Siêu người máy vẫn chỉ là… robot

Thứ Hai, 26/09/2016, 19:10
Tờ Financial Time mới đây đăng tải bài phân tích về sự phát triển vượt bậc của công nghệ tự động hóa. Theo đó, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn trên thế giới đang "chạy đua" trong việc mua lại các công ty công nghệ và rót vốn vào ngành sản xuất robot.

Giống như sự ra đời của máy tính, kỷ nguyên robot không những cải thiện năng suất lao động mà còn hứa hẹn đem lại tiện ích cho con người trong mọi lĩnh vực đời sống. Giới quan sát nhận định, nghiên cứu và sản xuất robot sẽ tiếp tục là thị trường công nghệ có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới, nhất là khi ngày càng nhiều người máy với trí tuệ nhân tạo "bước ra" từ các phòng thí nghiệm.

Có ý kiến cho rằng robot đã và đang trở thành người bạn tốt của con người. Nhưng số khác thì lại xem robot như một kẻ thù, đe dọa công ăn việc làm, thậm chí là "kẻ gây họa" do được trang bị trí thông minh nhân tạo ngang ngửa hay cao hơn con người. 

Trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, ở tương lai không xa, máy móc sẽ thay thế loài người làm mọi việc. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, liệu một ngày nào đó, viễn cảnh này sẽ trở thành hiện thực? Giới khoa học cảnh báo rằng, điều này hoàn toàn có thể xảy ra, và khi ấy, robot có thể hủy diệt sự nghiệp, nền kinh tế và cả nền văn minh con người.

Người máy lên ngôi 

Sự bùng nổ lĩnh vực sản xuất robot đang diễn ra rất mạnh ở châu Á, nhất là tại Nhật Bản và Trung Quốc - những quốc gia đang nỗ lực tái cơ cấu lĩnh vực chế tạo. 

Trong 6 tháng đầu năm 2016, 56 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất robot đã huy động được 427,5 triệu USD vốn đầu tư và 20 thương vụ được ghi nhận với tổng trị giá các thỏa thuận đạt 4,53 tỷ USD. 

NAO được các chuyên gia tâm lý khuyến khích sử dụng như là một công cụ sư phạm để huấn luyện tính tự lập ở các trường học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ.

Với tốc độ tăng trưởng 17%/năm, trị giá của thị trường robot sẽ đạt nhiều tỷ USD vào năm 2019. Trước đây, hầu hết robot được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp với chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã bắt đầu thiết kế thêm những loại robot mang tính ứng dụng cao, với chi phí rẻ hơn và linh hoạt hơn.

Mặc dù dòng vốn chảy vào lĩnh vực robot vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khai, không thể phủ nhận xu hướng phát triển nền kinh tế trong tương lai sẽ dựa trên nền tảng công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Thống kê cho thấy, số lượng bằng sáng chế liên quan tới công nghệ robot hằng năm đã tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm trở lại đây. Các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 35% hồ sơ bằng sáng chế liên quan đến công nghệ robot trong năm ngoái, nhiều gấp đôi các đối thủ từ Nhật Bản. 

Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc vung tiền mua hàng loạt công ty công nghệ robot ở phương Tây, như thương vụ tập đoàn điện máy gia dụng Midea thâu tóm 95% cổ phần của Kuka - doanh nghiệp chuyên về sản xuất robot công nghiệp của Đức.

Hiện nay, công nghệ đang tham gia tích cực vào những cuộc chạy đua, bên cạnh những cuộc chạy đua khốc liệt như chạy đua vũ trang hay tiềm năng kinh tế. Công nghệ robot đang ở giai đoạn cao trào với rất nhiều sản phẩm cực kì hiện đại. Khoảng cách giữa robot và con người đang ngày càng bị thu hẹp. 

Phải nhắc tới BEAR - một chú robot có khả năng cứu hộ trong các tình huống nguy hiểm, BINA48 có thể lưu trữ suy nghĩ, kỷ niệm, nhận diện và tương tác cao với con người. Hay FACE với khả năng thể hiện cảm xúc xen kẽ giữa các sắc thái trên khuôn mặt một cách sinh động.

Rodolphe Gelin, phụ trách về nghiên cứu robot của Tập đoàn Aldebaran Robotics (Pháp), cho rằng robot có thể có ích cho con người trong nhiều lĩnh vực. Tập đoàn này phát triển rất nhiều mô hình người máy, với sự cộng tác của Hãng Softbank (Nhật Bản). 

Những robot được chế tạo để ở gần và phục vụ cho từng nhu cầu của con người. Chính vì thế, các dòng robot của Pháp được thiết kế và lập trình sao cho chúng có thể cảm nhận các thông tin từ bộ phận cảm ứng, ra quyết định để rồi hành động. Chính nhờ chu trình này cộng với khả năng cử động bên ngoài đã tạo nên cái gọi là robot thông minh, khác hẳn với những robot trong công nghiệp.

Trong số này, NAO hiện đang là dòng sản phẩm độc đáo nhất và gặt hái nhiều thành công. Tính từ khi ra đời (2008) cho đến năm 2014, Aldebaran đã bán ra 6.000 robot NAO tại 70 quốc gia, đứng đầu là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. 

Tại Pháp, NAO được các chuyên gia tâm lý khuyến khích sử dụng như là một công cụ sư phạm để huấn luyện tính tự lập ở các trường học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ. NAO đã giúp các em cải thiện sự tập trung, biểu hiện cảm xúc không cần phải bắt chước người bên cạnh, hay như cách giao tiếp với những người xung quanh.

