Chiến tranh Nha phiến lần II (1856-1860)

Trung Hoa quốc phục

Thứ Hai, 16/06/2014, 10:00
Trong bài viết “Cuộc chiến nha phiến - Nỗi ô nhục của người Trung Hoa” in trên Chuyên đề ANTG Cuối tháng 5, tôi đã miêu tả nỗi khiếp sợ của giới vua quan Trung Hoa đối với người Tây (quân Anh) khi xảy ra cuộc chiến nha phiến lần thứ I. Để hòa hoãn với người Anh, nhà Thanh đã triệu kinh Khâm sai đại thần kiêm tiết độ thủy sư Quảng Đông Lâm Tắc Từ. Họ Lâm, là một trong số ít quan nhân nhà Thanh có lập trường cứng rắn, dám đối đầu với người Anh trong việc chống lại sự tràn lan của thuốc phiện. Và dường như, người Anh chỉ ngại mỗi Lâm Tắc Từ.

Chính việc thay Lâm Tắc Từ bằng Tổng đốc Kì Thiện, nhà Thanh đã phô bày toàn bộ sự nhu nhược, hoảng sợ của họ đối với lính Anh. Họ tưởng đó là thiện chí của họ dành cho người Anh, kỳ thực, không có thiện chí nào đủ để vuốt ve những kẻ tham lam có mưu đồ xâm lược.

Ở cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ 1, nhà Thanh đã phải ký với quân Anh, Điều ước Nam Kinh (hay còn gọi là Ngũ khẩu thông thương điều ước), chấp nhận toàn bộ sự bất lợi về phía triều đình, quân nhân.

Giậu đổ bìm leo, người Anh liên tiếp có hành động gây hấn để tạo nên một cái cớ nhằm tiếp tục leo thang trong việc dọa nạt vua quan lẫn thường dân Trung Hoa. Ngay cả người Pháp, cũng nhân cơ hội này theo đóm ăn tàn, hùa cùng người Anh để hy vọng “được chia phần từ một quốc gia hèn nhát”.

Chiến tranh nha phiến lần 2 bắt đầu và kết thúc theo đúng kịch bản của cuộc chiến lần thứ 1, với sự thuần phục trước người Tây của người Trung Hoa.

Hơn 10 năm sau khi Thanh triều ký Ngũ khẩu Điều ước rất nhục nhã với người Anh, uất ức vì triều Thanh nhu nhược, chỉ quen thói bức hiếp người trong nước, nhu nhược trước người phương Tây, Hồng Tú Toàn đã khởi xướng cho cuộc chiến mà sử sách sau này gọi là Thái Bình Thiên Quốc để chống lại Thanh triều và cả người phương Tây (Một vài sử liệu cho rằng, người Tây đã lợi dụng cuộc khởi nghĩa này để mượn tay Hồng Tú Toàn làm đối trọng với triều đình nhà Thanh – PV). Thái Bình Thiên Quốc trước khi tự mình diệt mình, đã từng định đô, lập triều đình, ban hành sắc lệnh… Chính cuộc chiến của Hồng Tú Toàn là bước đầu đưa tới cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) nửa thế kỷ sau, cho dân tộc Trung Hoa một ý niệm về nam nữ bình quyền, về chế độ cộng sản trước khi có cuộc cách mạng 1917 của Nga. Thế nhưng, đây là cuộc khởi nghĩa mà chúng tôi không đề cập trong nội dung bài viết này.

Hoàng đế Hàm Phong.

Bất chấp Thanh triều đã ký Điều ước Ngũ khẩu với người Anh, dân Trung Hoa vẫn cương quyết không phục tùng những gì mà Thanh triều đã đồng ý, họ tìm cách chống người Anh ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào có cơ hội. Xô xát giữa người dân Trung Hoa và người Anh xảy ra liên tục. Để tránh va chạm với người Trung Hoa, người Anh thuê lại những người Trung Hoa vận chuyển thuốc phiện từ ngoài tàu để đưa vào bờ tiêu thụ.

Năm 1856, thuyền Arron treo cờ Anh đến đậu tại bến Quảng Châu. Thủy sư Quảng Châu ra lệnh khám xét, phát hiện chỉ có 2 người Anh nhưng có đến 13 thủy thủ người Trung Hoa. Viên thủy sư liền hạ lệnh lột cờ Anh, quẳng xuống sàn tàu, tống giam cả 13 thủy thủ người Trung Hoa.

Công sứ Anh phàn nàn điều này với Tuần phủ Quảng Đông là Diệp Danh Thám, công sứ Anh cho rằng viên thủy sư Quảng Châu đã đi ngược lại với những thỏa thuận tại Điều ước Ngũ khẩu, đòi Tuần phủ Quảng Đông phải can thiệp để thả người, phải xin lỗi công khai.

