Người nhận giải Nobel Y học 2010, nhà sinh lý học người Anh:

Robert Edwards cha đẻ của thụ tinh ống nghiệm

Thứ Hai, 25/10/2010, 14:00
Trong di chúc của mình, Alfred Nobel đã dành quyền chọn người được nhận giải Nobel y học cho Học viện Karolinska, một trong những trường đại học y khoa lớn nhất châu Âu và thế giới. Học viện Karolinska ở Stockholm được thành lập từ năm 1810.

Không có gì bất biến

Ủy ban xét giải Nobel y học ở đây gồm 5 thành viên thường trực mà mỗi người trong số họ đều có quyền mời các chuyên gia tư vấn cho công việc của mình. Theo truyền thống, các Ủy ban xét giải Nobel cho tới phút cuối cùng vẫn không tiết lộ tí gì về các ứng cử viên đã được lọt vào vòng chung kết cũng như về những người đã đề cử họ.

Người đầu tiên được nhận giải Nobel y học năm 1901 là nhà sinh lý học người Đức Emil Adolf von Behring (1854-1917), một bác sĩ rất nổi tiếng nhờ khám phá ra kháng độc tố bệnh bạch hầu và những đóng góp trong nghiên cứu về khả năng miễn dịch.

Công trình mang lại cho ông giải Nobel y học là liệu pháp vaccin chống bệnh bạch hầu (làm chung với Emile Roux) và bệnh uốn ván. Nhờ có ông mà bệnh bạch hầu đã thôi trở thành tai họa chết người đối với nhân loại, đặc biệt là trẻ em… Tại Hội nghị quốc tế về bệnh lao năm 1905, chính Behring công bố, ông đã khám phá ra "một chất xuất ra từ vi khuẩn lao".

Ông gọi chất này là "T C"; nó đóng vai trò quan trọng trong tác động miễn nhiễm ở "vaccin bò" (bovivaccine) của ông, ngăn ngừa bệnh lao ở trâu bò. Behring qua đời tại Marbur, Hessen-Nassau ngày 31/3/1917. Tấm huy chương giải Nobel của ông hiện được trưng bày trong Viện bảo tàng Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Genève, Thụy Sĩ.

TS Robert Edwar và những đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong giai đoạn đầu, Ủy ban Nobel của Học viện Karolinska quan tâm hơn cả tới những phát minh liên quan tới những căn bệnh cụ thể, những sáng chế dược phẩm, phương pháp chữa bệnh và chẩn đoán. Chính vì thế nên năm 1902, giải Nobel y học đã được trao cho nhà khoa học người Anh Ronald Ross (1857-1932) với những nghiên cứu về bệnh sốt rét, còn năm 1905, trao cho nhà khoa học người Đức Robert Koch (1843-1910) với nghiên cứu về bệnh lao.

Năm 1923, nhà khoa học người Canada, Frederick Banting (1891-1841) cùng nhà sinh lý học người Scotland, John Macleod (1876-1935) nhận giải Nobel y học với khám phá ra insulin dùng để điều trị bệnh tiểu đường. Năm 1924, nhà sinh lý học người Hà Lan Willem Einthoven (1860-1927) đã được trao giải Nobel y học với tư cách người sáng lập ra điện tâm đồ (ECG) trước đó 21 năm….

Từ nửa sau của thế kỷ XX, Ủy ban Nobel của Học viện Karolinska lại quan tâm hơn tới các công trình nghiên cứu lý thuyết. Trong thập niên gần đây, giải Nobel y học hay được trao cho các nhà nghiên cứu về gien và các nhà sinh học phân tử. Năm 2009, giải Nobel y học đã được trao cho nhóm ba nhà khoa học Mỹ là Elizabett Blackburn, Carol Greider và  Jack Szostak vì những nghiên cứu liên quan tới ung thư và quá trình lão hóa…

Giải Nobel y học đã không được trao trong những năm 1915, 1916, 1917, 1918, 1921, 1925, 1940-1943.

Nhiều khả năng lựa chọn

7 năm trước, website cá độ Anh Ladbrokes bắt đầu tiếp nhận đặt cửa cho những người sẽ được nhận giải Nobel và đã nhiều lần đoán đúng, nhưng riêng về giải Nobel y học thì dường như chưa ai ăn nên làm ra nhờ cá cược.

Năm nay, nhiều tờ báo và tạp chí đã đưa ra những dự đoán riêng của họ về người sẽ được nhận giải Nobel y học. Bình luận viên khoa học của tờ báo trung ương của Thụy Điển Dagens Nyheter, Karin Boys, đã mấy lần đoán đúng người sẽ được nhận giải Nobel trước giờ công bố chính thức nên đã làm nảy sinh nghi ngờ rằng thông tin có thể đã bị lọt ra ngoài.

Năm 2009, chính Karin Boys đã dự đoán chính xác trăm phần trăm về việc giải Nobel y học sẽ lọt vào tay nhóm ba nhà khoa học Mỹ là Elizabett Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak. Năm nay, Boys đã dự đoán rằng giải Nobel y học sẽ được trao cho tác giả của một trong số ba phát minh.

Thứ nhất, đó là phương pháp chế tạo tế bào thân từ những tế bào bình thường trong cơ thể do nhà khoa học người Nhật  Shinya Yamanaka tìm ra. Tiền bối của nhà bác học người Nhật là các bác sĩ người Canada, Ernest McCulloch và James Till, hơn 40 năm trước đây đã phát hiện ra những dạng thức đầu tiên của các tế bào thân, và Sir. John Gordon, người từng nhân bản ếch.

