Nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng người Anh A. Clarke:

Tin thì tin, không tin thì thôi

Thứ Bảy, 03/05/2008, 08:45
Như tin đã đưa, nhà văn người Anh chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng lừng danh thế giới Arthur Charles Clarke đã từ trần ngày 19/3/2008 ở Sri Lanca, nơi ông đã chọn làm bến đỗ cuối cùng của đời mình từ năm 1956. Clarke là nhà tiên tri của thời đại chinh phục vũ trụ. Ra đi, ông không những để lại sau lưng mình những tác phẩm khoa học viễn tưởng hấp dẫn mà còn hàng loạt những ý tưởng táo bạo hứa hẹn sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.

Con đường viễn vọng

Arthur Clarke sinh cuối năm 1917, là con cả trong số 4 người con. Cha ông là chủ nông trại, còn mẹ là một nữ nhân viên điện tín. Ngay từ nhỏ, Clarke đã tỏ ra sáng dạ và được nhận học bổng để học những lớp cuối trung học của thành phố Taunton.

Ngay từ khi đó, Clarke đã mê sách khoa học viễn tưởng và gia nhập Hiệp hội liên hành tinh Anh quốc, tổ chức đa dạng của những nhiệt tình viên tin vào sự chinh phục vũ trụ trong tương lai không xa nữa. Hết trung học, Clarke lên London và vào làm nhân viên quèn trong một công sở. Chàng trai trẻ đã không có đủ tiền để theo học đại học.

Đầu chiến tranh thế giới thứ hai, Clarke cũng như nhiều bạn đồng lứa có kết quả tốt nghiệp phổ thông tốt, được gọi vào lực lượng Không quân Hoàng gia. Của  đáng tội, Clarke đã không được lái máy bay mà chỉ được phục vụ cho hệ thống radar phòng không.

Năm 1943, Clarke được đưa vào đội kỹ sư Anh - Mỹ thực hiện nhiệm vụ điều khiển hệ thống thử nghiệm đầu tiên đón máy bay hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu vớI sự trợ giúp của radar (GCA) dưới sự theo dõi của các phương tiện trên mặt đất.

Về giai đoạn này của cuộc đời ông, Clarke về sau đã viết một cuốn sách rất xa cách thể loại khoa học viễn tưởng nhưng cũng rất tuyệt vời "Glide Path" (1963).

Kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, nhà văn tương lai chỉ với quân hàm đại úy không quân. Khi ấy, chính phủ Anh cấp cho các sĩ quan trẻ học bổng để vào học đại học.

Năm 1948, Clarke đã tốt nghiệp xuất sắc Khoa Toán lý Trường Kings-College. Lúc ấy, Clarke đã kịp cho in truyện ngắn khoa học viễn tưởng đầu tay "Rescue Party" (Chuyến đi cứu hộ) và bài báo khoa học đầu tiên mà trong đó miêu tả chi tiết  đề án sắp đặt các vệ tinh trên quỹ đạo gần trái đất.

Về sau Clarke thích nói rằng, bài báo thuần tuý kỹ thuật đó, công bố trên tạp chí Anh "Wireless World" năm 1945, là văn bản quan trọng nhất của đời ông. Liên minh thiên văn học quốc tế cho tới hôm nay vẫn chính thức gọi quỹ đạo gần trái đất là "quỹ đạo Clarke".

Về việc này, nhà văn đã viết cả một tiểu phẩm với nhan đề "Ngắn gọn về tiền sử các vệ tinh thông tin hay về việc, tôi lúc rảnh rỗi đã đánh mất bạc tỉ USD như thế nào". Trong bài báo khoa học đó, nói một cách nghiêm khắc, Clarke đã không đưa ra cái gì mới mẻ cả.

Tất cả những gì quan trọng nhất về các vệ tinh và các cơ sở toán học của các quỹ đạo gần mặt đất khi ấy đã được viết cả rồi. Tuy nhiên, chính Clarke mới  trình  bày được một cách rành rẽ và đầy thuyết phục về việc ứng dụng những điều trên. Trong tương lai, ông đã không chỉ thêm một lần nữa làm được việc này.

Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, Clarke đã hoàn thành 8 tiểu thuyết, việc đã giúp ông có thể sống hoàn toàn bằng lao động văn học và không phải đi tìm kiếm thêm một nguồn thu nhập nào khác nữa.

Năm 1956, nhà văn tới đảo Seylon để chia sẻ thời gian cho việc lặn và việc viết văn. Trong một bài phỏng vấn, ông từng nói: "Tôi cảm thấy tuyệt vời khi lặn ở dưới nước".

Lúc đó, ông đã xây dựng được một trong những ý tưởng chính của mình: nhân loại chỉ có thể tự cứu mình sống sót bằng cách chinh phục vũ trụ. Nghiên cứu hệ mặt trời phải trở thành giá trị tinh thần tương đương như chiến tranh; trong trường hợp ngược lại, năng lượng của trái đất sẽ trở cờ chống lại chính những cư dân trên trái đất.

