Trung Quốc: Đập Tam Hiệp những góc nhìn khác nhau
Từ những tranh luận không ngớt của giới chuyên môn...
Kể từ khi được Quốc hội Trung Quốc chính thức thông qua (3/4/1992), đập thủy điện Tam Hiệp vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục là đề tài gây tranh cãi của các nhà khoa học và giới chuyên môn. Một số chuyên gia cho rằng, việc trữ đầy nước vào hồ chứa khổng lồ của đập Tam Hiệp có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm động đất của quốc gia này.
Theo Tạp chí Scientific American, hồ chứa nước Tam Hiệp nằm trên hai đứt gãy chính, gồm Cửu Hoàn Tây và Tử Quỷ - Bát Động. Theo nhà địa chất học Phan Tiêu, thuộc Ủy ban Khai thác và Thăm dò địa chất nguồn khoáng sản tỉnh Tứ Xuyên, việc thay đổi mực nước trong hồ Tam Hiệp sẽ khiến các đứt gãy bị căng ra.
Có người nói rằng, kể từ khi hồ Tam Hiệp bắt đầu trữ nước (1/6/2003), đập Tam Hiệp đã tạo ra một loạt địa chấn trong khu vực hồ chứa. Giới chuyên môn cho rằng, con đập được xây ở khu vực động đất dễ xảy ra và một hồ chứa quá lớn có thể tự tạo ra những chấn động mạnh.
Tổ chức Diễn đàn Kinh doanh thế kỷ XXI từng cảnh báo, khi mực nước dâng lên ngày càng cao, các cơn chấn động ghi nhận được sẽ ngày càng lớn và thường xuyên hơn.
Hai nhà khoa học Lý Bằng và Lý Vương Quân, Giáo sư xây dựng tại Trường Đại học Vũ Hán từng cho rằng, rung động tạo ra từ hồ chứa Tam Hiệp là vấn đề rất đáng quan ngại bởi chỉ cần một trận động đất trung bình cũng đủ để gây ra một loạt rung động cho khu vực hồ chứa, dẫn đến lở đất, xói lở bờ sông gần vùng chấn tâm và hậu quả sẽ khôn lường.
Nhiều kỹ sư Trung Quốc nhận định, các đập nước của nước này đã phải chịu trách nhiệm về ít nhất 19 trận động đất trong 50 năm qua. Được biết, chỉ một năm sau khi hoàn thành việc xây dựng đập Tam Hiệp (20/5/2006), Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận, dự án này đang gây ảnh hưởng vô cùng tai hại đến môi trường.
Cách đây 8 tháng, giới truyền thông Trung Quốc từng cảnh báo, nếu không nhanh chóng giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh từ đập Tam Hiệp, thảm họa sẽ khôn lường như nguy cơ lụt lội, xói mòn đồi núi dọc theo sông Dương Tử.
Giới khoa học cảnh báo, Trung Quốc sẽ phải đối phó một thảm họa nếu các vấn đề môi trường của đập Tam Hiệp không được giải quyết sớm. Theo giới chuyên môn, hồ chứa nước được tạo bởi đập Tam Hiệp đang bốc mùi và đây là hệ quả của tình trạng ô nhiễm môi trường. Ước tính có khoảng 14 tỷ tấn rác thải các loại đã được đổ xuống sông Dương Tử mỗi năm.
Giới khoa học luôn nhắc tới trường hợp của chuyên gia thủy lợi Hoàng Vạn Lý, Giáo sư Trường Đại học Thanh Hoa, người dám phản bác kế hoạch xây dựng hồ nước Tam Môn Hiệp để chứng minh cho những giả thiết của mình.
Cách đây hơn 50 năm (năm 1952), Trung Quốc mời Liên Xô giúp lập dự án trị thủy Hoàng Hà, con sông hung dữ nhất nước này. Nhưng sau khi bản "Quy hoạch lợi dụng tổng hợp Hoàng Hà" được hoàn tất (tháng 10/1954), Giáo sư Hoàng Vạn Lý đã nhấn mạnh, Liên Xô có nhiều kinh nghiệm xây dựng thủy điện, nhưng họ không hiểu Hoàng Hà - Hoàng Hà có rất nhiều phù sa và điều này sẽ là nguồn gốc gây ra tai họa sau này.
