Richard Sư tử tâm: Quân vương tầm thường, tướng quân huyền thoại

Chủ Nhật, 19/04/2020, 22:33
Một trong những vị vua nổi tiếng nhất suốt cả chiều dài lịch sử nước Anh - Richard I Sư tử tâm (Richard the Lionheart, hay Richard Coeur de Lion trong tiếng Pháp) đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mẹ mình…

Đó là ngày 6/4/1199. Một trong những vị vua nổi tiếng nhất suốt cả chiều dài lịch sử nước Anh - Richard I Sư tử tâm (Richard the Lionheart, hay Richard Coeur de Lion trong tiếng Pháp), người có lẽ chỉ chịu kém vua Arthur của các hiệp sĩ Bàn tròn về tính thần thoại - trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mẹ mình…

Cái chết như định mệnh

Theo một số ghi chép, cái chét đến với Richard Sư tử tâm có những chi tiết cứ như được định mệnh sắp đặt, để hoàn tất trọn vẹn một cuộc đời chiến chinh phóng khoáng của con người kỳ lạ ấy.

Chiều 25/3/1199, Richard đi tuần sát bên ngoài tường thành lâu đài Chalus ở Pháp, nơi đang bị ông cùng các binh sĩ bao vây và tấn công. Ông không thèm mặc áo giáp mặc dù trên thành vẫn luôn có tên bắn xuống. Ông thậm chí còn cổ vũ những nỗ lực đó. Và như được tiếp thêm sức mạnh, một mũi tên đã găm vào vai trái ông, chỗ gần cổ.

Vết thương, do bị chăm sóc y tế quá bất cẩn, nhanh chóng dẫn đến hoại tử. Khi thành bị phá, kẻ bắn mũi tên đó được áp giải đến gặp Richard. Đó là một cậu bé, một đứa trẻ vị thành niên. Cậu nói rằng cậu muốn giết Richard Sư tử tâm, để trả thù cho cha và anh cậu.

Richard, thật ngạc nhiên, vẫn rộng lượng ở chặng cuối cùng đó của cuộc đời. Ông truyền thả cậu ra, ban cho cậu 100 shilling và nói: "Sống tiếp đi, và hãy tận hưởng ánh nắng ban mai dưới ân huệ của ta". Rồi ông tập trung lo hậu sự cho chính mình.

Tuy nhiên, câu chuyện đầy lay động này không được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử "nghiêm túc" hiện đại đưa vào sách của mình như một sự kiện đáng tin. Họ, mặc dù đồng ý rằng Richard I đã mất mạng một cách "lãng xẹt" bởi sự khinh suất, như cách mà Walter Scott phác thảo trong danh tác Ivanhoe, không nhắc gì đến chú bé vô danh kia. Đối với họ, đó cũng chỉ là một giai thoại truyền kỳ vốn đã luôn gắn chặt với tên tuổi của Richard Sư tử tâm, dù là bởi Walter Scott hay những câu chuyện dân gian về chúa tể lục lâm Robin Hood.

Điều giới nghiên cứu muốn xác quyết chỉ đơn giản: Richard Sư tử tâm đúng là một tính cách như thế. Một chiến binh, một vị tướng rạng rỡ, và trên thực tế, là một bậc quân vương không buồn để tâm đến chuyện trị quốc.

Chuyện đó, em trai ông - hoàng tử John xấu xa, sau này vua John - giỏi hơn ông rất nhiều.

Richard Sư tử tâm - vị vua tồi của nước Anh .

Màu đen khủng bố

Vị "Hắc lãn hiệp sĩ" "Bị xiềng xích" trong Ivanhoe đó, thực tế, đã chọn tạo lập vinh quang của mình như vậy ngay từ trước khi lên ngôi. Đằng sau những hào quang, cuộc đời ông còn là cả vô vàn những khoảng hắc ám.

Cùng với hai người anh em Henry the Young King và Geoffrey, Richard (được vua Pháp phong quận công xứ Aquitaine) nổi dậy chống lại chính cha của mình - Vua Henry đệ nhị của Anh quốc. Cuộc nổi loạn bị dẹp tan nhanh chóng. 

Ba anh em bị vua Pháp Loius VII bỏ rơi, và phải trở về xin cha tha tội. Họ phải cố gắng chuộc lỗi, bằng cách giúp Henry II tiếp tục bình định các cuộc nổi loạn ở Bretagne, Aquitaine hay Anjou.

Và rồi, Richard lại buộc phải chống lại cha mình lần thứ hai. Henry II muốn Richard thần phục Henry the Young King (con trưởng của Henry II), nhưng Richard từ chối. Henry II cũng muốn Richard nhượng lại xứ Aquitaine cho John, và đương nhiên là Richard không chấp nhận. 

Henry "trẻ" và Geoffrey (lúc đó đã là quận công Bretagne) xua quân đánh sang Aquitaine, nhưng bị Richard đánh bại.  Năm 1183, Henry "trẻ" chết sớm. Không còn ai ngăn cản Richard thừa kế ngôi vua Anh quốc nữa, đặc biệt là sau khi liên quân của Richard với Vua Philip II Auguste nước Pháp đánh bại Henry tại trận Ballans năm 1189. Người ta còn kể rằng, xác Henry II rỉ máu mũi sau khi ông qua đời - dấu hiệu của chuyện bị đầu độc.   

Chống cha, đánh anh, ức hiếp em, liên kết với ngoại bang, chấp nhận thần phục nước Pháp để vừa là vua Anh, vừa vẫn là công tước cai trị các xứ Aquitaine - Normandy, đồng thời là Bá tước Anjou ở bên kia eo biển Manche, sự rộng lượng và lòng bao dung hay tính quang minh và lòng chính trực của Richard Sư tử tâm trong thực tế có lẽ cần đặt lại nhiều câu hỏi.

