An Nam trong mắt lữ khách thuở ấy: Từ những mảnh vỡ hồi ức
Chắp nối và nhìn lại những mảnh vỡ hồi ức này, theo tôi, trước hết để hình dung rõ hơn về “tấc lòng” cũng ưu thời mẫn thế từ phía kẻ xa lạ, và hơn nữa, để nắm bắt phần nào những trạng huống chân thực của xã hội An Nam trong thời điểm họ không còn lựa chọn nào khác ngoài bước vào quĩ đạo canh tân, hiện đại hóa.
1. Hãy bắt đầu với cuốn Hồi ký Xứ Đông Dương (1905) của Paul Doumer, viên Toàn quyền để lại một di sản tuy lớn nhưng không ít điều tiếng ở xứ thuộc địa.
Sau nhiệm kì năm năm (1897-1902), Paul Doumer trở về Pháp trong ánh hào quang vì đã biến một nơi xa xôi trở thành “ban công nhìn ra Thái Bình Dương của nước Pháp” đủ hấp dẫn chính giới nhưng lại không đủ dập tắt dư luận báo chí hoặc các đối thủ chính trị cáo buộc, chế giễu, gièm pha về các chính sách cũng như cá tính quá quyết đoán đến mức khắc nghiệt của ông.
Ngay tức thì Paul Doumer viết hồi ký (souvenirs) trình bày kĩ lưỡng nhiều vấn đề, trong đó, dường như cũng muốn “biện minh” cho chính mình, nhất là cái thế quá khó khi phải đương đầu với rất nhiều thử thách lớn.
Nhưng điều khiến độc giả lưu tâm, thực ra, còn nằm ở những trữ tình ngoại đề mà Paul Doumer, tự do hơn, khéo léo dẫn dắt để độc giả Pháp hiểu rõ hơn về xứ An Nam. Đấy không phải là vùng đất nhuốm đầy huyền thoại, kì bí như trong cái nhìn của các lữ khách ưa mạo hiểm hóa, mà hết sức cụ thể theo từng địa hình địa vực, khí hậu, thổ nhưỡng.
Ông cũng thường xuyên dừng lại, và đây mới là điểm để chúng ta có quyền bình luận rằng đáng tin hay cần hoài nghi, trước tình cảnh sống của người dân An Nam: “Người dân ở đây [Bắc Kỳ] cần cù, thông minh, khéo léo; đất đai màu mỡ. Ấy thế nhưng vào năm 1897, dân chúng dường như rất khốn khổ. Dưới làn mưa phùn buốt lạnh giá, họ lẩy bẩy, gần như trần trụi bên đường, họ che thân một cách sơ sài bằng chiếc áo tơi”.
Mặc dù cần cù nhưng nghèo đói vẫn hiện diện khắp nơi, làng mạc chật hẹp vẫn bó buộc người dân vào công việc đồng áng quanh năm đầu tắt mặt tối. Trong tâm trạng nơm nớp âu lo sinh kế, người dân An Nam nhìn người Pháp một cách dè chừng, khép nép, “họ vẫn đang phải chịu đựng đau khổ vì người Pháp” – Paul Doumer nhận xét.
Tôi không nghĩ viên Toàn quyền trẻ tuổi đã phải tỏ ra thương hại hay quá lời ở những đoạn hồi tưởng nói về tình cảnh nghèo khó, lạc hậu của xứ An Nam. Thậm chí, trong lối viết đậm chất tả thực của ông, chúng ta còn thấy nó chưa đủ gây rùng mình như các nhà văn hiện thực chủ nghĩa Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao.
Vấn đề là Paul Doumer không sử dụng nó để phê phán, đả kích ai, mà để đặt trong những dự tính xây dựng, tái thiết thuộc địa của mình. Vì thế, ngay khi bắt gặp vùng châu thổ Bắc bộ sinh ra từ phù sa sông Hồng, Paul Doumer không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc duy tu, bảo dưỡng đê điều và đồng thời, “sông Hồng đòi hỏi một đường xe lửa trên bờ của nó”. Ý tưởng về sau thành cây cầu Long Biên nổi tiếng ấy, rõ ràng, càng ngày càng cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của nó với nhiều cây cầu khác được xây dựng gần đây.
Hồi ức của Paul Doumer càng về cuối càng thấm đẫm mùi vị “kỉ nguyên của sắt thép và của những cây cầu”.
Nhưng đây là một điểm đáng chú ý mà ông rút ra trong quá trình thi công cây cầu mang tên ông: “Vẫn các công nhân bản xứ lắp ráp các phần dầm kim loại, vận hành các thiết bị cẩu nặng, tán các đinh ri-vê. Ban đầu, các thợ tán đinh ri-vê chủ yếu được tuyển mộ từ cộng đồng người Hoa, vốn khỏe mạnh hơn người An Nam; nhưng dần dà, người An Nam đã gạt người Hoa ra. Nếu họ không khỏe bằng, họ sẽ tích cực và khéo léo đến mức tạo ra năng suất cao hơn, nên họ được các kĩ sư ưa thích hơn”.
Điều này có nghĩa, một mặt, người An Nam tuy cực nhọc trong lao động nhưng không thờ ơ với cơ hội kiếm việc làm và mặt khác, họ có ý chí lẫn năng lực để đảm nhận những công việc hiện đại đòi hỏi kĩ thuật, năng suất cao. Sự kì vọng của Paul Doumer vào tính cách dũng cảm, sáng tạo trong lao động của người An Nam, cho đến nay, đã không còn là một ngoa ngôn.
