Lời cảnh báo thiết thực của thiên tài khoa học Stephen Hawking:

Tránh xa người lạ tới từ các hành tinh khác

Thứ Năm, 12/08/2010, 10:10
28 hành trình có thể có đã được thảo luận và xem xét kỹ lưỡng bởi một Ủy ban đặc biệt của Viện Hàn lâm Khoa học chuyên về tư vấn cho Cục Quản lý Hàng không và không gian quốc gia Hoa Kỳ (NASA) - trước hết là lên tới các mặt trăng của Mộc tinh và Thổ tinh cũng như lên tới sao Hỏa.

Tiến sĩ Steve Squyres, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt của Viện Hàn lâm Khoa học chuyên về tư vấn cho NASA nhận xét: "Ngoài việc nghiên cứu hệ Mặt trời, các cuộc tìm kiếm sự sống trong hệ vũ trụ cũng thuộc trọng tâm trong các hoạt động của chúng tôi".

Khi đưa tin về chủ đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số nhà báo, kể cả các phóng viên của  News, đã lồng vào những bình luận khá kỳ khôi, thí dụ như "Những dự đoán của Stephen Hawking không ngăn được bước của NASA" hay "Stephen Hawking đã chậm chân khi đưa ra lời kêu gọi về việc tiếp cận với những người  ngoài hành tinh rất nguy hiểm"…

Thiên tài bất động

Stephen Hawking là ai mà ý kiến của ông lại được đưa ra để chống lại quyết định của NASA? Quá nhiều người trong chúng ta có thể đưa ra ngay câu trả lời: đó là nhân vật thông thái kiệt xuất nhưng cũng cực kỳ bất hạnh vì tai ương thể xác, nhà nghiên cứu vũ trụ hàng đầu, một trong những nhà vật lý lý thuyết có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta mà từ lâu thế giới khoa học đã phải luôn luôn lắng nghe ý kiến. NASA cũng không là ngoại lệ. Được thiên phú một trí tuệ tuyệt vời nhưng lại bị tật nguyền về thể xác, Stephen Hawking đã chấp nhận số phận của mình một cách đầy tự trọng và không chỉ sống sót giữa dòng đời sôi động mà còn tạo nên nhiều kỳ tích.

Stephen Hawking sinh năm 1942, vào đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất của Galileo Galilei (8/1), điều làm cho việc lựa chọn nghề nghiệp của ông trở nên mang đầy tính biểu tượng. Gia đình ông trước chiến tranh thế giới lần thứ hai đã cư trú tại khu vực phía Bắc London nhưng sau đó đã chuyển tới Oxford để được an toàn hơn.

Cũng tại đây, Hawking đã theo học ở Trường Trung học St. Albans. Hai năm cuối tại đó, nhà khoa học vĩ đại tương lai dưới ảnh hưởng của một người thầy giỏi đã cảm thấy rất hứng thú với môn toán. Thế nhưng, cha ông, dược sỹ Frank Hawking, lại chỉ thích cậu con trai của mình theo học môn hóa.

Dẫu vậy, Stephen Hawking vẫn không thể chiều cha mình nên mặc dù sau khi tốt nghiệp trung học đã vào Trường University College ở Oxford, nơi cha ông đã từng theo học trước đây, nhưng ông vẫn chọn học môn vật lý vì môn toán không có ở học đường này. Sau khi tốt nghiệp vào loại xuất sắc ở Oxford, Stephen Hawking đã chuyển sang Đại học Cambridge để hoàn thành luận án tiến sĩ về môn vũ trụ học. Mọi việc đã rất xuôi chèo mát mái, trí tuệ của Hawking đã tạo cho ông con đường suôn sẻ đi vào tương lai tươi sáng và thú vị.