Năm 1962, Clarke phải trải qua một thử thách lớn: ông bị mắc bệnh viêm tủy xám (về sau căn bệnh này bớt trầm trọng hơn nhưng tới những năm 80 lại quay về hành hạ ông dưới dạng hội chứng hậu viêm tuỷ xám, buộc ông phải nằm bất động trên xe lăn).

Cần phải đánh giá đúng nhà văn: ông đã không bị mất tinh thần và ngay từ năm 1964, khi sang thăm Mỹ, ông đã kết giao với Stanley Kubrick, đạo diễn điện ảnh vừa mới giành được một thành công thường lệ với bộ phim "Bác sĩ Strangelove hay về việc tôi thôi sợ và yêu bom hạt nhân như thế nào".

Kubrick đã thuyết phục nhà văn cùng mình chung tay thực hiện đề án mà có thể nói không phóng đại rằng, là tác phẩm mang tầm thời đại - cuốn sách "Hành trình vũ trụ 2001" và bộ phim cùng tên mà Clarke đã viết kịch bản.

Năm 1972, Clarke đã công bố thêm một cuốn tiểu thuyết làm chấn động tâm trí độc giả nữa: "Gặp gỡ với Rama". Trong ranh giới của hệ mặt trời du nhập một vật thể lạ mà các nhà thiên văn học thoạt tiên cứ tưởng là một tiểu hành tinh, nhưng hóa ra nó lại là một con tàu tới từ một nền văn minh lạ mà người trên trái đất trước đó chưa từng biết đến.

Từ đầu tới cuối tiểu thuyết này, những cư dân trái đất đã cố gắng hết sức để tìm hiểu sứ mệnh của "Rama" nhưng con tàu vũ trụ bất khả tri đó vẫn nguyên là điều bí ẩn và nó biến đi về phía đám mây lớn Magellanov…

Tương lai, đối với Clarke, luôn ẩn chứa nhiều bí ẩn.--PageBreak--

Tin thì tin, không tin thì thôi

Năm 2000, trong một lần trả lời phỏng vấn: "Theo ông, liệu sẽ xuất hiện những con người nhân bản hay không?", Clarke đã hồn nhiên tâm sự: "Tôi chẳng ngạc nhiên với việc gì nữa cả. Tôi có thông tin rằng hiện nay đang có một người nhân bản rồi nhưng tôi không biết, người đó đang sống ở đâu".

Ông cũng nói rằng, ông có cơ hội để phục sinh vì "NASA phóng một vệ tinh nhỏ mà trên đó có tóc của những người nổi tiếng. Họ cũng lấy của tôi 6 sợi tóc. Sau một triệu năm nữa một nền văn minh nào đó khác có thể sẽ nhận được tóc của tôi cùng với một bản hướng dẫn chi tiết: đây là tóc của người đã từng sống trên trái đất, đọc và viết tốt, đã làm từng này việc tốt và từng này việc chưa tốt… Và những người ngoài hành tinh ấy sẽ tách ADN ra và tạo nên một bản sao tuyệt vời của ông Clark…".

Theo ông, "tương lai đã có một nhịp điệu mà thiên nhiên đã xác định và điều chỉnh, nhưng toàn bộ cuộc sống con người không thể được phân ra theo từng nốt nhạc". Ông cho rằng, hiện giờ địa chỉ có khả năng tồn tại các cơ thể sống nhất, đó là vệ tinh Europa của sao Mộc (Jupiter)…

Clarke từng tham gia vào các cuộc tranh luận về sáng kiến chiến lược quốc phòng, vẫn được biết tới hơn dưới cái tên "chiến tranh giữa các vì sao" ngay từ thời điểm nó được tung ra 15 năm trước đây và vào mùa xuân năm 2000.

Khi ấy và sau này thái độ của ông đối với vấn đề đó vẫn nguyên là: dù về mặt nguyên tắc có thể dùng nhiều tiền để lập ra hệ thống phòng thủ cục bộ, có thể chỉ cho lọt vào vài phần trăm tên lửa, nhưng ý tưởng tạo nên một tấm lá chắn phòng thủ trên cả đất nước là vớ vẩn.

Ông kể: "Luis Alvares, giải Nobel về vật lý năm 1968, khi nói chuyện với tôi đã gọi những ai ủng hộ các sơ đồ này là những người thông minh nhưng tư duy không có chút lành mạnh nào cả. Giờ đây, nhìn vào quả cầu thủy tinh thường là mù sương của mình, tôi thấy rằng, sự bảo vệ  toàn phần chỉ có thể trở thành hiện thực sau 100 năm nữa nhưng cùng với việc đó, kỹ nghệ sẽ sinh ra vô số những loại vũ khí khủng khiếp đến mức không ai còn buồn sử dụng thứ vũ khí thô sơ như tên lửa đạn đạo…".