Diệp Danh Thám, vốn dĩ chỉ mê thơ họa, không quan tâm đến vận nước. Ban đầu, Diệp Danh Thám đồng ý với công sứ Anh về việc thả 13 thủy thủ Trung Hoa. Tiếp nữa, công sứ Anh yêu cầu Diệp Anh Thám phải nghiêm trị viên thủy sư Quảng Châu, Diệp Danh Thám gạt ngang, vì cho rằng như vậy là quá đáng. Bèn, không thả thủy thủ cũng không xử lý thuộc cấp. Và cả không… phòng thủ để phòng ngừa sự tấn công của quân Anh. Bản thân Diệp Danh Thám xem đây là chuyện nhỏ, không đáng bận lòng.

Thế nên, khi quân Anh nổ súng để phản ứng thì Diệp Danh Thám hoảng hốt lắm. Tuy nhiên, quân Anh chỉ nổ súng thị uy, đốt vài công sở của Trung Hoa rồi rút về chiến hạm phòng thủ vì quân số không cho phép khơi chiến, lại chưa có lệnh từ cố quốc.

Họa hình mô tả một trận đánh trong thời điểm xảy ra Chiến tranh Nha phiến.

Bị quân Anh tấn công, nhân dân Quảng Châu tức giận, rủ nhau tràn ra đường phóng hỏa đốt sạch các công sở, dinh thự, thương quán của người nước ngoài. Anh cũng đốt, Mỹ cũng đốt, Pháp cũng đốt. Thấy tình hình nguy biến, Công sứ Anh gửi thư về nước xin thêm quân để chiến đấu.

Ngay lúc này, Pháp đang tức giận vì Thanh triều cứ im lặng mãi trong việc Pháp đòi bồi thường vì một giáo sĩ Pháp bị sát hại tại Quảng Tây. Nhân người Anh muốn chiến tranh, Pháp cũng nhanh chóng phái quân đến Hương Cảng để liên minh với quân Anh.

Cuối năm 1857, liên quân Anh - Pháp nổ súng đánh Quảng Châu. Tuần phủ Diệp Danh Thám vẫn mải mê thi họa, cho rằng đây là chuyện sớm muộn sẽ tự tan biến, họ Diệp không chống cự, cũng chẳng thèm bàn chuyện với binh tướng dưới trướng, lại càng không dò hỏi thông tin từ phía người Anh. Mãi cho đến khi bị bắt làm tù binh, Diệp Danh Thám vẫn không thể hiểu vì sao liên minh Anh - Pháp lại cương quyết chiếm Quảng Châu như vậy.

Có tích cho rằng, “Khi bị bắt làm tù binh, người Anh đem một chiếc kiệu tới rước Diệp Danh Thám, đưa vào khám Hương Cảng. Ông bận phẩm phục bước vào khám, không có vẻ gì buồn cho thân phận mình, cho tình cảnh quốc gia, lại tiếp tục vẽ, viết chữ - chữ ông rất đẹp - bọn Anh tranh nhau xin ông làm kỉ niệm. Nhà cầm quyền Hương Cảng thấy ông ta rồ quá không nỡ giết, mà ông chẳng có tội gì để đáng bỏ tù, bèn phái ông qua Calcutta (Ấn Độ) với một tùy viên quân sự và ba người hầu. Hai năm sau ông ta chết, người Anh đưa xác ông về Trung Hoa để được mai táng một cách trọng thể”.

Lấy Quảng Châu, hạm đội Anh và Pháp tiếp tục tiến lên phương Bắc, tấn công Thiên Tân, sắp sửa tấn công đài Đại Cổ. Bắc Kinh của Thanh triều chắc chắn sẽ mất vào tay Anh - Pháp, chỉ là điều sớm hay muộn mà thôi. Thanh triều từ vua đến quan, mặt cắt không còn giọt máu, vội vàng phái đại thần đến Thiên Tân để xin điều đình với liên quân Anh - Pháp. Thanh đình hoảng hốt, vội phái một đại thần tới Thiên Tân nghị hòa. Sau rốt, Thanh triều buộc phải ký riêng một điều ước Thiên Tân với Anh, một điều ước Thiên Tân nữa với Pháp (1858). Cả ba bên đều qui định với nhau rằng sau khi kí hạn một năm, lãnh đạo các nước phê chuẩn rồi thì sẽ trao đổi điều ước với nhau ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đến hạn định, Thanh triều muốn hủy điều ước nên sai Tăng Cách Lâm Tân - viên tướng Mãn đã có công trấn giữ Bắc Kinh trong đại loạn Thái Bình Thiên Quốc đến lại Đại Cổ xây cất đài lũy, đắp đập chặn cửa biển, chở đại bác và đưa những kị binh thiện chiến nhất tới.

