Tương lai nào cho sách giao khoa điện tử?

Thứ Bảy, 12/01/2019, 09:21
Công nghệ thông tin đã và đang thay đổi mọi mặt của cuộc sống, trong đó có giáo dục. Vì vậy, ở nhiều nền giáo dục trên thế giới hiện nay, một câu hỏi rất lớn và nhức nhối được đặt ra: sách giáo khoa điện tử liệu có đất sống hay không?


Từ câu chuyện của Malaysia

"Hồi tưởng lại về những ngày còn học trung học, tôi không thích chút nào việc phải gồng mình vác lên vai một cái cặp chứa đầy sách giáo khoa đến trường", một thanh niên Malaysia chia sẻ. "Cái cặp rất nặng, và ở một quốc gia nhiệt đới như chúng tôi, mang cặp trên vai còn rất nóng nữa. Nếu để sẵn sách giáo khoa trong ngăn bàn thì sao? Tôi bị phạt không biết bao nhiêu lần vì việc đó, vì cần phải mang bên mình và học về giá trị của những cuốn sách".

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học tới, sách giáo khoa cùng những chiếc cặp nặng nề không còn là mối lo của các học sinh, cũng như phụ huynh Malaysia nữa. Chính phủ nước này vừa ra thông báo chính thức kể từ năm 2019, học sinh bậc trung học cơ sở tại Malaysia sẽ đồng loạt sử dụng sách giáo khoa điện tử.

Từ năm 2019, Malaysia sẽ dần thay sách giáo khoa truyền thống bằng sách giáo khoa điện tử.

Malaysia muốn thực hiện cải cách giáo dục qua việc "số hóa" sách giáo khoa. Tuy nhiên, vì kinh phí hạn hẹp, chính phủ không có kế hoạch hỗ trợ máy tính cho từng học sinh. Thay vào đó, các trường học cho phép học sinh được mang máy tính cá nhân tới trường. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia, bà Teo Nie Ching chia sẻ: "Nếu các bậc phụ huynh cho phép, và máy tính chứa sách giáo khoa điện tử phục vụ học tập, thì không có vấn đề gì cả".

Chính phủ Malaysia cũng không giấu tham vọng nhân rộng mô hình này ở tất cả các cấp học. Bậc trung học cơ sở được sử dụng làm mô hình thí điểm đầu tiên nhằm thu về phản hồi của học sinh và các phụ huynh. Từ năm 2019, sách giáo khoa điện tử lần đầu tiên áp dụng. Đến năm 2020, Malaysia đưa vào thí điểm sách giáo khoa điện tử tương tác trực tiếp với học sinh.

Thứ trưởng Teo Nie Ching khẳng định rõ ưu điểm của sách giáo khoa điện tử Malaysia chuẩn bị áp dụng: "Việc số hóa sách giáo khoa cho phép học mọi lúc mọi nơi, cũng như giúp học sinh tiếp cận kiến thức bên ngoài phạm vi bài giảng. Bên cạnh đó, bọn trẻ sẽ không phải đeo cặp chứa đầy sách giáo khoa nặng trĩu trên vai nữa". 

Để chuẩn bị cho thay đổi toàn diện vào năm tới, Malaysia đã số hóa 495 đầu sách giáo khoa. Tất cả được sao từ sách giáo khoa truyền thống và tải lên hệ thống lưu trữ quốc gia. Mọi học sinh và giáo viên đều có thể truy cập, xem và tải về.

Không chỉ có mình Malaysia, nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đã đưa vào thử nghiệm và áp dụng sách giáo khoa điện tử. Mô hình này đang được nhân rộng ở một số quốc gia châu Phi. Còn ở châu Á, Hàn Quốc là một trong những nước tiên phong áp dụng sách giáo khoa điện tử ở toàn bộ các cấp học.

Kế hoạch số hóa sách giáo khoa được Hàn Quốc thực hiện từ năm 2007. Đây là một phần trong mục tiêu biến Hàn Quốc trở thành một cường quốc về tri thức, cũng như giúp học sinh sớm nắm bắt thay đổi trong tương lai. Ban đầu, chương trình được Hàn Quốc thí điểm ở 50 trường học trên khắp cả nước.

Hàn Quốc là nước tiên phong áp dụng toàn bộ sách giáo khoa điện tử.

Hơn 10 năm qua, các lớp học tại Hàn Quốc sử dụng máy tính lưu trữ sách điện tử song song sách giáo khoa giấy truyền thống. Từ cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, sách giáo khoa điện tử dần phổ biến và thay thế sách giáo khoa giấy. Sau 8 năm, Hàn Quốc chính thức số hóa hoàn toàn sách giáo khoa. Hiện tại, học sinh Hàn Quốc chỉ dùng sách giáo khoa điện tử.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, Hàn Quốc là nước đầu tiên tuyên bố - và thực hiện nghiêm túc - kế hoạch loại bỏ hoàn toàn sách giáo khoa giấy khỏi chương trình học. Mỗi lớp học ở Hàn Quốc - từ bậc tiểu học đến đại học - chỉ có máy tính hoặc máy tính bảng.

Tại Hàn Quốc, việc triển khai sách giáo khoa điện tử không chỉ giúp thuận tiện hơn trong việc lưu trữ dữ liệu. Quốc gia này còn phát triển một phần mềm quản lý nhằm giúp giáo viên có thể kiểm tra các học sinh liệu đã học ở nhà hay chưa, bằng việc xem lịch sử truy cập sách giáo khoa điện tử của học sinh.

