Tháng 8-1914, khi chiến tranh lột xác
Dĩ nhiên, phải đến sau Đệ nhị Thế chiến, loài người mới thực sự cảm nhận được tường tận khả năng tự hủy diệt chính mình. Song, những đường nét chủ đạo thì đã manh nha được phác thảo ngay từ tháng 8-1914, thời điểm Đại chiến thế giới lần thứ nhất khởi đầu.
Niềm lạc quan vô nghĩa
"Các anh sẽ trở về nhà trước khi những chiếc lá rụng khỏi cành cây" - vua Đức Wilhelm đã nói như vậy với những người lính của mình. Bên kia chiến tuyến, ngày 1-8-1914, những đám đông đổ xô về đại lộ Champs Elysee để vẫy cờ hoa, hoan hô, cổ vũ những toán quân lần lượt diễu qua điện Versailles và Khải Hoàn Môn, tiến ra mặt trận.
Không ai mơ mộng đến độ nghĩ các trận đánh sẽ diễn ra ngọt ngào và êm ái, nhưng có lẽ cũng chưa ai đủ tỉnh táo để nhìn thấy trước rằng cuộc chiến này sẽ dữ dội và tàn khốc đến như thế nào.
Trước đó, theo một vài cách định nghĩa của giới quý tộc phong kiến, chiến tranh chỉ là "môn thể thao của các ông hoàng", với những đội quân lao vào nhau trên đồng trống, phân định thắng bại một cách mau chóng và đơn giản. "Một trận định sơn hà", Tây cũng như Đông, ý niệm đó đã từng hằn sâu hàng thiên niên kỷ.
Joffre - vị tướng lạc hậu, người vẫn để binh sĩ của mình mặc quân phục màu chói tiến đến những họng súng. |
Và không ai khác, có lẽ chính những nhà lãnh đạo chính quyền cũng như quân đội Pháp là những người xa rời thực tế nhất. Nói như một số chuyên gia nghiên cứu lịch sử, tiêu biểu là Robert Lecke - tác giả cuốn “Đệ nhất Thế chiến” (World War I): "Người Pháp hiểu biết quá ít và những thay đổi trong chiến tranh, những thay đổi đến từ cách mạng công nghiệp. Đến nỗi họ để binh sĩ của mình ra trận với đồng phục áo màu xanh dương và quần màu đỏ chói, để trở thành mục tiêu dễ nhận cho các xạ thủ súng máy Đức - những người khôn ngoan mặc quân phục xám".
Nước Pháp tin vào chiến thắng, và lúc ấy, vẫn còn dư âm của thứ binh pháp từng cùng Hoàng đế Napoleon đệ nhất khuynh đảo châu Âu, giới tướng lĩnh Pháp vẫn còn đặt cược tất cả vào những chiến lược tấn công.
Một cách đơn giản, Tổng tư lệnh quân đội Pháp Joseph Jacques Cesaire Joffre chấp nhận mọi đề đạt từ Bộ tổng tham mưu của mình, rằng nhiệt huyết và lòng can trường là đủ để đánh bại quân Đức. Thế là, chẳng cần điều nghiên kỹ lưỡng, Joffre tung những đơn vị quan trọng nhất của mình vào nơi mà ông tin chính là trọng tâm của phòng tuyến quân Đức.
Súng máy biến mọi nỗ lực xung phong trở nên đẫm máu. |
Bộ mặt thật của chiến tranh
Đó là bởi Joffre tin rằng tướng Helmut Von Moltke của Đức vẫn giữ nguyên bản kế hoạch mà người tiền nhiệm Schliephen đặt ra. Song, thực tế, Von Moltke đã thay đổi kế hoạch đó hoàn toàn. Ông ta tập trung quân ở cửa ngõ biên giới Pháp - Đức, đồng thời điều cánh quân khác (từng được Schliephen giao nhiệm vụ ấy) cố gắng mở một đường đánh vu hồi vào hậu quân của Pháp.
Liege, trên đất Bỉ, được chọn làm điểm xung đột dữ dội đầu tiên giữa quân Pháp (cùng quân Bỉ đồng minh) và quân Đức, cũng là đột phá khẩu đầu tiên của Đệ nhất Thế chiến. Đó là cửa ngõ mở vào vùng đồng bằng nước Bỉ. Nếu kiểm soát được Liege, quân Đức sẽ chiếm được đường xe lửa, đồng thời mở được đường lớn băng qua những địa hình bằng phẳng, để thần tốc tấn công miền Bắc Pháp.
Vua Bỉ Albert hiểu điều ấy. Ông cử Gerard Leman, viên tướng tin cậy nhất của mình, thi hành mệnh lệnh "tử thủ". Leman có khoảng 25 nghìn người, chống lại mũi tấn công 6 vạn lính Đức, nhưng sát cánh với ông là các thường dân vũ trang, được dẫn dắt bởi các linh mục. Những đám dân quân ấy, sau khi gây được vài khó khăn, thường bị quân Đức bao vây, bắt sạch và bắn sạch, không cần xét xử. Sự tàn ác ấy đã hiện hữu ngay đầu Đệ nhất Thế chiến.
Quân Bỉ tử chiến ở Liege. |
Tuy vậy, các chiến sĩ Bỉ phòng vệ Liege vẫn chiến đấu như hổ báo. Khi còn đủ đạn dược, họ dìm những nỗ lực vượt sông Meuse bằng cầu phao của quân Đức xuống những dòng nước đỏ ngầu máu. Có điều, đối diện với họ, tinh thần dũng cảm danh bất hư truyền của quân nhân Phổ thời trước vẫn được quân Đức thể hiện rõ rệt. Thêm vào đó, lính Đức còn được chắp cánh bởi những thành tựu về công nghệ vũ khí - quốc phòng.
