Sáng tạo, điên rồ và gene

Thứ Hai, 21/09/2020, 10:27
Thế giới chứng kiến sự xuất hiện của không ít những thiên tài, từ hiện tượng phòng tranh Van Gogh cho tới nhà thơ lãng mạn Lord Byron với nhiều mối tình sôi nổi, hay thiên tài kịch câm Charlie Chaplin. Tài thường đi kèm với tật, chẳng thế mà nhiều ý kiến cho rằng cá tính sáng tạo thường gắn liền với sự điên khùng, thậm chí cả trầm cảm hay bệnh tâm thần.


Từng có thời điểm khoa học giải thích hiện tượng này bằng những nghiên cứu về gene, vốn có thể “gánh vác” năng lực sáng tạo, đồng thời lại chịu trách nhiệm gây ra nhiều triệu chứng tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, liệu đây đã phải là kết luận cuối cùng?

Nghệ sĩ tự tra tấn

Phải chăng, thiên tài luôn có vấn đề với chính bộ não của mình? Một số nghiên cứu khẳng định mối quan hệ như thế đã và đang tồn tại, rằng bệnh tâm thần sẽ dần thay đổi não bộ đến mức các ý tưởng “khác người” xuất hiện, và chỉ có thể được lĩnh hội bởi những cá nhân không-bình-thường. 

Điều này tương đối phổ biến trong ngành nghề sáng tạo như viết văn, khi phải nhập vai, tự đối thoại hay tưởng tượng bối cảnh mà dần dần gặp phải các dấu hiệu ảo giác liên quan đến tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực, rồi trải qua các thời kỳ trầm cảm hay giai đoạn mê cuồng.

Van Gogh tự cắt bỏ tai trong cuộc sống dằn vặt đau khổ, với nỗi buồn của một kẻ điên lập dị khoác áo một họa sĩ thiên tài.

Vincent Van Gogh nổi danh với hàng tá bí ẩn sửng sốt trong tranh, với nỗi buồn của một kẻ điên lập dị khoác áo một họa sĩ thiên tài. Nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Ludwig van Beethoven chịu đựng cuộc sống bất hạnh, tồn tại song song giữa những điều đối lập và tương phản. 

Còn nhà thơ Sylvia Plath nhìn sâu vào sự cô độc, cái chết và tự giày xéo bản thân, trong khi tiểu thuyết gia David Foster Wallace - một trong những tài năng lớn nhất của văn học Mỹ đương đại - sớm thành công nhưng rồi cũng chấm dứt cuộc đời trong bi thảm. Họ đều là những nghệ sĩ tài hoa, nhưng tự tra tấn bản thân và ít nhiều phải chịu đựng những chứng bệnh tâm thần.

Một số thử nghiệm tiết lộ, đa phần những nhà thơ hay nghệ sĩ thị giác có những trải nghiệm khác thường như ảo ảnh và mộng du, cho phép họ bước vào một không gian hoàn toàn khác biệt để tự đào sâu vào não bộ, từ đó tạo nên tư duy đột phá thoát khỏi lối cũ của xã hội. Chưa hết, các mạch suy nghĩ dường như lộn xộn, chắp vá từ các manh mối nhỏ lẻ, khiến họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm với những hành vi bạo lực. Quá trình này theo một vài nghiên cứu chính là con đường người nghệ sĩ đấu tranh để tạo nên sinh khí cho những ý tưởng mà xã hội coi rằng không phù hợp.

Dễ thấy có những điều vô cùng khó lý giải ở những người đa tài có tâm hồn nghệ sĩ. Xu hướng trầm cảm khiến họ từ giã cõi đời vô thường, để lại di sản đồ sộ những sáng tạo không tưởng. 

Khoa học đặc biệt lưu tâm tới giới nhà văn, với ngòi bút độc đáo tô vẽ nhiều mảng màu của đời sống, nhưng lại phải chịu đựng bệnh tâm thần cùng các hội chứng tâm lý khác nhau. Có người thừa nhận “viết lách khiến tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, là nguồn cơn dẫn đến tình yêu vô hạn với rượu. Nhưng cũng chính viết lách cho tôi cơ hội nhìn đời từ nhiều khía cạnh, để rồi tạo nên vô vàn câu từ độc đáo cho người đọc lĩnh hội”.

Tài - tật song hành

Khoa học hiện đại đang cố gắng giải mã mối liên hệ di truyền giữa sự sáng tạo với bệnh tâm thần. Trong quá khứ, người Hi Lạp cổ đại từng đề cập quan điểm này. Nhưng có lẽ, Lord Byron mới tỏ vẻ thẳng thắn hơn cả khi cho rằng mọi nghề nghiệp đều có chút... điên khùng. 

Bởi lẽ với ông, khi sáng tạo một thứ gì đó mới mẻ, con người sẽ rơi vào trạng thái chơi vơi giữa tỉnh táo và điên loạn. Trên thực tế, tư duy này đang ủng hộ quan điểm về thiên tài điên rồ, coi sáng tạo là phẩm chất đem tới cho thế giới những cá nhân xuất chúng, nhưng lại kéo theo rủi ro cho chính họ, buộc họ phải trả giá cho sự sáng tạo. 

Một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ di truyền giữa khả năng sáng tạo và bệnh tâm thần với những chất dẫn truyền thần kinh não bộ như dopamine và serotonin.

Trong suốt nhiều năm, các nghiên cứu được tiến hành ở Iceland - phòng thí nghiệm gene di truyền hàng đầu thế giới - về mối quan hệ giữa thiên tài (sự sáng tạo) và bệnh tật (sự điên loạn) trên gần 90.000 mẫu gene. Kết quả phân tích cho thấy yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt được tìm thấy thường xuyên hơn ở người làm những ngành nghề sáng tạo. 

