Tại sao phải kiến tạo một “quầng sáng vô hình”?

Thứ Tư, 14/08/2019, 11:40
Một bậc thầy hoa đạo đi xem triển lãm tranh, đột nhiên dừng lại trước một bức tranh vẽ nhánh hoa huệ rồi hỏi tác giả: "Có phải ông đã vẽ phỏng theo một nhánh hoa mà người ta đã cắt cho ông không?". Câu trả lời: "Đúng vậy! Nhưng tại sao thầy lại biết?".


Bạn đọc của tôi, bạn hãy thử dừng lại ở đây và thử trả lời câu hỏi ấy xem! Và bạn hãy thử nhớ lại cái lần gần nhất bạn đứng ngắm một bức tranh, rồi tự trả lời xem bạn cảm nhận như thế nào về những thứ hiện diện ở trong bức tranh ấy.

Có bao giờ bạn cũng rơi vào đúng thắc mắc như bậc thầy hoa đạo kia không, rằng người họa sĩ đã vẽ những thứ trong tranh từ một "khuôn mẫu chết" chứ không phải một "khuôn mẫu sống", đặt trong mối quan hệ với những thực thể sống khác, trong một tổng thể luận của đại tự nhiên?

Nếu đã từng đặt ra một thắc mắc như vậy, hẳn bạn sẽ đồng cảm với câu trả lời của bậc thầy hoa đạo với tác giả của bức tranh hoa huệ: "Có một cái gì đó thiếu vắng ở cành hoa trong bức tranh của ông khiến tôi thấy rằng đây là một cành hoa chết chứ không phải một cành hoa sống. Cái thiếu vắng đó là quầng sáng vô hình của sự sống, tuy tôi không giải thích được nhưng tôi cảm thấy rõ ràng...".

Cả phương Đông lẫn phương Tây đều ít nhiều tin vào một trường năng lượng tồn tại xung quanh vạn vật, đặc biệt là con người. Ảnh: L.G.

Xin được nói thêm, đây là một câu chuyện rất nổi tiếng trong nghệ thuật hoa đạo của người phương Đông xưa, một câu chuyện khiến chúng ta thắc mắc: phải chăng xung quanh vạn vật, dẫu là một bông hoa, một ngọn cỏ hay một con người, luôn có một trường năng lượng nhất định - cái trường năng lượng mà có thể chúng ta không nhìn thấy bằng mắt nhưng lại có thể cảm nhận và thấu tỏ bằng những rung động bên trong tâm hồn mình?

Rất nhiều nhà khoa học phương Tây cũng đã khắc khoải với câu hỏi này, một trong số đó là tiến sĩ hóa sinh John Norman Hansen của Đại học Maryland (Mỹ). 

Trong thí nghiệm của mình, ông đã treo một con lắc xoắn (dụng cụ rất dễ chuyển động chỉ bởi một lực tác động vi mô) lên đầu một đối tượng thí nghiệm. Ông cũng đảm bảo chắc chắn là phòng thí nghiệm không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một điều kiện ngoại lai nào, đặc biệt là gió và các luồng khí.

Hansen nhận ra con lắc xoắn có chuyển động và đi tới kết luận: "Sự chuyển động được gây ra bởi trường lực của người ngồi phía dưới con lắc".

"Dùng chuyển động của con lắc xoắn để phát hiện trường năng lượng sinh học tiềm năng của con người" - đấy là tên một công trình nghiên cứu của ông vào năm 2013, được đăng trên Tạp chí Khám phá khoa học nổi tiếng ở Mỹ.

Như vậy là ở những thời điểm khác nhau và bằng những cách khác nhau, cả phương Đông lẫn phương Tây đều ít nhiều tin vào một trường năng lượng tồn tại xung quanh vạn vật, đặc biệt là con người. 

Vấn đề đặt ra: trường năng lượng ấy không chỉ có sức mạnh đẩy được một con lắc xoắn trong phòng thí nghiệm mà còn có những đặc điểm, tính chất như thế nào? Thứ trường năng vô hình (nhưng có sức ảnh hưởng ấy) tốt hay xấu?

Cho đến lúc này, chưa có những nghiên cứu đủ tin cậy giúp chúng ta có thể minh xác một cách chắc chắn những băn khoăn này. Tuy nhiên, bằng những trải nghiệm của mình trong đời sống, có lẽ chúng ta cũng ít nhiều tìm được câu trả lời. 

Đứng trước một người nóng tính, hay nổi giận, trạng thái cảm xúc của chúng ta cũng sẽ có những sai số nhất định so với việc đứng trước một người lạnh lùng, ít nói.

Cũng như vậy, đứng trước một người bốc đồng, cảm tính, trạng thái cảm xúc của chúng ta cũng sẽ có những sai khác so với việc đứng trước một người trầm lặng và bình yên. 

Lại có những khi chúng ta rất tự tin khi đứng trước người A nhưng lại "mất điện toàn tập" khi đứng trước người B. Đấy là vì trường năng lượng của người A và người B khác nhau, sự đụng chạm giữa trường năng lượng của người A và người B vào trường năng lượng của ta vì thế cũng khác nhau. 

Muốn chơi với người này và ngại chơi với người khác, điều đó không chỉ được hoạch định bởi tính cách và thói quen của chúng ta mà một cách vô tình, còn được hoạch định bởi trường năng lượng của ta, đặt trong sự đối chiếu với trường năng lượng của một người khác ta.