Eric Ludendorff - người về sau trở thành một thống chế Đức lừng danh - đã tận dụng rất tốt những sự ưu việt đó, để phục vụ cho tài năng chiến trận của mình khi tiến đánh Liege. Ông ta cho một đơn vị kỵ binh quần thảo trên đoạn đường nối tới hậu cứ của quân Bỉ phòng thủ, điều này khiến Leman lo lắng, và phải rút bớt một phần binh lính quay về tuyến sau. Chỉ đợi thế, Ludendorff dẫn một lữ đoàn tìm đường luồn qua những quãng hở, thâm nhập vào thành phố Liege, đặt căn cứ cho những cánh quân khác tập hợp.
Súng máy, với sức tàn sát của mình, đã chứng tỏ rằng mọi nỗ lực xung phong kiểu cổ điển chỉ là một hình thức tự sát tập thể. Nhưng còn hơn thế, quân Đức đưa được cả trọng pháo vào Liege.
Trong đó, khẩu đại bác "Bertha Lớn" là gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Nó có đường kính nòng khoảng 420mm, có thể bắn đi những quả đạn pháo nặng hơn 800 kg, từ cự ly khoảng 14,4 km. Thứ duy nhất có được sức khủng bố gần với Bertha Lớn ở thời điểm đó là pháo hạm tân tiến nhất của Anh, nhưng cũng chỉ đạt đường kính cỡ nòng 338 mm.
Từ Liege, pháo binh Đức bắn nát từng đồn lũy phòng ngự của Bỉ ở vùng biên giới quanh đó. Đến ngày 15-8-1914, trong số 12 công sự - đồn lũy, chỉ còn duy nhất pháo đài Loncin đứng vững. Tướng Leman ở đó, và ông vẫn chiến đấu, cho tới khi kho vũ khí của Loncin nổ tung bởi trúng đạn.
Đại pháo Bertha Lớn - nỗi kinh hoàng của những ngày đầu Đệ nhất Thế chiến. |
Nhờ sự quả cảm của quân Bỉ, lính Pháp và lính Anh có đủ thời gian để kịp hợp quân. Binh sĩ Pháp có số đông. 100 nghìn lính Anh hầu hết là những xạ thủ súng trường cừ khôi, trong khi sĩ khí quân Đức đang lên cao hơn bao giờ hết.
Tổng hợp các yếu tố đó, châu Âu (cũng như thế giới) lại chứng kiến hàng trăm nghìn người ngã xuống. Bởi đạn súng máy. Bởi đạn súng trường. Bởi đại bác. Bởi cả những quyết định thể hiện sự tụt hậu về tư duy quân sự, như cách tướng Joffre vẫn bắt 300.000 người lính ưu tú của mình tiến vào cái "cối xay thịt" ở biên giới Đức, nơi quân Đức đã chờ đợi, như thể đập đầu vào đá, bất kể những cánh quân Đức khác đã sẵn sàng tạo thế hợp vây.
Đệ nhất Thế chiến, từ lúc đó, đã chắc chắn không thể kết thúc ngay vào mùa thu, "khi những chiếc lá lìa cành". Mọi người đều bắt đầu nhìn thấy nó với tất cả những khía cạnh bi thương, và bởi vậy, người ta bắt đầu cố gắng chạy trốn nó. Từng đoàn dân thường rút chạy khỏi những tuyến biên giới Pháp-Bỉ-Đức.
"Họ cứ đi trong im lặng tột cùng, chỉ vang lên những tiếng lê chân khó nhọc. Đàn ông và đàn bà, tất cả đều chỉ còn giữ gương mặt chăm chăm bất động. Những đoàn người nối đuôi nhau không dứt. Tất cả đều mặc quần áo màu xám - thực ra là màu của những lớp bụi và khói pháo, tạo nên một khung cảnh ảo não"…
Và đó mới chỉ là tháng 8-1914. Cuộc chiến đầu tiên của một kỷ nguyên hoàn toàn khác biệt, với máy bay ném bom, với tàu ngầm, với hơi độc hay súng phóng lửa… mới chỉ bắt đầu.
* Sáu triệu binh sĩ đã di chuyển ngang bề mặt châu Âu trong tháng 8-1914, con số chưa từng hiện hữu trong lịch sử chiến tranh thế giới. Trong đó, quân đội Đức điều động 1,5 triệu người tiến đánh nước Pháp, và bố trí 500 nghìn người khác trú phòng biên giới với Nga. Đế quốc Áo - Hung tung 500 nghìn người vào cuộc chiến với Nga và Serbia. Ngược lại, quân đội Pháp tập trung khoảng 1,6 triệu lính, bao gồm khoảng 100 nghìn quân Anh và 100 nghìn quân Bỉ bổ sung. Quân Nga cũng động viên khoảng 1,4 triệu lính. * Một ghi chép lưu lại cảm nghĩ của người lần đầu tiên nhìn thấy khẩu đại bác lừng danh "Bertha Lớn" của quân Đức, khi nó được kéo qua Liege: "Con quái vật đi tới, được kéo bởi 36 con ngựa. Mặt đường run lên. Đám đông câm lặng trong nỗi kinh sợ. Đến cả những con voi của Hannibal (danh tướng Carthage cổ đại từng đem quân trường chinh vượt Địa Trung Hải, xuyên qua dãy Alpes tập kích đế quốc La Mã) cũng không thể tạo nên nhiều sự ngạc nhiên hơn. Nó là con quỷ của những khẩu đại bác. Sau khi được lắp đặt cẩn thận trong công viên Avroy, nó phát ra tiếng nổ khủng khiếp. Đám đông bị hất tung ra đằng sau, mặt đất rung chuyển như địa chấn, và tất cả các ô kính trong vùng lân cận đều rạn vỡ…". |