Theo đó, các nhóm đối tượng làm nghệ thuật, bao gồm diễn viên, vũ công, nhạc sĩ, nhà văn và họa sĩ có biến dị di truyền nhiều hơn 25% so với người làm những ngành nghề được đánh giá là ít sáng tạo, như nông dân, lao động chân tay và nhân viên bán hàng.

Thú vị hơn, kết quả thí nghiệm về tư duy dị biệt (liên quan đến năng lực giải quyết vấn đề) của nhóm chuyên gia Hà Lan cho thấy tồn tại kết nối giữa khả năng sáng tạo và gene liên quan đến dopamine - chất dẫn truyền thần kinh giúp tập trung và gây hưng phấn, khi hàm lượng chất này tăng thì tốc độ đưa ra ý tưởng càng lớn. 

Bên cạnh dopamine, serotonin cũng trở thành “nghi phạm” phía sau khả năng tư duy đột phá. ADN có thể chứa một đoạn gene làm nhiệm vụ thúc đẩy sản sinh serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh gia tăng hoạt động vùng võ não liên quan đến nhận thức và tư duy. Điều đáng chú ý là, sự sản sinh dopamine hay serotonin cao bất thường có thể dẫn tới hội chứng rối loạn lưỡng cực khá phổ biến ở nhiều người nổi tiếng và tài năng.

Như vậy, năng lực sáng tạo và bệnh tâm thần có chung nguồn gốc di truyền? Công trình khoa học “Mặt tối của tính sáng tạo” do các Giáo sư Harvard công bố chỉ ra các hormone DHEAS liên quan đến trầm cảm và sáng tạo nghệ thuật. Tức là, những người bẩm sinh có khuynh hướng sáng tạo dễ bị các cảm xúc tiêu cực dữ dội tác động hơn so với người không sáng tạo bằng. 

Ngoài ra, những yếu tố hoàn cảnh kích thích tác động tiêu cực đặc biệt ảnh hưởng tới những người có lượng DHEAS thấp hơn. Ví dụ khi các đối tượng trầm cảm bị làm cho cảm thấy tồi tệ về bản thân, họ sẽ dễ có những suy nghĩ bị thiên hạ coi là kỳ quặc, điên rồ, hay mất trí, nhưng cuối cùng lại tạo nên những sản phẩm sáng tạo nhất.

Liên kết mờ nhạt

Nhiều người không tin vào sợi dây liên kết di truyền giữa bệnh tâm thần và khả năng sáng tạo, coi liên kết này mờ nhạt và giống ảo giác. Nhà tâm lý học Albert Rothenberg đã dành gần ba thập niên phỏng vấn những nghệ sĩ và nhà khoa học đạt có những công trình, tác phẩm xuất sắc đạt nhiều giải thưởng danh giá, để rồi nhận ra tỉ lệ bất thường về tâm lý là rất nhỏ. 

Theo ông, rất ít người “có vấn đề về thần kinh” sở hữu năng lực tư duy đột phá, rằng đại đa số người tài trên thế giới này, nếu có thể đưa ra bất kỳ ý tưởng khác lạ nào so với đại chúng, đều hoàn toàn bình thường. Quan trọng hơn, Albert Rothenberg nhận định thiên tài điên rồ chỉ là khái niệm lãng mạn thời xưa, còn sáng tạo là sự kết hợp của nhiều phẩm chất cá nhân chứ không phải ở cái đầu “có vấn đề”.

Giới chuyên gia tin rằng sáng tạo là sự kết hợp của nhiều phẩm chất cá nhân chứ không phải ở cái đầu “có vấn đề".

Người tài năng, suy cho cùng, vẫn chỉ là người thường, nhưng yếu tố khiến họ chạm tới vinh quang chính là niềm tin và động lực làm việc. Trước hết, những cá nhân sáng tạo thường bị cảm giác ngờ vực thúc đẩy, và đó là điều tạo cơ hội làm nên sự thay đổi. 

Bên cạnh đó, họ có trách nhiệm, và sự linh hoạt khi phải đương đầu thách thức. Người làm nghề sáng tạo độc đáo ở cá tính sẵn sàng trải nghiệm, và bao dung hơn với sự mơ hồ. Bằng cách trải nghiệm trật tự và cấu trúc khiến người khác ức chế, họ đã tìm thấy lối đi riêng biệt, tự do khai phá các khía cạnh khác nhau của một chủ đề, rồi bước vào giai đoạn tập trung cao độ. Đây là thời điểm của ý thức cao, hoạt động điên cuồng, với năng suất làm việc cực lớn, phản ánh dấu hiệu của quá trình sáng tạo.

Albert Rothenberg cho rằng, chỉ khi con người hiểu sâu hơn nữa về cơ chế di truyền hình thành nên các chứng rối loạn tâm thần, cũng như định nghĩa chính xác về khái niệm “sáng tạo” vốn rất trừu tượng, thì mới thiết lập được mối quan hệ cụ thể giữa thiên tài và cá tính điên loạn. 

Ông nhắc lại chuyện danh họa Van Gogh tự cắt bỏ tai trong cuộc sống dằn vặt đau khổ cùng nhiều đợt rối loạn tâm thần, trong khi người bạn cùng phòng Paul Gauguin lại hoàn toàn bình thường và vẫn để lại cho hậu thế những tuyệt tác nghệ thuật. 

Sự khác biệt này ám chỉ một điều: câu hỏi về nơi giao nhau giữa điên cuồng và sáng tạo, cùng tranh luận về biến dị di truyền liên quan đến nguồn gốc của tuyệt đỉnh tài năng và bệnh tâm thần, vẫn chưa thể có lời đáp rõ ràng...

Việt Dũng
.
.