Verdun - Khi chiến thắng cũng chính là thất bại

Chủ Nhật, 13/12/2020, 10:30
Ngày 19-12-1916, tất cả mọi tiếng súng câm bặt, chỉ còn những thây người nằm la liệt trên những bãi chiến trường quanh Verdun-sur-Meuse (nằm ở vùng Đông Bắc Pháp).

Bộ Tổng tham mưu quân Đức thừa nhận thất bại, và trận đánh khốc liệt bậc nhất Đại chiến thế giới lần thứ nhất ấy đã khép lại, với phần thắng được cho là thuộc về phía quân đội Pháp. Tuy nhiên…

"Trận đánh tệ hại nhất lịch sử"

Đó là lời nhận xét của sử gia Alistair Horne, trong cuốn "Verdun, 1916 - cái giá của vinh quang" (The Price of Glory: Verdon, 1916). Và ông không đơn độc. Giới nghiên cứu lịch sử quân sự phương Tây, rất nhiều người đồng ý với Alistair Horne rằng nước Pháp đã giành được một "chiến thắng kiểu Pyrros" (nghĩa là một chiến thắng mà trong đó kẻ thắng cũng phải trả cái giá quá đắt, khi chấp nhận những tổn thất tương đương với kẻ bại).

Tuy nhiên, ngược lại, cũng có những luồng ý kiến cho rằng Verdun là biểu tượng cho ý chí bất khuất của người Pháp. Mà hơn thế, dù sao, quân Pháp cũng đã ngăn cản quân Đức đạt được những mục tiêu hướng đến, bằng một chiến dịch khủng khiếp kéo dài tới 10 tháng ròng rã.

Mục tiêu ấy là gì, vào thời điểm đó, năm 1916? Về mặt chiến lược, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức - tướng Erich von Falkenhayn - xác định rõ: Ông cần phải đập nát một trong hai gọng kìm địch thủ đang siết chặt lấy đội quân của mình suốt năm 1915: quân Nga ở phía Đông, và liên quân Anh - Pháp ở phía Tây.

Cần nói thêm rằng lúc đó cũng như trong cả Đệ nhất Thế chiến, giá trị tác chiến của quân đội Áo - Hung (đế quốc Habsburg) - đồng minh của Đức - là tương đối hạn chế. Quân Đức phải gánh đỡ hầu hết các nhiệm vụ chủ chốt ở cả hai đầu cựu lục địa, dựa trên ưu thế lớn nhất mà họ có được (ngoài chất lượng binh sĩ cũng như sĩ quan) là vị trí địa lý liền kề Áo - Hung, để có thể dễ dàng chuyển quân cũng như chỉ đạo tác chiến một cách thống nhất.

Trong "chiến tranh hào rãnh", mỗi lần xung phong đều có thể là một cuộc thảm sát.

Erich Falkenhayn chọn quân Pháp để đánh một đòn sấm sét, bởi ông tin rằng nước Nga đang có nguy cơ đối mặt với bão táp cách mạng trong nội tại - một nhãn quan chính trị rất sắc bén. Ông chọn Verdun để tấn công, bởi đó là một cứ điểm quan trọng, nằm rất gần đường lớn đến thẳng Paris, nhưng lại dễ bị cô lập. Quân Đức, khi đánh Verdun, còn có ưu thế về đường hậu cần thuận tiện, không cần phải chuyển quân nhiều, lại có thể uy hiếp trực tiếp vùng công nghiệp Metz của Pháp, đe dọa triệt phá nền công nghiệp quốc phòng Pháp.      

Song, hơn cả các vấn đề quân sự thuần túy, trong thư gửi Kaiser (Hoàng đế Đức) Wilhem II, Falkenhayn viết: "Chuỗi phòng thủ ở Pháp đã xuất hiện điểm yếu. Tuy vậy, một bước ngoặt lớn - điều vượt quá khả năng của chúng ta trong bất cứ trường hợp nào -  thực ra không cần thiết. Mục đích trong tầm với của chúng ta là ép Bộ tổng tham mưu quân Pháp phải ném đến tên lính cuối cùng mà bọn chúng có vào chiến trường ấy. Nếu chúng thực sự làm như vậy, quân đội Pháp sẽ bị trích máu cho đến chết".