Hoàng Vạn Lý còn cho rằng, nếu đắp đập trên đoạn sông có trầm tích thì nạn lụt ở hạ lưu Hoàng Hà sẽ chuyển đến đoạn trung lưu và phù sa trong nước sông sẽ chia cắt thượng lưu, tạo lục địa vùng hạ lưu. Xây đập ngăn sông, làm trong nước là trái quy luật tự nhiên, sẽ gây ngập lụt và thiệt hại cho các thành phố ven Hoàng Hà…
Và thực tế đã chứng minh những quan ngại của Hoàng Vạn Lý. Chỉ 1 năm sau khi hồ chứa nước Tam Môn Hiệp hoàn thành (tháng 9/1960), 800.000 mẫu ruộng ở 2 bờ sông Hoàng Hà đều bị ngập, phải di dời cả một huyện, thậm chí TP Tây An bị đe dọa nghiêm trọng.
Từ năm 1972, Hoàng Hà bắt đầu đứt dòng chảy và kể từ năm 1990, trung bình mỗi năm Hoàng Hà có tới hơn 100 ngày không có nước. Hàng trăm nghìn nông dân phải bỏ ruộng đất màu mỡ ở quê hương để dời đến những vùng đất cằn cỗi ở vùng sâu, vùng xa, một số người thậm chí mất sạch cơ nghiệp.
Tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 16/2/2006 chỉ rõ, trong năm 2005 nhân dân quanh hồ chứa nước Tam Môn Hiệp đã phải dời nhà hai lần do nước dâng lên vào mùa mưa, thu nhập bình quân chỉ gần bằng một nửa so với mức trung bình của cả nước, số hộ nghèo tăng cao…
Di dân cũng là một chủ đề được tranh luận rất nhiều. Cách đây gần 2 năm (tháng 10/2006), Chủ nhiệm Văn phòng kiến thiết đập Tam Hiệp cho biết, đã có 1,2 triệu người di cư (trong số 1,4 triệu người phải di cư). Đây là đợt di dân lớn nhất thế giới trong mọi thời đại.
Theo quy hoạch, khu vực hồ Tam Hiệp sẽ được di dân theo từng đợt, nhưng con số thực tế đã khác xa so với dự kiến ban đầu bởi nhiều nguyên nhân. Khi lập kế hoạch, người ta đã không tính đến sự tăng trưởng nhân khẩu tự nhiên trong một thời gian khá dài (hơn 10 năm).
Hơn nữa, việc điều tra không tỉ mỉ, cẩn thận khiến con số nhân khẩu thực tế cao hơn rất nhiều so với trước đây. Ngoài ra, do muốn thực hiện ngay dự án này, các nhà quy hoạch đã che giấu khá nhiều thông tin - bỏ qua yếu tố bất lợi, thổi phồng yếu tố có lợi...
Dự kiến, di dân là nông dân, những người bị mất đất nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi họ không biết làm gì trong tương lai. Cách đây 7 tháng (13/10/2007), giới khoa học đã cảnh báo, sẽ có thêm 4 triệu dân sống quanh khu vực đập Tam Hiệp tiếp tục phải di dời đến các khu tái định cư tại TP Trùng Khánh vì sắp xảy ra những "thảm họa môi trường" tại đây.
Giới khoa học cho rằng, những khu vực xung quanh đập Tam Hiệp sẽ hứng chịu nhiều đợt sạt, lở lớn vì đất đang bị xói mòn khiến nguồn cung cấp nước của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng. Được biết, người ta đã xây dựng 16,7 triệu m2 nhà để bố trí chỗ ở mới cho dân tái định cư.--PageBreak--
...Đến những câu hỏi bỏ lửng
Được biết, để công trình thế kỷ dự kiến phát điện với sản lượng 84,7 tỷ kwh/năm, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 482 triệu USD để ngăn chặn và kiểm soát thảm họa địa chất đập Tam Hiệp.
Cách đây gần 2 năm (tháng 8/2006), Trung Quốc đã quyết định thành lập một hệ thống giám sát động đất với 21 trạm kỹ thuật số tại đập Tam Hiệp. Hệ thống giám sát động đất này trị giá 3,7 triệu USD sẽ theo dõi các cơn chấn động 24/24h trong ngày.
Những người ủng hộ xây dựng đập Tam Hiệp coi đây là một giải pháp hữu hiệu đối với tình trạng lụt lội từng tàn phá dọc theo sông Dương Tử, cải thiện giao thông thủy và cũng là một nguồn năng lượng sạch cho nền kinh tế.
Những người chống lại đập thủy điện Tam Hiệp cho rằng, dự án này đã không được xây dựng trên những nghiên cứu đầy đủ về kỹ thuật, xã hội và môi trường. Thậm chí Tổ chức Probe International còn cho rằng, đập thủy điện Tam Hiệp không có tác dụng ngăn chặn lũ lụt, do bị mất đi các cánh rừng trong lưu vực sông Dương Tử.
