Văn hóa làm việc đến "chết" ở Hong Kong

Thứ Sáu, 13/03/2020, 09:05
Hong Kong cùng với Singapore và Tokyo là ba thành phố có số lượng giờ làm việc nhiều nhất châu Á.

Kevin Cheng - 38 tuổi, là nhân viên cấp cao của một quỹ đầu tư mạo hiểm danh tiếng của Hoa Kỳ đặt trụ sở tại Hong Kong. Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 9h sáng kéo dài đến 9h đêm, liên tục từ thứ 2 đến thứ 6, với vô số các cuộc điện thoại, email, những cuộc họp xuyên lục địa với tổng hành dinh ở thành phố New York và trụ sở ở Tokyo, London, Johanesburg (Nam Phi). 

Kevin trở về nhà khi hai đứa con học tiểu học đã lên giường và dùng bữa tối vào lúc 10h cùng với vợ cũng là một quản lý cấp cao của một trong ba công ty Marketing nổi tiếng nhất Hương Cảng. Vợ chồng Kevin nằm trong số 1/5 bậc phụ huynh chỉ nói chuyện tối thiểu với con 1 lần 1 tuần.

Theo những nghiên cứu được công bố gần đây nhất, người Hong Kong cùng với Singapore, Tokyo là ba thành phố có văn hoá "làm việc đến chết" ở châu Á. Cứ 5 người lao động thì có 1 người làm việc 55h/ 1 tuần, tương đương với 11h/1 ngày. Chưa kể những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, an ninh, giao thông… có thể làm việc 72h/ 1 tuần. 

Một người bạn ở trong lớp giao lưu ngôn ngữ của tôi là Ellen Ho, đến từ Trung Quốc lục địa nhưng làm việc cho một công ty bảo hiểm ở Hong Kong đã nhiều năm kể: "Làm hết sức, chơi hết mình" là văn hoá làm việc của người Hong Kong. Bạn không thể đến trễ. Có rất nhiều cuộc họp trong ngày. Bàn làm việc luôn phải ngăn nắp, gọn gàng. Ông chủ luôn đúng và bạn không thể rời văn phòng trước ông ta". 

Ngoài khung giờ cố định tại văn phòng, Ellen nỗ lực tìm thêm những cơ hội tìm kiếm khách hàng ở những sự kiện hoặc buổi gặp gỡ thông qua các ứng dụng giao tiếp xã hội nổi tiếng ở Hong Kong như Meetup hoặc Tinder. 

"Làm thêm giờ gần như là một dấn thân tự nguyện ở công ty nếu bạn muốn lấy lòng ông chủ để tạo đà thăng tiến và tăng thu nhập. Tất cả những đồng nghiệp độc thân của tôi đều muốn ở lại công ty đến nửa đêm. Nếu không làm vậy, tôi sẽ bị đào thải nhanh chóng" - Ellen ngán ngẩm nói với tôi về "cuộc đua đến chết" của những người trẻ Hong Kong - những người đã quen với tiếng "ting ting" báo có email làm việc vào lúc nửa đêm, thậm chí trong cả những kỳ nghỉ. 

Hong Kong là thành phố có văn hoá làm việc quá tải với thời lượng 11 đến 14 tiếng/ ngày

Văn hoá làm việc đến "chết" ở xứ Cảng thơm bắt rễ từ một nền kinh tế thị trường tự do luôn đề cao và tối đa hoá lợi nhuận. Tính cách thực dụng, làm việc chăm chỉ và nỗ lực 150% của người Hong Kong bắt nguồn từ hệ thống kinh tế và xã hội có tính cạnh tranh gay gắt này. Một triết lý sống nổi tiếng của người Hong Kong là "chiến thắng từ vạch xuất phát" - khi một đứa trẻ nằm trong bụng mẹ đã được chuẩn bị cho cuộc đua giành ngôi vị số một trên mọi đường đua. 

Từ học mẫu giáo, tiểu học, trung học cho đến đại học, một đứa trẻ Hong Kong được cha mẹ dồn các nguồn lực thời gian, tiền bạc, năng lượng sao cho chúng sẽ bước vào một trường đại học danh tiếng, tiếp đó là một công ty hàng đầu về thu nhập. 

Sống ở xứ Cảng thơm lâu năm, bạn sẽ quan sát một trong những đặc trưng nổi bật của xã hội là: TỐC ĐỘ. Người Hong Kong đi nhanh, nói to, hành động dứt khoát, quyết liệt như sự vận hành chính xác đến từng giây của hệ thống giao thông trong thành phố. Cũng như vậy, người Hong Kong đua nhau quyết liệt trong việc giành chỗ ở những trường học hay công ty nổi tiếng. 

"Nếu không có tiền, bạn không thể tồn tại ở địa bàn đắt đỏ nhất thế giới này". Ellen nói về bối cảnh của trung tâm tài chính châu Á vẻn vẹn 1.000 cây số vuông nhưng có tới gần 8 triệu dân, trong khi chỉ 7% diện tích đất được khai thác làm nhà ở, 2/3 diện tích được bảo tồn nguyên vẹn. Giá một căn nhà ở Hong Kong đắt gấp 2 đến 3 lần giá một căn hộ ở New York hay Paris trong khi diện tích chỉ bằng một nửa. 

