Viết chậm lại để giữ chất của mình

Thứ Tư, 28/11/2018, 10:29
Giữa khoa học và thực tiễn, luôn tồn tại khoảng cách. Đó là một thực tế mà nói ra ai cũng đồng ý ngay. Nhưng, mỗi khi nói về vấn đề này, một nhận định chung của xã hội là chê trách giới khoa học không chịu “bước khỏi tháp ngà” để gần gũi hơn, hiểu hơn với đời sống thực tiễn. 

Rất ít người nghĩ ngược lại: “Thế tại sao thực tiễn không thử một lần xích lại gần hơn với khoa học?”.

Những kẻ lấn sân vào “tháp ngà”

Tôi chợt bật ra câu hỏi “phản đề” trên khi tình cờ đọc được hồ sơ khoa học của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trên trang mạng. Theo thống kê, từ 2006-2017, ông có cả thảy 14 công trình đăng trên các tạp chí khoa học, trong đó 13 bài là solo (một mình đứng tên) và một bài viết chung với người cộng sự thân thiết Hillary Clinton. 

Đó là về số lượng, về chất lượng, rất nhiều bài của cựu Tổng thống Obama đã đăng ở các tạp chí mà bất kỳ nhà khoa học nào cũng phải mơ ước, như Science, JAMA hay New England Journal of Medicine. Đây là một kết quả kinh ngạc đối với một chính trị gia chuyên nghiệp.

Các bài báo của Obama từng công bố xoay quanh các vấn đề chính sách mà ông quan tâm và ủng hộ, chù yếu là y tế/bảo hiểm y tế; cũng có bài gần nhất (2017) đăng trên Science thì Obama lại nói về vấn đề năng lượng sạch.

Tất nhiên là Obama có lợi thế khi thời trẻ, ông đã từng là giảng viên về luật tại Đại học Chicago và Harvard cũng như làm biên tập cho Tạp chí Harvard Law Review nên sẽ có lợi thế trong việc viết bài sau này. Nhưng, nếu không tính Obama thì ta cũng có thể tìm ra những trường hợp tương tự một cách không mấy khó khăn.

Tiêu biểu trong số đó là tỷ phú công nghệ Elon Musk. Chúng ta đều biết, một trong những tham vọng của Elon là đưa người lên... sao Hỏa. Elon lần đầu hé lộ ý định của mình vào tháng 9-2016 tại Đại hội Hàng không quốc tế lần thứ 67. 

Và bên cạnh việc triển khai dự án của mình, Elon cũng đã viết 1 bài báo khoa học, công bố trên Tạp chí New Space với tên gọi Making Life Multi-Planetary (làm cho cuộc sống đa hành tinh) giải thích cặn kẽ hơn về các ý tưởng của mình.

Tại Việt Nam, không kể những người vốn làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, sau này chuyển sang lĩnh vực khác có công trình khoa học; đôi khi ta cũng tìm được những người tương tự Barack Obama và Elon Musk. Một trong số đó là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch của Nhà sách Thái Hà. 

Năm 2016, trên tạp chí Publishing Research Quarterly (Nghiên cứu xuất bản hằng quý), ông Hùng đã có một bài tổng thuật về thị trường xuất bản sách ở Việt Nam (bao gồm sách truyền thống và sách điện tử), trong bối cảnh so sánh với ngành truyền hình và truyền thanh.

Hồ sơ khoa học của Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh chụp từ PubMed.gov).

Xu hướng “giao thoa”

Barack Obama, Elon Musk hay Nguyễn Mạnh Hùng chỉ là 3 trong số không ít cái tên “ngoài khoa học” lấn sân vào “tháp ngà” thông qua việc công bố các công trình khoa học trong những năm gần đây. 