2. Được gặp chút thoáng Paul Doumer trong buổi khánh thành tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Thương vào năm 1902, mấy mươi năm sau, Claude Bourrin, một nhân viên ngành thuế, đã nhớ lại với niềm vinh dự thầm kín, kèm theo bình luận: “[…] có những giá trị căn bản của vị toàn quyền đầu tiên, người đặc biệt sắc sảo và là người duy nhất trong những năm trước chiến tranh có những ý tưởng mạnh mẽ đối với các công trình dài hạn”.
Cái sự dài hạn, hay chính xác hơn, một “kế hoạch tổng thể” không thể dựa vào những lợi ích thuần túy địa phương, đã giúp ba xứ của An Nam tự thu hẹp khoảng cách lẫn nhau, ít nhất là về mặt địa lí và kinh tế, xã hội.
Bản thân Claude Bourrin không quên nỗi ám ảnh về những chuyến đi “kỉ lục thực sự” trên con đường cái quan từ Hà Nội vào Sài Gòn nhưng điều anh ta quan sát được, tôi nghĩ, cũng khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng: “Tôi nhớ là đã thấy ở Hà Nội năm 1909 đám ma của một người thư kí. Người ta đã gọi tới một dàn kèn châu Âu. Thế nhưng phía sau xe tang lại có hàng chục nhạc công chơi bài Hành khúc tang lễ (Marche funèbre) của Chopin cứ như chiếc xe tang đang chở một ông đại sứ có tên tuổi, một thống chế nổi tiếng hay một viện sĩ hàn lâm”.
Với Claude Bourrin, người An Nam không chỉ ăn mặc, ăn uống và cắt tóc theo “kiểu châu Âu” mà còn sẵn sàng học đòi cái gọi là văn minh của người Pháp một cách bất chấp.
Chắc chắn, việc bắt chước Thái Tây quá hợm hĩnh và nông nổi đã diễn ra trong một bộ phận không nhỏ thị dân Việt Nam đầu thế kỉ XX. Và cùng với đời sống công chức trong bộ máy hành chính “ngồi lê đôi mách và quẩn quanh xó nhà”, “ở đâu người ta cũng có thể đàm tiếu và nói xấu về mọi chuyện và về tất cả mọi người” như nhận xét của Raoul Postel vào năm 1884, thì quả nhiên, trạng thái hiện đại chưa đến đích đã bị vênh lệch đi khá nhiều.
Trong giai đoạn đó, các kí giả, nhà báo An Nam cũng liên tục báo động lối sống sa đọa, suy đồi đang ngấm dần vào lớp thanh niên “thượng lưu cặn bã”.
Đặc biệt, việc hút và nghiện thuốc phiện đã trở thành tệ lậu mới vượt lên mọi nỗ lực ngăn chặn. Louis Rouband, tác giả của Việt Nam, tấn bi kịch Đông Dương (1931) nổi tiếng, đã lo ngại và chế giễu về một thực tế rằng những bồi bếp và cu li đã phải nhai những viên xái vét trong điếu của các ông chủ.
Các đô thị Sài Gòn, Chợ Lớn, Hà Nội là nơi tập trung nhiều tiệm hút và dân nghiện nhưng cảnh tượng dân quê nằm cạnh mâm đèn cũng không còn quá xa lạ. Hình ảnh những bảng hiệu R.O (Régie de lOpium: Ty thuốc phiện) xuất hiện khắp thành phố và làng mạc, dưới màu trắng của lá cờ nước Pháp. Dĩ nhiên, nhà báo này cũng biết rõ lợi nhuận khổng lồ từ thuốc phiện đem lại cho mẫu quốc (một ty thuốc phiện Pháp có thu nhập chiếm tới một phần tư tổng ngân sách Đông Dương) vì thế, dù có rất nhiều phản đối mang tính đạo đức, “tự do thuốc độc” vẫn cứ hiển hiện như một quyền tự do duy nhất mà các nhà khai hóa mang đến cho người dân bản xứ!
Đó hẳn là những hồi ức không mang lại thiện cảm nào đối với độc giả hôm nay. Nhưng cũng cần thiết để chúng ta nhìn thẳng vào tính cách đua đòi, dễ sa ngã, dễ chấp nhận và thỏa hiệp với mọi cái mới mà người An Nam thường bộc lộ. Việc không hoặc ít có sự kháng cự đủ mạnh nào trước lực hút của thói quen hưởng lạc vật chất thuần túy cũng là nhược điểm khiến chúng ta bỏ nửa chừng các ý hướng, hành động duy tân triệt để và dài lâu.
3. Một hồi ức nữa mà tôi muốn nhắc đến là của Michel Đức Chaigneau (1803-1894). Nếu Paul Doumer dành một trường đoạn khá hào hứng cho kinh thành Huế, “điện Versaille của An Nam”, “đẹp đẽ và oai nghiêm đến từng chi tiết”, thì trước đó, 1867, Michel Đức Chaigneau còn dành cho mảnh đất cố đô này những hồi ức dài hơi và sinh động hơn, trong đó, có chi tiết nhỏ khiến tôi chú ý: người An Nam rất đam mê cờ bạc ăn tiền. Ngay trong những ngày đầu năm, người dân “tụm ba tụm bảy chơi bài khắp nơi, trong nhà, ngoài phố, ngay cả ven đường”.
Dân chúng say sưa sát phạt, với Michel Đức Chaigneau, là cảnh tượng quá đỗi ngạc nhiên. Nhưng oái oăm thay, sau gần hai trăm năm, các trò cờ bạc đỏ đen hôm nay vẫn diễn ra quanh năm và ngày càng tinh vi, khủng khiếp hơn. Tại sao, vẫn tái lặp một kí ức đắng đót đến thế?