Nỗi sợ và hy vọng

Thứ Ba, 21/04/2020, 10:09
COVID-19 không chỉ tấn công con người về mặt thể chất mà còn thách thức xã hội về mặt tâm lý, trong thời đại mà chúng ta dường như chọn con đường sợ hãi không chọn lọc, với sự cảnh giác tối đa.

Lịch sử nỗi sợ

Sợ hãi là một trạng thái tâm lý phục vụ việc sinh tồn, để bảo vệ chính chúng ta. Khi phải đối mặt với một mối đe dọa, cơ thể chuẩn bị những thay đổi sinh lý ngay lập tức để đối phó. Nếu bạn nhận ra một mối đe dọa trước khi nó tiếp cận bạn, rõ ràng bạn có nhiều cơ may sống sót.

Con người cổ đại ban đầu không thể kiểm soát phần lớn cuộc sống của họ, và luôn luôn bất an. Bên cạnh những con thú hoang, có rất nhiều nỗi sợ thực ra chẳng hề làm hại họ. Nhật thực có thể gây ra sự kinh hoàng. Sấm sét cũng thật đáng sợ. Mối đe dọa lớn nhất là cái chết, và mặc dù thực tế là mọi người đều phải chết, hàng trăm niềm tin và nghi lễ đã xuất hiện để cố giải thích nó, để kéo dài cuộc sống, mặc dù sống mới là thứ đáng sợ hơn nhiều.
Rồi chúng ta sẽ học được cách điều khiển nỗi sợ, nếu đi kèm nó là hy vọng. Nguồn ảnh: The print.in.

Điều này đã dẫn đến không ít bi kịch quá khứ. Những phiên xử giảo phù thủy ở Bắc Âu và Mỹ vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII đã dẫn đến hậu quả là 40-60 ngàn người bị giết, phần lớn là phụ nữ. Họ bị đổ lỗi cho tất cả mọi thứ, từ bệnh tật đến thất bại mùa màng, từ nạn đói cho đến kinh tế khó khăn.

Ngày nay, chúng ta có khác đi không? Ở vùng cao nguyên New Guinea, các thành viên của một bộ lạc có tên Tifalmin vẫn tin rằng người chết là do một thầy phù thủy giết, và ma thuật chỉ có thể giết một người nếu anh ta ở một mình, nên cách tốt nhất để tránh xa cái chết, họ kết luận, là... không được cô đơn. Ở những nơi được cho là văn minh hơn? Người Mỹ và phương Tây vẫn tránh trèo thang và mèo đen vào thứ Sáu ngày 13.

Một nỗi sợ hãi rất phổ biến nhưng ít được để ý là chứng sợ đi máy bay, chỉ ra bản chất của nỗi lo lắng bị phóng đại khổng lồ trong thời đại của chúng ta: nghiên cứu cho thấy có 25% người từng di chuyển đường hàng không mắc hội chứng này, từ nặng đến nhẹ, trong khi đây là phương tiện hiện có hệ số an toàn cao nhất lịch sử loài người. Nếu như thời cổ đại, sợ hãi giúp con người sống sót, thì bây giờ, đó là một trong những cuộc đấu tranh nội tâm khắc nghiệt nhất chúng ta từng đối mặt.

Triết gia người Na Uy Lars Svendsen đã chỉ ra nghịch lý này trong cuốn sách Một triết lý nỗi sợ hãi (A Philosophy of Fear): sự sợ hãi ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn đúng vào thời điểm mà ở mọi mặt, chúng ta đang sống an toàn hơn bao giờ hết. Nếu không muốn nói là an toàn nhất trong lịch sử ngoài người.

An toàn nhất, cũng là sợ hãi nhất

Chúng ta hiện sống lâu hơn và có nhiều công cụ kéo dài sự sống hơn, với những chỉ số an toàn chi tiết đến chân tơ kẽ tóc, từ du lịch hàng không, xe hơi cho đến thực phẩm và thuốc men. Tuổi thọ và tỉ lệ sống sót sau khi mắc ung thư ngày càng tăng. Ca bại liệt cuối cùng của nước Mỹ là từ năm 1979.

Trong khi dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã ảnh hưởng đến 20% dân số thế giới và dẫn đến 50 triệu ca tử vong, thì hơn 55 ngàn ca tử vong (tính đến thời điểm viết bài này) trong hơn một triệu ca COVID-19 đã tạo ra một nỗi kinh hoàng sâu sắc trên toàn cầu, tàn phá kinh tế và thậm chí có thể định hình lại hành vi của loài người trong tương lai.

