Vantican, xứ sở chuyện tí hon

Thứ Sáu, 22/07/2016, 14:16
Là một quốc gia độc lập của địa cầu này, Vatican chiếm giữ rất nhiều kỷ lục khiến 7 tỷ người không khỏi ngỡ ngàng, thú vị. 


Đôi khi "Thành quốc" này khiến người ta nghĩ khác về cái gọi là biên giới lãnh thổ, cũng như cái khái niệm thế nào là To Lớn và Bé Tí Hon. Bởi, quốc gia này với vỏn vẹn 839 công dân (thống kê vào năm 2013), ít người hơn cả một cái làng, cái bản, cái phum sóc hay một tổ dân phố ở Việt Nam và có diện tích 0,4km², tức là đi bộ vòng quanh trọn vẹn cả "đường biên mốc giới" của Vatican cũng chỉ có vài cây số! 

Đất nước có diện tích và dân số nhỏ nhất thế giới này nằm trọn vẹn và bé xíu trong lòng thủ đô Roma của Italia, với tường thành đá sừng sững cơ bản bao quanh. Mỗi tối, công dân Vatican đi bộ tập thể dục một lát là đã... kiểm tra đủ từng xăng-ti-mét phên giậu biên thùy của non sông gấm vóc.

Nhưng! Bên cạnh ý nghĩa là "Thành quốc Vatican", thì cái gọi là "Tòa thánh Vatican" lại mang ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều ở góc độ tôn giáo và cơ cấu điều hành, với con số khổng lồ: gồm khoảng 1,2 tỷ tín hữu trên toàn thế giới. Cứ làm tròn thế giới có 7 tỷ người, thì số tín đồ Thiên Chúa giáo chiếm gần 1/6 dân số trái đất. 

Từ đấu trường La Mã của thủ đô Rome, Italia, đi một thôi đường lát đá trầm hùng văn hóa Trung cổ, tôi đã đội mưa phùn có mặt ở phom cổng đá Vatican... Người ở khắp nơi về châu lục già và chưa bao giờ thôi vai trò kinh đô ánh sáng của thế giới này nhiều lắm. 

Nhiều đến mức, chỉ trong năm 2013 đã có có 5 triệu người đến đứng xếp hàng vào thăm "Vatican Museum" (Bảo tàng Vatican, với 54 phòng trưng bày, gồm những tác phẩm nổi tiếng nhất của thời Phục hưng), rồi Vương cung thánh đường thánh Phê-rô, rồi Nhà nguyện Sistine... 

Tất cả đều là nơi hội tụ các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của lịch sử thế giới với các danh họa như: Botticelli, Bernini, Michellangelo... Các bức tranh tường, tranh trần nhà đẹp đến bủn rủn chân tay (nghe nói nhiều danh họa bị vẹo cổ, vẹo cột sống rồi liệt do nằm ngửa nhiều năm tháng để sáng tạo), biến nơi này thành bảo tàng danh tiếng bậc nhất thế giới.

Ngửa cổ ôm ba lô trước bụng đề phòng kẻ cắp, tay khư khư máy ảnh, máy quay; khách thương hồ vừa mới mải mê ngắm, chụp, quay, nhưng mắt và ống kính chưa kịp đụng vào vô số kiệt tác tranh với các thiên thần lõa lồ quyến rũ trên trần nhà thì đã bị... đủn đi. 

Không đi không được, đám đông cứ chầm chậm, nhã nhặn, cảm thông mà ý tứ không chạm vào nhau để cùng trôi như lục bình trên sông nước; mắt không nhanh thì suốt đời hối tiếc vì chưa kịp lưu vào ký ức các vẻ đẹp của Vatican; máy ảnh, máy quay không sử dụng thiện xạ thì hình nào cũng mờ mịt rung lắc. 

Bạn thấy Vatican đẹp ngỡ ngàng thì thiên hạ cũng có con mắt xanh thưởng thức. Nên, không đông mới là chuyện lạ. Chẳng trách, theo thống kê, thu nhập chủ yếu của quốc gia mấy trăm công dân và diện tích bé hơn một nông trại châu thổ Bắc bộ này chủ yếu là nhờ bán tem, bán đồ lưu niệm, phục vụ khách du lịch.

