Sự cố đảo Three Mile: Hồi chuông bị lãng quên

Chủ Nhật, 15/03/2020, 07:56
Những gì xảy ra tại lò phản ứng số 2 nhà máy điện hạt nhân trên đảo Three Mile (gần thủ phủ Harrisburg của bang Pennsylvania, Mỹ) vẫn được giới chuyên môn đánh giá là sự cố nhà máy nguyên tử thương mại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Không còn nhiều người nhớ đến địa danh ấy, cũng không còn nhiều người biết đến sự việc ấy nữa. Song, những gì xảy ra tại lò phản ứng số 2 nhà máy điện hạt nhân trên đảo Three Mile (gần thủ phủ Harrisburg của bang Pennsylvania, Mỹ) vẫn được giới chuyên môn đánh giá là sự cố nhà máy nguyên tử thương mại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một bài học đắt giá, nhưng không phải bởi những tổn thương diện rộng về người về môi trường.

Quá ít kiến thức, quá thiếu kỹ năng, quá nhiều sợ hãi

Khoảng 4h sáng ngày 28/3/1979, hệ thống làm nguội của lò phản ứng số 2 nhà máy điện hạt nhân đảo Three Mile trục trặc. Những máy bơm chính cung cấp nước ngừng chạy, điều này khiến các máy sản xuất hơi nước không thể giải nhiệt. Nhiệt độ tăng vọt. Các tua-bin hơi nước ngừng quay, rồi cả lò phản ứng ngưng hoạt động.

Tới lúc đó, những gì nguy hiểm nhất mới bắt đầu được kích hoạt. Áp suất không khí trở nên bất thường tại những buồng máy có liên quan đến hạt nhân. Van xả tự động mở ra nhằm làm giảm nhẹ áp suất, nhưng không đóng lại được. Hệ quả: Nước có chứa bức xạ bị phun trào khỏi phần làm nguội của lò phản ứng. Hơn một nửa trong số 26 nghìn thanh nhiên liệu bị hỏng, do lõi lò bắt đầu tan chảy. Kịch bản khủng khiếp đe dọa sự an toàn của cả địa phương đã hiện rõ.

Đến bây giờ, người Mỹ vẫn kỷ niệm Three Mile, để phản đối điện hạt nhân.

Sự việc diễn ra rất gấp gáp, song các nhân viên nhà máy chỉ có thể hành động một cách dò dẫm. Theo nhận xét của Alan Axelrod - tác giả cuốn Những quyết định sai lầm trong lịch sử (Profiles in Folly), họ không được huấn luyện kỹ càng, không được giao trách nhiệm cụ thể, còn nhà máy thì để họ hoạt động mà cung cấp cho họ quá ít thông tin cũng như phương tiện kiểm soát.

Tận 7h sáng, tức là 3 tiếng sau, các giám sát viên mới tuyên bố "tình trạng khẩn cấp cục bộ". Hai mươi tư phút sau nữa, nó được chuyển thành "tình trạng khẩn cấp toàn diện". Thế mà, đến tận 8h25, mới có thông báo đầu tiên về "một sự cố ở nhà máy điện", qua đài phát thanh WKBO của thành phố Harrisburg. 9 giờ, tin báo về "tình trạng khẩn cấp toàn diện" mới được công khai.  Và lập tức, đáp lại nó là cả một sự hoảng loạn.

Chính quyền bang Pennsylvania khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, đóng kín các cửa. Song, hàng trăm nghìn người xem đó là tín hiệu kêu gọi di tản, nên họ kéo nhau rời khỏi Harrisburg và vùng phụ cận. Tâm lý này của họ nảy sinh từ sự thay đổi quá đột ngột về cấp độ báo động trong các bản tin, điều lẽ ra có thể tránh được nếu guồng máy tin tức vận hành hiệu quả hơn.

Tối đó, 28/3, cả nước Mỹ chú mục vào "bước đầu tiên của cơn ác mộng hạt nhân" - như cách sử dụng ngôn từ của kênh CBS. Liền 5 ngày kế tiếp, tất cả chờ đợi một sự tan chảy quy mô lớn. Những nỗi sợ hãi, những cơn ám ảnh đã từng theo các tác phẩm văn học hay điện ảnh lướt qua tiềm thức, giờ kéo nhau trở về ngự trị trong tâm trí người dân Pennsylvania. Người ta sợ lò phản ứng sẽ bốc cháy, sẽ nổ tung, sẽ khuếch tán thêm một lượng lớn phóng xạ nữa, để Pennsylvania trở thành "vùng đất chết". 

Quả thật, một phần khí hydro tích tụ trong lò phản ứng đã bốc cháy, khoảng 9 tiếng đồng hồ sau sự cố ban đầu. Thế nhưng, những tiếng nổ vang lên quá nhỏ, và đám cháy cũng chẳng lớn. 16 tiếng sau nữa, các máy bơm cấp nước mới được khởi động lại để bắt đầu làm nguội lõi lò phản ứng - sự ứng phó quá mức muộn màng. Qua hết bốn ngày hãi hùng sau, tình trạng khẩn cấp mới được tuyên bố là đã chấm dứt.

