Tham vọng “thống nhất” tiền tệ của Facebook

Thứ Sáu, 14/06/2019, 16:46
Nghĩa trang lớn nhất trên thế giới nằm ở đâu? Hiện nay thì nó vẫn còn nằm ờ Wadi-us-Salaam, một nghĩa trang Hồi Giáo ở Iraq. Nhưng theo các chuyên gia thì chỉ 80 năm nữa thôi, danh hiệu ấy sẽ chuyển sang mạng xã hội Facebook. 


Vì sao ư? Facebook hiện có hơn 2,4 tỉ người dùng. Và hãy tưởng tượng vào năm 2098, khi 1,5 tỉ trong số những người dùng này đã từ trần, tất cả những tài khoản đó sẽ chuyển về chế độ tưởng nhớ.

Nhưng trước khi trở thành mái nhà của những người chết, Facebook đã và đang không ngừng bành trướng thành một đế chế xuyên lục địa của những người sống. Thông tin chính thức đã được đưa ra, năm 2020, Facebook sẽ phát hành đồng tiền riêng của mình và bước khởi đầu sẽ bao gồm 12 quốc gia trên thế giới.

Giấc mơ về đồng tiền chung thế giới

Đồng tiền ảo được nhắc đến trong nội bộ Facebook với cái tên “GlobalCoin” - dịch nôm nghĩa là đồng tiền toàn cầu. Rõ ràng, nó gửi gắm tham vọng “thống nhất” vĩ đại của Zuckerberg. Là một loại tiền mã hóa nhưng theo Ted Livingston - nhà sáng lập Kik Messenger, GlobalCoin ra đời có lẽ không phải để cạnh tranh với đồng Bitcoin mà là để cạnh tranh với đồng USD.

Tham vọng của Mark lớn đến mức anh sẵn sàng làm hòa với đối thủ truyền kiếp của mình là anh em song sinh nhà Winklevoss, những tỉ phú Bitcoin đầu tiên và cũng là những người đã từng tố cáo Mark ăn cắp ý tưởng của họ để xây dựng Facebook, kéo theo đó là một vụ kiện tụng cò cưa cả thập kỷ và chỉ êm xuôi khi Mark đồng ý ký thỏa thuận trị giá 65 triệu USD trả cho Winklevoss.

Tham vọng “thống nhất” tiền tệ của Mark Zuckerberg nhìn bề ngoài thì tốt đẹp chẳng thua gì tham vọng thống nhất Trung Hoa của Tần Thủy Hoàng trong bộ phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu. 

Liệu có một ngày Mark Zuckerberg sẽ thay thế những vị tổng thống vĩ đại trong lịch sử trở thành chân dung trên tiền tệ?

Vị đại đế trong tác phẩm của họ Trương chỉ mong muôn giang sơn quy về một mối, nhân dân không còn vướng vào cảnh binh đao, còn Facebook - theo những thông tin được tuồn ra - muốn tạo ra một hệ thống tiền tệ và thanh toán chung cho tất cả, giúp đỡ các kiều bảo gửi kiều hối về quê hương qua Whatsapp (ứng dụng nhắn tin đa nền tảng của Facebook) dễ dàng như chia sẻ một tấm hình.

Và sau khi cá đã vào lưới, Facebook cũng sẽ không dại gì để họ chuyển lại GlobalCoin thành tiền mặt. Giống như cách WeChat đã làm ở Trung Quốc, Facebook sẽ tạo nên một mạng lưới dịch vụ đầy đủ từ A đến Z để người dùng có thể thanh toán, chuyển khoản ngay trên ứng dụng. 

Cùng một phương thức nhưng nếu như WeChat chỉ làm bá chủ thị trường nội địa Trung Quốc thì Facebook có tiềm năng để bành trướng trên phạm vị liên quốc gia, liên lục địa. Đó là một giấc mơ choáng ngợp, nhưng...

Liệu giấc mơ có chỉ là giấc mơ?

“Thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, chủ nghĩa tự do đã bắt đầu đánh mất uy tín của mình”, nhà khoa học Yuval Noah Harari, tác giả của nhiều danh tác về lịch sử và tương lai nhân học như Homo Sapiens và Homo Deus, viết trên tạp chí The Atlantic. 