Lại nói nghệ thuật làm du lịch của Vatican. Họ phục vụ nhu cầu của khách chuyên nghiệp đến thượng thặng. Mua tour là có ngay, đông cỡ nào cũng phục vụ được một cách "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" nhất. 

Hướng dẫn viên không phải em nào cũng chân dài tươi trẻ, nhưng vô cùng thân thiện, giới thiệu mọi thứ hăng say, tràn đầy năng lượng như lần đầu tiên làm hướng dẫn viên. Đặc biệt thú vị là dịch vụ thuê tai nghe ở cổng Thành quốc Vatican. Án ngữ giữa các dòng người là la liệt va ly vuông vức xếp thành hàng lối. Loa, đài, máy móc, tai nghe, có cả. Mỗi người đeo một cái máy bé xíu ở hông, cứ đi theo hướng dẫn viên, bạn đăng ký nghe tiếng của quốc gia nào, lập tức lời của thuyết minh chui vào tai bạn rõ mồn một. 

Như một bộ phim lồng tiếng thuyết minh trực tiếp vậy. Bạn đi đến đâu, bạn đặt câu hỏi gì trong đầu, dường như được giải đáp ngay, đút vào sát tận màng nhĩ, rất tận tình. Mà không có lập trình nào cả, cô hướng dẫn viên nỉ non đi cạnh bạn hẳn hoi, bạn hỏi gì, cô ấy giả lời trực tiếp rất đời thường. 

Biết là công nghệ đó không có gì khó, nhưng tôi cũng chưa có thời gian tìm hiểu xem cô ấy và thành quốc Vatican bán tour du lịch thẳng từ các bức tranh tượng báu vật nhân loại đến màng nhĩ du khách nó chuyên nghiệp cụ thể như thế nào. 

Chỉ biết là rất ấn tượng. Lúc về, tôi trả lại máy và ngỏ ý xin cái tai nghe màu xanh với sợi dây lòng thòng bé xíu làm kỉ niệm, cô gái mắt xanh trang phục Ý từ đầu đến chân nháy mắt cười thân thiện: "Maybe. Oh, you are journalist? Of course!" (Có thể đấy, à, bạn là nhà báo phải không, dĩ nhiên rồi).

Chả trách, trong tài liệu về Vatican mà chúng tôi có, cả trên Google - Wikipedia tiếng Việt, đều ghi rõ: "Nền kinh tế Vatican độc đáo ở chỗ nó được tài trợ bằng việc bán tem bưu chính và đồ lưu niệm du lịch, lệ phí tham quan bảo tàng và bán các ấn phẩm tôn giáo, văn hóa". 

Quả thật là từ miếng gỗ ô-liu bé bằng ngón tay, họ cũng tạc thành tượng chúa Giê-su, với cây thập ác gỗ, dưới đế bức tượng li ti là dòng chữ "Made in Vatican". Điều này đúng với từ cái móc chìa khóa, cái miếng sắt gắn nam châm đính trên cửa tủ lạnh, tới cả những kỷ vật to đùng đắt đỏ tính bằng tiền Euro. 

Thậm chí hình ảnh Giáo hoàng cũng được in trên tranh ảnh, post card bán từ trong hành lang di sản thế giới đến vỉa hè mà mưa rào Địa Trung Hải đang quất ràn rạt. 

Các bức tranh như nàng Monalisa, thì được in phóng các cỡ, đóng gói sẵn, bán ào ào ở cửa bảo tàng, ngay khu vực bảo vệ đặc biệt có "bản gốc bức tranh" (nó quá bé so với tưởng tượng của người ta, càng bé hơn so với căn phòng trưng bày và những đoàn người xếp hàng tắc tị để chiêm ngưỡng) mà tôi vừa vượt qua rất nhiều cây cọc cắm biển đề phòng trộm cắp (bằng tiếng Anh) để thăm. 

