Nỗi kinh hoàng của Chicago

Thứ Bảy, 14/03/2020, 23:04
Trong cái danh sách "ông trùm" huyền thoại của bóng tối trong lịch sử tội phạm của Mỹ không thể thiếu tên Dean O'Banion - đối thủ sừng sỏ từng ngáng đường Al Capone.

Có thể nói không ngoa, lệnh cấm rượu là một trong những dấu mốc quan trọng hàng đầu của lịch sử nước Mỹ đầu thế kỷ XX. Chính là nhờ điều luật đó, những băng nhóm tội phạm có tổ chức "trăm hoa đua nở" tại các thành phố lớn, hơn bất kỳ một thời đại nào khác, và sự xuất hiện của các "ông trùm" huyền thoại của bóng tối cũng vậy. Trong cái danh sách hãi hùng đó, không thể thiếu tên Dean O'Banion - đối thủ sừng sỏ từng ngáng đường Al Capone.

Kẻ cướp rượu

Theo cuốn Những tên tội phạm khét tiếng nhất lịch sử (The most evil mobster in history) của tác giả Lauren Carter, có thể tin rằng chính Dean O'Banion là kẻ đầu tiên tại Chicago tổ chức cướp xe chở rượu. Điều đáng nói là hành động này xảy ra vào ngày 31/12/1919, trước ngày Luật sản xuất và bán rượu được Chính phủ Hoa Kỳ ban hành không lâu.

Chẳng phải y có nguồn thông tin mật về chính sách nào để "đón đầu", chỉ đơn giản là O'Banion lúc đó hành xử đúng như một tên gangster. Một tên cướp. Phát hiện thấy một xe tải chở lượng lớn rượu Whisky, O'Banion từ mặt đường phóng người lên bậc cửa xe, thò tay qua cửa sổ đang mở và đấm bất tỉnh tài xế. Người lái xe tội nghiệp bị vứt vào vệ đường, còn cả chuyến Whisky đó được đưa về giấu trong kho của một tay gangster Do Thái - Samuel "Nails" Morton.

Samuel Nails Morton chính là "người thầy" đầu tiên dẫn dắt O'Banion (cùng các chiến hữu Hymie Weiss và Vinny Drucci) vào con đường kinh doanh rượu lậu. Nhờ Morton chỉ dẫn, O'Banion đầu tư vào một xưởng chế biến bia rượu tại North Side để nấu rượu mạnh, dưới vỏ bọc là tấm giấy phép sản xuất bia nhẹ và cồn công nghiệp. Rất nhanh chóng, O'Banion đạt được thỏa thuận với quản lý của nhà máy: Họ cứ bảo đảm nguồn cung rượu, còn y sẽ lo những chuyện khác. Trong những "chuyện khác" đó, có cả việc móc nối với nguồn hàng nhập lậu từ Canada.

Kẻ cướp rượu tại một phiên tòa.

Lúc đó, Lệnh cấm sản xuất và buôn bán rượu đã có hiệu lực (từ ngày 17/1/1920). Tất cả các quán rượu phi pháp ở khu North Side, nhờ "chuyện làm ăn" của O'Banion, không bao giờ thiếu rượu. Và kể từ quãng thời gian ấy, Dean O'banion trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất Chicago. Nhờ lợi nhuận kếch sù có được từ hoạt động buôn bán rượu lậu, O'Banion dễ dàng mua chuộc được tất cả, từ cảnh sát đến các quan chức chính phủ thoái hóa. Y thậm chí còn ngang nhiên thuê mướn thêm hàng trăm tay đàn em, để quảng bá và phục vụ công việc kinh doanh của mình.

Đó thực sự là một cuộc đổi đời kỳ diệu, dành cho đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Ireland ngày 8/7/1892. Đứa trẻ ấy lớn lên trong cảnh nghèo đói, quen hít thở thứ không khí cặn bã của sòng bài, nhà thổ, quán rượu từ nhỏ. Đứa trẻ ấy chọn trở thành một tên du đãng ngay từ khi mới lớn. Nó nhập bọn và chia sẻ niềm tự hào với một băng choai choai, về việc trộm cắp hàng hóa trong các cửa hàng để tuồn ra chợ đen, hoặc trấn lột tiền bạc của những kẻ say rượu.

