Tại sao thế giới của chúng ta không phải thế giới “như chính nó”?

Thứ Ba, 14/04/2020, 12:07
Con người là gì? Câu hỏi lớn quá và khó quá phải không? Vậy thì hãy chấp nhận một câu trả lời mang tính muôn thuở vậy: Con người là một động vật xã hội. Một cách trả lời như thế khiến bạn nghĩ đến điều gì?


Hẳn là có vô số điều để nghĩ nhưng trong đó có lẽ chúng ta dễ nghĩ đến một ẩn dụ - một so sánh ngầm: Động vật xã hội đương nhiên thông minh hơn động vật phi xã hội. Con voi là một động vật phi xã hội. Voi giống người ở chỗ, cả hai đều phải ăn uống. Nhưng người có cả một nghi thức ăn, một văn hóa uống, voi thì không.

Voi giống người ở chỗ cả hai đều thực hiện những quan hệ tính giao với đồng loại khác giới của mình nhưng với voi, đấy chỉ là hoạt động để sinh sôi thuần túy, còn với người, đấy là nghệ thuật. Người thông minh hơn voi? Chắc là thế! Người thông minh hơn hổ? Chắc vậy.

Nhưng thông minh hơn có đồng nghĩa với việc có thể hiểu tất tần tật cái không gian to lớn bao gồm cả voi lẫn người: vũ trụ? Nói cách khác, con người có thể biết hết về vũ trụ? Khát vọng “biết hết” của động vật xã hội ghê gớm lắm. Nó không ngừng được thắp lên, được đốt cháy, được nung bỏng, được phát xạ cùng với sự phát triển của các nền văn minh.

Thời Khai sáng  thế kỷ 17 ở châu Âu chẳng hạn, khi hàng loạt tín điều cũ kỹ nhuộm màu tôn giáo bị xô đổ, khi khoa học phát triển đến mức đã đập tan quyền lực của các vị thần thì cái khát vọng “biết hết” trỗi dậy không ngừng. Khai sáng là gì? Hiểu một cách thô thiển nhất (nhưng có lẽ đúng nhất?) đó là khai mở ánh sáng.

Khi khoa học có quyền năng tới mức có thể khai mở ánh sáng (trước đó quyền năng này thuộc về thần mặt trời, thần ánh sáng...) thì cũng có nghĩa con người tự tin về việc mình có thể biết được mọi thứ. Hãy trở lại với câu chuyện điển hình của Franklin ở thế kỷ 18 - người mà bây giờ chúng ta vẫn bắt gặp khi nhìn vào tờ 100 USD Mỹ.

Ở cái thời mà ai cũng bảo sấm sét là quyền năng của các vị thần thì sau những thí nghiệm lý tính của mình, Franklin kết luận: chẳng có thần thánh nào cả! Sét là hiện tượng phóng điện. Franklin còn sáng chế ra cái thứ mà bây giờ chúng ta gọi là “cột thu lôi” để chống sét. À, như vậy có nghĩa quyền lực của thần thánh đã bị hạ bệ và quyền lực của khoa học đã lên ngôi.

Con người hiểu về sét, hiểu về trời, hiểu về biển, hiểu về tất cả quy luật trong thế giới tự nhiên lẫn thế giới con người. Chưa bao giờ con người có thể hiểu biết nhiều như thế. Chưa bao giờ quyền năng của thần thánh bị tước đoạt một cách tội nghiệp đến như thế. Có một câu chuyện nực cười là cho tới đầu thế kỷ 17 ở châu Âu, Giáo hội Công giáo vẫn dạy: Trái đất là trung tâm của vũ trụ, cho dù từ giữa thế kỷ 16, nhà thiên văn học người Ba Lan Copernicus đã gợi ý và sau đó đến lượt nhà thiên văn học người Italia, Galileo chứng minh điều ngược lại. 

Khi Giáo hội vẫn không ngừng giảng giải về sự màu nhiệm của Thánh kinh và phép chúa thì rất nhiều tín đồ khi bắt gặp ánh sáng duy lý đã lật ngược vấn đề: Liệu có thật là chúa đã phục sinh? Thế mới có chuyện đến đầu thế kỷ 17, Giáo hội Công giáo càng lúc càng mất đi các tín đồ. Và đến khoảng cuối thế kỷ 18 thì nó đứng trước nguy cơ mất sạch giáo dân. Người ta không thể tin vào Giáo hội khi ai cũng thấy cái điều mà Giáo hội dạy dỗ hoàn toàn phi khoa học. Cuộc đụng chạm này rồi sẽ dẫn Giáo hội đến đâu? Rồi sẽ dẫn tôn giáo đến đâu? Cái sức mạnh thần quyền từng làm mưa làm gió trên toàn cõi La Mã mênh mông rồi sẽ đối mặt với cái kết thảm hại nào?

Chỉ có một trong hai lựa chọn: Một là cứ bảo thủ như vậy và teo dần cùng năm tháng. Hai là buộc phải thay đổi để không “quê độ” trước sức mạnh lộng lẫy của chân trời duy lý. Thật may cho Giáo hội là sau rất nhiều tranh cãi, rốt cuộc cũng đã có một “người cứu rỗi”. Ông tên là Friedrich Schleiermacher - một nhà thần học người Đức.

Năm 1799, ông ta viết Tôn giáo luận: Gửi những trí giả miệt thị tôn giáo, trong đó chia đời sống con người làm 3 địa hạt: Tìm cảm, nhận thức và hành động. Theo Friedrich Schleiermacher, mỗi địa hạt này lại là nội hàm của một phạm trù lớn hơn. Nhận thức thuộc về khoa học, hành động thuộc về đạo đức và tình cảm thuộc về tôn giáo.