Được Hoàng đế Đức chuẩn y, Falkenhayn tập trung chuẩn bị tung vào Verdun tới 42 sư đoàn. Ngày 20-2-1916, bốn Tập đoàn quân, gồm những đơn vị ưu tú và thiện chiến nhất của quân Đức, đã tập kết đầy đủ, do Falkenhayn và Hoàng thái tử Wilhem đích thân cùng chỉ huy.

Trong khi đó, ở Verdun, quân Pháp vẫn tổ chức phòng thủ khá sơ sài. Do nắm được rất ít thông tin về kế hoạch của đối phương, nên trước trận đánh chỉ có hai sư đoàn thuộc Tập đoàn quân số 30 Pháp đang đóng tại Verdun và các khu vực phụ cận. Hệ thống hỏa lực riêng của các pháo đài phòng ngự không được chú trọng; trên toàn tuyến quân Pháp chỉ có hơn 200 khẩu pháo, mỗi pháo đài chỉ có 30-50 binh sĩ bố phòng, tuyến tiếp tế duy nhất đến Verdun là Bar-le-Duc. Thậm chí, giai đoạn đầu chiến dịch, quân Pháp không có bất kỳ sĩ quan cấp tướng nào chịu trách nhiệm chỉ huy.

Từ Verdun đến Maginot

Vấn đề là, với rất nhiều lý do, suốt 10 tháng sau đó, quân Đức không thể nào nghiền nát được Verdun, đặc biệt là sau khi tướng Joseph Joffre - Tư lệnh quân đội Pháp quyết định tăng cường khẩn cấp Tập đoàn quân dự bị số 2 (190.000 quân, 180 pháo) do tướng Phillipe Petain chỉ huy cho chiến trường, ngay ngày 24-2.

Từ các vấn đề vi mô đến vĩ mô, từ các nguyên nhân hữu hình đến vô hình, có quá nhiều trở ngại về mặt tác chiến đối với quân Đức. Đối phương của họ, dù được chuẩn bị hời hợt hơn nhiều ở những đợt xung phong đầu tiên, vẫn chiếm ưu thế nhờ đã xây dựng các công sự cần thiết tại những điểm cao xung yếu từ trước, để có thể bắn trực xạ vào các đợt tấn công của quân Đức với độ chính xác tuyệt đối.

Ngược lại, khi đặt niềm tin vào chiến thuật dùng pháo binh bắn phủ đầu, rồi tiếp tục bắn yểm trợ cho bộ binh xung phong, quân Đức lại bất ngờ thấy những bước tiến của họ còn gian nan hơn, khi địa hình bị cày nát bởi đạn pháo.

Nước Pháp đã bị vắt kiệt sinh lực ở Verdun.

Trong khi quân Pháp từng bước tái tổ chức và củng cố hệ thống phòng thủ, bằng cả quân số, vũ khí, hệ thống hào rãnh - công sự, để gia tăng tinh thần chiến đấu cũng như lòng tự tin lên theo từng ngày, thì mỗi đợt tấn công khép lại, quân Đức lại thấy mình bị bủa vây bởi những sự thiếu thốn và khó khăn mới. Trước khi mùa hè đến, họ tổ chức những đợt tấn công toàn tuyến, với hy vọng khiến quân Pháp "đầu đuôi không kịp ứng cứu", nhưng các phòng tuyến trên sông Meuse vẫn đứng vững.

Sau đó, quân Đức dần trở nên đuối sức. Lực lượng của họ buộc phải được bổ sung bằng những đội tân binh hoàn toàn kém kinh nghiệm chiến đấu, trong khi tướng Petain của Pháp "dưỡng quân" tốt hơn bằng phương pháp "quay vòng đội ngũ". Tính ra, ông đã điều động khoảng 70 trong tổng số 90 sư đoàn của quân đội Pháp, mỗi sư đoàn chiến đấu trong khoảng một tháng.

