Virus phiêu lưu ký

Thứ Năm, 13/02/2020, 21:09
Bất chấp việc Yuval Noah Harari khẳng định các dịch bệnh đã không còn là nhân tố hủy diệt đáng lo ngại đối với con người, khi dịch virus Corona nổ ra ở Vũ Hán, nỗi sợ hãi vẫn bao trùm. Cuộc chiến chống virus dường như không có hồi kết, khi chúng ta khống chế được loại virus này, lại ra đời những loại virus mới, hết SARS, H5N1 lại đến Ebola, Zika và giờ là Corona. Câu hỏi là tại sao.

Nhiều ngàn năm trước, thi sĩ Hesiod của Hy Lạp cổ đại từng làm một bài thơ dài hơn 800 câu mang tên Công việc và ngày, trong đó mô tả những con người đầu tiên đã "sống biệt lập, hoàn toàn không có ốm yếu, khổ đau hay bệnh tật".

Chính sự kiện Prometheus mang lửa tới khai minh cho loài người đã chọc giận Zeus. Và để trừng phạt, vị thần tối cao của đỉnh Olympia đã mang nàng Pandora xuống trần thế và trao cho nàng chiếc hộp định mệnh mà ngài dặn dò không bao giờ được mở ra. Câu chuyện sau đó là một trong những thần thoại nổi tiếng nhất, nàng Pandora vì không nén nổi nỗi tò mò đã hé mở chiếc hộp. Nàng đóng ngay lại nhưng không kịp nữa rồi, kể từ đây "bệnh tật liên tục tìm đến con người từ ngày này qua đêm khác, âm thầm mang lại nỗi khốn khổ cho những kẻ phàm trần".

Kho tàng thần thoại của người Hy Lạp không chỉ là những sự tích lý thú về cõi trời đất mà còn đầy ắp những kiến giải về khoa học và những quan sát sắc bén về lịch sử hình thành thành quốc Athens hay nói rộng hơn là sự hình thành của những nền văn minh đầu tiên trong tiến trình phát triển của nhân loại. Ngày nay, các nhà nhân chủng học đã chỉ ra rằng chính sự ra đời của các nền văn minh, sự tiến bộ của nông nghiệp, việc thuần hóa các loài vật hoang dã thành vật nuôi là khởi điểm cho sự bùng phát của nhiều dịch bệnh khủng khiếp nhất như lao, đậu mùa hay bại liệt.

Sau đó, tốc độ đô thị hóa, sự phát triển như vũ bão của ngành vận tải, sự tất yếu của toàn cầu hóa, sự phá dỡ mọi không gian sống biệt lập đã tạo điều kiện để những dịch bệnh không còn khu trú ở một địa phương nào mà lan ra rộng khắp.

Trong một triển lãm năm 2018 mang tên Bùng phát: Các đại dịch trong một thế giới kết nối được tổ chức nhân kỉ niệm 100 năm đại dịch cúm năm 1918 - đại dịch đã lây nhiễm cho hơn 500 triệu người và ước tính đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3-5% dân số thế giới thời điểm đó, các nhà khoa cũng trình hiện một góc nhìn rất đặc biệt về mối quan hệ giữa con người và virus, đó là tuy tự nhiên rất ưu ái con người, tự nhiên trao cho chúng ta sức mạnh để cải hóa chính tự nhiên nhưng như một cái bẫy, quá trình cải hóa tự nhiên theo cách có lợi cho mình của loài người vô hình trung đã tạo nên một thiên đường cho các dịch bệnh, các loài vi khuẩn và virus sinh sôi nảy nở.

Nếu ai đã từng đọc Những con đường tơ lụa của Peter Frankopan, một trong những tác phẩm lịch sử bán chạy nhất hiện nay, tác giả Frankopan dành riêng một chương bàn về con đường của dịch hạch. Những chuyến thám hiểm vùng đất mới từ thế kỷ 14 không chỉ cho phép hàng hóa được lưu chuyển khắp các đại dương và lục địa, mang hồ tiêu, trà, đường, lụa là, vàng bạc, đồ thủ công mỹ nghệ từ châu Á, châu Phi sang châu Âu, mà còn mang theo cả những mầm bệnh chết người như dịch hạch, căn bệnh đã có thời điểm dìm châu Âu vào màn đêm tăm tối và giết chết khoảng từ 25-60% dân số của lục địa này.

Nếu Trái đất là một quả táo, thì dollar, các corp (tập đoàn), inc (liên hợp), plc (công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng) với hoạt động kinh doanh đa quốc gia giống như lũ sâu biết bay đục đẽo cả thế giới để truyền nhiễm bệnh dịch.

Dấu vết của toàn cầu hóa trong những trận đại dịch nằm ngay trong cách người ta thường gọi về trận đại dịch H1N1 năm 1918: dịch cúm Tây Ban Nha. Đừng hiểu lầm! Tây Ban Nha không phải nơi đầu tiên ghi nhận có người nhiễm bệnh. Tây Ban Nha thời điểm đó chỉ là một đất nước trung lập, không bị kiểm duyệt thông tin một cách khắt khe, và bởi vậy đó là quốc gia đầu tiên đăng tải tin tức về dịch cúm. Cái tên đó bởi vậy hàm ý một cách sâu sắc về những kết nối trong một thế giới đa phương, nhạy cảm, nơi một con bướm đập cánh cũng có thể tạo nên một cơn lốc ở cách đó hàng trăm cây số.