Từ thiếu thời, đứa trẻ ấy đã vô cùng nóng nảy và hung hãn (có lẽ bởi thiếu sự chăm sóc của người mẹ mất sớm). 17 tuổi, y đã bị bắt vì tội ăn cắp vặt, và tống vào trại giáo dưỡng nửa năm. Chưa đầy 19 tuổi, O'Banion lại ngồi tù vì tội tàng trữ vũ khí trái phép. Rồi y ra tù, lại phục vụ cho một quán bar, trong lúc vẫn song song phát triển các tư chất của một ông trùm gangster.

Trên đỉnh cao quyền lực, O'Banion vẫn không bao giờ chịu nhẫn nại. Người ta kể rằng có một kẻ cạnh tranh táo tợn, tên là "Big" Steve Wisniewski dám cướp xe chở rượu của Dean O'Banion. Lập tức, vẫn quyết đoán như ngày chính mình đi cướp rượu, O'Banion phái Hymie Weiss dẫn quân tới, bắn vỡ sọ Big Steve.

Dean O'Banion trong ngày cưới.

Quỷ Satan của Chicago

Phía Bắc Chicago, không nghi ngờ gì nữa, là vương quốc riêng của Dean O'Banion. Song, đến năm 1922, ở phía Nam Chicago bắt đầu xuất hiện hai cái tên rất đáng chú ý: Johnny Torrio và Al Capone. Không thể khác được, tranh chấp địa bàn cũng như quyền lực bắt đầu nổ ra. O'Banion cho đàn em cướp rượu của nhóm phía Nam, và đối thủ cũng đáp lại như vậy.

Johnny Torrio thực sự là một "ông trùm" nhìn xa trông rộng. Tránh viễn cảnh tận diệt lẫn nhau để rồi không ai được gì, hắn mời tất cả các băng nhóm lớn tại Chicago đến thương thảo. "Chúng ta không thể giết lẫn nhau. Chẳng có nhiều thứ đến mức chúng ta đều đánh mất tất cả đâu" - Torrio thuyết phục. Thỏa thuận được xác lập, dựa trên điều căn bản là mỗi nhóm phải tự có trách nhiệm kiểm soát lũ lâu la của mình.

Vấn đề là, có lẽ hòa bình được vãn hồi trong cuộc chiến rượu lậu lại làm O'Banion cảm thấy nhàm chán. Kể cả việc kết hôn với một người phụ nữ xinh đẹp như Helen Viola Kaniff cũng vậy. Chất tội phạm chảy trong huyết quản của y khiến y luôn "ngứa chân ngứa tay", và sẵn sàng làm những điều điên rồ. Vài tháng sau khi kết hôn, O'Banion cùng các phụ tá cao cấp của mình như Weiss hay Charles Reiser bị bắt quả tang phá két một văn phòng. Ông trùm rượu lậu bị bắt như một tên trộm, và phải chi rất nhiều tiền thuê luật sư để không phải đứng trước vành móng ngựa vì tội danh đó.

Rồi sau đó, Dean O'Banion lại tự mình đi tổ chức… cướp rượu. Lại thoát tội nhờ mua chuộc người lái xe bãi nại, O'Banion trở về… mở một cửa hàng hoa. Thật kỳ lạ, y rất có khiếu với công việc đó, và luôn tươi cười niềm nở với khách hàng. Có điều, rời cửa hàng, O'Banion lại nguyên vẹn là mình.

Bất cứ ai làm O'Banion ngứa mắt, cho dù chỉ là châm chọc hay mỉa mai, cũng đều có thể phải trả giá đắt. Anh em nhà Miller - Davy và Maxie - là thí dụ. O'Banion cho rằng họ miệt thị mình, và tìm đến bắn họ ngay trong rạp chiếu phim. Điều sửng sốt là Davy ăn đạn trúng bụng, nhưng không chết. Song, còn sửng sốt hơn, O'Banion cho rằng mình hành động trong khi "quá giận mất khôn", và tòa tuyên "vô tội".