Một người Hong Kong mất 21 năm thu nhập mới có thể mua nhà và giấc mơ này càng trở nên không tưởng khi làn sóng đầu cơ từ Trung Quốc đại lục đang đè nát khát khao có nhà của người trẻ xứ Cảng thơm. Trong những năm gần đây, khi địa vị một trong bốn con rồng châu Á của Hong Kong đang bị đe dọa "soán ngôi" bởi những nền kinh tế mới nổi, thì văn hoá làm việc đến "chết" càng được đề cao và coi trọng. 

Stanley Hau Chin Ho - chủ tịch liên đoàn công nghiệp Hong Kong đã phát biểu trên tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng: "Người Hong Kong làm việc chăm chỉ, chi tiết, hiệu quả và đây là một phần lý do khiến Hong Kong thành công đến vậy. Đó là giá trị cốt lõi của chúng tôi. Và nếu nhân viên muốn có mức lương cao hơn, thời gian làm việc ngắn hơn, ngày nghỉ nhiều hơn thì Hong Kong sẽ không còn tính cạnh tranh nữa". 

Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn Alibaba đồng thời là ông chủ của tờ báo tiếng Anh nổi tiếng nhất xứ Cảng thơm là The South China Morning Post thường xuyên nhấn mạnh văn hoá "996" - là giá trị cốt lõi của tập đoàn này. Theo đó, ông khuyến khích nhân viên làm việc từ 9h sáng đến 9h đêm liên tục 6 ngày/1 tuần vì "nếu muốn thành công thì bạn phải làm việc nhiều hơn nữa".

Người Hong Kong mất 22 năm thu nhập mới mua được một căn hộ. Giá nhà đắt nhất thế giới góp phần tạo nên văn hóa làm việc căng thẳng nơi đây.

Khát khao có được danh tiếng và tiền bạc đã và đang để lại những hậu quả đáng báo động trong đời sống tinh thần và thể chất của người Hong Kong. Theo những nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần mới nhất được công bố, hơn 2 triệu người Hong Kong đang có biểu hiện rối loạn về tâm lý với biểu hiện lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, mất ngủ, mệt mỏi. Kết quả này được công bố trong bối cảnh hơn 7 tháng biểu tình chưa có dấu hiệu chấm dứt. 

Đường dây nóng về sức khoẻ tâm thần của hệ thống y tế công lập của Hong Kong nhận được 3.000 cuộc gọi cứu trợ mỗi tháng so với xấp xỉ 2.000 cuộc của năm 2018- 2019. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo chính phủ Hong Kong nếu không coi trọng giải quyết rốt ráo vấn đề này thì có thể sẽ dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng khác như nạn tự tử hoặc chia rẽ xã hội. 

Ở khía cạnh khác, nhóm chuyên gia này cũng đưa ra những chứng cứ khoa học chứng minh không phải cứ làm việc "đến chết" là có thể tối đa hoá năng suất lao động. Theo tổ chức OECD, một công nhân Nhật Bản (quốc gia nổi tiếng có số giờ làm việc dài nhất thế giới) chỉ đóng góp 46,10 USD vào tổng sản phẩm quốc nội GDP so với 64,60 của một công nhân Phần Lan (quốc gia nổi tiếng có số giờ làm việc ít nhất thế giới. 

Một người bạn Phần Lan đang hành nghề báo chí tự do ở Hong Kong đã mô tả với tôi về cách người Phần Lan là những người hạnh phúc nhất thế giới: "Bạn làm việc từ 6 đến 8 tiếng / một ngày và hoàn toàn có thể dành thời gian cho gia đình sau khi trở về nhà. 

Vào mùa hè, người Phần Lan có 4 tuần nghỉ hè nhưng vẫn được nhận lương, bởi vì chính phủ cho rằng mùa hè là thời điểm tuyệt vời nhất cho người dân "relax - tận hưởng" sau khi đã trải qua những tháng mùa đông đằng đẵng hầu như không nhìn thấy ánh mặt trời. 

Một phụ nữ Phần Lan khi sinh con được nghỉ 10 tháng có lương đầy đủ và chồng cô cũng có 3 tháng nghỉ chăm con mà không bị cắt lương." Hygge" được phát âm là hoo-ga, là một từ người Bắc Âu mô tả 'cảm giác ấm áp và thỏa mãn' và 'tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống cùng với những người tốt xung quanh bạn'. 

Phong cách sống "hygge" chính là bí quyết giúp những người Phần Lan hay Thuỵ Điển trở thành những người sống hạnh phúc nhất thế giới khi họ làm việc "để sống" chứ không phải làm việc "đến chết" như công dân của Hong Kong. 

Hong Kong (Trung Quốc) là thành phố có nền kinh tế tự do nhất thế giới khi gần như không có một rào cản thương mại hay chi phí bôi trơn nào. Tổng sản phẩm quốc nội năm 2018 của thành phố là 364 tỷ đô la Mỹ với mức thu nhập bình quân đầu người là 48,958 đô la Mỹ/1 năm. Tuy nhiên, Hong Kong là thành phố liên tiếp được xếp hạng là nơi có chi phí sống đắt đỏ nhất thế giới khi giá một ly cà phê là 180 nghìn VND so với 25 nghìn/ một ly cà phê ở Hà Nội. Khoảng 1,4 triệu người xứ Cảng thơm sống dưới mức nghèo khổ trong khi cứ 7 người Hong Kong thì lại có 1 người là triệu phú đô la.

Thu Phương (Viết từ Hong Kong)
.
.