Sinh nở, một tự sự đa dạng về nữ giới khi trật tự cũ bị phá bỏ

Thứ Bảy, 19/09/2020, 21:03
Những năm đầu thế kỉ XX, câu chuyện sinh nở của nữ giới dần được chuyển dịch vào vị thế trung tâm trong quá trình hiện đại hóa xã hội. Ở đó, không chỉ có việc cải thiện một cách mạnh mẽ các điều kiện y tế, hộ sinh và chăm sóc thai nhi mà còn thường xuyên đặt ra những đòi hỏi, nhận thức mới về nữ quyền trong việc sinh và nuôi con theo môi trường hiện đại, văn minh, đối kháng với các quan niệm và hủ tục lạc hậu.

Văn chương bấy giờ, tuy không quá dồi dào, nhưng cũng có một số trường hợp rất nổi bật khắc họa rõ nét cuộc đối kháng này với lí do trước tiên: người nữ cần tự đổi mới triệt để.

Cho đến khi chính quyền thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam, vấn đề sinh đẻ và thai sản mới thực sự được bàn định một cách nghiêm túc. Một trong những nguyên nhân chính yếu là vì tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh quá cao, ngay cả ở các đô thị. 

Một nghiên cứu chuyên sâu của Tiến sĩ Nguyễn Thùy Linh (“Childbirth, Maternity, and Medical Pluralism in French Colonial Vietnam, 1880-1945” - “Sinh con, thai sản và đa dạng y học tại Việt Nam thời thuộc địa Pháp, 1880-1945”, 2016) cho thấy trong giai đoạn 1898-1900, tỉ lệ trẻ tử vong dưới một tuổi ở Sài Gòn và Chợ Lớn lên đến 68,72%, ở Hà Nội trong các năm 1914-1917 là khoảng 30%-50%, cao nhất là năm 1923 với 58,1%. 

Tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao xảy ra do các bệnh liên quan đến thai sản, sinh nở (phổ biến như bệnh uốn ván) và đặc biệt, là do kĩ thuật hộ sinh quá lạc hậu trong khi điều kiện y tế hiện đại thì chưa được thiết lập. Gần như trong truyền thống làng quê Việt Nam, hộ sinh phó mặc cho “bà đỡ” (bà mụ) với những kinh nghiệm chắp nối nhiều đời. Vai trò của “bà đỡ”, vì thế, đôi khi được thần thánh hóa, cùng nhiều thủ thuật mê tín khác, để đảm bảo mọi sự mẹ tròn con vuông như ý.

Nhưng chính quyền thuộc địa nhận ra sự bất ổn này và họ nhanh chóng đưa vấn đề thai sản, sinh đẻ vào tâm điểm hành động thay đổi. Cơ quan cứu trợ Xã hội được thành lập (1929), rồi sáp nhập với Cứu trợ Y tế, nhằm tạo ra những hoạt động từ thiện và cứu trợ xã hội, hướng tới bảo vệ, chăm sóc bà mẹ trẻ em một cách qui củ nhất. Không chỉ có bệnh viện mà còn có các nhà hộ sinh. Bệnh viện Phụ sản ở Chợ Lớn được xây dựng từ năm 1901. 

Ở Hà Nội, năm 1902, cùng với việc xây Bệnh viện Bảo hộ (còn gọi là Nhà thương Phủ Doãn), Toàn quyền Paul Beau còn xây nhà hộ sinh đầu tiên (tiền thân của Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em hiện nay). Trường Y Khoa Đông Dương cũng mở lớp đào tạo nữ hộ sinh dành cho người Việt. 

Cho đến đầu thập niên 1940, đã có hàng chục các tổ chức độc lập dưới dạng tổ hội từ thiện và cứu trợ y tế (Hội Tế Sinh, Hội Hợp Thiện, Hội Ánh Sáng, Bắc Kỳ Quảng Thiên Hội,…), tạo thành mạng lưới tương trợ phụ nữ, trẻ em rất hữu hiệu. Đây cũng là giai đoạn ra đời, phát triển của các “ấu trĩ viên” (nhà trẻ, nhà mẫu giáo), định hình nền giáo dục mầm non hiện đại. Chính các “ấu trĩ viên” đã thay đổi rất căn bản nhận thức của nữ giới và xã hội nói chung trong việc hình thành môi trường dạy dỗ, chăm nom trẻ em thay vì để chúng tự nhiên khôn lớn. 

