Ô nhiễm không khí: Sát thủ vô hình

Thứ Hai, 31/10/2016, 16:45
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa qua đã công bố một báo cáo mới, trong đó cảnh báo rằng mức độ ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố lớn đang "đe dọa" sinh mạng của hàng triệu người dân.

Theo WHO, mức độ ô nhiễm ở hàng trăm khu vực đô thị đang trở nên nghiêm trọng hơn kể từ năm 2014, làm gia tăng gánh nặng cho các dịch vụ y tế và khiến thế giới phải đối mặt với "tình trạng y tế khẩn cấp" có khả năng sẽ gây thất thoát lớn cho chính phủ các nước. Trước thực trạng trên, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang tìm ra những giải pháp ứng phó với khả năng ứng dụng thực tiễn rất cao.

Thế giới đang… hít bụi

Báo cáo của WHO khẳng định, chất lượng không khí suy giảm đang dần trở thành "sát thủ vô hình", đến mức mà cứ trong 8 người sống ở các thành phố lớn thì chỉ có 1 người được hít thở bầu không khí "đạt chuẩn" hạn chế về mức độ ô nhiễm. Điều này liên quan chặt chẽ tới việc gia tăng dân số, sự bùng nổ của phương tiện giao thông cá nhân và đốt nhiên liệu hóa thạch.

Cụ thể, dữ liệu mới nhất cho thấy mức độ ô nhiễm tăng cao tại các vùng tập trung đông dân cư, khiến các vùng này xuất hiện những làn khói bụi độc hại cấu thành từ khói xe cộ, bụi bẩn từ các công trường, khói độc từ các nhà máy điện và việc đốt củi hay than ở các hộ gia đình.

Tình trạng ô nhiễm không khí còn là nhân tố chủ chốt gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang đồng tâm chống lại. Các hoạt động như đốt than đá và dầu diesel đang tạo nên những làn khói độc hại bao phủ nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Chỉ mới vài ngày đầu năm 2016, các dữ liệu báo cáo về chất lượng không khí tại London (Anh) đã cho thấy ô nhiễm ở đây vượt qua vạch giới hạn. Trong khi đó, một vài tuyến đường thuộc nhiều thành phố ở Anh cũng đang hứng chịu làn khói độc hại dày đặc, vượt quá mức cho phép.

Ô nhiễm không khí dường như đang tập trung nhiều ở châu Á. Dữ liệu của WHO cho thấy đỉnh điểm ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố vượt xa rất nhiều mức báo động. New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Với 25 triệu dân, New Delhi đứng đầu danh sách ô nhiễm với trung bình 377 microgam bụi mỗi mét khối khí. Trong khi đó, giới hạn an toàn cho phép tại châu Âu chỉ là 25 microgam trên 1 mét khối. Bắc Kinh cũng đang phải hứng chịu "cơn bão" ô nhiễm không khí kinh hoàng khi sương mù ở đây có thể được nhìn thấy từ ngoài vũ trụ, cùng mức độ ô nhiễm lên tới 291 microgam bụi mỗi mét khối.

Hơn 21.000 cây xanh được trồng trên tòa tháp đôi Bosco Verticale góp phần làm trong lành không khí.

Theo một nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature (Anh), ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến số người chết tăng dần theo mỗi năm, thậm chí còn vượt qua cả tổng số nạn nhân của đại dịch HIV và bệnh sốt rét cộng lại.

Ở nhiều quốc gia, số người chết do ô nhiễm không khí gấp 10 lần số người chết do tai nạn giao thông. Tình trạng ô nhiễm nặng nề trên toàn cầu hiện nay là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ con người, gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính, bệnh tim, các bệnh liên quan tới hệ hô hấp và thậm chí là ung thư.

WHO ước tính, hiện nay có khoảng hàng triệu trẻ em chết hằng năm do ô nhiễm không khí, khoảng 1/3 trong số này chịu các căn bệnh liên quan như đau tim và đột quỵ. Với gần 1,4 triệu cái chết do ô nhiễm mỗi năm, Trung Quốc trở thành quốc gia bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, tiếp đến là Ấn Độ với 645.000 người chết và Pakistan với 110.000 người.

Ở một khía cạnh khác, suy giảm chất lượng không khí sẽ khiến kinh tế các quốc gia bị ảnh hưởng, tiêu tốn một lượng lớn tiền cho y tế cộng đồng, chi phí thuốc men, hoạt động theo dõi và khắc phục tình trạng chất lượng không khí.

WHO dự đoán, châu Âu sẽ phải chi thêm 1.600 nghìn tỷ USD cho hệ thống y tế so với năm 2010. "Chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về y tế công ở nhiều nước do ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề lớn nhất mà cả thế giới đang phải tìm cách khắc phục, gây tổn thất cho nền kinh tế", Maria Neira - giám đốc cơ quan y tế công cộng thuộc WHO -  nhận định.

Người dân được khuyến khích sử dụng xe đạp và các loại hình phương tiện giao thông công cộng để hạn chế tối đa lượng khí thải.

Những giải pháp thông minh

Có thể thấy rằng ô nhiễm không khí đang đặt ra những bài toán khó cho tất cả các quốc gia, yêu cầu chính phủ nỗ lực hành động với các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, giảm ô nhiễm từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đồng thời hạn chế tác động biến đổi khí hậu.