Ông cho rằng, tính hiện thực của "năng lượng mới" hiện nay đã đạt tới 99%. Nguồn gốc của nó là ở sự liên hợp hạt nhân nóng ở nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, dù hiện nay đang tồn tại những sự chứng nhận nghiêm túc của việc diễn ra các phản ứng hạt nhân trong các vật thể cứng ở nhiệt độ thấp, cơ sở lý thuyết của quá trình này vẫn chưa được xác định.

Nhưng theo ông, trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI, công nghiệp sẽ bắt đầu ứng dụng sâu rộng sự liên hợp hạt nhân nóng và sau đó chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra sự tàn lụi của thời đại năng lượng hơi ấm và năng lượng hạt nhân và chấm dứt nỗi lo âu vì sự ấm lên toàn cầu, bởi lẽ việc đốt dầu mỏ và khí đốt sẽ chìm vào dĩ vãng.

Ông cũng cho rằng, sự ấm lên của trái đất có thể có lợi cho nhân loại, bởi lẽ kỷ nguyên giữa các thời đại băng hà sẽ chấm dứt. Nhiều năm trước, nhà sinh học nổi tiếng Will Duran từng nói: "Nền văn minh, đó là phút giải lao giữa các giai đoạn băng hà". Nếu điều này là đúng thì khẩu hiệu của thiên niên kỷ mới sẽ là: "Hãy để tên cho các nhà máy điện cũ kỹ, chúng ta cần nhiều hơn axít cácbôních!".

Clarke cho rằng: "Không ai có thể dự đoán được tương lai. "Ông luôn luôn chống lại những cố gắng dán lên ông cái tên "nhà tiên tri" mà chỉ muốn được gọi là "chuyên gia sử dụng phép ngoại suy". Ông thường thử lọc ra những phương án có thể có của tương lai, đồng thời chỉ ra rằng, những sáng chế hay sự kiện hoàn toàn bất ngờ có thể sau vài năm biến bất cứ một dự đoán nào thành điều thậm phi lý.

Cũng trong năm 2000, trả lời phỏng vấn báo chí, Clarke đã đưa ra một số lời dự đoán về thế kỷ XXI và nhấn mạnh rằng, "cần phải  cẩn trọng một cách tỉnh táo" khi đọc những lời dự đoán này:

2009: Tất cả các loại vũ khí hạt nhân sẽ bị tiêu huỷ.

2010: Xuất hiện những bộ dao động lượng tử đầu tiên, có thể thu được năng lượng vũ trụ. Ở dạng xách tay hay để ở gia đình, những bộ dao động này có thể có công suất từ vài kilôoát trở lên và có thể tạo ra nguồn năng lượng vô biên…

2012: Xuất hiện máy bay vũ trụ đầu tiên.

2014: Bắt đầu xây dựng khách sạn Hilton Quỹ đạo. Tại đây sẽ sử dụng những bình nhiên liệu khổng lồ vẫn được dùng cho các trạm vũ trụ trên quỹ đạo.

2020: Trí tuệ nhân tạo sẽ đạt được tầm tư duy của con người và các máy dò ghép trí tuệ nhân tạo sẽ được phóng đi tới những ngôi sao gần trái đất.

2021: Những người trái đất đầu tiên sẽ đặt chân lên sao Hỏa.

2024: Phát hiện thấy những tín hiệu hồng ngoại tới từ dải ngân hà. Hoàn toàn rõ ràng, đó là sản phẩm của một nền văn minh phát triển cao về kỹ nghệ, nhưng mọi nỗ lực giải mã thành công của họ đều không mang lại kết quả.

2040: Hoàn thiện xong "máy sao chép vạn năng" dựa trên công nghệ nano: có thể  tạo ra bất cứ một sản phẩm ở bất cứ độ phức tạp nào nếu có nguyên liệu và ma trận thông tin. Có thể làm ra kim cương và các sơn hào hải vị từ rác rưởi. Sẽ trở nên vô tích sự toàn bộ nền công nghiệp và nông nghiệp cũng như một sáng chế chưa lâu của nhân loại: công việc! Tiếp theo đó là sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật, công nghệ giải trí và giáo dục.

2050: Hàng triệu người với sự trợ giúp của công nghệ sinh lạnh quyết định "gửi thân" vào tương lai để sau đó vài chục năm sẽ "phục sinh" một cách trẻ trung và mạnh khỏe.

2051: Trên mặt trăng sẽ bắt đầu xây dựng các khu định cư được người máy hóa.

2061: Cuộc đổ bộ đầu tiên của con người lên nhân của sao chổi Halley đã tìm ra một phát minh chấn động: trên ngôi sao chổi này có những dạng thức sống ẩn náu, chứng tỏ rằng trong khoảng không vũ trụ nơi nào cũng có thể có sự sống.

2100: Bắt đầu một Lịch sử đích thực

Nguyễn Trọng Phát
.
.