Cùng với sự xuất hiện ngày càng đông đảo của phụ nữ tân thời có học vấn, kiến thức và hiểu biết về sinh sản đã dần được nữ giới áp dụng trong đời sống thường ngày. Năm 1905, nhà hộ sinh Hà Nội chỉ đón 250 sản phụ, nhưng năm sau (1906) thì lên đến 474, chứng tỏ phụ nữ Việt đã bắt đầu tuân theo kĩ thuật sinh nở của phương Tây và họ sẽ cảm thấy chủ động, an toàn hơn trong những tình huống ngặt nghèo của kì vượt cạn. “Bà đỡ” bớt thao túng, nữ hộ sinh mới là hình ảnh đáng nghe theo.

Tuy thế, ở nhiều vùng nông thôn, tình trạng phụ nữ sinh đẻ không có y tế hiện đại chăm sóc vẫn diễn ra. Học giả Pierre Gourou khi thực địa tại các làng Bắc bộ vào đầu thập niên 1930 đã phải thốt lên rằng, “chắc chắn người phụ nữ Việt Nam có sức bao nhiêu thì đẻ bấy nhiêu. Lấy chồng khi con trẻ, thường là trước 20 tuổi, họ sinh con sòn sòn cho đến tận khi mãn kinh”. 

Đẻ nhiều và đời sống nghèo khó triền miên khiến phụ nữ nông thôn không thể nào chạm đến các quyền cơ bản như học hành, lập nghiệp, và chua xót hơn là họ phải cho con cái như một hình thức giải thoát túng quẫn. Đây chính là lí do khiến văn chương lẫn báo chí bấy giờ thường khắc họa những bi kịch nghèo túng, đói rách do sinh nhiều con. 

Số phận bi kịch của chị Dậu phải bán con bán chó trong “Tắt đèn” (1937), dầu không có ý nghĩa cảnh báo, nhưng đã mô tả chân xác tình trạng đẻ rồi cho con đi ở đợ, cho người khác nuôi khá phổ biến bấy giờ. 

Còn Nam Cao, một cây bút tả thực xuất sắc khác, thường lựa chọn tình thế oái oăm và bi đát gài cắm vào truyện kể về những gia đình tuy đông con nhưng luôn neo đơn, teo tóp dần về số lượng do đau ốm bệnh tật hoặc èo uột, yếu thế khi phải va chạm với quyền bính địa phương. 

Đáng chú ý, trong cái nhìn của Nam Cao, phận vị của người nữ ở gia đình rất thảm hại, phần vì họ phải chịu đựng những ông chồng tầm thường, phần vì họ sinh đẻ quá nhiều. Ngay cả nhân vật Từ trong “Đời thừa” (1943), tuy được văn sĩ Hộ yêu thương, nhưng vẫn tự trói mình trong vòng khép nép, nhẫn nhịn và luẩn quẩn vì nghĩ mình đẻ con nheo nhóc là nguyên do gây bĩ cực cho chồng. 

Ở một tác phẩm khác, Những ngày thơ ấu (1940), Nguyên Hồng không quên người bà “sinh nở những mười tám bận. Nhưng các cô và các chú tôi chết dần, chết mòn gần hết”. Rút cuộc thì người bà cũng thân góa con côi và càng già cả thì càng rền rĩ, đay nghiến con cháu. Nhưng gây đau khổ cho tuổi thơ cậu bé Hồng hơn cả là việc mẹ Hồng có con ngoài giá thú, sự kiện chia rẽ tình mẫu tử bởi cái nhìn hà khắc, cay nghiệt của xung quanh. 

Nguyên Hồng còn có kiểu nhân vật nạn khác, Tám Bính, trong “Bỉ vỏ” (1938). Bính lỡ có con trước hôn nhân với một anh chàng “quan tham đạc điền”, để rồi phải chịu cay cực, đau đớn khi còn xuân sắc. Cảm giác bị phụ bạc, bị sỉ nhục vì đứa con sinh ngoài ý muốn khiến nàng “ví mình với một người tù, một người tù hoàn toàn bị bó buộc, và bị bó buộc mãi mãi nếu... đứa con nhỏ này còn trong tay”. 

