyền không gian.

Gián điệp đội lốt khoa học

Về góc nhìn kỹ thuật quân sự, tàu con thoi không gian X-37B có thể dùng để trinh sát và giám sát tình hình đối phương, báo động sớm việc phóng tên lửa của đối phương. Nó được dùng làm phương tiện mang các loại vũ khí tên lửa, vũ khí la-de, vũ khí vi ba hay vũ khí động năng có thể tấn công tất cả các mục tiêu trên biển, trên mặt đất, trên không và trên vũ trụ. Các chuyên gia quân sự cho rằng, máy bay vũ trụ còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân, bởi lẽ trong vòng 1-2 giờ, nó có thể bay tới bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất với tính bất ngờ cao.

Spaceflight - tạp chí về khoa học vũ trụ hàng đầu của Anh - nhận định phi thuyền X-37B có thể dùng để giám sát trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc (được phóng thành công lên không gian hồi tháng 9/2011). “Giám sát lẫn nhau từ vũ trụ là một hướng đi mới và hoàn toàn có thể thực hiện được với các bộ cảm biến cực nhạy... Tôi nghĩ rằng X-37B có thể dùng để theo dõi chặt chẽ trạm vũ trụ còn non trẻ của Trung Quốc”, tiến sĩ David Baker - biên tập viên của Spaceflight - nhận định.

Tên lửa đẩy Atlas V đưa tàu vũ trụ X-37B vào không gian từ bệ phóng ở Cape Canaveral vào ngày 11/12/2012.

Giả thuyết này dựa trên phân tích quỹ đạo bay của X-37B. Với sự linh hoạt, X-37B mang lại một khả năng hoàn toàn mới để triển khai nhanh chóng các hệ thống giám sát trên toàn cầu. X-37B rất khó bị phát hiện do bay quanh trái đất với quỹ đạo không lặp lại. Thân tàu khá lớn nên hoàn toàn có khả năng mang theo các vệ tinh do thám nhỏ và triển khai các vệ tinh này tại quỹ đạo một cách nhanh chóng.

Chiếc X-37B không hiểu vô tình hay cố ý cứ bay được 170 vòng thì tiến sát Thiên Cung 1 cho nên các nhà thiên văn châu Mỹ và châu Âu theo dõi các vật thể bay trong vũ trụ, nhất là chiếc X-37B, sinh nghi nó rình mò trạm không gian của Trung Quốc phóng lên sau X-37B nửa năm. Đem nghi vấn này hỏi Bộ Quốc phòng Mỹ thì cơ quan này không xác nhận, cũng không phủ nhận, chỉ tuyên bố “miễn bình luận” vì nhiệm vụ của X-37B thuộc bí mật quốc gia. Lời tuyên bố này giống như đổ dầu vào lửa khiến tin đồn bùng lên mạnh mẽ, nhất là từ phía Trung Quốc.

Bắc Kinh không chỉ lo ngại Washington rình mò chương trình không gian của mình. Nhà nghiên cứu quân sự Triệu Hiểu Trác thuộc Học viện Khoa học Quân sự của Giải phóng quân Trung Quốc cho rằng X-37B có thể dùng như một hệ thống hỗ trợ tác chiến và trở thành bệ phóng vũ khí vũ trụ. Chưa hết, Mỹ luôn miệng tuyên bố sẽ hạn chế việc phát triển các dự án máy bay vũ trụ nhưng giờ đây việc phóng tàu X-37B cho thấy Mỹ chưa bao giờ muốn như vậy. Chẳng thế mà Bắc Kinh vẫn đang tìm mọi cách tìm hiểu những bí mật thực sự phía sau chiếc X-37B, cho dù phía đối phương vẫn giữ mọi chuyện kín như bưng. Phương châm minh bạch, cởi mở và hợp tác vốn được người Mỹ đề cao không được Bộ Quốc phòng áp dụng trong trường hợp này.

Phân tích quỹ đạo bay, ông Brian Weeden cho rằng nếu nước Mỹ thật sự muốn giám sát Thiên Cung 1 thì có những công cụ khác hiệu quả hơn X-37B. Việc quỹ đạo của X-37B đôi lúc song hành với Thiên Cung 1 cũng chỉ ngẫu nhiên. Tầm bay của X-37B thấp hơn, có nghĩa là nó chỉ quan sát được trong các vĩ độ hẹp, và khu vực khả thi nhất để do thám là Trung Đông và Afghanistan.

Chiếc X-37B không chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu vũ trụ đơn thuần mà chính xác là một cuộc thử nghiệm vũ khí không gian. Rõ ràng Mỹ đang tiến bước dài trong việc chiếm lĩnh các hoạt động không gian hiện tại và tương lai. Điều này lý giải tại sao một tàu con thoi vũ trụ lại được chuyển giao quản lý cho một đơn vị không quân và Mỹ đang tích cực nghiên cứu các loại vũ khí công nghệ mới. Có lẽ trong thập kỷ tiếp theo, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang đầy gay cấn trong không gian cận trái đất…

Doãn Anh Quân
.
.