Tinh diệu quân sự, võ công Việt cổ

Thứ Năm, 04/04/2019, 14:33
Ngày xuân, khắp miền châu thổ sông Hồng và Trung Bộ tưng bừng lễ hội, với nhiều hoạt động cộng đồng. Đáng chú ý là có khá nhiều hội làng tổ chức đấu vật, đánh võ. 


Nét truyền thống này như một chỉ dấu hàm chứa và tái hiện lại các chiến công hiển hách trong đấu tranh bảo vệ xã tắc của tiên tổ người Việt. Thông qua đó, còn có thể nhìn rõ quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật quân sự Việt ở cấp độ cao hay võ công cá nhân.

Hàng ngàn năm lịch sử từ thời dựng nước Văn Lang, dân chúng sống quần cư tập trung ở vùng đất từ hạ sông Dương Tử phía Bắc và xuôi xuống tận phương Nam sát Chân Lạp.

Người Việt lập nên một thiết chế quân chủ tập quyền đầy uy lực, thịnh vượng, vượt qua bao biến động của lịch sử, luôn đấu tranh giành quyền tự chủ bên cạnh các đế chế ngoại bang cường mạnh và luôn có ý đồ xâm lăng. 

Trình độ võ công, quân sự ở tầm nghệ thuật, chính là một đặc điểm nổi bật của dân tộc Việt, là công cụ sắc bén để tiên tổ chúng ta, với ý chí quật cường, tính cách mạnh mẽ, kiên cường, quả cảm, đã chiến thắng nhiều kẻ thù ngoại xâm suốt chiều dài lịch sử. 

Các di chỉ khảo cổ từ nền văn hoá Đông Sơn, đặc biệt là các hình chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn đã cho thấy tính tổ chức quân đội quân sự cao. Quân đội, phiên đội chiến binh có vũ trang, rõ ràng được xây dựng dựa vào thổ nhưỡng sông ngòi, rất thích ứng với chiến đấu dựa vào rừng núi và sông nước. 

Võ sư Nguyễn Mạnh Thắng đang hướng dẫn võ sinh Câu lạc bộ Nhất Nam Hà Nội.

Những di chỉ về vũ khí thời Đông Sơn còn cho thấy sự đa dạng trong võ công, cũng như chiến lược tổ chức quân sự của nhà nước Văn Lang. Kiếm ngắn, dao ngắn, kiếm hai lưỡi, phủ, việt hay mâu, cũng như giáo mác ngắn, nỏ và cung nhỏ với tạo hình thẩm mỹ cao… có tính sử dụng đa dạng, đã nói lên các thuật đánh của người Việt cổ. Đó là lối đánh cận chiến, dùng đoản đòn, gọn và xuyên vào yếu điểm khi giao tranh trực đấu. 

Binh pháp dựa trên địa hình hiểm trở, sông ngòi, đầm lầy tạo nên lợi thế về thuỷ công là điểm mạnh của người Việt. Lối đánh tránh va chấn trực diện, tránh đối đầu, gần như là một sách lược khôn ngoan trong binh pháp giao chiến Việt, cũng như trong võ công cá nhân. 

Yếu lĩnh chủ đạo này là điểm xuyên suốt, đồng bộ trong ứng xử, hay nói đúng hơn nhân sinh quan của người Việt nhỏ bé sống dựa núi, dựa sông, canh tác dựa vào mùa màng, thổ nhưỡng theo nhiệt đới gió mùa của các cư dân tộc Việt. 

Lấy xoắn, mềm, cuộn của lối công thủ làm đối sách với các bạo lực lớn, dài, trường rộng… của kẻ địch. Lấy tính biến động bất ổn làm nghi binh, mất ổn định để giấu ý đồ trong chiến đấu, nhằm cân bằng tương quan vốn lệch về lượng so với đối phương. Lối di chuyển ngắn, vòng núp tựa vào địch quân, là một chiến lược và đối sách khôn khéo. 