Xu hướng này cũng là biểu hiện của một xu hướng lớn hơn, đó là xu hướng “giao thoa” hay rút ngắn khoảng cách giữa thế giới hàn lâm với thực tiễn lại với nhau - mà trong suốt thập niên vừa qua, giới quản lý giáo dục lẫn các trường đại học đã bỏ biết bao nhiêu công sức, nguồn lực để nỗ lực thực hiện điều này.

Về khía cạnh đào tạo, xu hướng lớn kể trên được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều doanh nhân, chính trị gia, kỹ sư... tham gia vào giảng dạy trong nhà trường.

Chính những người từ thế giới thực tiễn này cũng ngày càng được mời nhiều hơn tham gia vào các hoạt động nội bộ của trường đại học, như tham gia hội đồng trường (để đưa ra các quyết sách lớn), tham gia đóng góp ý kiến cho các chương trình đào tạo... Tất nhiên, điều này sẽ khó thực hiện được nếu thiếu một hành lang pháp lý đủ rộng và đủ linh hoạt.

Ví dụ, thử tưởng tượng, nếu nhà nước quy định, chỉ những người có chứng chỉ về nghiệp vụ sư phạm thì mới được đứng lớp và giờ học mới được tính tín chỉ thì chắc chắn xu hướng những người có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy ở trường đại học sẽ bị dập tắt. Thật may mắn là cho đến nay, hầu như không còn chính phủ nào trên thế giới còn tư duy ấu trĩ đó nữa. 

Thậm chí, việc yêu cầu có sự tham gia của đại diện giới thực hành ngày nay còn là điều kiện bắt buộc trong các yêu cầu về kiểm định chất lượng trên thế giới.

Về góc độ chương trình, việc bắt buộc phải mời đại diện các nhà tuyển dụng tham gia góp ý, thẩm định chương trình/đề cương môn học trong khu vực giáo dục đại học cũng không phải là thực tiễn xa lạ tại nhiều nơi trên thế giới nữa. 

Hơn thế nữa, việc yêu cầu bắt buộc sinh viên phải có một kỳ thực tập doanh nghiệp trong 4 năm đại học cũng dần trở thành hoạt động phổ biến trong nhiều ngành nghề.

Về góc độ nghiên cứu, việc yêu cầu các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu định hướng ứng dụng, thay vì hàn lâm cũng là một trong những điểm nổi bật trong xu hướng “giao thoa” giữa 2 khu vực trong thời gian gần đây. Chính phủ nhiều nước thậm chí triển khai nhiều quỹ nhằm khuyến khích các nghiên cứu ứng dụng theo mô hình “cùng đóng góp” (matching fund). 

Cụ thể, nếu một nhà khoa học tìm được một doanh nghiệp tài trợ 1 đồng cho một nghiên cứu của mình để đưa ra một giải pháp tại chính doanh nghiệp đó, thì chính phủ cũng sẽ hỗ trợ thêm 1 đồng cho nghiên cứu kể trên.

Lời nhắc nhở về việc cần phải nói và viết “chậm hơn”

Nếu nhìn kỹ xu hướng “giao thoa” và xích lại gần nhau hơn giữa giới đại học và thực tiễn thì dường như mọi yêu cầu và nỗ lực hầu như đều nhằm hướng tới việc làm sao để giới đại học, bao gồm giảng viên và sinh viên trở nên “thực tiễn” hơn.

Rất ít có yêu cầu nào đòi hỏi ngược lại “giới thực tiễn cũng cần trở nên hàn lâm hơn”, ngoại trừ Barack Obama, Elon Musk và Nguyễn Mạnh Hùng. Việc 3 vị này viết bài báo khoa học, công việc vốn không liên quan đến nghề nghiệp chính của họ nhắc nhở chúng ta về một thuộc tính mang nhiều ưu điểm của giới hàn lâm: tính thận trọng.

Thực vậy, giới khoa học vốn có một đức tính rất tốt, được rèn giũa qua nhiều thế hệ và nói chung là đã ăn vào ADN của người làm khoa học chuyên nghiệp, đó là tính thận trọng. Tính thận trọng đó thể hiện thông qua việc họ viết rất chậm. 

