Thêm một chuyện buồn

Thứ Bảy, 01/11/2014, 11:24

Tôi rất ngại bàn về chuyện vợ chồng, chuyện hôn nhân, chuyện đổ vỡ trong mỗi bài viết của mình. Bởi, tôi vẫn tin rằng phải duyên kiếp ba sinh thì mới may mắn trở thành người phối ngẫu. Lại như Phật dạy, “Vạn sự tùy duyên”. Thế nhưng, đôi lúc “Duyên” cũng chỉ là một lý do. Dẫu rằng, có một căn nguyên vẫn hơn là vô duyên vô cớ. Thôi vợ thôi chồng, may mắn nhất là xem nhau như bạn bè cũ. Còn không thì cứ xem nhau như người chưa quen chưa biết, cũng là sự may mắn rồi. Sợ nhất, là những hành vi bộc phát, đầy ích kỷ và hung hãn khi đã không còn là chồng, là vợ. Và, tôi rất ái ngại khi cứ mãi giới thiệu với bạn đọc những câu chuyện buồn ấy.

1. Ngày xưa, khi còn là con gái, chị thôi học sớm. Chị có một dung nhan vẹn tròn, mẹ ngại chị vướng câu hồng nhan họa thủy, mẹ giữ chị như giữ của báu trong nhà. Những bà mẹ, bao giờ cũng đầy ắp âu lo cho tương lai của con mình. Thế nhưng, như là một quy luật chung, con gái nghỉ học sớm ở quê thường không bao giờ lấy chồng muộn.

Sớm muộn cũng chỉ là một cách nói để chỉ về thời gian mà thôi, bởi khi lấy chồng chị đã hai mươi tuổi.

Chị về làm vợ người thanh niên gần nhà, hạnh phúc có đầy đặn không(?). Mẹ chị cũng không biết nữa, chỉ biết thi thoảng chị về nhà thăm mẹ, bao giờ cũng thở dài nhìn xa xăm.

Hai đứa con lần lượt ra đời, mẹ ngong ngóng con cái sẽ khiến vợ chồng chị ấm êm, mẹ cũng mong cảm giác bất an của mẹ chị là một cảm giác cả lo của người lớn tuổi. Không may, linh cảm của người già thì thường chính xác.

Chị về, có lúc với một bên má bầm tím. Chị về, có khi với vành mắt quầng thâm. Gặng hỏi, chị thưa “Con bị chồng đánh”, rồi chị khóc.

Lần khác về nhà, chị hỏi mẹ “Hay má cho con ly dị nha má. Chứ ảnh cứ đánh con hoài, coi chịu không nổi, má ơi”. Thương con lại xót cháu, bà trả lời “Con cố khuyên chồng thôi, chứ hai đứa mà thôi nhau chỉ tội cháu của má. Có cha có mẹ khi nào cũng hơn mà con”. Chị khóc rồi lại về nhà chồng.

Làm sao đàn ông lại có thể đánh phụ nữ, làm sao chồng lại có thể đánh vợ. Chưa bao giờ tôi có câu trả lời cho những câu hỏi này. Không phải do trình độ trí thức, lại càng không phải do bí bức trong đời sống gia đình, không phải do giàu nghèo… không phải do gì cả.

Tôi đã thấy những ông chồng nhà quê đánh vợ, tôi cũng thấy những ông chồng thành phố đánh vợ, tôi đã thấy những ông đại gia đánh vợ, những ông nghệ sĩ đánh vợ, những ông giáo sư đánh vợ… Tôi cũng đã thấy, những ông nông phu yêu vợ, những ông xe ôm chiều vợ, những ông lấy hè phố làm nơi mưu sinh cưng vợ.

Tôi muốn kể câu chuyện về người đàn ông thường hớt tóc cho tôi ở khu vực Bình Thạnh. Người đàn ông ở trọ, nuôi vợ và hai con bằng nghề hớt tóc. Ngày trung bình chắc kiếm được độ gần 200 nghìn (Cuối tuần, có thể cao hơn). Chưa bao giờ tôi thấy người đàn ông này tỏ ra bi quan về đời sống của mình, chưa bao giờ tôi thấy người đàn ông này than vãn chuyện nuôi vợ thất nghiệp, cũng chưa bao giờ tôi thấy người đàn ông nói nặng với vợ một câu… Tự lâu lắm rồi, tôi vẫn nghĩ đàn ông là cột trụ của gia đình, phải luôn vững chãi, phải biết cách đối đầu với khó khăn thường nhật. Quan trọng hơn, phải hiểu rằng, làm phụ nữ vốn đã thiệt thòi nhiều lắm rồi. Đàn ông không yêu thương được vợ thì chớ, lại còn đánh vợ thì không biết phải suy, phải luận ra sao.

