Olympic: Phút khải hoàn của những kẻ thua

Thứ Hai, 03/08/2020, 21:05
Cũng là một nghịch lý, khi mà hàng thiên niên kỷ trước, người ta tin rằng để kết thúc dịch bệnh thì con người không được hoãn những cuộc thi tài của Thế vận hội Olympic vì nó là biểu hiện của sự thờ kính thần linh. Còn trong thế giới ngày nay, vì dịch bệnh, Olympic Tokyo 2020 đã chính thức bị hoãn 1 năm.

Có rất nhiều truyền thuyết về tại sao Thế Vận Hội Olympic ra đời, nhưng có lẽ truyền thuyết kịch tính và kỳ lạ nhất, là về người anh hùng Pelops trong thần thoại Hy Lạp, người con trai từng bị Tantalus cắt thành nhiều mảnh đem nấu tiệc cho các vị thần hòng thử xem có thật họ biết tất tật chuyện trong thiên hạ. Về sau, Pelos được hồi sinh, được thần biển Poseidon dạy dỗ, còn cha chàng bị đày xuống địa ngục.

Cùng lúc đó, vị vua Oenomaus, con trai thần chiến tranh Aries, nhận được lời sấm rằng, ông sẽ bị con rể giết chết. Để tránh khỏi số phận của mình, Oenomaus lập ra sắc lệnh, bất cứ kẻ nào muốn cưới con gái ông, kẻ đó phải đưa nàng chạy trốn bằng một chiếc xe ngựa chiến, Oenomaus sẽ đuổi theo sau bằng chiếc xe ngựa chiến cực nhanh mà ông được Poseidon tặng, và nếu ông bắt kịp kẻ đó, y phải chịu bị ông đâm chết. 

Nhưng số phận là số phận, nó luôn có những phương cách để len lỏi vào cuộc đời ta bất chấp ta kháng cự ra sao. Pelos đến cầu thân, và cô con gái của Oenomaus đã cầu xin người đánh xe của cha mình thay những cái chốt bằng đồng trong bánh xe thành những cái chốt bằng sáp. Khi Oenomaus đuổi theo Pelos, sáp chảy ra, cỗ xe tan tành, còn nhà vua ngã khỏi xe và không toàn mạng sống. 

Kể từ đó, Pelos lấy công chúa, lên làm vua, và tổ chức những cuộc đua như cảm ơn các vị thần và như một nghi lễ tưởng nhớ vua Oenomaus. Đây là xuất phát điểm của Thế vận hội Olympic.

Người ta có thể nói, Olympic đã bắt đầu bằng một vụ án giết cha, nhưng mọi vụ án giết cha trong thần thoại đều chung một thông điệp khác. Olympic đã bắt đầu vì Oenomaus muốn chống lại số phận, song chính trong nỗ lực chống lại, ông lại tự đẩy mình vào cái bẫy mà số phận đã giăng ra. Con người không thể vượt qua số phận của mình.

Con người không thể vượt qua số phận của mình và thứ duy nhất ta có thể vượt qua là chính mình.

Poster phim “Tokyo Olympiad”, phim được thực hiện công phu với đội ngũ hơn 500 người và hơn 140 máy quay.

Khi Olympic Tokyo 2020 được tuyên bố hoãn sang năm sau, rất nhiều người đã tìm lại bộ phim tài liệu “Tokyo Olympiad” của Kon Ichikawa về Olympic của hơn 50 năm trước, cũng tại Tokyo, Thế vận hội mùa hè năm 1964, một thế vận hội vô cùng đặc biệt, khi mà Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao, với việc bức tường Berlin được xây lên vào năm 1961 và đến năm 1962 thì khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra - thời khắc thế giới đến gần nhất với một cuộc chiến tranh hạt nhân. Còn Nhật Bản, nơi đăng cai, vừa phục hưng sau thất bại ở Thế chiến II - cuộc chiến mà họ đã liên minh với kẻ thù của nhân loại, Adolf Hitler.