Và như thế, không tồn tại một tính chất bất biến với tất cả các trường năng lượng xung quanh mỗi người. Tùy thuộc vào đặc điểm sinh học và đặc điểm tinh thần mà mỗi người có một kiểu trường năng lượng khác nhau, với những mức độ tốt - xấu khác nhau. 

Chính vì vậy, quy hoạch trường năng lượng của mình và quy hoạch những trường năng lượng mà mình buộc/phải/muốn tiếp xúc là điều cần được thực hiện.

Khi tôi ngồi trước máy tính để gõ phím, viết bài báo này, trường năng lượng của tôi chắc chắc đụng chạm với trường năng lượng của máy tính. 

Kinh nghiệm cá nhân của tôi mách bảo rằng sự đụng chạm ấy kéo dài quá 1 giờ, tôi cảm thấy cơ thể mình mệt mỏi, tinh thần và các ý tưởng của mình chùng xuống. Thành thử, cho dù chưa viết xong bài báo thì cứ đến "mức giới hạn 1 giờ" là tôi đóng máy tính lại, lúc sau viết tiếp.

Thế rồi, nhờ công cụ máy tính hoặc điện thoại, tôi vào Facebook và gián tiếp đụng chạm với trường năng lượng của người khác qua Facebook. 

Sự đụng chạm gián tiếp ấy cũng tạo cho tôi những màu sắc cảm xúc rất khác nhau. Tôi thường xuyên vào đọc Facebook của một nhà văn vì tôi cảm thấy rất phù hợp với trạng thái bình tĩnh của ông trước mọi vấn đề nảy sinh trong xã hội.

Dường như bây giờ môi trường Facebook là nơi khiến người ta dễ chửi bới, thóa mạ, đả kích nhau hơn bất cứ nơi nào. Ảnh: L.G.

Ngay cả khi viết về một vấn đề "nóng" nhất và "gai" nhất của xã hội - những vấn đề có thể khiến người khác bức xúc mà "tức điên lên" - thì nhà văn này vẫn giữ được một sự ôn tồn đáng ngưỡng mộ.

Còn khi viết về những vấn đề liên quan đến những vực sâu tâm hồn của con người, ông luôn đưa ra những kiến giải đậm chất nhân văn. Cái trường năng lượng ôn tồn, nhân văn tỏa ra từ Facebook của ông luôn tạo cho tôi cảm giác ấm áp. 

Và sự thật, có những lúc trong lòng nổi giận, chưa cần vào Facebook của ông, chỉ cần tưởng tượng lại những điều mình đã đọc trên đó là tôi lại thấy cơn giận nguôi ngoai.

Ngược lại, tôi đã bỏ chế độ theo dõi với một chị bạn vốn có quan hệ khá thân thiết ngoài đời. Vì cứ mỗi lần lướt Facebook của chị là một lần tôi lại thấy chị "lên cơn". Chị hết đả kích người lại đến đả kích đời. Facebook của chị tràn ngập một tinh thần đả kích xã hội mà nếu đắm chìm vào đó chắc chắn chúng ta sẽ có cảm giác xã hội toàn màu đen.

Chị viết những dòng đả kích với trạng thái say mê, hưng phấn, đến nỗi nhiều lúc tôi có cảm giác đả kích những thứ ngoài mình là một khoái cảm sinh tồn của chị. 

Công bằng mà nói, có những đả kích của chị chính xác nhưng khi nó bị lạm dụng đến mức quá tải và quá tả thì nguồn năng lượng toát ra từ chữ nghĩa của chị dường như không còn là một nguồn năng lượng an lành nữa.

Hôm rồi ngồi nói chuyện với một người bạn, được nghe phàn nàn tương tự: "Chỉ vừa mở Facebook của mình ra, tôi đã thấy hàng loạt lời chửi bới. Dường như bây giờ môi trường Facebook là nơi khiến người ta dễ chửi bới, thóa mạ, đả kích nhau hơn bất cứ nơi nào. Ngập vào môi trường ấy, nhiều lúc thấy đáng sợ".

Và người bạn này cũng làm một việc giống tôi, đó là chủ động quy hoạch "năng lượng Facebook" của mình bằng cách bỏ theo dõi Facebook của một số người bạn thuộc vào diện... cứ đặt tay lên bàn phím là chửi hả hê.

Nếu thức ăn tạo nên nguồn năng lượng sinh hóa nuôi sống một cơ thể thì có thể coi ngôn ngữ/tinh thần/tư tưởng là những thứ tạo nên thứ trường năng lượng vô hình nhưng mạnh mẽ bao quanh con người. Thứ trường năng lượng ấy sáng hay tối, đậm hay nhạt, tốt hay xấu do cách mỗi con người kiến tạo và quy hoạch cho mình.

Có thể đấy là một sự kiến tạo có ý thức, cũng có thể là một sự "kiến tạo" vô ý thức nhưng có điều chắc chắn là thứ trường năng lượng ấy sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh (thông qua cả con đường trực tiếp lẫn gián tiếp) và đến một lúc nào đó cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại vào trong cơ thể mình (bằng cả những biểu hiện vật lý lẫn những biểu hiện phi vật lý).

Nếu như bậc thầy hoa đạo xưa nhìn vào bông hoa huệ trong bức tranh mà nhận ra sự thiếu vắng của một "quầng sáng vô hình" thì trong đời sống ngồn ngộn, bộn bề và đầy áp lực hôm nay, đôi khi chúng ta cũng nên nhìn vào chính mình và tự hỏi: quầng sáng vô hình của mình ở đâu?

Phan Mỹ Chí
.
.