Thế kỷ 21, những thứ như chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít, những nhà nước chuyên chế hay những thể chế độc tài gần như đã không còn một chút vết tích nào. Lý tưởng dân chủ cùng lý tưởng tự do đã đưa chúng ta đi một quãng đường rất xa. Cho đến khi chúng ta nhận ra rằng, rất có thể, sự tự do chỉ mãi mãi là cầu vồng nơi cuối chân trời, càng đến gần, càng xa xăm.

Sự ra đời của internet ban đầu khiến chúng ta tưởng rằng quyền tự do đang được phổ cập. Chúng ta có thể tiếp cận với hằng sa số những nguồn thông tin, có thể phát ngôn tùy ý, thậm chí có thể trở thành bất cứ ai, chỉ cần đeo lên một chiếc avatar hay đặt ra một nickname ảo. Nhưng có thật hay không?

Từng có chuyện hi hữu xảy ra khi một công dân Palestine đăng lên tài khoản Facebook của mình một tấm ảnh đứng cạnh chiếc máy ủi, anh viết: “Chào buổi sáng!” nhưng thuật toán của Facebook đã dịch nhầm thành “Hãm hại họ” và anh ngay lập tức bị lực lượng Israel bắt giữ. 

Đúng thế, Facebook theo dõi tất cả chúng ta. Bạn chỉ cần nói chuyện về một chiếc bàn là trên Messenger, ngày hôm sau, bạn sẽ thấy hàng loạt chiếc bàn là được quảng cáo trên trang chủ của mình.

Hơn một năm qua, Facebook lao đao vì liên tiếp những bê bối. Đầu tiên là vụ rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người dùng. Sau đó là lời thú nhận rằng Facebook có rà soát tin nhắn riêng tư của khách hàng. 

Và rồi mới đây nhất là việc Facebook lưu giữ mật khẩu của hàng trăm triệu tài khoản bằng văn bản bị phanh phui. Trong một thời đại không có Hitler thì chúng ta lại có Facebook - kẻ độc tài công nghệ còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần, bởi chúng ta tự nguyện hiến dâng cho nó.

Vậy điều đó thì có liên quan gì tới tham vọng GlobalCoin và một hệ thống tài chính toàn cầu của Facebook?

Trước hết, hãy nhớ rằng hai trong những điều quan trọng nhất của một hệ thống tài chính thành công là sự minh bạch và sự bảo mật an toàn. Facebook thất bại hoàn toàn ở cả hai khía cạnh đó. Và rồi, chính sự độc tài kiểu mới của Facebook sẽ là viên đá tảng cho sự phát triển của GlobalCoin.

Vốn dĩ, những đồng tiền mã hóa trên lý thuyết có một điểm ưu việt so với tiền tệ thông thường, đó là tính chất phi tập trung của nó. 

Trong khi tiền giấy được phát hành bởi một cơ quan duy nhất và do đó, chịu sự thao túng của những tài phiệt ngân hàng (sự di chuyển của đồng tiền tạo nên một hoạt cảnh giống như các nhân vật trong các tiểu thuyết của Kafka bị lạc trong mê cung xã hội và thứ bậc rắc rối không thể tự quyết định cuộc đời) thì những đồng tiền mã hóa nhờ vào công nghệ blockchain cho phép các cá nhân thực sự có quyền kiểm soát tài chính của riêng mình.

Song, đồng tiền GlobalCoin hẳn sẽ đi ngược lại nguyên tắc cơ bản đó vì hiển nhiên, nó sẽ bị điều khiển bởi Facebook. Và Facebook, hơn bất cứ một tổ chức tài chính nào, có hệ thống quyền lực siêu tập trung một cách tinh vi.

Facebook sẽ hứa hẹn với bạn rằng, không cần một tài khoản ngân hàng, bạn cũng có thể giao dịch qua mạng internet, bạn sẽ không bị bẫy bởi hàng trăm thứ phí của những bên trung gian như Mastercard hay Visa. Đúng, nhưng bạn lại phụ thuộc vào Facebook, hay nói cách khác, bạn chỉ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa mà thôi.