Thế nhưng nỗi sợ vẫn tồn tại dù các thống kê nói điều ngược lại, và đấy là hệ quả của một thế giới mà chúng ta có quá nhiều luồng nạp thông tin. Hãy thử xem xét một ví dụ: sau khi cả thế giới mổ xẻ sự kiện ngày 11/9/2001 kỹ càng dưới kính hiển vi trong nhiều năm liền, có cả một thế hệ người Mỹ lớn lên với nỗi sợ khủng bố sâu sắc khắc vào tâm trí.

Vào năm 2015, một cuộc khảo sát của New York Times/CBS News cho thấy 79% số người được hỏi tin rằng một cuộc tấn công khủng bố rất có thể sẽ xảy ra trong vài tháng tới. Có đến 19% cho rằng chủ nghĩa khủng bố là vấn đề đáng lưu tâm nhất của nước Mỹ.

Trên thực tế thì sao? Một nghiên cứu của Viện Cato về nguy cơ những người nhập cư có khả năng trở thành khủng bố cho thấy tỉ lệ một người Mỹ bị sát hại trong một cuộc tấn công khủng bố của người tị nạn là... 1/3,640,000,000 mỗi năm (vâng, bạn không nhầm đâu, là một trên ba nghìn sáu trăm bốn mươi tỷ).

Tổng số người chết vì các hoạt động khủng bố trên đất Mỹ trong 10 năm từ 2005-2015 là 71, tức khoảng bảy người mỗi năm. Cơ hội một người Mỹ tự sát còn lớn hơn 12.222 lần so với việc bị giết trong một cuộc khủng bố.

Rất nhiều nỗi sợ hiện tại của chúng ta nảy sinh từ những gì ta chọn để tin hơn là sự nguy hiểm thực sự. Và nỗi sợ giả tạo này cũng nguy hiểm không kém các mối đe dọa. Sự sợ hãi không đáng có (như sợ vi khuẩn chẳng hạn) có thể dẫn đến các quyết định khiến ta dễ bị tổn thương hơn (việc tránh vi trùng triệt để gián tiếp làm giảm khả năng miễn dịch của chúng ta).

Sân chơi cho trẻ em có đệm lót ngăn những vết trầy ở đầu gối có thể làm giảm khả năng phục hồi từ việc học hỏi, đứng lên khỏi những thất bại và nỗi đau nhỏ. Những nỗi sợ hãi lan rộng trong đám đông có thể dẫn đến hoảng loạn, tạo ra những quyết định tồi tệ, làm xói mòn niềm tin, những giá trị cốt lõi đã kiến tạo nên một cộng đồng.

Và điều trớ trêu là trong khi phần lớn dân số thế giới vẫn đang vật lộn với các tầng thấp nhất của Tháp nhu cầu Maslow, thì các quốc gia giàu có bận rộn dựng lên các rào cản vật lý lẫn tâm lý, và biến những người còn lại trở thành tù nhân thực sự của nỗi sợ hãi.

Triết gia Lars Svendsen, một cách táo bạo hơn, chỉ ra bản chất trần trụi của nỗi sợ hiện đại: "Nỗi sợ không còn đơn thuần là thứ gì đó bị vạch trần là chống lại ý chí của chúng ta, mà còn là điều gì đó chúng ta tự nguyện phơi bày trong một nỗ lực để vượt qua sự nhàm chán hàng ngày của việc tồn tại".

Svendsen lập luận rằng nỗi sợ hiện đại đa số là kết quả của sự nhàm chán, và sự nhàm chán phát sinh từ chính sự... an toàn, thì đấy không phải là sợ hãi thực sự, dù thực tế cho thấy sự sợ hãi kiểu này đã thấm đẫm qua lớp vải văn hóa của chúng ta.

Con người cổ đại chỉ phải nhận thức thế giới thông qua một vài chủ thể: những bí ẩn của mặt trời và mặt trăng, sấm sét, gió, lửa, thú hoang, những loài động thực vật có thể ăn và những thứ có độc, bệnh tật và cái chết.

Con người của thế kỷ XXI có quá nhiều thứ phải giải quyết: vài thập kỷ qua đã chứng kiến sự tăng trưởng cấp số nhân về thông tin lẫn sự đa dạng của các con đường mà thông tin lẫn ý tưởng có thể đi. Để giữ cho tất cả những kích thích này không khiến ta phát điên, cách nhanh nhất là rút gọn quá trình nhận thức lại, bằng sự khái quát và thiên kiến.

