Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên

Thứ Hai, 13/02/2017, 15:16
Tháng 11-2016 Hiệp ước toàn cầu về chống biến đổi khí hậu đã được ký kết tại Paris với sự tham gia của khoảng 200 quốc gia.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký của Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa đã nhấn mạnh hiệp ước này đánh dấu một mốc quan trọng để các quốc gia chứng tỏ sự thiện chí và thái độ nghiêm túc của mình trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Việc các quốc gia trên thế giới nhóm họp và ký kết Hiệp ước toàn cầu về chống biến đổi khí hậu đã chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề môi trường, đặc biệt là trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều trong những năm gần đây.

Tiến sĩ Gavin Schmidt, Giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard NASA cho biết hiện chúng ta vẫn còn ảo tưởng về biến đổi khí hậu. Thậm chí nhiều người cho rằng sự gia tăng của nhiệt độ vẫn ở mức dưới trung bình và chỉ là dấu hiệu rất nhỏ của một hiện tượng kéo dài. Theo tiến sĩ Gavin Schmidt: "Sự khác biệt là chưa đủ để có thể khẳng định tốc độ nóng lên của trái đất đang tăng nhanh, nhưng có lẽ ngày đó không còn xa nữa".

Điều gì đang diễn ra

Theo các báo cáo của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) thì nhiệt độ trung bình của trái đất từ cuối thế kỷ 19 đã tăng 0,8ºC và sang tới thế kỷ 20 thì con số này tăng thêm 0,6ºC. Dựa trên những dự án về mô hình khí hậu thì nhiệt độ bề mặt trái đất có thể tăng từ 1,1~6,4ºC trong suốt thế kỷ 21. Các yếu tố không chắc chắn trong tính toán của những mô hình biến đổi khí hậu này chủ yếu là việc sử dụng nồng độ các khí nhà kính có độ chính xác khác nhau và ước tính khác nhau về lượng phát thải khí nhà kính.

Những yếu tố ảnh hưởng khác bao gồm sự ấm dần lên và điều này sẽ tiếp tục diễn ra sau năm 2100 kể cả trong trường hợp ngừng phát thải khí nhà kính. Nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ làm mực nước biển dâng lên và bao gồm cả sự mở rộng của các sa mạc vùng cận nhiệt đới, và Bắc Cực được dự đoán là nơi diễn ra hiện tượng ấm lên mạnh nhất.

Tiến sĩ Gavin Schmidt cho rằng hoạt động của con người ở thời kỳ công nghiệp đã làm tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển, tăng lực bức xạ từ, khí carbon dioxide (CO2), v.v... và đã đến lúc tìm giải pháp chuyển đổi cách thức vận hành của nền kinh tế thế giới để làm chậm quá trình trái đất nóng lên.

Các chất khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, metan... khi được thải vào khí quyển sẽ tích tụ lại cùng hơi nước hấp thụ tia bức xạ mặt trời chiếu vào trái đất, ngăn không cho chúng phản xạ ngược lại. Nhiệt lượng từ quá trình hấp thụ này sẽ làm cho nhiệt độ bầu khí quyển bao quanh trái đất tăng lên.

Có thể nói khí nhà kính cơ bản có trong tự nhiên tạo nên hiệu ứng nhà kính để giúp cho trái đất ấm áp, duy trì cuộc sống. CO2 là một chất khí không màu và là sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy các chất hữu cơ, chiếm 0.04% trong khí quyển. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên của trái đất, vì khí CO2 hấp thụ rất tốt các tia hồng ngoại và việc tăng lượng khí CO2 sẽ làm tăng nhiệt lượng được hấp thu và từ đó làm tăng nhiệt độ trung bình của trái đất. Khí nito oxid (NO2) cũng là một thành phần gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Dù lượng khí NO2 thải ra do con người không cao như CO2, nhưng NO2 lại hấp thụ nhiệt năng gấp 270 lần so với CO2. Đốt cháy các chất hữu cơ, sử dụng phân bón cho cây trồng... đều tạo ra một lượng lớn khí NO2. Loại khí tham gia vào hiệu ứng nhà kính tiếp theo là metan.

Loại khí này được tạo thành qua quá trình phân hủy và thường được gọi là "khí đầm lầy". Metan được sinh ra trong các quá trình khai thác than đá, dầu mỏ, v.v... các nhà khoa học cho rằng trong quá khứ, chính loại khí này đã gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài trên trái đất.

Đến đây, hẳn bạn đọc sẽ hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu nhiệt độ trung bình của trái đất tăng lên vài độ C? Trước tiên ta hãy hình dung băng ở 2 cực tan ra. Lượng băng chủ yếu tập trung ở Nam Cực với lớp băng dày nhiều mét. Nếu khối lượng băng này ở Nam Cực tăn hết, mực nước biển hiện tại có thể sẽ dâng cao hơn 61m.

