Ứng phó với ngày mai

Thứ Hai, 13/01/2020, 21:17
Kenneth Boulding, nhà kinh tế học trứ danh người Anh, đã khái quát cảm giác ngỡ ngàng ấy: "Thế giới ngày nay khác xa với thế giới lúc tôi mới sinh cũng như khác với thế giới thời Julius Caesar. Quá nhiều việc xảy ra từ khi tôi sinh ra đến bây giờ cũng bằng những gì đã xảy ra trong toàn bộ thời gian dài trước khi tôi sinh ra"...


Mười năm trước, ông bà, bố mẹ chúng ta chắc hẳn đã một lần trợn tròn mắt khi nhìn thấy con cháu mình mặc một chiếc quần bò rách, nghe nhạc rock và có những người chưa từng đi nước ngoài. Mười năm sau, chưa cần già như ông bà, cha mẹ, chúng ta cũng có thể ngỡ ngàng vì một đứa em trai cuồng K-pop, nhìn thấy những người mới mười chín - đôi mươi nhưng đã đặt dấu giày lên hầu hết thế giới, bắt đầu cảm thấy lạc lõng trước các xu hướng (trend) trên mạng xã hội và tụt lại phía sau trong các cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện đại. Các cú sốc văn hóa đến ngày một nhanh hơn.

Cảm giác ngỡ ngàng

Kenneth Boulding, nhà kinh tế học trứ danh người Anh, đã khái quát cảm giác ngỡ ngàng ấy: "Thế giới ngày nay khác xa với thế giới lúc tôi mới sinh cũng như khác với thế giới thời Julius Caesar. Quá nhiều việc xảy ra từ khi tôi sinh ra đến bây giờ cũng bằng những gì đã xảy ra trong toàn bộ thời gian dài trước khi tôi sinh ra".

Cuốn sách Cú sốc tương lai của tác giả người Mỹ Alvin Toffler, một trong những tác phẩm tương lai học quan trọng nhất của thế kỷ XX, đã cố cắt nghĩa nhận xét trên, bằng cách chia lịch sử loài người trong 50.000 năm sau cùng (tính đến năm 1970, thời gian cuốn sách ra đời) thành các quãng đời trung bình, mỗi quãng 62 năm. Tức ta sẽ có khoảng 800 quãng đời như thế.

Và cảm giác kinh ngạc xuất hiện ở chỗ, gia tốc của nhân loại ngày một chóng mặt hơn. Trong số 800 quãng đời kể trên, thì có 650 quãng mà loài người vẫn chỉ sống trong hang động. Chữ viết mới xuất hiện trong 70 quãng đời gần nhất. Trong 6 quãng đời cuối cùng, chữ in mới xuất hiện. Ta đo được thời gian trong 4 quãng đời sau cùng và động cơ điện mới xuất hiện trong 2 quãng đời gần đây mà thôi.

Con người sẽ làm thế nào để ứng phó với cú sốc ngày mai? Nguồn ảnh: Getty Images.

Hầu hết mọi phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử được sáng tạo trong quãng đời thứ 800 này, hơn 700 quãng đời trước cộng lại. Với sự bùng nổ của internet vào đầu thế kỷ XXI này, tương lai ngày một đến nhanh hơn ta tưởng rất nhiều, ở quãng đời thứ 801.

Hàng hóa và các dịch vụ xã hội cũng biến đổi với tốc độ nhanh tương tự: vào năm 13 tuổi, một đứa trẻ sẽ có xung quanh lượng "vật chất" nhiều gấp đôi so với lúc nó mới ra đời. Đến tuổi 30, lại một lần gấp đôi khác diễn ra và kết quả là cho đến khi một người sắp chết (vào khoảng 80 tuổi) thì xung quanh ông ta là một xã hội tiêu dùng có gấp 32 lần lượng hàng hóa, dịch vụ so với khi chào đời.

Với gia tốc hiện đại, trong khoảng 10 năm nữa thôi, thì từ khi chào đời cho đến lúc chết đi, ta sẽ chứng kiến xã hội sản xuất ra lượng hàng hóa gấp 64 lần! Bất kỳ một nhãn hàng lớn nào cũng cố gắng mỗi năm cho ra một sản phẩm mới, dù cái ô tô hay điện thoại họ làm ra 10 năm trước vẫn chạy rất tốt.