Dĩ nhiên, tranh nào cũng ghi rõ "thương hiệu" Vatican ở dưới. Tôi mua tặng bạn bè các món ấy, một phần chính là vì "ấn triện Vatican" đó, chứ tranh ấy, tượng ấy thì ở đâu làm chả thế, có khi còn đẹp hơn thế.

Lang thang ở Roma, tôi quyết định đi bộ hẳn một vòng tường thành bao quanh 0,4km² đất nước Vatican. Diện tích ấy quá nhỏ so với việc đi bộ hằng đêm quanh các góc phố Hà Nội của tôi. Tất nhiên Vatican không hề hình vuông, nhưng giả thử nó vuông, thì mỗi cạnh của 0,4km² ấy cũng chỉ dài có 400m, chao ôi là ngắn. 

Hình dung là thế nhưng thật ra biên giới Vatican dài tới 3,2km - bởi nước này không hề hình vuông và khu vực biên giới thì lại gồm tường thành, nhà cửa, quảng trường khá ngoắt ngoéo. Vậy là lần đầu tiên trong đời tôi tản bộ lững thững mà vòng quanh đủ biên giới của một trong chừng 200 quốc gia độc lập tự chủ của thế giới này.

Những báu vật nghệ thuật của thế giới được trưng bày tại đây.

Song, đi mới biết, hóa ra những tường thành cao vòi vọi và dày cồm cộp như pháo đài kia không hề được nối liền theo kiểu thành Vơ-băng (loại thành này mang tên vị kiến trúc sư đã sáng tạo ra nó) mà người Pháp xây ở nhiều tỉnh Việt Nam. 

Tường của Thành quốc Vatican có nhiều đoạn đứt quãng, khu có các nhà dân mà không hề có tường thành xây kiểu pháo đài. Các chỗ ấy, đường biên giới ảo được nước Italia và nước Vatican thống nhất tưởng tượng ra, nhưng với các quy định, hiệp ước rất rành mạch.

Chúng tôi ghé thăm một đám đông khủng khiếp, ấy là nơi Giáo hoàng đang diễn thuyết. Ông đồng thời là Quốc trưởng của Thành quốc Vatican, là vị vua không truyền tử, là lãnh đạo chuyên chế duy nhất của toàn châu Âu. 

Người ta bảo, những buổi đông đúc và thành kính như thế này diễn ra không nhiều lắm. Cái việc gã lãng du lần đầu đến Vatican và chưa biết bao giờ mới có dịp quay lại như tôi mà gặp đúng dịp như thế này đúng là diễm phúc đấy. Bên cạnh là rất đông người đến thăm, tò mò, thành kính cố nhìn rõ mặt Giáo hoàng, dù là ngoài đời hay trên màn hình to lớn truyền trực tiếp giữa một quảng trường kỳ vĩ. 

Người ta chen chúc, bố đặt con trên lưng, đàn ông cõng người tình mỹ miều nhan sắc Ý trên cổ. Đặc biệt sinh động là cảnh các ê-kíp phóng viên, MC, kỹ thuật viên làm truyền hình đến từ nhiều quốc gia tác nghiệp, truyền hình ảnh và âm thanh về cuộc diễn thuyết trứ danh của Giáo hoàng.

Rome là thành phố giữ được kiến trúc cổ với phong cách quyến rũ bậc nhất. Vẻ đẹp của lâu đài, thành quách, bảo tàng, nhà nguyện, quảng trường của Vatican còn là kết tinh của sự duyên dáng kể trên. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến các khu vườn có từ thời Phục Hưng trong Vatican. 