Hút thuốc phiện được xem như là đẳng cấp thượng lưu tại Trung Hoa ở thế kỷ 18.

Học giả Nguyễn Hiến Lê khảo cứu lại lần phản kháng hiếm hoi của Thanh triều đối với liên minh Anh - Pháp như sau, “Năm 1859, đúng hạn, công sứ Anh, Pháp đến để trao đổi điều ước, bị pháo đài bắn xuống, bốn chiếc thuyền bị đạn chìm, số người tử thương khá nhiều. Điều ước Thiên Tân chưa thi hành đã bị xé. Liên quân Anh Pháp lần này rút lui rồi tấn công trở lại mạnh, phá đập trên sông, đồn trên bờ xông lên. Kị binh thiện chiến nhất của nhà Thanh cố hết sức ngăn họ, nhưng bị đại bác nã vào, từng đoàn từng đoàn “đổ như những bức tường”. Viên tướng tài nhất của Mãn Thanh là Tăng Cách Lâm Tấn cũng phải đào tẩu. Thanh triều ban đầu đành phải xin hòa, nhưng lại không chấp nhận những điều kiện mà họ cho là quá quắt của Anh - Pháp,  nên tiếp tục chiến đấu.  Tuy nhiên, khi này thì đã muộn bởi liên quân đã tới ngoại thành Bắc Kinh rồi. Viên tướng bảo vệ Bắc Kinh trúng đạn, tử trận. Hàng ngũ phòng thủ Bắc Kinh rối loạn, vua Hàm Phong (kế vị từ Đông Quang) kinh hoàng bỏ cung điện đi ra “tuần du mùa thu” ở Nhiệt Hà (Jéhal), sự thực là chạy trốn, giao trách nhiệm thương thuyết cho Cung thân vương, và năm 1860, Điều ước Bắc Kinh được ký kết.

Điều ước này ký với Anh Pháp y hệt điều ước Thiên Tân năm trước mà chưa kịp thi hành, nghĩa là gồm những khoản chính dưới đây:

1. Công sứ Anh, Pháp đều được tự do cư trú ở Bắc Kinh.

2. Các giáo sĩ Anh và Pháp được tự do truyền giáo trong nội địa Trung Hoa; nhân dân Anh, Pháp có tờ hộ chiếu thì được tự do du lịch trong nội địa Trung Hoa.

3. Mở thêm nhiều thương khố nữa: Ngưu Trang, Đăng Châu, Đài Loan, Viên Thủy, Triều Châu, Quỳnh Châu; đợi khi dẹp xong Thái Bình Thiên Quốc thì sẽ mở thêm ba nơi nữa trên bờ sông Dương Tử. Quan trọng nhất là Hán Khẩu…

4. Người dân Anh, Pháp mà phạm tội ở trên đất Trung Hoa thì do lãnh sự của họ xử, nếu có tranh tụng giữa người Trung Hoa với người Anh, hoặc với người Pháp thì quan lại Trung Quốc cùng xử lý với lãnh sự Anh hoặc Pháp. Quyền đó gọi là quyền lãnh sự tài phán.

5. Sửa lại chế độ quan thuế: Quan thuế phải do chính phủ Trung Quốc cùng bàn rồi quyết định với công sứ Anh, Pháp.

Bây giờ (Điều ước Bắc Kinh) thêm những khoản này nữa:

1. Mở thêm thương khẩu Thiên Tân.

2. Bồi thường cho Anh và Pháp mỗi nước 8.000.000 lạng bạc (trong điều ước Thiên Tân chỉ bồi thường cho Anh 4.000.000 lạng, cho Pháp 2.000.000 lạng thôi).

3. Cắt đất Cửu Long ở bờ đối diện với Hương Cảng, nhường cho Anh”.

Kỳ thực, theo những gì tôi đọc về lịch sử của người Trung Hoa, cho phép nhận định rằng, dân tộc này chưa bao giờ đủ dũng khí hay can trường để chống giặc ngoại xâm. Họ đa phần đánh địch bằng phép thắng lợi tinh thần, chứ không phải bằng sức người, bằng khí tài.

Người Trung Hoa, chỉ có tự đánh chính người Trung Hoa là giỏi nhất. Hoặc, đi gây hấn với các nước nhỏ hơn nằm gần địa phận với nước họ với mưu đồ đê hèn nhằm thỏa mãn sự tham lam và ích kỷ cố hữu, gần như trở thành một đặc tính không thể thoát ra được của giới cầm quyền Trung Hoa

Ngô Tuệ Minh
.
.