Dùng các mũi nhọn xung kích tạo các phản đòn vào điểm trọng yếu của địch là một đặc điểm trong thuật dùng quân của người Việt, cũng như lối chuyển đối đòn trong võ thuật trực đấu cá nhân. Tạo nên các điểm quân bình bằng lối đánh chiếm thượng phong nhập nội và tấn công dũi quyết liệt là những điểm gây sự rối loạn đối với kẻ địch to lớn, vụng về với kích cỡ di chuyển chậm, không linh hoạt. 

Đối sách này được áp dụng triệt để trong quy mô giao chiến quân sự lớn đối với kẻ thù phương Bắc luôn thường trực trong chiến tranh với người Việt cổ.

Thực tế võ công của người Việt luôn là một mạch chảy liên tục theo biến động của lịch sử đấu tranh của dân tộc. Lấy làng, ấp, thôn xóm làm nơi ẩn mình tránh lộ diện, khỏi bị triệt tiêu trong các âm mưu đồng hoá. Lịch sử đã cho thấy, toàn bộ văn hoá ngoại lai, nề nếp tập tục văn hoá ngoại bang áp đặt lên tộc Việt, đều bị sức mạnh nội tại của văn hóa Việt chuyển hóa, tiếp biến cho phù hợp với đời sống tinh thần của mình. 

Điển hình như trong võ thuật của người Hán khi du nhập vào Việt Nam, cũng đã có sự biến thiên tiếp nhận và có xu hướng thấm nhuần toàn bộ tinh thần của người Việt. “Võ Tàu” lấy sức mạnh, đòn rộng, đối đầu trực diện, văng rộng làm gốc. 

Khi vào Việt Nam đã biến thể, người Việt không tiếp thu tất cả, mà lựa chọn các đặc tính phù hợp hơn với tâm tính và thể chất của mình, đó là lối đánh nương nhu nhuyễn, đoản đòn được lựa chọn phát triển phù hợp với Việt. Yếu tố tiếp biến này dựa vào sự thích ứng, hoá giải sự áp chế bằng lối lái làm lệch đi các chuẩn mực cứng nhắc của ngoại bang. Đối ứng này trở thành một nghệ thuật, ngấm sâu vào mọi lĩnh vực trong đời sống của người Việt, nó tinh tế và tự nhiên tới mức triệt tiêu sự nhận biết về đối kháng của người Việt với kẻ đô hộ, khi áp chế đồng hoá lên dân tộc Việt. 

Các sới vật đầu xuân tại nhiều địa phương.

Võ thuật của người Việt cũng dựa trên yếu tố này làm chiến lược thao tác chiến đấu và giao chiến. Tấn của võ Việt bồng bềnh, ổn định trong cái thế không ổn định, chập chờn vờn dứ xa gần, như sự biến động của mây. Bất quy tắc luôn được tạo ra tính thích ứng linh hoạt, đòn thế có tính luồn tránh, lách vào các yếu điểm tránh đối đầu. 

Các võ phái như Tây Sơn Bình Định, võ Nhất Nam, Thất Sơn Thần quyền ngày nay còn lưu giữ rất nhiều các thuật chiến đấu cũng như binh pháp về lý luận võ công theo các yếu tố trên. Đây chính là điểm gây sự khó hiểu và khó nắm bắt nhất đối với kẻ thù khi giao chiến với quân Việt, hay cũng như áp đặt sự cai trị lên dân tộc Việt trải qua suốt quá trình lịch sử.

Ở các thời kỳ đô hộ từ phong kiến phương Bắc, cũng như 100 năm đô hộ của người Pháp, võ Việt bị coi là nguy cơ tiềm ẩn để tạo nên các cuộc khởi nghĩa, chiến đấu chống lại ách đô hộ nên bị cấm truyền dạy và luyện tập. 