Lượng băng chủ yếu tập trung ở hai cực sẽ tan ra và gây nhiều yếu tố thời tiết cực đoan do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tiếp đó sẽ là ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu tới hệ sinh thái. Khi nhiệt độ trung bình của trái đất tăng, những khu vực ôn đới có 4 mùa thì sự thay đổi về mùa sẽ kéo dài một cách bất thường kèm theo gia tăng lượng mưa.

Ngược lại ở những vùng có khí hậu ít ôn hòa, chúng ta sẽ thấy lượng mưa bị giảm mạnh, gây ra hạn hán và có khả năng tạo ra hiện tượng "sa mạc hóa". Tàn phá nặng nề nhất, khó dự đoán nhất là sự ảnh hưởng lên các hệ sinh thái trên trái đất.

Có rất nhiều hệ sinh thái mong manh và phụ thuộc với nhau. Nên chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có thể giết chết chúng và phản ứng dây chuyền là không thể kiểm soát được. Lượng mưa giảm dẫn tới trồng trọt thất thu và phát sinh dịch bệnh. Các nước nghèo và kém phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do họ không có đủ nguồn lực về tài chính để giải quyết các vấn đề xảy ra do sự nóng lên của trái đất.

Có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu?

Một thực tế mà không ai có thể phủ nhận là nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất đang tăng lên, bất chấp việc bạn có đồng ý hay không, rằng chính các hành vi của con người đã làm thay đổi khí hậu. Đã có nhiều biện pháp từ khoa học, thay đổi hành vi nhận thức cho đến cả những ý tưởng chỉ tồn tại trong phim khoa học giả tưởng.

Theo một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu, thì loài người làm tăng hiệu ứng nhà kính do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thải ra nhiều CO2 và cần thiết phải trồng nhiều cây xanh để giúp giảm, làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu.

Nhưng sẽ mất nhiều thời gian để cây xanh có thể hấp thu CO2 và thải ra oxy do con người đã phá hủy lượng lớn diện tích rừng. Có lẽ sẽ phải mất tới hàng nghìn năm thì các yếu tố môi trường như mực nước biển hay nhiệt độ bề mặt đại dương mới trở về thời điểm trước khi đại công nghiệp diễn ra.

Sẽ phải mất một thời gian dài, con người mới đưa được các yếu tố môi trường trở về thời điểm trước khi đại công nghiệp diễn ra.

Các nhà khoa học cũng đã bắt tay vào nghiên cứu quá trình hấp thu và tái sử dụng CO2. Trong tự nhiên, cây xanh hấp thụ nước và CO2 rồi qua quá trình quang hợp thì tạo ra oxy và các hợp chất hữu cơ. Nếu chúng ta có thể thu lại được lượng CO2 trong khí quyển và tái sử dụng chúng bằng cách chuyển hóa thành chất khác như methanol hay dimethyl ether. Để làm được điều này chúng ta cần phải có một nguồn năng lượng tái tạo, nếu không sẽ chỉ thải thêm CO2 vào khí quyển mà thôi.

Ngoài những nghiên cứu được coi là hướng tới tương lai, những biện pháp khó khả thi khác cũng được các nhà khoa học đưa ra. Như mới đây các nhà khoa học Anh đã đưa ra giải pháp chôn CO2 xuống đáy biển. Tại mỏ dầu Millet, Công ty Dầu khí Anh, các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp hóa lỏng khí CO2 và lưu trữ trong các đường ống dẫn dầu.

Bằng cách này, mỗi năm có thể tiếp nhận được tới 5 triệu tấn CO2 hóa lỏng và lưu trữ được tới hàng nghìn năm. Năm 2004, một giải pháp đáng kinh ngạc khác là việc sử dụng màng che bầu trời, giải pháp này lấy ý tưởng từ việc những đám mây bụi hình thành sau khi núi lửa hoạt động đã làm giảm nhiệt độ khu vực đó xuống tới 30% trong một thời gian dài. Tuy nhiên với kỹ thuật công nghệ như hiện nay thì trong tương lai gần giải pháp này khó có thể trở thành hiện thực.

Một ý tưởng nữa của nhà thiên văn học Gregory Benford về việc xây dựng những thấu kính lõm và đặt chúng vào quỹ đạo quanh trái đất để giảm lượng nhiệt từ mặt trời. Bề mặt thấu kính có thể có đường kính tới 1.000km và được giữ ở vị trí thích hợp so với trái đất. Một lựa chọn khác là việc thay đổi tính chất của các đám mây tự nhiên.

Với những thành phần phù hợp, người ta có thể làm tăng tính phản xạ bằng cách phun nước biển thay vì sử dụng các loại hóa chất độc hại vào những đám mây... Và còn rất nhiều những giải pháp nữa kể cả việc thay đổi nhận thức hành vi của mỗi người, tiết kiệm năng lượng, thực hiện nguyên tắc 3R, là giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (reuse) và tái chế (recycle). 

Tất cả những điều này cho thấy đảo ngược sự thay đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Sẽ cần phải tìm ra biện pháp phù hợp, nếu không hậu quả sẽ khôn lường...

Hoàng Ngọc
.
.