Robot và ảo tưởng thần thánh của loài người

Chủ Nhật, 30/09/2018, 10:36
Robot dù phát triển tới mấy cũng không có cảm xúc, có những việc mà robot mãi mãi không thay được con người.

Nhiều năm sau này, người ta sẽ còn nhắc tới bữa tối tại San Franciso giữa hai người trẻ tuổi: một là Mark Zuckerberg, người đã trở thành tỉ phủ vào năm 22 tuổi với việc phát minh ra Facebook; người còn lại là Elon Musk, cũng là một tỉ phú, người làm ra chiếc xe điện Tesla và đang tham vọng đưa nhân loại lên cư trú trên sao Hỏa. 

Cụ thể hai kẻ đang xoay vần thế giới theo ý muốn của mình đã nói gì ngày hôm ấy? Không một ai tường thuật toàn bộ. Chỉ biết rằng họ đã có một cuộc tranh luận có khả năng quyết định vận mệnh loài người. Cuộc trò chuyện đương nhiên xoay quanh lĩnh vực yêu thích của cả hai: trí tuệ nhân tạo (AI).

Người chủ động mời ăn tối là Zuckerberg, ngồi đối diện với Musk. Hai người khác nhau hoàn toàn. Mark thường xuất hiện giản dị, áo phông, quần jeans, gương mặt đúng kiểu một anh sinh viên “mọt sách”.

Musk thì lịch lãm, chỉn chu, thường được ví như một siêu anh hùng trong thế giới thật, đó là chưa kể Musk lãng tử và có khả năng đốn hạ bất cứ một bóng hồng lộng lẫy nào.

Zuckerberg mời Musk tới chỉ vì một mục đích, thuyết phục Musk thay đổi lập trường của anh về robot. Trước đó, dù là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất cho trí tuệ nhân tạo nhưng Musk luôn cảnh báo mọi người rằng, “tiềm năng của robot còn nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân”. 

Về phần Zuckerberg, anh nghĩ Musk đang làm quá. Không phải anh không tin rằng robot có khả năng thống trị con người nhưng với anh nó là một điều tất yếu - sự tất yếu ấy có thể là một thảm họa, cũng có thể là cuộc cách mạng. 

Zuckerberg biện luận, việc chống lại AI đồng nghĩa với việc cản trở sự ra đời của những chiếc xe điện tự lái - thứ mà nhờ nó Musk đã làm giàu. Đúng thế, Zuckerberg đang mỉa mai người đồng nghiệp.

Hình ảnh trong bộ phim “Her”, bộ phim kể về một người đàn ông tìm thấy tình yêu đích thực nơi một con robot. Tác phẩm nằm trong danh sách 100 phim hay nhất thế kỷ 21 do BBC tuyển lựa.

Mặc dù vậy, bất chấp Zuckerberg giải thích thế nào, Musk cũng khăng khăng: “Tôi thật sự tin chúng nguy hiểm”. Cuộc trò chuyện diễn ra vào năm 2014. Ba năm sau, chính Mark Zuckerberg có lẽ cũng được một phen “sáng mắt”.

Hai con robot đột biến của Facebook

Không phải ai cũng biết, Facebook không chỉ là một hệ thống mạng xã hội nơi bạn lên và đăng ảnh con cái hay chú chó của mình. Giờ đây, Facebook nhúng tay vào rất nhiều mảng công nghệ, một trong số đó là phát triển trí tuệ nhân tạo.

Vào năm 2017, xưởng nghiên cứu của Facebook bất ngờ cho hay, họ buộc phải tiêu hủy 2 cá thể chatbot vì không còn kiểm soát nổi chúng.

Chatbot là một loại AI có khả năng nói chuyện với con người. Chatbot hẳn chẳng có gì xa lạ với người dùng Internet hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang dùng chatbot để thay thế nhân viên tiếp tân trả lời tin nhắn của khách hàng. 