Võ Việt lặn sâu vào đời sống dân gian trong các hệ chi phái, gia đình dòng họ. Tuy nhiên không triều đại nào trong lịch sử võ Việt bị mai một, triệu tiêu. Sự thích ứng linh hoạt, ẩn chứa hoà mình vào cuộc sống ở cách thức tập luyện đã duy trì võ công riêng của người Việt trước sự cấm đoán ấy.

Các cuộc mở mang bờ cõi từ thời nhà Lê, Lý, nhà Trần, cho tới các chiến dịch tấn công chặn phá từ gốc để ngăn chặn nguy cơ xâm lược ngoại bang, là minh chứng cho thuật quân sự của người Việt. Thuật đánh chặn, ẩn mình, bẻ gãy ý định xâm lược... đến nay vẫn có thể thấy trong tâm pháp cũng như các thuật luyện tập ở các môn phái võ thuần Việt cổ xưa truyền lại như Nhất Nam, Tây Sơn Bình Định. 

Có lẽ cái hay và cái đặc dị của võ Việt là chứa bản chất lớn trong vấn đề ứng xử binh pháp và võ công cá nhân được luyện rèn, như một hình thái ẩn giấu chứa đựng những vấn đề binh thư lớn này. 

Có thể đó là một hình thái truyền dạy đặc biệt nhất. Nó đi từ vấn đề nhỏ để học cái lõi bản chất và ứng dụng ra cấp độ quy mô lớn hơn trong quân sự chiến trường. Võ công trở thành một trong hai hướng để rèn luyện học tập và tạo dựng sự nghiệp trong xã hội quân chủ qua các triều đại lịch sử của dân tộc Việt.

Phát triển rực rỡ nhất về võ công hay thuật chiến đấu quân sự phải kể tới đời nhà Trần. Cách thức luyện tập võ công binh thư yếu lược được đề cao, có tính truyền thống trong các dòng họ, đặc biệt là dòng họ triều đình của tầng lớp quý tộc vua chúa. 

Ở thời kỳ này, với 3 lần chống quân Nguyên Mông bảo vệ bờ cõi với các chiến công hiển hách, đã phần nào cho thấy tính chất phát triển tinh tế, cao tới mức nghệ thuật quân sự của người Việt. 

Thời này, thuật quân sự nhuần nhuyễn từ tâm pháp, tới môn công đã tạo nên sự đồng thuận từ tổ chức nhỏ nhất cấp làng xã dân binh, tới các đội quân tinh nhuệ chuyên biệt của triều đình. Các trận giao chiến diễn ra từ trên bộ tới thuỷ chiến thể hiện toàn bộ yếu lĩnh đặc biệt trong nghệ thuật chiến đấu và tư duy chiến lược tới chiến thuật của các danh tướng đời nhà Trần.

Sự thích ứng kỳ diệu một lần nữa lại được người Việt đẩy lên tới tầm nghệ thuật, đó là khả năng huy động toàn bộ sức dân, ý chí toàn dân đồng lòng tập trung cao độ cho chiến tranh vệ quốc, cũng như nghệ thuật chiến tranh dựa vào địa lý thổ nhưỡng. Nó là hai vũ khí đặc dị nhất của dân tộc Việt huy động vào chiến tranh.

Nghệ thuật sức mạnh này đã giúp chúng ta tránh và trấn, tiêu thổ và di dân nhường tử địa cho quân Nguyên Mông trong các lần giao chiến trước sức mạnh bạo cường của đội quân Hung nô tàn bạo này. 

Nó cũng chính là hai thứ vũ khí chiến lược để làm suy yếu và tiêu tan các chiến lược tấn công chiếm nhanh của đế quốc Pháp và Mỹ trong lịch sự hiện đại của Việt Nam. Chiến tranh toàn dân và chiến tranh du kích là hai chiến lược lớn, kế thừa từ nền lý luận nhận thức về quân sự của ông cha tổ tiên để lại. Một dòng chảy di sản quân sự nâng lên tầm nghệ thuật, được lưu truyền lại cho tới ngày nay.

Võ sư Nguyễn Mạnh Thắng
.
.