Thế rồi, tưởng như bước ngoặt có lợi đến cho quân Đức, khi Petain bị thay thế bằng một tướng có tư tưởng tấn công là Robert Nivelle. Đến lượt những đợt xung phong của quân Pháp bị bẻ vụn dưới làn đạn Đức. Nhưng, bằng một cách nào đó, tinh thần bất khuất Pháp quả thực đã trỗi dậy, để giữ vững được phòng tuyến cần thiết.

Đến mùa thu, binh sĩ cả hai bên đều đã quá mệt mỏi và thậm chí hoảng loạn, sau một thời gian quá dài đối trận với nhau, qua rất nhiều hình thái tác chiến (kể cả chiến tranh hơi độc). Tuy nhiên, khi quân Pháp vẫn tiếp tục được tăng viện sinh lực từ hậu phương, và cả những vũ khí tối tân như siêu đại pháo Creusot-Schneider (400 mm) để "sĩ khí" lại được xốc dậy, thì quân Đức không còn chút sức bật nào.

Ngày 19-12-1916, 11.000 binh sĩ và sĩ quan Đức đầu hàng. Số còn lại không chịu tiếp tục chiến đấu. Các đơn vị Đức bị đẩy bật về những vị trí đóng quân trước ngày 21-2.

Nếu chiến thắng là ngăn cản đối phương không đạt được mục tiêu, thì đúng là quân Pháp đã chiến thắng. Họ đã không để mất một tấc đất nào quanh Verdun. Nhưng, ngược lại, cũng với cách định nghĩa chiến thắng ấy, Falkenhayn - người cũng đã bị mất chức và thuyên chuyển trước khi Verdun hạ màn - mới là người chiến thắng đích thực. Ông đã khiến quân đội Pháp phải dồn mọi sinh lực vào Verdun, và sau đó trở nên kiệt quệ, buộc phải dựa vào sức chiến đấu của quân Anh - nghĩa là đã "trích máu quân Pháp" thành công.

Và hơn thế, Verdun được xem là chiến thắng khiến địa danh ấy trở thành biểu tượng của kỷ nguyên "chiến tranh chiến hào", cũng như khắc sâu thêm tư tưởng phòng ngự vào trí óc giới tướng lĩnh Pháp. 24 năm sau, quá tự tin với "phòng tuyến Maginot bất khả xâm phạm", quân Pháp sụp đổ không thể cưỡng lại khi đoàn thiết giáp Đức không chọn "công kiên chiến", mà chọn đi vòng qua hệ thống phòng ngự đó, trong Đệ nhị Thế chiến, tiến vào Paris và bắt Petain - khi ấy đã là Quốc trưởng Pháp - ký văn kiện đầu hàng.

Maginot chính là hệ quả cay đắng nhất nảy sinh từ hào quang Verdun.

* Quân Đức tung vào Verdun tổng cộng xấp xỉ 50 sư đoàn - khoảng 1.250.000 lính. Con số này bên phía Pháp là 85 sư đoàn, cũng khoảng 1.140.000 quân. 163.000 lính Pháp tử trận sau 10 tháng, trong tổng số khoảng gần 400.000 thương vong. Phía Đức, có khoảng từ 336.000 đến 355.000 thương vong, 143.000 tử trận. Đây là chiến dịch đẫm máu thứ hai (sau chiến dịch Somme), và là trận đánh có thời gian diễn ra dài nhất trong Đệ nhất thế chiến.

* Verdun, trên phương diện lịch sử, còn có vai trò là một biểu tượng quốc gia của nước Pháp. Đây là điểm phân giới giữa phần lãnh thổ trở thành nước Pháp hiện đại và phần lãnh thổ trở thành nước Đức hiện đại, khi Đế chế Frank của Charlesmagne Đại đế bị chia tách sau khi ông qua đời. Do đó, Falkenhayn có cơ sở để tin rằng quân Pháp sẽ không bao giờ chấp nhận mất Verdun, mà sẽ tung vào đó "đến người lính cuối cùng".

Phi Hồ
.
.