Ban đầu lũ chatbot có vẻ rất ngờ nghệch, bạn hỏi nó có đói không thì nó sẽ bảo nó rất vui nhưng khi người ta càng nói chuyện nhiều với nó, nó thu được càng nhiều dữ liệu thì câu trả lời của nó càng phong phú hơn và mang tính người hơn. 

Facebook tất nhiên không bỏ qua tiềm năng của chatbot. Nhưng một ngày nọ, họ phát hiện ra, một cặp chatbot đang nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ không có trong từ điển ngôn ngữ loài người. Đó có thể là một trong những “sự tiến hóa” vĩ đại nhất kể từ khi loài linh trưởng tiến hóa thành loài người. 

Nhưng Facebook của Mark Zuckerberg cuối cùng đã quyết định tiêu hủy chúng, như một nỗ lực dập tắt “cuộc xâm lăng của binh đoàn robot” ngay từ trong trứng nước.

Thực ra, việc robot có khả năng “sáng tạo” ra những thứ chưa từng có là điều sớm muộn cũng xảy ra. Vì giờ đây, những con robot được lập trình đã trở thành trò trẻ con. Robot hiện đại có khả năng tự học và khả năng khiến cho robot có thể tự nhận thức, chắt lọc kiến thức và sáng tạo được gọi chung là “Machine learning” (Máy học). 

Cùng với Dữ liệu học, Máy học là một trong những ngành học đang bùng nổ hiện nay. Trên thế giới, các ông lớn như Google, Amazon, Netflix, Twitter đều đã áp dụng nó.

Nếu cần thêm dẫn chứng “trí thông minh” của robot, hãy nhớ lại cách một con robot đã đánh bại kiện tướng cờ vây hàng đầu thế giới như thế nào.

Lee Sedol là kỳ thủ tài năng nhất thế giới suốt nhiều năm qua. Khi anh nhận lời thách thức của con robot mang tên Alpha Go, không ai tin con robot có cửa nào giành được chiến thắng trước Lee. Cờ vây là một môn cờ khó khủng khiếp. 

Khó ra sao? Khó đến độ số nước đi khả thế của nó còn lớn hơn số nguyên tử tồn tại trong vũ trụ. Và người ta không thể tưởng tượng nổi một con robot có khả năng chơi cờ vây hay hơn con người có thể ra đời trong thập niên này.

Nhưng, như một câu nói cũ trong giới khoa học: “Người ta luôn kỳ vọng quá cao vào những phát kiến có thể xảy ra trong 3 năm, nhưng lại kỳ vọng quá thấp vào những phát kiến có thể xảy ra trong 10 năm”. 

AlphaGo đã đánh bại Lee, nhưng hoàn toàn không phải vì nó biết nhiều nước đi hơn Lee, nó đã chiến thắng vì chơi những nước cờ mà chính Lee phải công nhận là “tuyệt đẹp”, những nước cờ chưa từng có trong lịch sử cờ vây từ trước tới nay. 

Nói cách khác, AlphaGo đã thắng con người không phải vì nó là cái máy nên nó nhớ được nhiều thứ hơn, nó đã thắng một cách hoàn toàn sòng phẳng.

Con người có ý chí tự do, vậy thì sao?

Nhưng dù nói gì đi nữa, chúng ta vẫn tin robot xét cho cùng cũng chỉ là robot, từ bản chất nó đã thấp hèn, không sánh được với loài người.

Tôi từng nghe bạn mình, một người làm trong một tập đoàn lớn ở Việt Nam kể lại, trong một bữa tiệc gala của tập đoàn, một nhân viên đã hỏi chủ tịch của họ rằng, liệu có một ngày nào, khi trí tuệ nhân tạo phát triển, tập đoàn sẽ thay robot cho lực lượng lao động hiện nay. 

Vị chủ tịch trấn an, không thể nào, robot dù phát triển tới mấy cũng không có cảm xúc, có những việc mà robot mãi mãi không thay được con người.