Một công trình khoa học thông thường có thể mất vài tháng đến vài năm để chuẩn bị, làm thí nghiệm/lấy dữ liệu/phân tích và viết thành bài. Không những viết chậm, việc công bố một công trình khoa học cũng được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và rất mất thời gian. Tác giả/nhóm tác giả sẽ phải gửi bài cho ban biên tập; rồi ban biên tập lại gửi tiếp cho các phản biện xem xét, góp ý và gửi lại tác giả/nhóm tác giả. 

Qua vài vòng như vậy, nếu may mắn, bài báo mới được công bố; còn trong trường hợp bị từ chối thì tác giả/nhóm tác giả lại phải gửi bài cho tạp chí khác.

Tổng thời gian từ lúc một bài báo được gửi đi cho đến khi được chấp nhận đăng trung bình từ 6-12 tháng. Có những bài có thể mất tới vài năm mới được chấp nhận đăng cũng là chuyện bình thường.

Viết chậm và mở rộng hơn là nói chậm dường như đã trở thành thứ quá xa xỉ trong thời đại “công nghiệp 4.0” hiện nay; thời đại mà con người ta chỉ mất 1s để bấm nút đăng một status mới trên Facebook; hay cũng chỉ mất từng đó thời gian để chia sẻ một thông tin của người khác, mà có thể ta cũng không biết thông tin đó đúng/sai như thế nào.

Trong bối cảnh đó, những người ngoài ngành như Barack Obama, Elon Musk, hay Nguyễn Mạnh Hùng kiên trì viết và gửi đăng bài ở các tạp chí khoa học, tuân thủ cuộc chơi “viết chậm” của giới khoa học, chính là một lời nhắc nhở cho giới khoa học nói riêng và toàn xã hội nói chung về việc cần phải bớt dễ dãi với chính mình, giữ bản sắc của mình. 

Bởi chỉ có vậy, thì giới khoa học mới có thể giữ được “chất” của mình trong quá trình “giao thoa” ngày càng sâu, rộng hơn với thực tiễn.

CHUYÊN GIA “MỌI THỨ”

Trong thời đại công nghiệp 4.0, có một khái niệm mà nhiều người nhắc đến và kỳ vọng về tính hữu dụng của nó, đó là “Internet vạn vật” (Internet of things). 

Theo đó, nhờ sự tiến bộ của công nghệ, mọi thiết bị, vật dụng trong đời sống từ xe ô tô, máy tính, điều hòa, tủ lạnh, nhà cửa... đều có thể kết nối với nhau và người dùng có thể điều khiển “vạn vật” từ xa hoàn toàn thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại hay máy tính. 

Song song với những mặt tích cực mà “công nghiệp 4.0” nói chung và “Internet vạn vật” nói riêng đem lại, chúng ta cũng thấy bắt đầu xuất hiện những mặt trái của nó. Xin lấy ví dụ về sự xuất hiện của một tầng lớp “Chuyên gia mọi thứ” (expert of things - cách nói trại từ Internet of things) hay còn gọi là các “chuyên gia biết tuốt”. 

Đặc điểm của các chuyên gia này là “sinh hoạt khoa học” chủ yếu trên Facebook, nghĩ, viết và nói rất nhanh; và có thể bình luận, trao đổi, phán xét về tất cả các vấn đề mà có khi không thuộc chuyên môn sâu của họ. Chính vì vậy đã có những vụ phán nhầm, phán ẩu, để rồi sau đó hoặc phải xóa status, hoặc phải viết status đính chính. 

Điều đáng báo động nằm ở chỗ, không ít những "chuyên gia biết tuốt" kiểu này lại nhận được sự tung hô của đám đông và thế là tần suất phán và tốc độ phán của họ lại không ngừng tăng lên mỗi ngày...

Kỳ Nam
.
.