Có nghĩa là khác với những tư tưởng Công giáo bảo thủ trước đây, Friedrich Schleiermacher chấp nhận “chia quyền” nhận thức và đạo đức cho người khác - cái thứ mà trước đó tôn giáo cứ khư khư nhận vào mình. Bây giờ tôn giáo đơn thuần chỉ là tình cảm, chỉ là đức tin. Chỉ có như thế tôn giáo mới không đối chọi với khoa học và lụi tàn vì khoa học.

Một cách hiểu, một cách phân chia, một cách xác tín mà bây giờ chúng ta tưởng là “bình thường như trái đất” (vì bây giờ ai cũng thấy nó quả nhiên như vậy) nhưng ở thời điểm ấy lại chính là chìa khóa giúp tôn giáo mà cụ thể là Giáo hội không mất sạch giáo dân.

Nói sơ sơ như vậy để thấy rằng khoa học và trí khôn con người có quyền năng ghê gớm như thế nào. Nó đã từng chọc thủng ngay cả những thành trì tôn giáo mà ai cũng nghĩ là không thể nào diệt vong. Chính vì thế mà đến đầu thế kỷ 20, từ toán học đến ngôn ngữ học, từ tự nhiên học đến xã hội học, đâu đâu cũng xuất hiện những tham vọng tìm ra những siêu tiên đề, siêu định lý, siêu công thức, siêu quy luật để có thể biết được tất cả các quy luật xã hội và vũ trụ. Từ đó, hiểu được chính xác vũ trụ.

“Chúng ta phải biết, chúng ta sẽ biết” - đấy là tuyên bố chắc nịch của nhà toán học lỗi lạc David Hilbert tại một hội nghị khoa học quốc tế năm 1930. Theo tinh thần đó, ông kêu gọi các nhà toán học phải xây dựng được một lâu đài toán học với tính logic tối cao, từ đó có thể xác quyết mọi sự đúng/sai của mọi mệnh đề toán học.

Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa triết học từ cái lâu đài toán học mơ mộng này: Khoa học có thể biết được mọi thứ, chủ nghĩa duy lý có thể biết được mọi thứ, không trừ một cái gì. Ở lĩnh vực ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu Witgenstein thậm chí còn mang tham vọng tạo ra một thứ ngôn ngữ phản ánh chính xác những vận động của thực tại khách quan.

Ngôn ngữ trong hình dung đó chính là sự phản chiếu không có sai số của thực tế. Một thứ ngôn ngữ chính xác - khách quan - với hàng loạt cấu trúc logic chặt chẽ theo cách đó đã tạo cảm hứng cho hàng loạt nhà nghiên cứu đầu thế kỷ 20, điển hình là “Hội Ernst Mach” gồm nhiều lý thuyết gia khoa học và triết gia ở Vienna (Áo). Nhưng, kết quả là gì?

Sau khoảng 5 năm nghiên cứu, nhóm các nhà nghiên cứu này nhận ra thất bại trong việc sản sinh ra một thứ ngôn ngữ độc đoán, có một không hai đó. Đến cuối đời, chính Wigenstein cũng lờ mờ nhận ra thất bại của những tham vọng mang nhiều màu sắc cuồng vọng thời tuổi trẻ của mình. Còn trong lĩnh vực toán học với câu chuyện “Chúng ta phải biết, chúng ta sẽ biết” của David Hilbert, chẳng phải đến bây giờ - khi một lâu đài toán học siêu logic mà ông đặt ra vẫn là một ảo ảnh, ngay từ năm 1930, khi nhà toán học trẻ tuổi Kurt Godel công bố “Định lý bất toàn” thì nhiều người trong giới khoa học đã hiểu rằng tham vọng của David Hibert không bao giờ thành hiện thực.

Định lý bất toàn không chỉ đúng trong lĩnh vực toán học mà còn có ý nghĩa quan trọng trong nhận thức luận của đời sống. Theo tinh thần “bất toàn” đó thì một lý thuyết về mọi thứ, có thể hiểu đúng mọi thứ, có thể giải mã mọi thứ, bất luận trong lĩnh vực toán học, vật lý học hay triết học là không bao giờ có. Hiểu rộng ra: Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết về vũ trụ, cho dù chúng ta quả đúng là những siêu động vật trong vũ trụ.

Richard David Precht - triết gia điển trai đương đại nói một cách dễ hiểu hơn trong một cuốn sách của mình: “Để có một cách nhìn thế giới hoàn toàn khách quan, con người cần có một bộ máy giác quan siêu nhân khả dĩ khai thác tối đa toàn bộ mọi tiếp nhận giác quan có thể có: đôi mắt siêu việt của đại bàng, khứu giác đánh hơi xa hàng cây số của gấu, hệ thống cảm nhận bên lườn của cá, năng lực nhận biết địa chất của rắn...

Thế nhưng, con người không có các năng lực đó cho nên không thể có cái nhìn khách quan và toàn diện về sự vật. Thế giới của chúng ta không bao giờ là thế giới “như chính nó” và thế giới của chó, mèo, chim chóc, hay côn trùng cũng vậy thôi. Trong bể cá, cá bố giải thích cho cá con: “Con ơi, thế giới là một cái thùng to đầy nước!”.

Đến đây, ắt bạn đã hiểu tại sao chúng ta không thể hiểu hết về vũ trụ này!
Phan Mỹ Chí
.
.