Tại sao phải học cách ứng xử với... cái đột ngột?

Thứ Ba, 19/01/2021, 13:44
“Mùa đông năm nay lạnh đột ngột”, một người bạn tôi buông lời. Bạn nói đúng. Chỉ bắt đầu chớm đông là Hà Nội lạnh ngay. Lạnh sâu. Lạnh đậm. Lạnh thấu người. Lên mạng gõ cụm từ “mùa đông đột ngột”, bỗng giật mình, bởi bên cạnh hàng loạt tin tức về “mùa đông đột ngột” là những dòng cảnh báo: “Đột quỵ”.

Vì cái lạnh đột ngột quá nên con người không có thời gian chuẩn bị, làm quen. Vì không có thời gian chuẩn bị, làm quen nên những người thể trạng yếu hoặc có bệnh lý nền mà chủ quan, không ứng biến kịp sẽ đối diện với nguy cơ đột quỵ.

Như vậy, mấu chốt vấn đề không phải là mùa đông bao giờ thì lạnh, lạnh tới cỡ nào, mà là năng lực ứng biến của con người ra sao. Ứng biến trước thời tiết, ứng biến trước khí hậu, ứng biến trước những thăng - giáng của xã hội, ứng biến trước những thay đổi bên trong mình, đấy là một năng lực tất phải có của con người.

Vậy con người có phải là giống loài giỏi ứng biến không? Nếu câu trả lời là không thì từ những Homo Sapiens (con người tinh khôn) xuất hiện lố nhố ở một góc châu Phi, giống loài này đã không thể lan ra toàn thế giới. Nếu câu trả lời không, con người đã không thể gia tăng tuổi thọ qua từng giai đoạn. Nếu câu trả lời là không, con người đã không thể “vặn” thiên nhiên theo ý mình, để rồi có lúc lầm tưởng rằng mình có năng lực làm chủ cả thiên nhiên. Chắc chắn đây là một giống loài có năng lực ứng biến - thích nghi - phát triển tốt nhất trên quả địa cầu này.

Câu hỏi tiếp theo: Tốc độ của sự ứng biến đã thay đổi như thế nào?

Người săn bắt hái lượm chắc chắn phải có năng lực ứng biến cao hơn người du canh du cư. Người du canh du cư chắc chắn phải có năng lực ứng biến cao hơn người định canh định cư. Từ săn bắt hái lượm đến du canh du cư rồi định canh định cư là một hành trình mà sự sống của con người ổn định hơn. Hướng đến một đời sống ổn định hơn cũng có nghĩa là để tổ chức một đời sống ít ứng biến hơn. Đấy là một quy luật tất yếu của phát triển vì chỉ có ổn định mới có phát triển. 

Sự phát triển đến một giai đoạn nào đó sẽ tạo ra văn hóa, sẽ tạo ra văn minh, tức là sẽ tạo ra những cơ sở để con người tự tin vào sự tồn tại, mà không, nói chính xác là “sự sống” của mình. Sống, chứ không tồn tại, sống một cách ổn định, khôn ngoan, sống có tổ chức, sống có niềm tin - đấy là thứ đặc quyền chỉ con người mới có.

Đã có dự báo chính xác nào về sự xuất hiện của con virus mang tên “Corona”? Ảnh: L.G

Chỉ con người mới có cái năng lực nhìn lại quá khứ để đúc rút những bài học sống còn và từ những bài học đó, đưa ra những dự báo cho tương lai. Dựa trên những kinh nghiệm của quá khứ để dự báo tương lai, đó là một phương pháp từng tồn tại dài dằng dặc trong thế giới người Trung cổ. Sau hàng loạt những va đập, phương pháp này không còn chính xác thì con người lại đủ phát triển để tạo ra những ngành khoa học của hiện tại và căn cứ vào “khoa học hiện tại” để dự báo tương lai. 

Dự báo thời tiết là căn cứ vào khoa học quan trắc. Dự báo về sự thăng hoa hay sụp đổ của một đất nước là căn cứ vào khoa học chính trị. Dự báo hạnh phúc của một cặp vợ chồng là căn cứ vào nhân chủng học, tâm lý học cùng những nghiên cứu thực tế của nhiều cặp vợ chồng khác. Con người tin rằng càng có nhiều lý thuyết thì năng lực dự báo của mình càng chính xác. Rồi con người tin rằng, càng có nhiều dữ liệu thì năng lực dự báo càng cao. Thời đại của dữ liệu lớn mà. Ngay cả khi một nhóm người nào đó không tin vào các lý thuyết hay dữ liệu thì có thể lại đặt niềm tin vào một bà Vanga mù, một nhà tiên tri lỗi lạc hay một thầy đồng dân gian hiện diện rải rác ở những góc khác nhau trên quả đất này.

Có quá nhiều công cụ để con người dự báo và đặt niềm tin vào các dự báo. Nhưng, đã có dự báo chính xác nào về sự xuất hiện của con virus mang tên “Corona”? Một con virus bé nhỏ vô cùng - bé nhỏ tới mức không nhìn thấy, vậy mà đã quét tới nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, từ Trung Quốc qua Mỹ, biến đất nước phát triển hiện đại nhất thế giới trở thành ổ dịch hàng đầu thế giới? 