Vườn tuyệt đẹp này chiếm tới hơn 50% lãnh thổ thành quốc này. Vatican không có không quân và hải quân, việc giữ bình yên biên giới và ngoài biên giới được đảm nhận bởi các bang của Italia. Nhưng quân đội của Vatican thì vô cùng độc đáo. Họ tuyển mộ những lính Thụy Sỹ - và chỉ là Thụy Sỹ, tinh nhuệ, can trường và trung thành vào bậc nhất thế giới. Dĩ nhiên, người được tuyển đều phải là người Công giáo. Đội cận vệ ở Vatican bao năm qua vẫn giữ kỷ lục là "đội quân chính quy nhỏ nhất và lâu đời nhất trên thế giới", được thành lập từ năm 1506 bởi Giáo hoàng Julius II. 

Nhưng, đến nay họ cũng chỉ có 100 chiến binh (so với dân số hơn 800 người thì thế này là đầu tư rất lớn cho quân đội). 

Cùng với đội Hiến binh Thành quốc Vatican, họ vừa bảo vệ quốc gia, vừa như cảnh sát của vùng, vừa là đội cận vệ thân tín và dũng mãnh của chính Giáo hoàng. Một chi tiết tí hon nữa là: quốc gia Vatican cũng có tòa án riêng với các cấp xử rất chuyên nghiệp. 

Lực lượng cảnh sát và quân đội ở Vatican rất thân thiện.

Hàng triệu du khách chen vai thích cánh đến đây khiến tình hình phức tạp, số liệu thống kê về số vụ vi phạm pháp luật tính trên trung bình dân số của Vatican cao gấp hơn 20 lần ở Italia - nơi khét tiếng với "Bố già", "Mafia"! Nói vậy chứ tòa án ở đây cũng rất rất ít phải xét xử, thậm chí vụ án mạng gần đây nhất xảy ra ở Vatican được ghi nhận là từ năm 1998.

Cái tên Vatican rất cổ, có trước cả khi ra đời Ki-tô giáo. Có sách viết, nó ra đời từ thời Cộng hòa La Mã, sau này một nữ thủ lĩnh thời cổ (thế kỷ 14 TCN), đã cho dân phu và binh mã kỳ công tháo nước để biến đầm lầy thành các khu vườn. Tiến tới họ xây đấu trường với sự hoàn thiện nó của bạo chúa Nê-rô vào năm 40. 

Một công trình trang hoàng cho đấu trường thuở ấy, chính là Tháp kỷ niệm Vatican sừng sững tồn tại suốt gần 2000 năm qua. Chính vì diện tích Vatican quá khiêm tốn vậy nên nhiều công trình quan trọng của họ, kể cả Vương cung thánh đường thánh Gioan, được coi là nhà thờ mẹ của các nhà thờ trên thế giới, cũng nằm phía ngoài biên giới quốc gia (ở Roma). 

Nhiều tài sản quý giá khác, cả lâu đài danh tiếng, nhà thờ thánh Phê-rô... đều nằm ngoài biên giới quốc gia Vatican. Chúng nằm trên đất Rome của Italia và được trao quy chế lãnh thổ bên ngoài, tương tự như các sứ quán.

Như các cụ nói, thấp chui rào, cao lội nước, bé cũng có cái hay của bé hạt tiêu. Năm 1984, trung tâm Vatican được nhân loại tiến bộ nghiêng mình công nhận là kho Di sản thế giới, tuy nhiên, trên diện tích 0,4km² với mấy trăm "thần dân" thôi nên nhân tiện: "Thành quốc Vatican" - cả một quốc gia độc lập chủ quyền - đã được nghiễm nhiên trở thành Di sản của loài người. 

Vatican. Đúng là mỗi bước chân mỗi huyền thoại. Nó như viên ngọc di sản văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và tôn giáo của nhân loại. Vatican. Bỏ qua yếu tố tôn giáo tâm linh, chỉ với các thành trì văn hóa nghìn năm tỏa rạng, chỉ các chi tiết ngỡ ngàng thú vị về một thế giới giữ nhiều kỷ lục quốc tế: vừa nhỏ xinh, vừa kỳ vĩ và sâu thẳm với ánh sáng thiên đường của cổ tích đó, đã đủ để ám ảnh bất cứ ai từng có dịp tản bộ vòng quanh đất nước này!

Đỗ Doãn Hoàng
.
.