New Delhi (Ấn Độ) phải đưa ra lệnh cấm các loại phương tiện lớn sử dụng dầu diesel có động cơ từ 2.000 cc trở lên và ngừng hoạt động hơn 10.000 xe taxi chạy dầu. Thành phố cũng đã thử nghiệm cấm xe theo số biển đăng ký chẵn lẻ và khuyến khích người dân sử dụng các xe buýt cỡ nhỏ, đồng thời chuyển đổi 6.000 xe buýt hiện có sang sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên.

Tại châu Âu, người dân được khuyến khích sử dụng xe đạp và các loại hình phương tiện giao thông công cộng để hạn chế tối đa lượng khí thải. Thủ đô Paris (Pháp) đã đưa ra lệnh cấm xe tại nhiều điểm du lịch trong trung tâm thành phố vào các ngày cuối tuần và miễn phí hệ thống giao thông công cộng trên toàn thành phố. Xe ô tô cũng đã bị cấm hoàn toàn trên một tuyến đường dọc theo bờ bắc sông Seine và cấm theo tháng trên đại lộ nổi tiếng Champs-Elysees.

Thành phố Freiburg (Đức) có tới hơn 500 km đường dành cho xe đạp, tàu điện và một hệ thống giao thông công cộng tiết kiệm. Vùng ngoại ô Vauban còn cấm người dân đậu xe gần nhà và chủ ô tô phải trả gần 20.000 USD để có một vị trí đỗ xe bên rìa thành phố.

Trong khi đó, Olso (Na Uy) đã đề xuất quy hoạch một khu vực cấm xe ô tô rộng lớn, xây dựng làn đường dành cho xe đạp dài hơn 60km, áp dụng thu phí giờ cao điểm cho người đi xe, và xóa bỏ nhiều điểm đỗ xe. Thành phố có kế hoạch giảm một nửa tình trạng ô nhiễm không khí vào năm 2020.

Tại Phần Lan, Helsinki lên kế hoạch giảm phần lớn số lượng ô tô hoạt động bằng cách đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông công cộng, tăng phí đỗ xe, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp hay đi bộ, biến nhiều tuyến đường trong nội đô thành khu vực đi bộ.

Hạn chế khí bẩn phát tán ra môi trường được xem là giải pháp hàng đầu để chống ô nhiễm. Do vậy, nhiều thành phố bị ảnh hưởng nặng nề đang chuyển sang các giải pháp chống ô nhiễm công nghệ cao.

Một nhóm sinh viên của Đại học California Riverside (Mỹ) đã phát triển ý tưởng mái ngói hấp thụ chất gây ô nhiễm. Đó là những tấm ngói được phủ một lớp titan dioxide (TiO2) có tác dụng oxy hóa các chất gây ô nhiễm không khí dưới ánh sáng mặt trời và biến chúng thành những chất vô hại.

Ý tưởng mái ngói hay mặt đường được phủ titan dioxide (TiO2) giúp cắt giảm nồng độ khói bụi trong không khí.

Trước đó, một nhóm các nhà khoa học Hà Lan đã thử nghiệm giải pháp tương tự đối với mặt đường. Mặt đường được phủ một lớp quang xúc tác đã giúp cắt giảm khoảng một nửa nồng độ khói bụi trong không khí. Việc sử dụng titan dioxide trên đường phố để giảm ô nhiễm không khí là một phương pháp có vẻ rất hiệu quả ngay cả trong thời gian rất ngắn.

Tương tự, tại Mexico, Bệnh viện Manuel Gea González đã trình làng tòa nhà "hút khói", tọa lạc trên một diện tích rộng 2.500 m2. Tòa nhà được phủ sơn titan dioxide có khả năng phản ứng với ánh sáng để trung hòa các tác nhân gây ô nhiễm không khí. Theo các nhà thiết kế, tòa nhà này có thể vô hiệu hóa lượng khói do 1.000 chiếc xe hơi thải ra mỗi ngày.

Còn với Thụy Sĩ, các nhà nghiên cứu đã tạo nên một cây cầu vượt có khả năng làm sạch không khí, biến khói bụi từ xe cộ thành nguyên liệu cho quá trình quang hợp của các loài sinh vật quang tự dưỡng. Nhóm thiết kế đã "trồng" một vườn tảo trong các ống trong suốt được gắn vào mặt bên của cầu vượt cao tốc Geneva. Điều đặc biệt là loài tảo này có khả năng hấp thụ khí thải carbon từ các xe chạy qua đây, từ đó giúp môi trường thêm trong lành hơn.

Ở Ý, nhiều giải pháp kiến trúc độc đáo được hiện thực hóa nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị đông dân cư.

Điển hình là tòa tháp đôi Bosco Verticale được xây dựng tại Milan từ năm 2014, bao gồm 113 căn hộ với các khu ban công đều được tận dụng làm vườn trồng cây. Hơn 21.000 cây xanh được trồng trên tòa nhà đã góp phần làm trong lành không khí nơi đây bằng cách hấp thụ khí CO2 dư thừa đồng thời giải phóng khí O2 ra ngoài. Bên cạnh đó, các tán lá cũng giúp phản xạ lại tiếng động cơ, tiếng còi xe, từ đó góp phần làm giảm ô nhiễm tiếng ồn...

Trần Quân
.
.