Mỗi mùa Olympic đều có một bộ phim chính thức do Ủy ban Olympic Quốc tế tài trợ. Thế nhưng trong số hàng chục bộ phim đã làm, “Tokyo Olympiad” được xếp vào loại đặc biệt, nó thậm chí được xếp trong danh sách 1001 bộ phim phải xem trước khi chết, không chỉ bởi những khung hình đẹp tuyệt vời mà Kon Ichikawa đã bắt lấy, mà hơn thế, bởi nó nhắc cho ta nhớ, Olympic ra đời là vì cái gì.

Ban đầu, người được chỉ định làm đạo diễn cho “Tokyo Olympiad” là Akira Kurosawa, nhà làm phim Nhật Bản nổi tiếng nhất, người được giới Hollywood kính ngưỡng và say mê. Nhưng cuối cùng, Kon Ichikawa - nhà làm phim được biết đến với các tác phẩm đào sâu vào những vũng tối của tâm tưởng, lại được lựa chọn, và Kon đã làm ra một kiệt tác, dù như mọi kiệt tác trên thế gian, nó có một số phận không phẳng lặng.

Khi bộ phim ra mắt, chính phủ Nhật Bản đã chỉ trích bộ phim thậm tệ. Không ghi lại được đầy đủ các sự kiện thể thao. Quá ít phân đoạn về các vận động viên Nhật Bản. Quá khó hiểu. Cảnh Nhật hoàng Hirohito vẫy tay và vẫy mũ thiếu đi sự trang trọng. Quá dài và tốn quá nhiều thời lượng vào việc ghi lại những vận động viên vô danh. 

Từ bản phim đầy đủ dài 170 phút, Kon Ichikawa bị bắt phải cắt lại thành bản phim 93 phút đáp ứng các tiêu chí của Ủy ban Olympic Nhật Bản. Kon Ichikawa vẫn sửa đổi cho bản trình chiếu ở Mỹ, nhưng vẫn không cho rằng ông đã sai. 

Ông tranh luận rằng, những chỉ trích kia thuộc vấn đề chính trị, còn bộ phim của ông, nó ghi lại câu chuyện của việc làm người. Những chính trị gia muốn nhồi nhét chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi vào bộ phim, nhưng tinh thần Olympic là chủ nghĩa quốc tế. 

Người Nhật muốn nhân cơ hội này để ngợi ca, quảng bá hình ảnh đất nước (đây cũng là mục đích chính của phần lớn các quốc gia khi đăng cai, chứ chẳng vì hòa bình nào cả, Olympic thời hiện đại đã méo mó nhiều so với thời cổ đại), nhưng thật không may họ lại vớ phải một đạo diễn không có tinh thần dân tộc lắm.

Trung tâm của những chỉ trích chĩa vào một phân cảnh phim dài tám phút mô tả một vận động viên marathon không ai biết đến của Cộng hòa Chad, một đất nước mà ngay đến đại chúng cũng ít biết nằm ở Trung Phi. 

Anh không chiến thắng, anh không đoạt huy chương, lại còn không phải vận động viên chủ nhà, nhưng ống kính vẫn đưa anh vào trung tâm câu chuyện. 

Bởi xét cho cùng, huy chương thuộc về số ít, và Olympic không được tạo nên bởi chỉ những người giành vòng nguyệt quế vinh quang, Olympic được tạo nên bởi hàng ngàn người thất bại không ai biết tới, những người về đích chót cùng trong những cuộc đua, những người còn không đủ sức để vượt qua cuộc đua, những người đến vạch đích liền lảo đảo ngã ra, đau đớn không phải vì mình đã thua, mà đau đớn vì đôi bàn chân rớm máu. 

Nhưng đó mới là tinh thần Hy Lạp, như hoàng tử Hektor có thế chết dưới tay Achilleus trong cuộc chiến thành Troy, cái xác của anh có thể bị Achilleus hạ nhục, nhưng anh vẫn là một chiến binh vĩ đại.

Vẻ đẹp của con người thăng hoa tại Olympic - một cảnh trong phim.

“Kẻ thắng là kẻ mạnh”, điều đó đúng, nhưng trong “Tokyo Olympiad”, sự mạnh mẽ là một phẩm chất, nhưng không phải thứ bắt buộc để con người là một con người. 

