Tôn giáo trăn trở tìm chỗ đứng trong thế giới hiện đại: Càng giàu, càng bớt tín ngưỡng

Thứ Tư, 16/07/2014, 09:00

Trong khuôn khổ chương trình điều tra xã hội học hàng năm “Lượng kế hy vọng và mơ ước toàn cầu” (Global Barometer on Hope and Despair), theo truyền thống được tiến hành vào cuối năm bởi Hiệp hội các trung tâm nghiên cứu độc lập Gallup International/WIN, các cá nhân ở 65 quốc gia trên thế giới đã nhận được câu hỏi về ảnh hưởng của tôn giáo đối với đời sống xã hội. Kết quả thu được cho thấy, vai trò của tín ngưỡng hiện nay đã có nhiều thay đổi so với trước kia và không đồng nhất ở những quốc gia khác nhau.

Gallup International/WIN là Hiệp hội các trung tâm nghiên cứu độc lập lớn nhất và nổi tiếng nhất, tập hợp 77 thành viên và tiến hành các cuộc thăm dò độc lập tại gần 100 nước trên thế giới. Trong những giai đoạn khác nhau, Gallup International/WIN đã tiến hành các cuộc thăm dò xã hội và Exit Poll (ý kiến tại chỗ) trong các cuộc bầu cử Tổng thống hay Quốc hội ở nhiều nước. Cũng từ nhiều năm nay, Gallup International/WIN tiến hành các cuộc thăm dò xã hội trong khuôn khổ các dự án quốc tế “Tiếng nói nhân dân” hay “Lượng kế hy vọng và mơ ước toàn cầu”...

Trong cuộc điều tra xã hội “Lượng kế hy vọng và mơ ước toàn cầu” gần đây nhất đã có tới 70 nghìn người tham gia phát biểu ý kiến. Hơn một nửa số này (59%) cho rằng, tôn giáo nhìn chung đang tác động tích cực tới xã hội. 22% số người tham gia cuộc thăm dò xã hội trên thế giới đã có ý kiến ngược lại. Tuy nhiên, không phải ở quốc gia nào thì tỉ lệ tin và không tin vào tôn giáo cũng ở mức độ như thế.

Thí dụ tại Tây Âu, tỉ lệ những người được hỏi ý kiến đánh giá tích cực về vai trò của tôn giáo đối với xã hội lại rất thấp. Và tỉ lệ những người hoài nghi vào vai trò tích cực của tôn giáo lại cao ở mức kỷ lục. Ngược lại, những nơi có tỉ lệ người đánh giá vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội ở mức cao lại nằm tại các nước Đông Âu và châu Á... Theo các nhà phân tích của Gallup International/WIN, sở dĩ người Tây Âu ít tin vào tôn giáo như thế là vì xã hội ở đó mang tính thế tục cao hơn ở các quốc gia khác trên thế giới...

Nhìn chung, câu trả lời tiêu cực về vai trò của tôn giáo trong xã hội hiện đại đã được đưa ra nhiều nhất ở 9 quốc gia mà trong đó có 6 quốc gia nằm ở phần tây châu Âu: Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Tuy nhiên ở hai quốc gia Tây Âu khác là Iceland và Bồ Đào Nha lại có tỉ lệ những câu trả lời tích cực rất cao. Lý do dẫn tới hiện tượng này có thể là vì ở hai nước trên chỉ tồn tại một tôn giáo chủ đạo vượt trội.

Nếu loại bỏ những chỉ số thăm dò dư luận xã hội ở một số nước Tây Âu thì có thể nói rằng, nhìn chung trên thế giới, tôn giáo cho đến nay vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại. Tỉ lệ những người cho rằng tôn giáo đóng vai trò tích cực trong xã hội cao nhất là ở châu Phi (65%). Tiếp theo là ở cả Bắc Mỹ lẫn Nam Mỹ (54%) và ở các nước Cận Động và Bắc Phi (50%)...

Tỉ lệ người dân tin tưởng vào ảnh hưởng tích cực của tôn giáo đối với xã hội đã được ghi nhận ở Indonesia (95%). Để so sánh nên biết rằng tại Mỹ và Anh, tỉ lệ này chỉ ở mức 43% và 6%...

Kết quả cuộc điều tra xã hội trên cho thấy ranh giới rõ rệt giữa trình độ học vấn với sự tiếp nhận vai trò của tôn giáo trong xã hội. Trong đội ngũ những người có bằng cấp từ thạc sĩ trở lên, tỉ lệ những ai đánh giá cao vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội thấp hơn nhiều so với các nhóm có trình độ học vấn thấp hơn. Thực tế cho thấy, ở đâu càng đông người ít học thì ở đó tỉ lệ những tín đồ ngoan đạo của các tôn giáo càng cao.

Phân tích những số liệu thu được về các tôn giáo đang thịnh hành trên thế giới, có thể thấy được sự khác biệt rất lớn giữa các tôn giáo khác nhau trong đánh giá vai trò của chúng đối với xã hội. Thường là các tín đồ đạo Tin Lành và đạo Hồi tin nhiều hơn vào vai trò tích cực của tôn giáo mà họ theo đối với xã hội. Còn tỉ lệ thấp nhất trong việc đánh giá vai trò tích cực của tôn giáo mà mình đang theo đối với xã hội là ở giữa cộng đồng tín đồ của đạo Hindu...