Như thế, có thể thấy, nhiều nhà văn tả thực đã tập trung khai thác tình cảnh bi đát, cơ cực của người phụ nữ một khi họ rẽ ngoặt vào đời sống hôn nhân và con cái. Sinh nở, chức phận thiêng liêng không đem đến niềm vui kéo dài, mà ngược lại, là trở lực làm trầm trọng hóa cảm giác tủi phận, bẽ bàng, thua thiệt nơi nữ giới.  

Ảnh trong bài: Các lớp đào tạo nữ hộ sinh tại Hà Nội đầu thế kỷ 20.

Tất nhiên, trong quá trình hiện đại hóa, một bộ phận phụ nữ thị dân sẽ không lựa chọn đường đi như phụ nữ nông thôn. Ý thức về sự giải phóng khỏi các khuôn thức đạo đức tam tòng và nỗ lực tìm kiếm bình quyền nam nữ khiến tầng lớp “gái mới”, “gái tân thời” không ngừng nổi loạn. Từ trách nhiệm, bổn phận phải sinh đẻ, họ đã bắt đầu tìm kiếm những nghĩa lí khác của việc này, chẳng hạn như quyền làm mẹ, quyền được nuôi con và giáo dục con cái theo định hướng của mình. 

Một số trường hợp khác, thậm chí, đã coi sinh nở là “ngăn trở sự ăn chơi”, không được “rảnh rang sống cái đời phù hoa cùng chúng bạn” như lời than của nhà giáo Thái Phỉ vào năm 1941 trong “Một nền giáo dục Việt Nam mới”. Tôi nghĩ, đấy là lúc phụ nữ bắt đầu khiến xã hội lúng túng và câu chuyện sinh đẻ, từ đó, không thể giản đơn chỉ diễn ra một chiều. 

Trong tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” (1934), cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang lớn thời kì đó, nhân vật Mai là hiện thân cho kiểu phụ nữ có học thức biết cách định đoạt hạnh phúc và giá trị của mình. Việc Mai chấp nhận rủi ro, điều tiếng để tự mình nuôi con, làm “mẹ đơn thân” đã báo hiệu những tiếng nói dữ dội, dứt khoát hơn trong việc xiển dương cái mới và triệt tiêu cái hủ tục, lạc hậu. 

Quan niệm môn đăng hộ đối và kế đó, sinh con trai để nối dõi tông đường, đã bị Khái Hưng bóc mẽ bằng chính tinh thần trẻ trung, dứt khoát của kiểu người phụ nữ mới. Trên đà tiến của xã hội đang từng ngày canh tân, hành động Mai tự vượt cạn, tự nuôi con như một cuộc đối thoại lớn với thời đại, với thế hệ còn bám víu những luật lệ, khuôn thức đạo đức Nho giáo. 

Tuy thế, Mai vẫn chưa quyết liệt và mạnh mẽ như Loan trong tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” (1936) của Nhất Linh. Loan, thậm chí, còn xem việc có con với người đàn ông mình không yêu là “cái dây trói chặt nàng vào cái đời đọa đày”. 

Loan nung nấu ý chí vùng thoát khỏi cuộc hôn nhân oái oăm đến mức “đến nỗi con nàng mà nàng cũng không mong mỏi nó ra đời”. Cuối cùng thì đứa bé bất hạnh ấy cũng đoản mệnh và Loan không còn khả năng sinh đẻ. Sự lưu cữu, dấu vết của cái cũ, như vậy, đã hoàn toàn bị đoạn tuyệt một cách đầy đau đớn.

Câu chuyện sinh nở, trong mắt các văn nhân ham muốn cải cách xã hội, thực ra, chỉ đóng vai phương tiện. Họ mượn câu chuyện này để truyền tải những biểu tượng có sức lay động tâm can và nhận thức của lớp độc giả mới. Nhất thiết phải cà khịa, phá vỡ và lật đổ các trật tự lỗi thời, các kiềm tỏa phi nhân. Đứng lên từ nước mắt nhưng người nữ mới, vì thế, đã luôn ngẩng cao đầu tiến về phía trước.

(Còn nữa)

Mai Anh Tuấn
.
.