Cũng chính vì NAO có thể trò chuyện, hoạt động tương tác mà ở Nhật Bản, nơi có tỷ lệ người già ngày càng cao, chính phủ dự định cho thuê robot làm… trợ lý. Hay tại Bỉ, 3 viện dưỡng lão đã sử dụng NAO như là công cụ luyện trí nhớ, huấn luyện thể thao và hoạt náo viên. 

Có ý kiến cho rằng, robot đã và đang trở thành người bạn tốt của con người, nhưng số khác lại xem robot như một kẻ thù.

Trong chiều hướng này, Aldebaran sẽ tiếp tục cho ra đời một dòng robot mới là Romeo. Dòng robot này có kích cỡ lớn hơn NAO và có thể hỗ trợ cho người già nhiều hơn. 

Ngoài khác biệt về chiều cao, Romeo có thể cử động được đôi mắt, giúp cải thiện điều kiện tiếp xúc, cuộc đối thoại được diễn ra tự nhiên hơn. Robot sẽ quan sát được người đối thoại, góp phần tăng tính biểu cảm, tạo thuận lợi hơn nữa cho mối liên hệ giữa người và robot.

Viễn cảnh "chết chóc"

Con người đã chứng kiến những tiến bộ ngoạn mục trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và sản xuất robot vài thập kỷ qua. Nhưng cái cách mà công nghệ mới này tác động đến thế giới đang gây ra những lo ngại nhất định. 

Từ thời điểm máy tính cá nhân bắt đầu xâm nhập vào nơi làm việc thì năng suất lao động đã tăng lên một cách ấn tượng. Tuy nhiên, máy móc đã dần chiếm hết việc làm của con người.

Nếu trong quá khứ, những cỗ máy được chế tạo với một chức năng nhất định như dệt vải thì ngày nay chúng hầu như làm được mọi thứ và còn hoàn thành công việc tốt hơn cả con người. Nếu quá phụ thuộc vào robot thì nền kinh tế không khác gì việc... La Mã phụ thuộc vào nô lệ.

Trong khi đó, nhiều nhà khoa học lại kêu gọi các lĩnh vực sử dụng robot phải dành một phần kinh phí cho các nghiên cứu những tác động về đạo đức pháp luật và xã hội của công nghệ. 

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng như các kỹ sư phải xem xét ai hay cái gì sẽ chịu trách nhiệm nếu có bất cứ điều gì sai sót từ các hệ thống mà họ thiết kế. Đây là một vấn đề cực khó và không có câu trả lời rõ ràng về mặt đạo đức. 

Kỷ nguyên robot không những cải thiện năng suất lao động mà còn hứa hẹn đem lại tiện ích cho con người trong mọi lĩnh vực đời sống.

Thậm chí có ý kiến nhận định, phải cấm tuyệt đối việc phát triển các hệ thống vũ khí với khả năng tự hoạt động. Robot hay các loại vũ khí không thể tự chịu trách nhiệm về các hành vi giết người, cho dù đó là trên chiến trường, và nếu được cho phép, robot với trí tuệ nhân tạo có thể đưa con người tới bờ diệt vong.

Dù có nhiều lợi ích nhưng sự đột phá từ công nghệ robot khiến giới khoa học và các nhà kinh tế học lo ngại về sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp trong xã hội. Theo nhiều khảo sát, nghề lái xe tải tại Mỹ sẽ xuất hiện trong danh sách "gặp nguy hiểm", nếu công nghệ lái xe tự động được phát triển thành công. 

Theo dự đoán, những bước đột phá trong công nghệ có thể khiến 47% số người đang có việc làm tại Mỹ thất nghiệp. Những công việc mới được tạo ra sẽ tập trung chủ yếu tại các thành phố, khiến giá cả tăng vọt, tạo nên những điểm không cân bằng trong nền kinh tế.

Trong quá khứ, một số kỹ năng, ngành nghề đã biến mất. Sự xuất hiện của máy móc đã khiến công việc của con người trở nên dư thừa. Một số người giữ các vị trí từng được xem là "trung lưu" như đại lý du lịch hay người tráng phim chụp ảnh đã phải chuyển xuống các vị trí có mức thu nhập thấp hơn vì họ thiếu những kỹ năng cần thiết để chuyển công việc theo hướng hiện đại hóa. 

Thêm vào đó, các công việc từng đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao dần trở nên nhàm chán nhờ tự động hóa. Ví dụ như, việc chụp X-quang và hồ sơ y tế đã được số hóa, giúp nhân viên y tế chẩn đoán nhanh và chính xác hơn.

Có ý kiến cho rằng một ngày nào đó, robot sẽ thông minh hơn và sẽ thống trị con người. Cũng như mọi đồ vật hay như bất kỳ một công nghệ nào trong bàn tay con người, robot hoàn toàn có thể trở thành một mối nguy hiểm cho nhân loại. 

Trong nội tại, bản thân robot không chứa đựng một mối nguy nào cho nhân loại. Dẫu sao đi nữa, robot cũng chỉ là một người máy được lập trình sẵn để đáp ứng có hạn định những nhu cầu của con người. Điều quan trọng ở đây là vấn đề đạo đức khi cần phải phân biệt rõ giữa người và người máy. 

Viễn cảnh một thế giới mới - nơi máy móc thay thế phần lớn công việc của con người - được đánh giá là có thể xảy ra, nhưng điều này không có nghĩa là loài người sẽ bị đào thải...

Việt Dũng
.
.