Tuy nhiên, khi Hawking 21 tuổi, đã xảy ra một chuyện tai ương to lớn khi các bác sĩ phát hiện ra ở nhà khoa học vĩ đại tương lai căn bệnh quái ác  về thần kinh có tên là bệnh Lou Gehring. Thông thường, những người mắc căn bệnh này rất dễ bị tử vong và chỉ có khoảng từ 10 tới 20% trong số họ có thể trụ lại thêm trên cõi thế cùng lắm là 10 năm sau khi bệnh được phát hiện. Hawking cũng đã gần như mất hết khả năng cử động. Tình hình đã có lúc nguy ngập tới mức có nguy cơ Hawking không thể sống được đủ số năm để hoàn thành luận án tiến sỹ.

Năm 23 tuổi (1965), khi đã phải chống gậy mà đi rồi, Hawking đã gặp ở trường đại học một thiếu nữ có tên là Jane Wilde. Hay biết về bệnh tình vô phương cứu chữa của chàng sinh viên trẻ tuổi tài năng, Jane đã quyết định gắn bó số phận với Stephen. Hai người làm lễ cưới và trước khi Hawking hoàn toàn bị liệt, người phụ nữ này đã kịp sinh cho ông ba người con…

Rồi Hawking phải phẫu thuật cắt khí quản và không còn khả năng nói chuyện bình thường được nữa. Từ đó ông bị gắn chặt vào chiếc xe lăn, chỉ có thể nói được qua một thiết bị tổng hợp tiếng gắn với một máy tính mà ông gõ chữ vào đó. Trong hoàn cảnh bi thảm đó, với sự giúp đỡ tận tâm của vợ, nhà khoa học vĩ đại vẫn hoàn thành được luận án tiến sỹ vào năm 1966.

Đây là một trong những luận án mang tính khai phá trong ngành vũ trụ học, vì lúc đó ở Đại học Cambridge chưa có ai nghiên cứu về ngành này một cách cơ bản cả. Có bằng tiến sĩ rồi, Hawking làm nghiên cứu một thời gian cho Viện Thiên văn học rồi chuyển đến khoa Toán học ứng dụng và Vật lý lý thuyết của Cambridge (năm 1977) và trụ ở đó cho đến ngày hôm nay.--PageBreak--

Làm việc không mệt mỏi

Hiện nay Stephen Hawking đã ở tuổi 68. Trong lịch sử y học thế giới, chỉ có hai bệnh nhân mắc bệnh Lou Gehring mà vẫn có thể duy trì được sự sống lâu như thế: ngoài Hawking ra chỉ còn có nghệ sĩ guitar người Mỹ Jason Becker, sinh ngày 22/7/1969, bị phát hiện mắc bệnh năm 20 tuổi, nhưng cho tới nay vẫn tiếp tục sáng tác âm nhạc với sự trợ giúp của computer…

Cuộc hôn nhân giữa nhà bác học vĩ đại với người phụ nữ quả cảm Jane, đáng tiếc, chỉ kéo dài được hai thập niên. Hai người đã li dị nhau theo chính lời đề nghị của Hawking. Có nhiều lý do để dẫn tới cuộc li hôn đáng buồn này. Theo một số nguồn tin, hai người không thể tiếp tục chung sống với nhau vì khác nhau trong quan niệm về tôn giáo (Jane là tín đồ Thiên chúa giáo, còn Hawking trong các công trình nghiên cứu của mình lại chứng minh rằng hệ Thiên hà là vô hạn và vì thế, không cần tới chúa).

Theo nguồn thông tin khác, nhà khoa học vĩ đại muốn li dị vợ vì đã phải lòng nữ y tá chăm sóc mình Elaine Mason. Sau khi li dị Jane, Hawking quả thật đã tục huyền với Elaine. Elaine vốn là vợ của nhà sáng chế David Mason, người rất khâm phục các công trình nghiên cứu của Hawking và đã thiết kế cho nhà bác học vĩ đại thiết bị đặc biệt tổng hợp tiếng mà nhờ đó, ông mới có thể tiếp xúc với thế giới xung quanh…

Hawking viết câu ông muốn nói lên màn hình rồi phát lệnh chuyển câu đó thành âm thanh. Tốc độ trung bình vào khoảng 12 từ trong một phút. Các giao tiếp chậm rãi này có thể chấp nhận được với bác sĩ hay với những người thân thích, nhưng không phải với một hội trường lớn.