Con người có thể dẻo dai, diễm lệ với những tư thế hoàn mỹ, vượt khỏi giới hạn thông thường như những vận động viên thể dục dụng cụ của Liên Xô, con người có thể xô đổ hàng loạt kỷ lục như những vận động viên điền kinh, bơi lội của Mỹ, nhưng con người cũng có thể mệt nhoài, đứng thở không ra hơi và gương mặt xị xuống chán chường như một vận động viên chạy đường dài không ai biết. 64 người chạy thi marathon, 10 người bỏ cuộc, và trải nghiệm của 10 người đó không thấp kém hơn so với những người đã hoàn thành nhiệm vụ. Tôn vinh con người là tôn vinh cả sự kém cỏi của con người.

Điều tuyệt vời nhất của một cuộc đấu thể thao, nói cho cùng, là bất chấp thế giới đang lộn tùng phèo ngoài kia, những vận động viên vẫn có thể, trong một vài giây, hay một vài giờ, một vài ngày, một vài tuần, sống trong tất cả những cung bậc hạnh phúc và đau khổ theo nghĩa thuần khiết nhất, vô nghĩa nhất. 

Bởi tự họ biết rằng, thể thao sẽ không thay đổi gì trật tự thế giới này, Olympic càng không, một thế vận hội 4 năm diễn ra một lần không thể khiến thế giới tốt đẹp hơn, nhưng nó cho ta khoảnh khắc được sống vì những điều phù du, được gác bỏ cái gánh nặng rằng ta đang mang vận mệnh của cả thế giới này trên lưng.

“Kon Ichikawa” không ảo tưởng về giá trị của Olympic. Một nhà làm phim đã từng làm về một binh nhì thời Thế chiến đóng giả làm một nhà sư để không bị quân thù phát hiện, rồi anh bước vào một cuộc hành hương đi tìm những người đồng đội song cuối cùng anh chỉ tìm thấy rất nhiều xác lính, và cùng với đó, sự giác ngộ (bộ phim kinh điển “Cây đàn hạc Miến Điện”), thì hẳn đã quá nhẵn mặt với sự khốc liệt, sự tàn ác, sự phi nhân của thế giới. 

Ngay cả Thế vận hội, nơi mọi quốc gia đều bình đẳng, nơi những cuộc tương tàn bị bỏ sang một bên, chỉ còn lại đây cuộc thi đấu công bằng xem ai “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”, ngay cả nơi ấy cũng không hoàn toàn bình đẳng.

Đoạn đầu phim về buổi lễ khai mạc sự kiện, trong khi có những cường quốc như Mỹ, Liên Xô với hàng trăm vận động viên như những đoàn quân dũng mãnh, thì cũng có những quốc gia nghèo ở châu Phi như Nigeria chỉ vỏn vẹn hai người tham dự. “Kon Ichikawa” không cần phải nói gì, bởi tự những hình ảnh đã nói lên rất nhiều điều về Olympic - nơi những người Mỹ hầu như luôn là người chiến thắng, người áp đảo. Huy chương vàng thích xướng tên người Mỹ.

Nhưng bất chấp điều đó, mỗi khi tua lại thước phim về một lực sĩ đẩy tạ dứ dứ chiếc tạ hàng phút đồng hồ như đang làm phép hay đang yểm bùa may mắn cho chiếc tạ sắp quăng đi, cái cách mà cả thế giới của anh ta trong giây phút đó thu bé lại chỉ còn chiếc tạ cầm trên tay, như thể không còn gì quan trọng hơn nó, nhưng rồi anh sẽ thua, khiến ta đột ngột xúc động khi cảm thấy rằng, con người có thể không chiến thắng được số phận và sẽ mãi mãi bị nhốt trong một thế giới vốn dĩ bất công và sẽ luôn bất công, nhưng vẫn còn đó những khoảnh khắc con người được quyền làm những điều tuy chẳng có ý nghĩa gì với lịch sử, nhưng vì ta yêu điều đó. Và chỉ cần như thế, trải nghiệm làm người đã là một trải nghiệm vô song. 

Hiền Trang
.
.