Nỗi sợ phải sống

Thứ Hai, 09/12/2019, 18:56
Có lẽ hầu hết chúng ta đều đã biết đến nỗi sợ chết và luôn tìm cách giải quyết nó. Nhưng còn nỗi sợ phải sống thì sao?


Chúng ta cũng thường hay nói: Ai rồi cũng phải chết. Dù câu nói đúng đắn phải là: Ai cũng phải sinh ra và chết đi. Một khi ta đã nhớ đến sự sinh cũng nhiều như bồn chồn về sự chết, thì ta hiểu rằng việc sinh ra cũng có thể khiến con người rơi vào lo lắng "sâu đậm" đến nhường nào.

Như nhà sinh vật học David Albert Jones đã viết trong cuốn Linh hồn của phôi thai (2004):

"Chúng ta có thể đang kể cho ai đó nghe về một ký ức hay sự kiện và sau đó nhận ra rằng, vào thời điểm đó, người đang đứng trước mặt đã không tồn tại! Một con người có thật và có ý nghĩa với cuộc sống của chúng ta, là trung tâm trong câu chuyện về anh ta hoặc cô ta, đã từng không tồn tại. Nếu chúng ta xem xét sự tồn tại và khởi đầu của bất kỳ con người cụ thể nào, chúng ta hẳn nhận ra đó là điều gì đó thật kỳ lạ và sâu sắc. Rất nhiều triết gia nhận thấy rằng sự tồn tại của thế giới này là quá bí ẩn,tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự nắm bắt được sự tồn tại của bất kỳ ai, ta hẳn cũng thấy rằng điều này thật bí ẩn".

Một khi ta đã nhớ đến sự sinh cũng nhiều như bồn chồn về sự chết, thì ta hiểu rằng việc sinh ra cũng có thể khiến con người rơi vào lo lắng "sâu đậm" đến nhường nào. Ảnh: Aeon.

Hay như nhân vật Jose Arcadio Buendia trong Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez), người đã phải "hoảng hốt" khi lần đầu đứng trước máy chụp hình, vì ông nghĩ rằng "dân chúng sẽ mất dần đi theo giây phút ông hiện hình trên tấm kim loại", và bà Ursula vợ ông thậm chí còn không bao giờ cho phép người khác chụp ảnh vì "bà không muốn cứ tồn tại như thế để giễu các cháu mình".

Đấy có lẽ là cảm giác gieo vào lòng chúng ta những ngờ vực và chơi vơi bí ẩn hơn bao giờ hết. Từ sinh chuyển sang tử có lẽ là quá trình dễ nhận biết hơn, vì ta có thời gian để nhận thức nó. Nhưng từ không tồn tại sang tồn tại thì sao? Tôi đã bắt đầu tồn tại ở một điểm bất kỳ nào đó, nhưng trong dòng chảy miên man này, tại sao tôi lại ở đúng điểm đó, và điều này thực ra có ý nghĩa gì không?

Khi được thụ thai thành công, tôi chỉ là một tế bào mới (hợp tử) được tạo ra từ các thông tin di truyền kết hợp của tinh trùng và trứng. Sau đó, tôi lớn dần trong bụng mẹ, hình thành dần cơ thể đầy đủ, với một mớ kinh nghiệm thô sơ trong quá trình mang thai. Sau khi ra khỏi bụng mẹ, tôi bắt đầu tương tác với những người khác và các nền văn hóa khác nhau, hình thành tính cách, có ký ức và lịch sử. Tức là nếu truy đến cùng, thì hợp tử ban đầu vẫn là tôi, dù nó không mang theo những thứ tôi sẽ đeo lên gánh cuộc đời của mình sau này.

Điều này, như đã nói, thật bí ẩn. Và bất chấp những hiểu biết về sự khởi đầu của mình, ta có thể choáng váng khi biết rằng hành tinh này có hàng tỷ những sự sống cũng khởi đầu bí ẩn như thế. Thế giới quen thuộc mà ta vốn nghĩ là sinh ra để dành cho mình bỗng chốc phơi bày sự vô tận của nó, vượt xa những hiểu biết mà ta có thể nhận thức được.

Không thể đơn giản chỉ nghĩ thế và yên tâm bó gối ngồi nhà. Và ta bồn chồn, lo lắng. Nhà phân tâm học và trị liệu người Áo Otto Rank, tác giả của cuốn The Trauma of Birth (Tạm dịch: Tổn thương sinh nở), tin rằng tất cả chúng ta đều trải qua một cảm giác rối loạn căng thẳng vì tổn thương tâm lý sau khi rời bụng mẹ.