Cũng phải thấy rằng, kết quả thăm dò xã hội mà Gallup International/WIN tiến hành trong những năm gần đây cho thấy, thế giới đang càng ngày càng bớt sùng tín hơn trước. Chương trình điều tra xã hội học hàng năm “Lượng kế hy vọng và mơ ước toàn cầu”, tiến hành năm 2012 tại 59 quốc gia với sự tham gia của khoảng 70% dân số toàn cầu, chỉ có khoảng 59% số người được hỏi ý kiến cho rằng mình là người theo đạo. Khoảng một phần năm dân số thế giới (23%) nhận mình là người không theo một tín ngưỡng nào cả dù có thể tin vào một đấng tối cao nào đó. Và chỉ có một phần tám dân số thế giới (13%) mới tuyên bố mình hoàn toàn vô thần. Tỉ lệ những người vô thần cao nhất là ở Đông Á: Tại Trung Quốc tỉ lệ này là 47%, còn tại Nhật Bản là 31%...

Cũng cuộc thăm dò năm 2012 cho thấy, trái với điều mọi người vẫn thường nghĩ, sự khác nhau về tín ngưỡng là không đáng kể giữa các cộng đồng giới tính, lứa tuổi khác nhau. Trong khi đó trình độ học vấn và mức thu nhập lại ảnh hưởng đáng kể tới sự mộ đạo của con người. Thí dụ, giữa những người chưa học hết trung học, có tới 67% coi mình là người mộ đạo. Còn ở cộng đồng những người có học vấn đại học thì chỉ có khoảng 52% nhận mình mộ đạo. Hai phần ba số người có mức thu nhập thấp coi mình mộ đạo, còn ở những người có thu nhập cao hoặc trên mức trung lưu, tỉ lệ này chỉ chiếm khoảng 50%.

Cuộc thăm dò xã hội năm 2012 cũng cho thấy, các nước giàu và các nước nghèo có tỉ lệ sùng đạo khác nhau rất rõ rệt. Phần lớn những quốc gia có mức độ mộ đạo cao đều thuộc nhóm nghèo nhất thế giới. Trong đội ngũ mộ đạo chỉ có Brazil, Macedonia và Armenia là không thuộc nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới. Armenia, một nước không giàu có, là quốc gia đầu tiên trên thế giới mà Thiên chúa giáo được coi là quốc đạo ngày từ thế kỷ IV. Brazil đã rời khỏi nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới từ hơn chục năm trước. Những nước có mặt trong đội ngũ sùng đạo nhất thế giới là Gruzia, Pakistan, Afghanistan, Moldova, Colombia, Cameroon, Malaysia, Ấn Độ, Ba Lan, Nam Sudan. Trong số này chỉ có Ba Lan và Colombia là hai quốc gia có mức phát triển kinh tế trung bình... Phần lớn các nước trong đội ngũ vô thần nhất lại là các quốc gia phát triển kinh tế cao, thí dụ như Nhật Bản, Czech, Pháp, Đức, Hà Lan, Áo, Australia... 7 quốc gia và vùng lãnh thổ với nền kinh tế phát triển khác như Canada, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hồng Công (Trung Quốc), Thụy Điển, Bỉ có tỉ lệ những người vô thần cao gấp rưỡi so với tỉ lệ trung bình trên thế giới...

Một điều đáng chú ý là, trong số các tín đồ tôn giáo, tỉ lệ những người cho rằng tôn giáo cần phải tạo ảnh hưởng nhiều hơn nữa đối với chính trị là ở giữa cộng đồng Hồi giáo. Năm 2013, các nhà nghiên cứu Mỹ thuộc Trung tâm xã hội học chuyên về các vấn đề tôn giáo (Pew Research Center) đã công bố kết quả thăm dò ý kiến của các tín đồ Hồi giáo tại 39 quốc gia trên thế giới. Qua đó có thể thấy, phần lớn các tín đồ Hồi giáo đều cho rằng, tôn giáo cần phải tạo ảnh hưởng lớn không chỉ đối với đời tư mà cả đối với sinh hoạt xã hội và chính trị.

Cuộc thăm dò dư luận trên đã được tiến hành trong hai giai đoạn: trong hai năm 2008-2009 và trong hai năm 2011-2012 tại châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á, ở những nơi cư trú của các tín đồ Hồi giáo. Trong những khoảng thời gian đó, các chuyên gia của Trung tâm đã tiến hành hơn 38 nghìn cuộc phỏng vấn bằng hơn 80 thứ tiếng. Các tác giả của công trình nghiên cứu này không đưa ra những kết luận mang tính toàn cầu mà chỉ hạn chế ở các số liệu thu được tại từng quốc gia riêng lẻ. Và họ cũng phác thảo những xu hướng nhất định trong quan niệm tôn giáo nhập thế của các tín đồ theo đạo Hồi. Những số liệu thu được cho thấy, tùy theo từng nước mà tỉ lệ những tín đồ Hồi giáo mong muốn đạo luật Sharia được thực thi như bộ luật chính thức của những quốc gia khác nhau. Tại Azerbayzhan chẳng hạn, ý tưởng này chỉ nhận được sự ủng hộ của khoảng 8% số tín đồ được hỏi ý kiến, nhưng ở Afghanistan, tỉ lệ này lên tới 99%. Những tín đồ Hồi giáo suy nghĩ tương tự như ở Afghanistan là 71% ở Nigeria, 72% ở Indonesia, 74% ở Ai Cập và 89% ở khu vực tự trị của người Palestine...

Hoàng Thu
.
.