Khi tương lai đến quá nhanh, con người sẽ rơi vào một trong hai trạng thái: bị cắt đứt với quá khứ (thường xảy ra với những người trẻ) và lạc lõng trong hiện tại (thường xảy đến với người lớn tuổi). Các nề nếp cũ đang đứng trước những thách thức lớn từ những người trẻ, vốn có quá nhiều năng lượng và mong muốn thay đổi. Trong khi đó, đa số những người lớn tuổi bị tương lai xâm chiếm quá nhanh thường không thể theo kịp các kỹ năng và giao thức thông tin hiện đại.

Những suy nghĩ khác nhau phát sinh từ việc con người đang bị "quá tải thời gian" dẫn đến một việc là chúng ta ngày càng không hiểu nổi nhau, được gọi là "khoảng cách thế hệ" và như Toffler dự báo 50 năm trước, "hàng triệu người sẽ mất phương hướng và dần dần đánh mất năng lực đối phó với môi trường xung quanh".

Những cú sốc ở Việt Nam

Vào dịp tết tới đây, những người trẻ bắt đầu ngại về quê và đối mặt với những câu hỏi riêng tư, cũng như tham gia vào các nghi lễ truyền thống của tết. Họ chọn đi du lịch vào ngày tết, kết hôn muộn hoặc thậm chí không kết hôn.

Nếu như khoảng 3 thập niên trước, chúng ta còn đang tranh cãi xem có nên quan hệ trước hôn nhân hay không thì độ tuổi trung bình khi quan hệ tình dục lần đầu của người Việt, theo điều tra của Durex vào năm 2016, là 19,7. Các xu hướng tình dục mới cũng xuất hiện: thống kê xã hội học cho biết Việt Nam hiện có khoảng 1,65 triệu người đồng tính và lưỡng tính trong độ tuổi 15-59.

30 năm trước, một người bình thường có xu hướng làm việc ở một nơi nhiều năm thì bây giờ nhảy việc giống như một thông lệ xã hội: Báo Tuổi trẻ trích dẫn báo cáo tuyển dụng nhân sự trực tuyến nửa đầu 2019 từ Vietnam Works (sàn tuyển dụng lao động trực tuyến) cho biết 83% trong nhóm nhân sự thuộc thế hệ X (sinh năm 1965-1980) cho biết họ sẽ tìm kiếm công việc mới, trong khi đó nhóm thế hệ Y (sinh năm 1981-1995) là 74% và thế hệ thế hệ Z (1996 đến nay) là 71%.

Hôn nhân cũng rơi vào tình trạng tương tự: một nghiên cứu khoa học mới đây cho biết tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam hiện vào khoảng 31,4%, tức cứ 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp quyết định chia tay. Mọi thứ dường như đang trở nên ngày một "nhất thời" hơn.

Thứ hai là những cú sốc công nghệ. Chúng ta bắt đầu phải làm quen với những khái niệm mới và ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống. Dữ liệu lớn (big data) và mạng xã hội (social network) làm thay đổi giao thức liên lạc và khiến nhất cử nhất động của chúng ta biến thành công cụ của quảng cáo trực tuyến: bạn có lẽ đã trải nghiệm cảm giác nói về một chiếc giày vào buổi sáng, rồi đến trưa thấy quảng cáo về nó hiện lên trên Facebook.

Xã hội đang bị quá tải thông tin, đến từ việc các tờ báo và truyền thông đa số sản xuất thừa mứa những gì người đọc/xem MUỐN để thu hút tối đa sức chú ý chứ không phải những gì họ CẦN. Hãy lấy ví dụ một bản tin về việc Đoàn Văn Hậu được ra sân 4 phút ở Hereveen: vài chục tờ báo sẽ cùng lên một tin giống nhau, thông báo rằng cầu thủ của Việt Nam được ra sân. Trong khi đó, những gì chúng ta cần thì không có, như là tâm tư chi tiết của cầu thủ này trước 4 phút đó, HLV đã nói gì với anh và sự chuẩn bị cho 4 phút ấy như thế nào?

30 năm trước, chúng ta có thể xếp hàng mua một tờ báo giấy và đọc ngấu nghiến. Giờ đây, hầu như không có một phương tiện truyền thông nào đủ sức giữ chân chúng ta quá thời lượng một bộ phim giờ vàng của VTV. Sau giật gân này sẽ là giật gân khác. Sau xu hướng (trend) này sẽ có một xu hướng khác. Và các con sóng tiếp nối rất nhanh.