Và thế là nhà bác học vĩ đại đã nghĩ ra phương thức riêng của mình để đi giảng bài cho sinh viên hay đi diễn thuyết: ông  nạp trước văn bản vào bộ nhớ computer rồi sau đó, sử dụng cái điều khiển (cả thân thể ông chỉ có một ngón tay duy nhất là cử động được) để đưa ra những câu mà ông muốn nói với tốc độ mà ông muốn.

Khi giao tiếp với cử tọa hay sinh viên, những người rất hâm mộ ông, Hawking đã tìm ra phương thức diễn giải các bài giảng hay luận thuyết của mình một cách sống động, dễ hiểu và thú vị với những đan xen bằng các câu chuyện cười, đến mức ai nghe cũng phát mê. Và khi ông kết thúc buổi nói chuyện, mọi người đều đứng lên vỗ tay hoan hô ông hồi lâu…

Là một người sớm bị tật nguyền gần như toàn diện, nhưng Hawking đã tạo dựng được một sự nghiệp khoa học đáng phải kính nể. Năm 32 tuổi, ông đã được bầu làm thành viên Hội đồng Hoàng gia London - một trường hợp rất hiếm khi xảy ra ở độ tuổi đó (chỉ riêng mình Isaac Newton mới được hưởng vinh dự này khi 29 tuổi).

Rồi tiếp theo, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ. Năm 37 tuổi, lại tiếp bước Newton, Hawking đã trở thành người lãnh đạo khoa Toán học ứng dựng và Vật lý lý thuyết của Đại học Cambridge, dù, như chính ông thổ lộ, sau khi tốt nghiệp trung học, ông không bao giờ nghiên cứu riêng môn toán học nữa. Và ông đã giữ cương vị này cho tới năm 2009…

Nghiên cứu những quy luật căn bản đang điều hành vũ trụ và chọn cho mình đối tượng nghiên cứu chính là môn vũ trụ học và hấp dẫn lượng tử, Hawking đã công bố nhiều công trình khoa học, ngay lập tức sau khi xuất hiện đã trở thành những cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới.

Trong số này có cuốn "Cấu trúc vĩ mô của không - thời gian" viết chung với  George Ellis. Bằng ngôn ngữ sống động, không cần sử dụng tới những công thức toán học khó hiểu và mệt mỏi, nhà bác học vĩ đại đã trình bày lý thuyết của mình về sự xuất hiện và phát triển của vũ trụ. Còn tất cả các công thức toán học, lý giải và khẳng định giả thuyết của ông, đều được Hawking đưa vào một cuốn sách riêng vì theo ông, những thứ này không thú vị với độc giả thông thường.

Lời cảnh báo nghiêm túc

Tháng 4/2010, Hanking đã phát biểu một bài diễn văn về người ngoài hành tinh. Theo ông, người ngoài hành tinh là chuyện có thật và nếu như họ đến trái đất thì chúng ta nên tránh tiếp xúc với họ, vì họ sẽ giống như người châu Âu ngày xưa khám phá ra châu Mỹ. Và họ sẽ xâm lăng và đô hộ trái đất nhằm mục đích lấy tài nguyên đã cạn kiệt ở hành tinh họ. Trong trường hợp đó, nhân loại sẽ phải chịu số phận tương tự như người da đỏ ở châu Mỹ trước kia…

Stephen Hawking cho rằng, trong hệ vũ trụ có tới hơn 100 tỉ hệ Thiên hà khác nhau  và trong mỗi một hệ Thiên hà lại có tới hàng trăm triệu ngôi sao. Và vì thế, hoàn toàn có thể hình dung ra được rằng, trái đất hoàn toàn không phải là hành tinh duy nhất có sự sống: "Theo cách hiểu toán học của tôi, chỉ riêng những con số đã đủ để buộc phải nghĩ là, có tồn tại những người ngoài hành tinh. Vấn đề thực tế là ở chỗ, tìm hiểu xem trông họ như thế nào". Ông Hawking cũng cho rằng, phần lớn những người ngoài hành tinh trông giống như những vi khuẩn (!)

Pham Huy Dũng
.
.