Không chỉ vậy, ông còn thực sự là một lãnh chúa tàn bạo. Ngày đăng quang ở Anh, ông khởi đầu một cuộc tàn sát và cướp bóc của người Do Thái, đến độ Tổng giám mục Cantebury (địa phận Luân Đôn) đương thời phải nhận xét với nhiều ý vị: "Nếu nhà vua không phải người của Chúa, thì tốt hơn nên là người của quỷ Satan). Tình trạng khủng bố này chỉ chấm dứt khi Richard cảm thấy phải vãn hồi trật tự, để yên tâm lên đường tham gia cuộc Thập tự chinh thứ ba.

Trong cả quãng đời trai trẻ này, bên cạnh việc luôn thể hiện được lòng dũng cảm và tài năng quân sự kiệt xuất, Richard Sư tử tâm cũng có một thói quen ít được nhắc đến: Hành quyết tất cả các tù binh.

Richard tại trận Ascalon trong tranh cổ.

Mặc kệ nước Anh

Một cách ngắn gọn để đánh giá về hành trạng cả đời của Richard Sư tử tâm, chúng ta có thể trích dẫn nhận xét của nhà sử học William Stubbs trong cuốn The Constitutional History of England: "Ông là một vị vua tồi. Những chiến công lớn nhất của ông, tài năng quân sự của ông, sự huy hoàng và ngông cuồng của ông, phong cách thơ ca của ông, tinh thần phiêu lưu của ông không che giấu được việc ông không hề cảm thông hay thậm chí quan tâm tới nhân dân. 

Ông không phải là người Anh nhưng không thể vì vậy mà ông trao cho Normandy, Anjou hay Aquitaine tình thương mà ông không dành cho vương quốc của mình. Tham vọng của ông chỉ là tham vọng của một chiến binh tầm thường: ông sẽ chiến đấu cho bất kì điều gì nhưng lại sẵn sàng bán đi những thứ đáng để đấu tranh. Thứ mà ông tìm kiếm là hào quang của chiến thắng, hơn là sự khuất phục".

Quả vậy. Suốt thời gian làm vua nước Anh, Richard chỉ ở Anh tổng cộng khoảng sáu tháng. Việc bộ máy hành chính nước Anh vẫn có thể vận hành hiệu quả, để vừa quản lý xã hội vừa góp tiền cung cấp chiến phí cũng như chuộc thân cho ông, là công của Hoàng tử - Hoàng đệ John.

Ông chú tâm hơn đến các vùng lãnh thổ ở Pháp, nơi tổ tiên của ông - những người Viking Bắc Âu đến lập nghiệp tại các cửa sông Sein hay sông Loire - chiếm lĩnh và tạo nên cái tên Normandy, trước khi quận công Willam Bách Thắc từ đó vượt eo biển Manche chinh phục Anh quốc từ tay người Saxon.

Ông kết đồng minh thân cận với vua Pháp Phillip Auguste - một bậc quân vương quỷ quyệt, và chấp nhận rằng dù đã là vua Anh, ông vẫn chỉ là thần tử của triều đình Pháp dưới danh nghĩa quận công Aquitaine. Rồi ông bị Philip lừa giam cầm, khi vừa trở về từ Đất Thánh, nơi ông lập nên những chiến công hiển hách.

Ông chiếm đóng Sicilia, ông chinh phục đảo Chypre, ông chiến đấu ngang sức ngang tài với Saladin huyền thoại bên phía Hồi giáo, ông coi rẻ cả hoàng đế Tây La Mã (Đế chế La Mã thần thánh của người Germany) lẫn hoàng đế Đông La Mã (Byzance). Nhưng, ông sa cơ và mất mạng theo cách không hề xứng tầm với danh tiếng của mình.

Và nước Anh  thời ông làm vua là một nước Anh rên xiết dưới sưu cao thuế nặng, còn các lãnh thổ ở Pháp không ngớt những cuộc nổi dậy.

Câu chuyện về lòng nhân từ dành cho kẻ bắn mũi tên đoạt mạng mình, cũng như những vầng hào quang huyền thoại gắn liền với cái tên Richard Sư tử tâm ấy, có lẽ nào chỉ là những nỗ lực "tẩy trắng" cho một bạo quân?

* Richard Sư tử tâm có một người con trai - Phillip de Cognac, nhưng không có di chiếu truyền ngôi. Quyền kế vị ngai vàng nước Anh được chuyển cho John, người thực tế cai trị và quản lý nước Anh suốt những năm tháng dài Richard dấn thân vào các cuộc viễn chinh. John, sau khi lên ngôi, cũng chính là người tạo nên bản Đại hiến chương Magna Carta nổi tiếng - văn bản có thể xem là nền móng của hình thái quân chủ lập hiến.

* Châteaux Gaillard là tòa lâu đài yêu thích nhất của Richard. Ông đã ra lệnh xây dựng nó tại vùng Normandy - quê cha đất tổ - ở nước Pháp, với chi phí khoảng xấp xỉ 20.000 bảng Anh (gấp đôi các lâu đài tại Anh). Châteaux Gaillard được hoàn tất chỉ trong 2 năm, và được nhà nghiên cứu quân sự thế giới Charles Oman đánh giá: "Château Gaillard được xem là kiệt tác của thời đại. Danh tiếng của người xây nên nó, Richard Lionheart, với tư cách là một kỹ sư quân sự vĩ đại sẽ đứng vững trên công trình này. Ông không chỉ đơn thuần là kẻ sao chép các mẫu kiến trúc mà ông đã thấy ở miền Đông, mà đã thể hiện nhiều chi tiết độc đáo trong sự sáng tạo của chính ông vào lâu đài ấy".

Đông Quân
.
.