Giới khoa học từng cảnh báo, trọng lượng của khối nước phía sau đập Tam Hiệp đã và đang dẫn tới việc bờ sông bị xói mòn và gây ra nạn đất chuồi, ảnh hưởng tới tài sản và sinh mạng của người dân. Được biết, nạn đất chuồi ở khu vực hồ chứa nước đã gây ra những đợt sóng cao đến 50 mét, đập vào bờ và gây thiệt hại khôn lường.
Giới khoa học cho rằng công trình đã phá hủy nhiều kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ và di chỉ khảo cổ quan trọng cũng như tác động xấu đến môi trường sinh thái. Có tổng cộng 13 thành phố, 4.500 ngôi làng và 162 địa điểm khảo cổ học sẽ bị nhấn chìm dưới hồ chứa.
Cách đây 2 năm, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng phần tường chính cho đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Công trình được gọi với cái tên "Vạn lý Trường thành trên sông Dương Tử". Sau khi dự án đi vào hoạt động, hơn 1.200 thị trấn và làng mạc sẽ bị chôn vùi dưới nước. Theo giới truyền thông, sau gần 100 năm thai nghén và xây dựng, Nhà máy Thủy điện Tam Hiệp đã cơ bản hoàn thành.
Ngay từ năm 1919, Tổng thống Tôn Trung Sơn đã nghĩ tới việc xây dựng đập Tam Hiệp để trị thủy sông Dương Tử và cung cấp điện năng. Đến năm 1944, công trình nghiên cứu tiền khả thi đã được giao cho một kỹ sư người Mỹ, nhưng mãi tới năm 1979, Chính phủ Trung Quốc mới phê chuẩn việc xây dựng đập Tam Hiệp.
Tuy nhiên, 13 năm sau, dự án thủy điện Tam Hiệp mới được Quốc hội phê chuẩn với khá nhiều ý kiến bảo lưu. Ngày 3/4/1992 với 1.767 phiếu thuận, 177 phiếu chống và 664 phiếu trắng, Quốc hội đã thông qua dự án thủy điện Tam Hiệp. Đây là lần đầu tiên việc thông qua một dự án có nhiều ý kiến phản bác như vậy - họ quan ngại về những tác động xã hội và môi trường của công trình này.
Ngày 14/12/1994, dự án chính thức được khởi công xây dựng. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 203,9 tỷ NDT (khoảng 24,65 tỷ USD), nhưng có thể tăng lên tới 75 tỷ USD. Đập Tam Hiệp (dài 2.309m và cao 185m) dự kiến sẽ phát điện trong năm 2008, sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Cách đây gần 2 năm (tháng 10/2006), khi nước ở hồ chứa Tam Hiệp đạt cao trình 156m so với mực nước biển, đã xảy ra một trận động đất mạnh nhất ở tỉnh Hồ Bắc trong vòng 20 năm qua, khiến 5.860 người phải đi lánh nạn. Và khi mực nước dâng lên mức 175m, áp lực nước lại càng gia tăng khiến cho khả năng gây rung động tăng lên rõ rệt.
Ngày 20/4/2007, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước từng đưa ra lời cảnh báo, theo đó hàng ngàn con đập giống như những quả bom hẹn giờ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Lời cảnh báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi một con đập ở tỉnh Cam Túc vỡ khiến 1.700 người phải sơ tán vì khu vực này bị ngập lụt lớn. Quan chức này cho biết, tất cả đập chứa nước cỡ vừa và nhỏ của Trung Quốc sẽ được sửa chữa trong vòng 3 năm (2007-2010).
Theo thống kê, hiện Trung Quốc có khoảng 85.000 đập chắn nước, đáng chú ý là có tới 200 đập lớn và 1.600 đập loại vừa trong tổng số 30.000 con đập bị lỗi thiết kế. Đập Tam Hiệp cũng từng bị nứt, nhưng đã được khắc phục. Nhiều người cho rằng, những vết nứt lớn của đập Tam Hiệp (được phát hiện năm 2000) là do việc xây dựng không đảm bảo chất lượng.
Giới chuyên môn cảnh báo, nếu các con đập trong vùng động đất Tứ Xuyên bị vỡ, có thể gây nên một cơn đại hồng thủy và tổn thất còn thê thảm hơn trận động đất hôm 12/5 vừa qua