Và, việc nhảy vào lĩnh vực tài chính vào đúng thời điểm niềm tin dành cho Facebook sút giảm nghiêm trọng, ai dám giao tiền của mình cho Mark Zuckerberg, người mà nếu có bất cứ sự cố nào xảy ra, chỉ có thể đứng lên cúi đầu xin lỗi và thế là xong chuyện?

Mark rất cao tay và anh ta biết thừa chuyện đó. Làn sóng phản đối Mark Zuckerberg ở phương Tây đang dâng cao mạnh mẽ nên trong những thông tin rò rỉ ra ngoài, có vẻ như GlobalCoin sẽ xuất hiện trước hết ở những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ. 

Bài học về sự thất bại của Facebook Credit 6 năm trước vẫn còn đó cho GlobalCoin.

Ấn Độ có lượng người dùng Whatsapp đông nhất thế giới. Và mức kiều hối của Ấn Độ cũng cao bậc nhất thế giới. Dân số trẻ trung, ham học hỏi ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, Mỹ Latin cũng dễ bị “dắt mũi” hơn so với các quốc gia phương Tây già cỗi, lắm chuyện và thích nghi ngờ. Cho nên, những khu vực này là chú chuột bạch tuyệt vời cho cuộc thử nghiệm thứ hai của Facebook.

Gọi là cuộc thử nghiệm thứ hai, đó là bởi GlobalCoin không phải nỗ lực “toàn cầu hóa” tiền tệ đầu tiên của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Mark Zuckerberg có thể là một thiên tài về tâm lí con người và Facebook có thể có một nguồn lực dường như vô tận nhưng không có nghĩa là Facebook bất khả chiến bại.

Đúng 10 năm trước, lần đầu tiên Facebook cho thử nghiệm Facebook Credit, một loại hình tiền tệ ảo với tỷ giá 10 đồng Credit đổi được 1 đồng USD, với sự tự tin chắc chắn rằng chỉ sau một năm, nó sẽ được áp dụng rộng rãi cho mọi giao dịch mua hàng ảo trên các trò chơi và ứng dụng Facebook.

Thế mà vào một Thứ sáu ngày 13 xui xẻo năm 2013, Facebook Credit, loài khủng long của thời đại công nghệ lặng lẽ bị khai tử. Tại sao ư? Vì người dùng cảm thấy Facebook Credit chỉ làm phức tạp hóa vấn đề và chẳng có gì tiện lợi. 

Nhớ lại thời điểm đó, dự án Facebook Credit cũng được truyền thông rầm rộ, để rồi tất cả kết thúc chóng vánh trong tủi hổ. Cho nên ai biết được GlobalCoin liệu có lại là một trường hợp “đầu voi đuôi chuột” tiếp theo?

Tuy nhiên, bất chấp mọi nghi ngờ, Facebook sẽ làm mọi cách để một ngày nào đó, GlobalCoin có thể ra đời, như cách họ vẫn giữ hy vọng mong manh được đường hoàng chia sẻ miếng bánh Trung Quốc.

Theo tiết lộ của tờ Sillicon Valley Insider, khi Facebook mới chỉ được vài tuần tuổi, cậu thanh niên Mark đã từng nói, trong tay cậu có hơn 4.000 email, hình ảnh của sinh viên Havard, và, cậu chẳng biết tại sao mọi người lại sẵn sàng tự giao nộp chừng ấy thông tin cho cậu. “Chúng nó tin tao. Lũ đần độn”.

“Lũ đần độn” tín đồ của Mark đã chiếm tới 1/3 dân số thế giới, nhiều hơn bất cứ một tôn giáo nào. Chỉ cần 1/10 của số tín đồ đó sử dụng GlobalCoin cũng đã là thắng lợi. Và nói như Nathaniel Whittemore, một chuyên gia về tiền tệ mã hóa: “Đơn giản là có quá nhiều lợi ích ở đó đến mức Facebook không thể nào không thử nghiệm”.

Hiền Trang
.
.