Nỗi sợ hãi hiện đại là sản phẩm của hai thái độ này. Khi nói đến nguy hiểm, khái quát là một chiến lược đánh giá hiệu quả. Thay vì tốn thời gian và năng lượng để tìm hiểu đặc điểm của 200 loài rắn, sẽ hiệu quả hơn nếu ta sợ... tất cả các loài rắn.

Tương tự, người Mỹ sợ tất cả những người Hồi giáo, vì niềm tin đánh đồng sai lệch hình ảnh này với khủng bố. Chúng ta phải đi đến nhận thức các mối nguy cơ thật nhanh, và sự khái quát mau mắn này đã giúp nỗi sợ lây lan như ngọn lửa được gió.

Svendsen dùng một ví dụ để cho thấy quan niệm về rủi ro của chúng ta đã bị "bóp méo một cách có hệ thống" như thế nào: "Virus SARS đã làm cả thế giới sợ hãi vào năm 2003, nhưng số người chết vì SARS trên toàn cầu được ước tính là 774. Người ta đã tính toán được rằng sự hoảng loạn do SARS gây ra khiến toàn thế giới mất đi 37 tỷ USD và với số tiền ấy, người ta có thể đã loại trừ được bệnh lao, vốn vẫn đang khiến hàng triệu người chết mỗi năm".

Tất nhiên, đây là một tính toán có phần phi lý: đối với những gia đình đã mất đi người thân vì SARS, số tiền "mất đi" do hoảng loạn là không liên quan, và dưới góc nhìn đạo đức thì làm sao chúng ta có thể lạnh lùng cân nhắc tính toán tổn thất con người với tổn thất tiền tệ?

Xác suất rủi ro thấp, nhưng hậu quả cao

Nhưng ví dụ đó cũng cho thấy phần nào bản chất thế giới chúng ta đang sống: Nam tước Anthony Giddens đồng thời là nhà xã hội học vĩ đại bậc nhất nước Anh, cho rằng xã hội đương đại đang trải qua thời kỳ "xác suất rủi ro thấp, nhưng hậu quả rủi ro cao", là hệ quả của quá trình toàn cầu hóa.

Giddens không cho rằng xã hội hiện đại có nhiều rủi ro hơn trước đây, nhưng nhấn mạnh rằng con người hiện đại ngày càng bận tâm nhiều hơn về tương lai và sự an toàn của họ. Những đổi mới đáng kinh ngạc của khoa học và công nghệ cũng kéo theo tính chất tiềm ẩn và phức tạp của chúng cùng những hậu quả không thể lường trước được.

Sự kiện 11/9 có xác suất xảy ra là vô cùng thấp, nhưng sức hủy diệt của nó là khủng khiếp, khi một chiếc máy bay đâm vào một tòa nhà lớn bậc nhất thế giới, hai biểu tượng của thế giới văn minh.

COVID-19 có thể không phải là một căn bệnh quá khủng khiếp với từng cá nhân: cho đến thời điểm bài viết này hoàn thiện, có hơn 226 ngàn ca đã khỏi trong hơn 1 triệu ca nhiễm, tức 1/4 người mắc đã bình phục. Không ít trong số đó đã tự cách ly điều trị ở nhà.

Nhưng với loài người nói chung đây là một đại dịch không thể coi thường: các ca nhiễm tăng nhanh đã phá vỡ hệ thống y tế cộng đồng của nhiều quốc gia. Ví dụ tiêu biểu là nước Mỹ, với 60% dân số không thể chi trả cho một trường hợp cấp cứu bất ngờ và 10% không có bảo hiểm y tế. Thêm 20 triệu người vào bệnh viện trong năm tới có thể dẫn đến một đại dịch khác: khủng hoảng kinh tế. Trong một thời đại, như đã nói, với tính rủi ro là bất khả lường trước, mọi kịch bản đều được tính đến, để mang lại sự an toàn cao nhất. Dù đi kèm với sự cảnh giác, tất nhiên là lo lắng và sợ hãi.

Nhưng nỗi sợ hãi dâng cao là hệ quả của một thái độ đầy hy vọng khác: chúng ta cần phải được sống trong một tương lai an toàn và tốt đẹp hơn nữa. Vì sợ hãi, chúng ta đề phòng những thứ xấu nhất. Chúng ta ngoái nhìn lại phía sau, vì sợ rằng có ai đó bị bỏ lại.

Rồi chúng ta sẽ học được cách điều khiển nỗi sợ, nếu đi kèm nó là hy vọng. Không phải hy vọng chỉ dưới tư cách một cá nhân, mà là với tư cách một giống loài, chia sẻ chung một số phận, với những nỗi niềm cũng rất chung khác, rằng rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Với tất cả chúng ta, không chừa một ai.

Ban Cầm
.
.