Rồi O'Banion lên kế hoạch cướp một số rượu whisky khổng lồ trị giá 1 triệu USD (thời đó), nhờ mua chuộc cảnh sát. Kế hoạch bại lộ khi đang tiến hành, nhưng O'Banion vẫn trắng án.

Rồi O'Banion lại cùng Hymie Weiss và một bị can tên là John Duffy bị tóm khi đang đi ăn trộm rượu, và phải ra tòa. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa mở, Duffy bị bắn 3 phát vào đầu, và phiên tòa không được tiếp tục.

Cứ thế, y gieo rắc kinh hoàng khắp Chicago, rồi lại nhởn nhơ thoát tội. Đoạn kết chỉ bắt đầu, khi O'Bainion vượt qua mọi giới hạn.

Đám tang của ông trùm tội ác.

Mùa xuân năm 1924, Al Capone nhờ O'Banion tìm hộ khoảng một trăm tên vai u thịt bắp để quậy phá một cuộc bầu cử địa phương, nhằm hậu thuẫn cho ứng viên mà Al Capone có liên hệ mật thiết. Đổi lại, O'Banion có thể mở rộng địa bàn hoạt động. Torrio khuyên O'Banion nên chia lợi nhuận cho các nhóm khác - một lời khuyên rất sáng suốt, nhưng câu trả lời là: "Tao chả nợ thằng nào cái gì cả!".

Một quán bia của O'Banion lập tức bị cạnh tranh, bởi băng Genna gốc Sicily. O'Banion đến phàn nàn với Torrio, nhưng Torrio lắc đầu. Uất ức, O'Banion nảy ra ý nghĩ ngu xuẩn nhất trong cả cuộc đời tội phạm chuyên nghiệp của mình: Y tuyên bố sẽ "hưu non", có điều y muốn gặp Torrio để bán lại cổ phần nhà máy bia rượu Sieben. Không nghi ngờ gì, Torrio chuyển tiền, rồi sáng 19/5/1924 đích thân tới Sieben để tiếp quản.

Song, cảnh sát ập tới. Tất cả đều bị bắt. Vấn đề là, người lần đầu phạm tội buôn bán rượu như O'Banion thì có thể được châm chước, còn Torrio đã là lần thứ hai. Bằng việc cài đặt cái bẫy này, O'Banion đã tự tạo nên cho mình những kẻ tử thù kinh khủng.

Dean O'Banion cùng vợ trốn tránh sự trả thù cho đến tận tháng 10 mới trở về Chicago. Thế rồi, cửa hàng hoa của y nhận được một đơn đặt hàng đặc biệt, với giá trị vô cùng lớn (18.000 USD). Y chỉ không biết: Người đặt hoa chính là Torrio và Al Capone, còn những người đến lấy hoa trong tối 9/11/1924 là các thủ lĩnh của băng Genna.

Trưa 10/11/1924, có ba người khách đến tiệm, tìm O'Banion, khi y đang làm việc rất tận tụy và say sưa. Ba phát súng vang lên. Các nhân viên cửa hàng hoa nhảy bổ vào phòng, và thấy ông chủ mình nằm sõng soài trong vũng máu.

Nhưng cái chết vẫn chưa phải là sự kết thúc. Hymie Weiss lên nắm quyền ở băng Bắc Chicago, và thề trong đám tang xa hoa của Dean O'Banion rằng hắn sẽ trả thù cho bạn mình…

* Theo ước tính của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, ở thời cực thịnh, mỗi năm O'Banion có thể kiếm tới 2 triệu USD (với trị giá rất cao vào thời điểm đó). Nói cách khác, tất cả những gì y chạm tới đều biến thành vàng.

* Thời thanh niên, tính cách hung dữ của O'Banion từng được nuôi dưỡng bằng việc đầu quân làm "bảo kê" cho cả hai tờ báo cạnh tranh nhau: American và Chicago Tribune. "Bảo kê", nghĩa là được thuê để đánh đập các cậu bé bán báo, và thậm chí đốt phá các quầy báo của đối thủ. 

Phi Hồ
.
.