Đây đó vẫn tồn tại những thuyết âm mưu, những gán ghép cảm tính, những suy luận mơ hồ về nguồn gốc của con virus quái quỷ này nhưng dựa trên tất cả những công cụ dự báo lý tính, công khai, buộc phải nói rằng giấy khai sinh và hồ sơ tung hoành của con virus này nằm ngoài mọi dự báo của chúng ta. Tốc độ tiến hóa của nó có vẻ cũng nằm ngoài dự báo của chúng ta. Do vậy, chúng ta bất ngờ với việc biến thể mới của nó có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 70-80% so với trước.

Ảnh: L.G

Tóm lại, nó đã xuất hiện trong đời sống của chúng ta như một biến cố không được/hoặc không thể dự báo. Và nó đặt ra những câu hỏi: thế kỷ 21, 22 rồi 23, sẽ còn bao nhiêu biến cố, bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu xu thế không thể dự báo tiếp theo?

Quá khứ đương nhiên không còn là điểm tựa kiên cố để con người dự báo như thời Trung cổ. Khoa học hiện tại đương nhiên là không đủ để con người dự báo như những ngày tháng huy hoàng ở thế kỷ 20. Do vậy, viễn cảnh loài người phải đối diện và chung sống với những điều đột ngột - những điều không thể dự báo là có thật. Lúc ấy năng lực ứng xử với cái đột ngột là điều có ý nghĩa sống còn. Hãy nhớ lại xem, vì không kịp hiểu, không kịp giải mã, không kịp ứng xử với sự xuất hiện đột ngột của virus Corona mà điều gì đã xảy ra ở cả Trung Quốc lẫn Mỹ, những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới hiện nay?

Ở Vũ Hán, Trung Quốc, từ tháng 12-2019 một nhóm 8 người, trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng đã âm thầm cảnh báo về sự xuất hiện của con virus lạ, có khả năng lây từ người sang người. Thế nhưng, chính quyền Vũ Hán lúc đó không tin vào sự cảnh báo của bác sĩ Lý Văn Lượng, thậm chí còn ép bác sĩ Lượng phải thừa nhận đã lan truyền tin tức sai sự thật trên mạng, làm rối loạn xã hội. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau, vị bác sĩ đầu tiên cảnh báo về virus Corona đã bị nhiễm và chết bởi chính con virus này. Còn ở nước Mỹ, thoạt tiên Tổng thống Donald Trump còn cho rằng đây là con virus không đáng sợ, rằng nó cũng giống như cảm cúm bình thường và rằng nó không thể tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới đất nước ông. 

Đến khi nước Mỹ bất ngờ trở thành ổ dịch số 1 thế giới với hàng triệu người nhiễm và hàng trăm nghìn người chết thì có vẻ ông đã trở tay không kịp. Rất nhiều người tin rằng, nếu con virus này không tràn vào nước Mỹ, không làm hại người Mỹ thì hàng loạt những chính sách ấn tượng giúp cải thiện việc làm, phát triển nền kinh tế quốc nội của ông Donald Trump sẽ giúp ông dễ dàng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới. Đằng này, ông đã để mất ván cờ về phe Dân chủ và một trong những mũi nhọn mà phe Dân chủ xoáy vào tấn công ông cũng chính là những chính sách chống COVID bị cho là thiếu hiệu quả của ông.

Đây có lẽ là một ví dụ điển hình cho thấy không kịp ứng xử hợp lý với cái đột ngột - cái chưa biết sẽ khiến một cá nhân hoặc một cộng đồng đối diện với những hậu quả ghê gớm như thế nào.

Bạn có thể dự đoán gì về những thập niên tiếp theo của thế kỷ 21, ít nhất là như vậy? Sau một Corona virus không biết trước sẽ còn những câu chuyện không biết trước ở những lĩnh vực không biết trước nào đổ xuống nhân loại này? Khi những công cụ dự báo ngày càng tỏ ra bất lực trước cái khôn lường của cả tự nhiên lẫn con người thì việc chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị năng lực, chuẩn bị phương pháp để đối diện với cái đột ngột là điều bắt buộc phải tính đến.

Người săn bắt hái lượm luôn phải lường trước những cái đột ngột có thể ập đến mình. Chúng ta và con cháu chúng ta cũng phải lường trước những cái đột ngột như vậy. Nhưng, điều đó không có nghĩa là lịch sử hồi quy. Cái đột ngột của thế kỷ 21, 22, 23 đặt trong mối tương tác với năng lực con người ở thế kỷ 21, 22, 23 ở một hệ quy chiếu khác hẳn so với những đối tượng đồng dạng (nhưng khác xa về tính chất) ở thời săn bắt hái lượm.

Nếu bị một con thú dữ tấn công, một người hoặc một nhóm người săn bắt hái lượm có thể sẽ chết, còn ở một góc rừng khác, một người hoặc một nhóm người vẫn sống cuộc sống của mình. Nhưng, một thế giới liên đới chằng chịt với sự tồn tại cùng lúc của nhiều hệ sinh thái như hiện nay, đối diện với cái đột ngột, cái không thể biết trước thì câu hỏi “đoàn kết hay cùng chết?” không bao giờ thừa. 

Phan Mỹ Chí
.
.