Đối phó với tương lai

Tháng 8-1967, tại Mỹ, các nhà khoa học tiến hành một thử nghiệm trên 3.000 thủy thủ của 3 tuần dương hạm ở cảng San Diego. Tất cả được hỏi về những thay đổi trong vòng một năm trước đó, từ to lớn như ly hôn, chuyển nhà hay thậm chí rất vụn vặt như thói quen ăn, ngủ, phong cách ăn mặc. Từ đó, họ được chấm điểm thay đổi.

Sau đó, trong 6 tháng lênh đênh trên biển, bất kỳ ai phát sinh bệnh đều được ghi chép lại. Kết quả: Những người có số điểm thay đổi cao ngã bệnh với tỉ lệ gấp đôi những người có số điểm thay đổi thấp. Một nghiên cứu khác cùng thời điểm còn cho ra con số đáng sợ hơn: 40% trong số 5.000 bà góa ở Anh đã qua đời chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi ly hôn.

Trong Chiến tranh thế giới II, một người lính thuộc lực lượng Chindit dưới quyền tướng Wingate ở Miến Điện đã lăn ra ngủ ngay khi trận chiến đang diễn ra và đạn súng máy vẫn đang rơi vãi. Các nhà khoa học người Anh sau này đã phát hiện ra một chứng bệnh thờ ơ dẫn đến hiện tượng ngủ bất chấp này: đấy là biểu hiện của tâm lý đã vỡ vụn sau quá nhiều căng thẳng. Chiến trường là môi trường đầy những thay đổi và thích nghi liên tục đã dẫn đến sự mệt mỏi không thể cưỡng lại này.

Ngày nay, chiến tranh hầu như không còn nhưng xã hội hiện đại mang lại một lượng thay đổi và thông tin phải xử lý liên tục tương đương những trận đánh khốc liệt nhất: trẻ con bị quá tải bài vở, người lao động bị stress vì cường độ làm việc căng thẳng, lối sống hiện đại làm cho con người ngồi một chỗ nhiều hơn nhưng suy nghĩ bị rối loạn hơn.

Cách đây 10 năm, tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần ở Việt Nam chỉ là 15-20%. Con số này cuối năm ngoái là 30% và 29% trong số này là những người trẻ, đang trực tiếp ngụp lặn trong những thay đổi nhanh chóng và khốc liệt nhất.

Trong nửa thập kỷ qua, nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng đã lần đầu đối diện với thách thức dạng này và các chiến lược khác nhau đã liên tục được vạch ra để ứng phó với ngày mai: các lớp Yoga, tư vấn sức khỏe tinh thần mọc lên như nấm; rất nhiều người bắt đầu tẩy chay bớt các kích thích bên ngoài, hạn chế con cái dùng smartphone hay tivi; giáo dục bắt đầu đưa vào những kỹ năng tinh thần, ngoài khoa học thuần túy, như để tạo ra những "vùng đệm" cho con người rơi xuống êm ái hơn từ cú sốc tương lai.

Nhưng, cái mới vẫn ngày một chồng chất nhiều hơn, để ứng phó với sự thích nghi của chúng ta. Và đa số vẫn sẽ liên tục bị cuốn theo những kích thích nhất thời. Một số nuối tiếc, phán xét quá khứ quá khắc nghiệt và một số khác thì nghĩ về tương lai xa đến nỗi nó đơn thuần là một hình ảnh thoát ly thực tế.

Một ai đó đã nói: "Quá khứ là lịch sử, tương lai là bí ẩn, còn hiện tại là món quà của Thượng đế và đó là lý do vì sao chúng ta gọi nó là HIỆN TẠI (Present trong tiếng Anh vừa là hiện tại, cũng có nghĩa là món quà)".

Chăm chú vào hiện tại là cách duy nhất không bị đánh lạc hướng bởi quá khứ và chịu những cú sốc tương lai. Hành trình dịch chuyển đến tương lai là hàng triệu bước nhỏ ở hiện tại, "nơi" mà bạn có thể chủ động nắm lấy thay đổi và thích ứng chủ động với những gì đang diễn ra.

Chúc bạn đọc xác định được "hiện tại" của mình và khi đó, hẳn tương lai sẽ không còn là cú sốc. Trái lại, nó bồi đắp cho sự tồn tại của chúng ta, trong cái đẹp rất chung của tạo hóa, thứ có thể tạo ra cú sốc với người này nhưng là niềm hạnh phúc lấp lánh với kẻ khác.

Ban Cầm
.
.