Một yếu tố khác tô đậm nỗi sợ ấy là sự bất lực của chúng ta khi cố nhớ lại mình đã được sinh ra như thế nào. Đây là một phần của hiện tượng khiến chúng ta không thể nhớ lại được thời thơ ấu của mình - mang trên "trẻ sơ sinh mất trí nhớ" do Sigmund Freud công bố năm 1905. Điều này bắt nguồn từ sự thay đổi hệ thống ghi nhớ của chúng ta trong quá trình lớn lên, xảy ra mạnh mẽ nhất từ khi ta lên sáu cho đến tám tuổi.

Hệ thống ghi nhớ của ta ban đầu dựa trên tiềm thức, trực giác và tình cảm. Cho đến khi lên tám, hệ thống ghi nhớ hoàn chỉnh dựa trên sự chính xác, rõ ràng, ngôn ngữ và các câu chuyện. Bộ nhớ mới đè lên, và các "dữ liệu" sơ khai đa số sẽ bị phá hủy.

Nhưng chính những "dữ liệu" đầu tiên ấy không hoàn toàn bị lãng quên, thậm chí còn ghi vào tiềm thức, hình thành các đặc điểm cơ bản, và chi phối rất nhiều đến chúng ta sau này. Mỗi khi ta cảm thấy sợ hãi khi có một chú chó đến gần, rất có thể đấy là một phản ứng cảm xúc hình thành từ thời thơ ấu. Dáng đi của ta, nụ cười, và ngôn ngữ cơ thể của hiện tại là sự tái hiện những thói quen ta đã thiết lập khi còn bé.

Điều trớ trêu là những điều khắc họa nên tính người của chúng ta sâu đậm nhất lại đến vào giai đoạn chúng ta hầu như không thể nhớ rõ điều gì đã xảy ra, và trở thành một khoảng tối đầy lo lắng. Tại sao chúng ta lại yêu người và ghét kẻ khác? Tại sao một bài hát có thể khiến bạn rơi nước mắt lại hoàn toàn chỉ làm tôi thấy dửng dưng?

Mất trí nhớ ở trẻ sơ sinh là lý do khiến cho phần lớn cuộc sống tình cảm và nội tâm của chúng ta nằm ngoài tầm với của chính chúng ta, giới hạn hiểu biết của chúng ta về bản thân mình lẫn những động lực thúc đẩy chúng ta phản ứng và hành động. Và đấy là nỗi sợ rất phổ quát.

Dũng cảm không phải là không biết sợ

Chết là một việc về cơ bản sẽ chấm dứt các hoạt động trong não chúng ta lẫn sự lo lắng của việc phải sống: các vụ tự tử rốt cục đều nhắm đến mục tiêu này. Sợ sống dường như khó khăn hơn ta tưởng, được biểu hiện dưới nhiều khủng hoảng tâm lý mà tiền bạc hay địa vị không giúp ích trong quá trình chống lại chúng. Thế nên chúng ta có không ít những nhân vật vĩ đại đã tự kết liễu đời mình, như Kurt Cobain (ca sĩ, nhạc sĩ), Alan Turing (nhà toán học), Stefan Zweig (nhà văn)...

Xã hội hiện đại phản ứng với nỗi sợ phải sống theo cách rất một chiều, và khiến các tâm hồn nhanh chóng ngập trong tuyệt vọng. Nếu một người gặp rắc rối về tinh thần, các bác sĩ sẽ nhanh chóng kê cho anh ta một đơn thuốc hướng thần, sẽ giúp bình tĩnh hơn nếu anh ta đang lo lắng, và khiến anh ta hưng phấn hơn nếu đang trầm cảm.

Các kỹ thuật tâm lý được áp dụng phổ biến là thay đổi những suy nghĩ phi lý (như sợ bay, hoặc cảm giác thấy mình vô dụng) thành những suy nghĩ hợp lý, dựa trên bằng chứng; hay cố gắng nuôi dưỡng các thói quen lành mạnh để thay thế các thói quen xấu.

Vượt qua nỗi sợ sống bằng kỹ thuật mang lại cảm giác trơn tru và bằng phẳng, nhưng cũng trống rỗng: thực tế là nỗi khủng hoảng hiện sinh không chỉ bắt nguồn từ bộ não hay một trạng huống tinh thần trục trặc thuần túy, mà sâu thẳm hơn là việc một con người không cảm thấy rằng anh ta có một ý nghĩa thật sự nào để tiếp tục sống.

Những ai nhìn ra ý nghĩa ấy dường như đều vượt qua được nỗi sợ hiện sinh một cách ngoạn mục, bất chấp "cơn lo lắng" thường xuyên hành hạ, từ chính điểm yếu đã đẩy họ vào cuộc khủng hoảng có tính phổ quát này.