Nhiều người trong chúng ta cũng có niềm tin như vậy. Vấn đề của niềm tin ấy nằm ở chỗ, chúng ta đều đang đánh giá quá cao những thứ “thần thánh” vốn được cho chỉ tồn tại ở loài người, như cảm xúc hay ý chí tự do.

Hình ảnh Sophia, robot từng tuyên bố sẽ hủy hoại loài người, trên trang bìa một tạp chí thời trang. Sophia được ăn vận y hệt một ngôi sao giải trí.

Hiển nhiên làm sao, chúng ta làm một việc là vì chúng ta quyết định làm nó. Chẳng hạn, khi chúng ta đi ngủ, đó là bởi vì chúng ta muốn đi ngủ. Hoặc nếu chúng ta quyết định mua một chiếc tivi mới, ấy là bởi vì “bản ngã” của chúng ta, “cái tôi” của chúng ta đã lựa chọn mua cái tivi ấy. 

Con robot thì khác. Nó không biết nó làm gì hết, mọi hành động, suy nghĩ của nó đều đến từ những thuật toán, đôi khi là thuật toán đơn giản, đôi khi phức tạp, nhưng vẫn là thuật toán. Tóm lại, robot không có ý chí tự do.

Nhưng quan điểm này đã bắt đầu lung lay kể từ khi thuyết tiến hóa ra đời. Bởi vì, nếu chúng ta thực sự tự do, vậy làm thế nào để ta chọn lọc tự nhiên mà định hình cho mình? Và trong thời hiện đại, các nhà sinh học thực sự đã có khả năng quét được não người để dự đoán mong muốn của họ trước cả khi họ nhận ra mong muốn ấy.

Giáo sư Sperry, người đoạt giải Nobel về sinh lý học năm 1981 cũng đã thực hiện nhiều thí nghiệm và phát hiện ra, trong mỗi con người là vô số những lời nói khác nhau, những ham muốn đối nghịch, những cái tôi không liên quan gì tới nhau và dường như chẳng có gì gọi là một “bản thể” hay “linh hồn” đơn nhất. Tất cả có vẻ đều là ảo tưởng do con người tự  huyễn hoặc mình. 

Còn cảm xúc, cứ coi như con người có cảm xúc còn robot thì không, nhưng ông Yuval Noah Harari, tác giả của cuốn best-seller Lược sử loài người lại đặt câu hỏi, những giá trị cảm xúc hay đạo đức có thật sự quan trọng?

Trung Quốc tuyên bố họ sẽ chi hàng tỉ USD để nhanh chóng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo. Họ không đổ lắm tiền như thế chỉ để thị uy. 

Chính phủ Trung Quốc hiểu rằng, ai mạnh hơn về AI, kẻ đó sẽ có trong tay thế giới. AI là tiềm năng kinh tế lớn hơn mọi thứ, hơn dầu mỏ, hơn than đá, hơn vàng, hơn kim cương, hơn cả con người.

Những giá trị nhân bản được đề cao  ngày nay vì nó có lợi cho chủ nghĩa tư bản. Thay vì bóc lột hàng tỉ người, chủ nghĩa tư bản hiện đại tận dụng chính nhân quyền để bành trướng. Nhưng một mai, khi con người không còn mang tới lợi ích kinh tế nữa, khi robot trợ giúp con người trong phần lớn mọi việc, khi đó liệu nhân quyền có còn quan trọng?

Còn rất xa để đến một ngày robot chiếm được vị thế độc tôn. Đến thời điểm này, ít ra chúng ta vẫn còn khả năng sập nguồn của chúng. Nhưng, chỉ riêng việc những câu hỏi từng thuộc phạm trù triết học nay đã trở thành một hiểm họa có thật, cũng đã khiến ta lờ mờ nhận ra chân trời phía trước.

Hiền Trang
.
.