Rất nhanh sau khi những thông tin đầu tiên về chủng mới của virus Corona mang tên 2019-nCoV bùng phát ở Vũ Hán, nhiều quốc gia trên khắp thế giới cũng xác nhận các ca nhiễm trên lãnh thổ của mình, từ những quốc gia lân cận như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore đến những nơi xa xôi như Pháp, Ý, Bỉ, Thụy Điển, Australia, Canada, Mỹ,... Nói cách khác, Corona đã hành hương được tới 3 châu lục chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Con người đi xa đến đâu, virus và bệnh tật cũng đi được xa chừng ấy. Toàn bộ lịch sử con người là lịch sử của những cuộc viễn hành, chúng ta là loài sinh vật không thể ngồi yên và từ một góc nhỏ Đông Phi, loài người đã lan đi khắp nơi không chừa một ngóc ngách nào, sẵn sàng vượt đại dương bằng những chiếc thuyền độc mộc, rồi sau đó lần lượt phát minh ra những phương tiện để làm chủ cả đất liền, biển cả, bầu trời, thậm chí trong tương lai - không gian ngoài vũ trụ. Trong một thế giới mà mỗi ngày trung bình có hơn 102.000 chuyến bay trên bầu trời, chưa kể vô số những dòng luân chuyển điên cuồng qua các phương tiện khác. Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi các loại dịch bệnh gần như không thể bị biệt lập tại một không gian giới hạn nào.

Một góc độ khác nữa trong mối quan hệ phức tạp giữa con người và virus: con người luôn cho rằng mình là chủ nhân của Trái đất, dân số thế giới tăng theo cấp độ chóng mặt, chúng ta có những 7 tỉ người nhưng virus có dân số khoảng 10^31, tức là 1 cùng 31 con số 0 đằng sau, hay nói cách khác, chủ nhân của Trái đất có khi chính là virus.

Khi bạn di chuyển, bạn có nguy cơ "hấp thụ" hàng tá bệnh tật từ những con người khác.

Khi NASA được Quốc hội Mỹ yêu cầu thực hiện các chiến dịch tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ, rất nhiều chuyên gia đã bắt đầu bằng việc tìm kiếm virus. Virus đơn giản là liên đới với mọi ý tưởng về sự hình thành và tiến hóa của sự sống. Ít nhất ở Trái đất, nơi đâu có sự sống, nơi ấy có virus và ngược lại.

Một số nhà khoa học còn đưa ra giả thuyết sự sống đã bắt đầu với RNA chứ không phải DNA (1) và việc tìm ra Pithovirus, một loại virus khổng lồ bị đóng băng trong mẫu đất suốt 30.000 năm cũng định hình lại những hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc sự sống, theo đó virus dường như đã có mặt sớm hơn bất cứ một dạng thức sống nào (2).

Trong một bài nghiên cứu xuất bản năm 2006 của nhà khoa học Eugene V.Koonin mang tên Thế giới virus cổ đại và sự tiến hóa của các tế bào, ông còn táo bạo cho rằng virus đã có trước các tế bào và chỉ sau này khi các vi khuẩn hình thành, virus mới mất đi khả năng nhân bản độc lập và phải sống dựa vào vật chủ (3).

Những giả thuyết đó đúng hay sai, các nhà khoa học vẫn đang tranh luận. Tuy nhiên, vai trò thúc đẩy tiến hóa tối quan trọng của virus thì từ lâu đã không còn là điều phải bàn cãi. Một báo cáo của Học viện Vi sinh học Hoa Kỳ kết luận: "Nếu không có virus, sự sống trên Trái đất sẽ rất khác biệt, thậm chí, sẽ không có sự sống".

Nói cho cùng, chúng ta không phải chủ nhân của Trái đất hay vũ trụ. Phần lớn các nhà thiên văn học tin rằng, sự xuất hiện của con người chỉ là một tình cờ ngẫu nhiên và vũ trụ không được tạo ra để chỉ mình chúng ta nhìn ngắm. Hẳn còn rất nhiều những hành tinh khác cư ngụ sự sống, thậm chí sự sống bậc cao, đang lấp ló đâu đó trong khoảng không bao la này.

Trong tâm điểm của các dịch bệnh lớn, chúng ta thường nói tới virus như kẻ thù phá hoại cuộc sống của con người mà ít khi nghĩ lại rằng, sự bùng phát của dịch bệnh là một phần cái giá mà chúng ta phải trả trong công cuộc toàn cầu hóa, đô thị hóa, tái thiết tự nhiên theo ý mình và Trái đất có thể thiếu đi con người mà vẫn là một hành tinh dồi dào sự sống nhưng sẽ là một hành tinh chết nếu thiếu đi virus.

Điều đó không phải để chúng ta buông xuôi cuộc đấu tranh sinh tồn cho giống loài mà chỉ để chúng ta nhìn nhận sáng tỏ hơn chỗ đứng của mình trong cán cân sinh học và biết rằng mọi thứ mà chúng ta ca ngợi, mọi thứ đại diện cho nền văn minh tiến bộ của con người, như toàn cầu hóa, như những tuyến đường thông thương vĩ đại hay những chuyến phiêu lưu bất tận, đều chất chứa đầy những rủi ro và mặt tối. Tất nhiên, con người không bao giờ an phận và luôn sẵn sàng đón chờ thử thách nên dù điều gì xảy ra đi chăng nữa thì chúng ta cũng sẽ không dừng lại.

Cuối cùng thì, việc Prometheus mang lửa đến có thể đã khiến Zeus trừng phạt chúng ta nhưng không ai oán giận Prometheus vì thế.

* Chú thích:

(1) Alex Barasch, 2018, https://slate.com/technology/2018/01/nasas-been-ordered-to-search-for-life-in-space-they-should-start-with-viruses.html

(2) Carrie Arnold, 2014, Could giant virus be the origin of life?, tạp chí National Geographic

(3) Eugene V.Koonin, 2006, The ancient Virus World and evolution of cells, tạp chí Microbiology and Molecular Biology Reviews

Hiền Trang
.
.