Three Mile không biến Pennsylvania thành vùng đất chết.

Lẽ ra…

Từ đầu đến cuối, thực sự, sự cố đảo Three Mile không gây nên quá nhiều tổn thất và hệ lụy. Nửa lõi lò đã tan chảy, nhưng vỏ lò phản ứng (may mắn) được thiết kế đủ chắc chắn để giữ lại những thanh nhiên liệu đã hỏng (song vẫn còn khả năng phóng xạ), tránh cho Pennsylvania nguy cơ rỏ rỉ phóng xạ trên diện rộng.

Tuy nhiên, chẳng ai phủ nhận được là tai nạn này hoàn toàn đã có thể tồi tệ hơn thế gấp bội. Và ngược lại, ở một hướng suy nghĩ khác, đáng lẽ nó cũng đã có thể dễ dàng được ngăn chặn từ đầu, khi những máy bơm cấp nước mới ngừng chạy.

Đầu tiên chỉ là máy bơm hỏng, và kế đó là van xả hỏng. Nếu có một vài chiếc đồng hồ đo mực nước trong bồn chứa lò phản ứng, những người thợ có lẽ cũng sẽ không mất phương hướng đến như vậy. Nhưng thực tế là không có chiếc đồng hồ nào hết.

Điểm mấu chốt của câu chuyện là đây: Trên bản vẽ, các nhà thiết kế đã muốn cung cấp cho những người thợ còn nhiều thông tin quý báu hơn là chỉ vài chiếc đồng hồ đo mực nước. Họ còn muốn lắp cả đèn báo thông báo tình hình của van xả. Có điều, đề xuất này bị gạt, vì cho là… quá tốn kém.

Vậy nên, sáng 28/3/1979, những người thợ chỉ có thể phát tín hiệu cảnh báo, rồi giả định (hay nói đúng hơn là đoán mò, hoặc tự trấn an, căn cứ trên thiết bị điều chỉnh áp suất) rằng mực nước trong lò phản ứng đã trở lại bình thường. Để rồi, lò phản ứng bị rút hết nước làm nguội, nguy cơ tan chảy thành lò trở nên rõ ràng, và "cơn ác mộng hạt nhân" hành hạ không chỉ cư dân vùng Pennsylvania.

Nhưng bởi vì không được thông tin đầy đủ và kịp thời, người dân vẫn dễ dàng hoảng loạn.

Bên cạnh đó, 42 giờ trước vụ tai nạn, các van cấp nước của hệ thống dự phòng bị ai đó đóng, và quên không mở lại. Việc phát hiện thấy điều này chỉ càng khiến hỗn loạn gia tăng trong phòng điều khiển, bởi nó đi kèm với một hệ lụy chết người: Lượng nước phun trào từ lò phản ứng ập đến mọi nơi khác, kể cả nơi gắn thiết bị điều chỉnh áp suất. Chính bởi vậy, đồng hồ áp suất trong phong điều khiển đã chỉ sai, khiến các nhân viên kỹ thuật "không biết đường nào mà lần".

Hệ thống công cụ kỹ thuật khiến những con người yên tâm rằng họ vẫn đang làm đúng, bởi không ai nắm được chút gì về hiện trạng thực tế của hệ thống làm nguội. Đó có lẽ không phải là lỗi của các nhân viên, bởi thực ra họ cũng chẳng được huấn luyện gì nhiều để đối diện với những khoảnh khắc sinh tử này. Phải đến khi mực nước tụt xuống thấp đến độ làm lộ ra lõi lò, những ý niệm mới trở nên rõ ràng.

Đứng xa hơn, câu chuyện này không chỉ là một hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết của việc trang bị đầy đủ thông tin thuần túy trong lĩnh vực kỹ thuật. Nhìn từ khía cạnh tâm lý xã hội Mỹ thời điểm đó, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra những đường nét đồng dạng.

Người dân Pennsylvania nói riêng và người dân Mỹ nói chung cảm thấy rằng họ bị lừa dối, bởi công ty thiết bị Metropolitan Edison (chịu trách nhiệm vận hành nhà máy) chỉ xem đây là một "sai sót thông thường. Cũng đúng thôi. Chẳng ai chết. Mức độ rò rỉ không lớn. Cũng chẳng có những hậu quả lâu dài trên sức khỏe con người.

Song, sau vụ đảo Three Mile, chính ngành công nghiệp điện hạt nhân Mỹ đã phải nhận không ít phản chấn mạnh mẽ. Tâm trạng mất lòng tin kéo dài âm ỉ tạo nên sự thờ ơ, và đi kèm sự thờ ơ là một luồng dư luận bài bác điện hạt nhân. Để rồi, nói như Axelrod: "Sau vụ tai nạn, những người Mỹ càu nhàu xếp hàng mua xăng giá cao, chật vật sưởi ấm cho ngôi nhà của mình trong mùa đông, và cuối cùng là phải chấp nhận để con cái mình đi chết hoặc chịu thương tật tại Trung Đông - nơi dồi dào nguồn năng lượng duy nhất mà họ cần".

Tình trạng ấy, dường như, vẫn đang kéo dài đến tận bây giờ… 

Đông Quân
.
.