Bằng cách đó, học sinh Hàn Quốc không thể nói dối giáo viên "em đã học bài hôm qua nhưng quên mất rồi", bởi giáo viên có thể khẳng định "từ màn hình quản lý của tôi, tôi thấy hôm qua em không hề đọc trang nào cả". Sách giáo khoa điện tử cũng khuyến khích học sinh tích cực tìm hiểu bài học ngoài nội dung sách đề cập tới.

Những hạn chế

Bên cạnh những mặt tích cực đã được chỉ rõ, sách điện tử cũng tồn tại không ít hạn chế. Đó là lý do khiến Hàn Quốc và Malaysia nằm trong số ít những quốc gia kiên quyết xóa bỏ hoàn toàn sách giáo khoa giấy truyền thống. Hạn chế đầu tiên xuất phát từ bước đầu quá trình triển khai và áp dụng sách giáo khoa điện tử: Kinh phí.

Hàn Quốc và Malaysia là những quốc gia có mức thu nhập nằm ở nhóm từ trung bình cao đến cao. Điều đó cho phép các gia đình hỗ trợ một phần - hoặc toàn bộ - chi phí mua sắm máy tính cho con em họ sử dụng ở trường. Nhưng với những quốc gia đang phát triển, có thu nhập ở nhóm dưới, và phân bố không đều nhau thì sao?

Chương trình số hóa sách giáo khoa cũng từng thí điểm ở một vài quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, nó nhanh chóng gặp trở ngại vì vấp phải vấn đề kinh phí.

Ngay cả khi có hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, trường học và chính quyền địa phương cũng không đủ ngân sách cấp toàn bộ máy tính cho các học sinh. Các phụ huynh cũng không sẵn lòng chi tiền cho con em họ mua máy tính mới và đem đến trường sử dụng. Không phải quốc gia nào cũng hào phóng như Uruguay, cấp cho mỗi học sinh và giáo viên một chiếc máy tính.

Hạn chế thứ hai nằm ở chính môi trường lưu trữ sách giáo khoa điện tử: Máy tính. Sẽ ra sao nếu học sinh không dùng nó để học, mà để phục vụ các mục đích hoàn toàn khác? Liệu sử dụng sách giáo khoa điện tử có góp phần khiến học sinh lạm dụng công nghệ và "nghiện" máy tính hay không?

Sách giáo khoa truyền thống vẫn sẽ tồn tại bên cạnh sách giáo khoa điện tử.

Chính Hàn Quốc cũng nhận thức rõ rủi ro sách giáo khoa điện tử mang lại. Kwon Cha Mi, một lập trình viên vận hành sách giáo khoa điện tử tại một trường tiểu học ở Hàn Quốc chia sẻ: "Mối lo về sách giáo khoa điện tử là các em sẽ không có nhiều thời gian trải nghiệm cuộc sống thực. Các em chỉ biết nhìn cả thế giới qua màn hình máy tính".

Những con số sẽ cho thấy rõ hơn. Chính phủ Hàn Quốc thống kê trung bình 1/12 học sinh tiểu học dùng sách giáo khoa điện tử có biểu hiện nghiện máy tính. Việc này làm ảnh hưởng đến sức khỏe thế hệ trẻ - cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Việc thử nghiệm sách giáo khoa điện tử tại Mỹ cũng cho ra kết quả tương tự, với tỷ lệ 8-12% học sinh nghiện máy tính.

Sách giáo khoa điện tử sẽ thay thế hoàn toàn sách giáo khoa truyền thống?

Hàn Quốc đã thực hiện điều đó, dù trong quá trình áp dụng họ nhận thấy những mặt tiêu cực do sách giáo khoa điện tử mang lại. Những giờ học giáo dục thể chất được tăng lên ở Hàn Quốc, nhằm "đẩy" học sinh ra khỏi màn hình máy tính. Quy chế thực hiện nghĩa vụ quân sự được áp dụng với gần như toàn bộ nam giới cũng giúp thanh niên Hàn Quốc tránh khỏi tình trạng nghiện máy tính khi trưởng thành.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa sách giáo khoa điện tử sẽ hoàn toàn loại bỏ sách giáo khoa truyền thống ở những quốc gia khác. Bất chấp ngành sách điện tử phát triển và mở rộng, ngành sách in vẫn tồn tại và phát triển.

Sách giáo khoa truyền thống mang lại cho học sinh những trải nghiệm mà sách giáo khoa điện tử không làm được: Cảm giác hân hoan khi cầm trên tay một cuốn sách mới, lật mở từng trang và khám phá những điều mới mẻ. Việc đọc "chậm", viết "chậm" trên giấy cũng giúp mở rộng thế giới quan của trẻ hơn, ghi nhớ lâu hơn so với thao tác trên máy tính.

Một yếu tố khác khiến sách giáo khoa giấy sẽ tiếp tục tồn tại chính là thế giới này vốn không "phẳng". Khác biệt về thu nhập, chênh lệch giàu - nghèo sẽ khiến sách giáo khoa truyền thống luôn là lựa chọn hàng đầu. Sách giáo khoa điện tử sẽ chỉ là một lựa chọn, như một công cụ bổ trợ song song.

Hải Sơn
.
.