Chuyện phải đến cuối cùng cũng đến, chị và chồng ly dị. Chị không còn đủ sức để chịu đựng những cái bạt tai hay cú đá của chồng. Chị lại không còn đủ sức để nghe những lời nhiếc mắng. Chị hiểu, đàn ông đánh vợ được một lần thì chắc chắn sẽ có lần thứ hai. Chị mang hai con về ở với mẹ, chồng cũng thôi viếng thăm. Để nuôi con, chị mở quán bún riêu trước nhà mẹ. Quán bún riêu ở quê, đủ để mấy mẹ con chị đắp đổi qua ngày.

Phạm Văn Nhàn tại phiên tòa phúc thẩm.

2. Chị chia tay chồng còn trẻ, dẫu có hai con riêng thì cũng không khiến những người đàn ông muốn đến với chị ngại ngần. Chị từ chối nhiều lời tán tỉnh, cho đến lúc đồng ý lời tỏ tình của một người đàn ông vốn là khách ăn quen.

Người đàn ông không giấu chị về điều gì cả. Người đàn ông kể cho chị nghe về một hạnh phúc đã qua, về những biến cố mà người đàn ông đã vướng phải trong quá khứ.

Mẹ chị có khuyên, “Con dang dở một đời chồng, giờ lại muốn yêu người đàn ông đã có một đời vợ. Chuyện này, như rổ rá cạp lại vậy, má không chắc con sẽ có được hạnh phúc như con hy vọng”.

Thương con thì nói vậy thôi, chứ mẹ chị thừa hiểu là phụ nữ khi yêu cứ như đám cháy rừng. Mà lời nói thì không hóa nước để có thể dập tắt đám cháy ấy được.

Mẹ chị cất công đi tìm hiểu, về nói với chị, “Má hỏi, nghe người ta kể là thằng này nó đánh vợ hoài à. Mà nó còn hay uống rượu, không lo làm ăn. Con tính kỹ trước khi quyết định kẻo lại khổ, nha con”. Chị thương nói với mẹ, “Má à, con đã không trọn vẹn hạnh phúc một lần. Không lẽ bây giờ, con không được quyền tự quyết định nữa hay sao má?”. Nghe chị nói vậy, bà lặng im.

Người đàn ông đưa chị đi đăng ký kết hôn thay cho lời đính ước. Họ đều đã qua một lần đò, họ ngại ngần những thứ ầm ào lễ nghi hôn sự. Thương con, mẹ cắt cho chị phần đất cạnh bên, để chị cất nhà, ra riêng. Chị dùng của nả tích lũy bấy lâu xây cái chuồng heo rồi mua lợn giống. Cuộc sống bình dị hiện ra ngay trước mắt chị. Sáng sớm chị thức dậy nấu nồi nước lèo chuẩn bị dọn quán, thì người đàn ông lúi cúi cho heo ăn. Nước lèo còn dư, bún cặn khách bỏ thành thực phẩm của lũ lợn đói, đỡ tốn một ít tiền mua cám

Ngày tôi còn bé ở quê, thấy có rất nhiều gia đình chọn cách chăn nuôi heo theo kiểu này. Có khi họ nấu rượu, bán lấy vốn. Chủ yếu lời được phần thừa để nuôi heo. Lại ở ngay thành phố này, cũng có nhiều người điều khiển chiếc xe gắn máy cũ, hai bên là hai cái thùng phuy nhựa to đùng chuyên đến điểm bán cơm bún bình dân để xin đồ cặn của khách về nuôi heo. Đó là một kiểu lấy công làm lời, tiết kiệm mà thành của rất hay của những người chịu khó, biết nghĩ.