Bằng chứng? Năm 1995, trong cuốn Tâm lý học hiện sinh, nhà tâm lý học Rollo May đã phát hiện ra một điều rất thú vị: những người sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người thường mạnh mẽ nhất ở những nơi họ... yếu đuối nhất. May đã đưa ra ví dụ về nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow, người đã phát hiện ra Tháp Nhu cầu: Maslow vốn là một đứa trẻ cô đơn và không hạnh phúc, nhưng rốt cục lại là người đưa ra được lý thuyết về cuộc sống tối ưu và những trải nghiệm đỉnh cao của con người.

Lý thuyết của May được củng cố bởi một loạt các nhà tâm thần học nổi tiếng khác như Carl Jung, Silvano Arieti, Frank Barron, và chính... Maslow, người đã mô tả dạng tính cách ở tầng thứ năm trong tháp nhu cầu (có tên self-actualiser), về những người có khả năng tối ưu hóa tiềm năng và thực hiện các mục tiêu với quyết tâm tối đa, như sau: "Một quan sát mà tôi tiến hành đã khiến tôi bối rối trong nhiều năm giờ bắt đầu cho thấy hiệu quả", ông viết trong Hướng tới một tâm lý tồn tại (1962), "đó là những gì tôi đã mô tả về trạng thái lưỡng phân của những người mang tính cách tối đa hóa tiềm năng... Những người trưởng thành nhất cũng có thể là những người "trẻ con" nhất. Những người giống thế này, những người có cái tôi mạnh mẽ nhất và tính cách rắn rỏi nhất, cũng chính là những người dễ dãi nhất, vị kỷ và trung tâm của rắc rối".

Nhà nghiên cứu tâm lý người Mỹ Kay Jamison, một chuyên gia về rối loạn lưỡng cực, đồng ý với lý thuyết này. Là người cũng mắc chứng rối loạn lưỡng cực, Jamison đã chỉ ra rằng hàng chục ngôi sao nghệ thuật lớn đương đại cũng rơi vào "phổ lưỡng cực", nhưng vẫn đang không ngừng đóng góp mẫu mực cho xã hội. Một vài trong số này đã tự sát, như những con người vĩ đại xốc nổi ta đã kể ở trên, nhưng rất nhiều đã vượt qua và thậm chí thăng hoa từ nỗi sợ này, trở nên giàu có và trở thành cảm hứng vô tận.

Vì thế, một trong những câu hỏi lớn của thời đại chúng ta là điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chỉ đơn thuần dùng kỹ thuật và thuốc men để ứng phó với cơn khủng hoảng sống này, mà bỏ qua khả năng đấu tranh của bản thân, "nhu cầu" được đối mặt với con quỷ trong chính mình, cũng như sự khó chịu và nước mắt? Liệu những tác phẩm vĩ đại nhất được tạo ra từ cảm xúc tốt đẹp chắc hẳn cũng có giá trị tương đương với những gì đã được thai nghén từ những mầm bệnh, sự bối rối và thậm chí tàn nhẫn của thế giới này?

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng việc rơi vào những trải nghiệm tiêu cực thậm chí là điều cần thiết để con người có thể chạm đến nhận thức mới. Nỗi buồn đem đến sự tuyệt vọng và mất mát, nhưng sau sự sang chấn tinh thần, nó gia tăng trong mỗi chúng ta nhận thức về bản chất thoáng qua của sự sống, sự quý giá của hiện tại, và sự cần thiết của khả năng đồng cảm với người khác.

Nỗi sợ có thể giam hãm và làm chúng ta yếm thế, nhưng cũng có thể làm bật lên những tòa tháp chót vót trong tâm trí ta, với sự tỉnh táo và cảnh giác về những gì có thể và không thể đạt được, làm nền tảng cho lòng can đảm. Bởi lòng can đảm sẽ có rất ít giá trị và ảnh hưởng đến quá trình sống, nếu chúng ta không biết sợ hãi. Sự tức giận tạo ra những rủi ro, và bùng nổ, nhưng đồng thời cũng là động lực để giải phóng cá nhân và trẻ hóa tinh thần.

Vượt qua nỗi chông chênh ấy là quá trình mạo hiểm và thậm chí khắc nghiệt hơn nhiều so với việc sử dụng các kỹ thuật và thuốc men, nhưng có thể cung cấp những trải nghiệm siêu việt cho các tâm hồn mất phương hướng. Sống rất đáng sợ, và vượt qua nỗi sợ không phải là triệt tiêu nỗi sợ phải sống, mà là chứng kiến những điều đẹp nhất mọc lên từ nỗi sợ ấy, và bước những bước đầy ý nghĩa của hành trình tồn tại.

Ban Cầm
.
.