Thứ hai, đó là phát minh những hormon thụ quan hạt nhân do nhà khoa học người Pháp Pierre Chambon và hai nhà khoa học Mỹ là Ronald Evans và Elwood Jensen thực hiện, Thứ ba, phát minh các nơron "gương" do nhà khoa học Italia, Giacomo Rizzolatti và có thể là cùng với nữ khoa học gia Riitta Hari của Phần Lan thực hiện.

Một số chuyên gia khác lại đưa ra những dự đoán khác. Theo họ, giải thưởng Nobel y học năm nay có thể  được trao cho: hai nhà khoa học Mỹ Douglas Coleman và Jeffrey Friedman, những người đã tìm ra hormon mỡ leptin; nhà hóa sinh người Nhật Akiro Endo, người đã phát hiện những đại lý vi sinh vật có khả năng phong tỏa các sinh tổng hợp cholesterol hay nhà khoa học Mỹ Robert Roeder, người từng nghiên cứu về các enzyme (chất xúc tác có thành phần cơ bản là protein) can dự vào quá trình tổng hợp ARN (một trong hai loại axít nucleic, là cơ sở di truyền ở cấp độ phân tử)…

Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, sự lựa chọn của Ủy ban Nobel ở Học viện Karolinska năm nay lại khác với các dự đoán. Và giải Nobel y học 2010 cùng số tiền trị giá 10 triệu crown (tiền Thụy Điển, tương đương 1,5 triệu USD) và một huy chương vàng đã được dành cho nhà sinh lý học người Anh Robert Edwards, tác giả của phác đồ điều trị IVF - thụ tinh ống nghiệm.

Vinh quang không bao giờ muộn

Nhà sinh lý học người Anh Robert Edwards năm nay 85 tuổi: ông sinh ngày 7/9/1925 tại Manchester. Sau khi tốt nghiệp trung học, Edwards đã gia nhập quân đội Anh và từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sau khi phục viên, Edwards vào học ở Trường Đại học cổ kính Bangor (ở Bắc Wales) rồi ở Trường Đại học Tổng hợp Edinburgh.

Năm 1955, ông nhận được bằng tiến sĩ triết học nhờ luận án viết về quá trình phát triển phôi của chuột. Từ năm 1958, Edwards vào làm tại Viện Nghiên cứu y học ở London, nơi ông sớm nhận thấy quá trình thụ tinh bên ngoài cơ thể có thể đưa ra khả năng chữa trị bệnh vô sinh.

Cũng vì thế, ngay từ đó, ông đã bắt tay vào nghiên cứu quá trình cho phép các tế bào trứng được thụ tinh bên ngoài cơ thể rồi sau đó được cấy vào tử cung. Năm 1963, Edwards chuyển sang làm việc tại Đại học Cambridge. Năm 1968, Edwards đã thụ tinh được trứng người trong điều kiện phòng thí nghiệm. Và ông đã hoàn thiện công nghệ này cùng người đồng nghiệp Patrick Christopher Steptoe (1913-1988). 

Cần phải nói rằng, các nhà khoa học đã phải làm việc trong những điều kiện khá khó khăn: thiếu kinh phí, thiếu sự ủng hộ của dư luận và chính quyền, trong sự hoài nghi của đa số các đồng nghiệp. Tuy nhiên, họ đã vượt qua mọi trở ngại để đi đến đích.

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mà Edwards là tác giả đã dẫn đến việc ra đời đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm Louise Joy Brown ngày 27/7/1978 tại bệnh viện hoàng gia Oldham.

Theo đánh giá của Ủy ban Nobel, với phát minh của mình, ông Edwards đã giúp đỡ 10% các cặp vợ chồng hiếm muộn trên thế giới chữa bệnh vô sinh. Ủy ban Nobel cũng gọi công trình của ông Edwards là một dấu mốc quan trọng trong y học hiện đại.

Cũng theo Ủy ban Nobel, trên thế giới hiện nay đã có tới 4 triệu em bé đã ra đời thông qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là phương pháp hiệu quả và an toàn, phù hợp với các quy chuẩn đạo đức. Những trẻ em sinh ra do phương pháp này khỏe mạnh như trẻ em bình thường.

Trước khi nhận giải Nobel y học năm nay, TS Edwards năm 2001 từng được nhận giải thưởng danh giá Lasker của Mỹ trong lĩnh vực y học cũng nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Năm 2007, ông được xếp ở vị trí 26 trong danh sách 100 thiên tài vĩ đại nhất còn sống do tờ Daily Telegraph lập ra…

Đúng ở thời điểm Ủy ban Nobel công bố giải dành cho y học, người được nhận giải là ông Edwards lại đang bị ốm. Niềm vinh quang tới lúc tuổi đã ngoại bát thập có thể làm cho ông cảm thấy khỏe hơn đôi chút

Mở đầu tuần lễ Nobel thứ 109 ngày thứ hai 4/10/2010 tại Thụy Điển là giải thưởng dành cho y học. Trái với nhiều dự đoán trước đó, năm nay người được nhận giải Nobel y học là nhà sinh lý học người Anh Robert Edwards, người từng thiết kế ra phác đồ điều trị IVF - thụ tinh ống nghiệm.

Trần Thanh Tịnh
.
.