Hai đứa con ra đời trong nỗi niềm ấm áp đó. Vậy mà, buồn thay là ngay khi chị tưởng số phận đã mỉm cười với chị thì bất thần người đàn ông đổi tính. Những khi rảnh rỗi, theo mấy người hàng xóm xem đá gà, người đàn ông lâm môn đỏ đen lúc nào không hay.

Chắc chắn rằng, những người mê cờ bạc thì tâm tính luôn bất thường. Họ dễ cáu gắt, dễ vui dễ buồn, dễ hành xử theo lối đập phá thay cho lời nói. Thế nên, người đàn ông bắt đầu đánh chị.

Như con chim bị tên một lần đã sợ cành cong, ngay lần đầu tiên người đàn ông đánh chị, thì cái ký ức hãi hùng về những ngày chị lập gia đình khi mới ngoài tuổi 20 lại hiện về rõ mồn một. Chị hoảng loạn, thật sự hoảng loạn.

Chị nói với người đàn ông, “Mình đánh em được một lần, mình sẽ lại đánh em nhiều lần nữa. Không còn tình nghĩa với nhau, nên ly dị để khỏi nặng nhẹ làm gì”. Người đàn ông không đáp lời chị. Buổi sáng, trước khi đi dọn hàng bán bún, chị đặt lá đơn ly dị trên bàn. Người đàn ông ký tên vô.

Dẫu vậy, người đàn ông vẫn ở trong căn nhà được cất trên phần đất mà mẹ chị đã cho.

3. Chị đi bán hàng, người đàn ông ở nhà lẳng lặng dọn sạch toàn bộ các vật dụng trong nhà mang đi bán, rồi bỏ về nhà cha mẹ ruột ở. Chị về nhà, căn nhà trống trơn.

Vài hôm sau, người đàn ông về lại. Ôm chị, xin chị hàn gắn tình cảm, vì hai con. Còn giận, chị cương quyết từ chối. Vậy là, người đàn ông hồ nghi chị đã có người đàn ông mới nên từ chối gã.

Cơn ghen làm người đàn ông mù quáng. Cũng có thể, người đàn ông không mù quáng vì cơn ghen do mình tự nghĩ ra, mà người đàn ông mù quáng bởi tư duy chỉ nghĩ đến bản thân mình, hoàn toàn không nghĩ cho người khác. Cho dù, người đó có phải là người đã quen hơi, đã chăn gối quen tên với mình hay không.

Người đàn ông chạy ra nhà bếp, chụp lấy con dao chị vẫn làm thức ăn hàng ngày rồi tiến về phía chị, vung tay lên… Cú đâm duy nhất từ phía sau khiến chị gục ngã. Người đàn ông lau sạch vết máu, bế thi thể chị lên giường, đắp chăn, buông màn. Đó là hành động chăm sóc chị cuối cùng của người đàn ông, hành động mà lâu lắm rồi người đàn ông đã quên bẵng.

Sau đó, người đàn ông hòa thuốc trừ sâu uống. Đợi mãi không thấy mình chết, người đàn ông điều khiển xe gắn máy về lại nhà bố mẹ đẻ. Đến nhà, thuốc ngấm, người đàn ông ngã vật trước sân. Có điều, người đàn ông không chết.

Mẹ của chị là người đầu tiên phát hiện ra vết máu trong căn nhà của chị, bà sang tìm chị vì đợi hoài không thấy chị sang nhà ăn cơm chung như đã hẹn. Bà cũng là người đầu tiên trình báo vụ việc với Cơ quan Công an, bà cũng là người làm đơn phúc thẩm xin tăng hình phạt dành cho người đàn ông đã hạ sát cô con gái tội nghiệp của bà.

Ở phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên phạt người đàn ông mức án 19 năm tù giam về hành vi “Giết người”. Cho rằng, mức án ấy là chưa thỏa đáng, tuần trước trong phiên phúc thẩm, tòa đã tuyên người đàn ông mức án chung thân.

Nhẽ ra, tôi sẽ bình luận một vài điều gì đó. Nhưng, có lẽ là nên thôi. Nghĩ đến những đứa con không còn mẹ, nghĩ đến một quãng làm người chị đã trải qua, là đã đủ buồn đến ngút ngàn rồi.

Người đàn ông tên Phạm Văn Nhàn, sinh năm 1970, ngụ Đồng Nai

Kinh Hữu
.
.