Những vũ khí cực mạnh để chẩn trị bệnh trong tương lai

Thứ Sáu, 17/06/2016, 15:39
Thế giới ngày nay có vẻ như đang chứng kiến một nghịch lý: khi khoa học càng trở nên hiện đại thì con người lại tỏ ra lo lắng hơn về sức khỏe và hoang mang trước những căn bệnh nguy hiểm.

Sự xuất hiện của một loại vi khuẩn có thể kháng mọi loại thuốc kháng sinh hiện có, hay những đau đớn gây ra bởi tế bào ung thư đang tạo nên ám ảnh bi quan bao trùm nhân loại. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ trung bình của thế giới đang tăng lên, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Điều này phản ánh một thực tế: con người đối mặt với quá nhiều luồng thông tin tiêu cực về bệnh tật trên các phương tiện truyền thông, mà bỏ quên nhận thức về sự thay đổi chóng mặt của ngành y học. Nhiều công nghệ mới lần lượt được phát triển, hứa hẹn trở thành "vũ khí cực mạnh" để giải quyết những vấn đề sức khỏe. Trong tương lai, con người có thể phát hiện sớm nhiều bệnh ngay tại nhà bằng những bộ dụng cụ đơn giản kiểm tra máu, mồ hôi, hay thậm chí là ráy tai và phân.

Chỉ báo "đầu mối" bệnh tật

Các chất dịch cơ thể như máu, mồ hôi hay nước mắt, có thể tiết lộ nhiều hơn từng biết trước đây về hoạt động bên trong con người. Tuy nhiên, hiện tại xét nghiệm máu vẫn chiếm phần lớn trong số các bộ dụng cụ tự khám tại gia được phát triển. Trong vòng 5-10 năm tới, thế giới kỳ vọng đón nhận thêm nhiều phương pháp kiểm tra dựa trên nhiều đầu vào mới, trong đó có cả những chất bài tiết có thể khiến nhiều người ngượng ngùng.

Một trong những "đầu mối" nghiên cứu mới về nguy cơ bệnh tật ẩn chứa trong sản phẩm bài tiết chính là ráy tai. Khác với máu, ráy tai là hợp chất béo, đồng nghĩa với việc những phân tử nhất định có thể tập trung trong ráy tai và dễ dàng được phát hiện hơn trong chất lỏng.

Theo đó, ráy tai đưa ra các chỉ báo về bệnh tật và cũng cung cấp thông tin cho biết một cá nhân đã từng ăn những gì hay từng đến khu vực nào. Chẳng hạn, hội chứng siro niệu, một rối loạn chuyển hóa di truyền khiến người bệnh mất khả năng phân hủy một số protein, có thể được chẩn đoán nhờ mùi ráy tai.

Cho đến năm 2020, con người hoàn toàn có thể tin vào khả năng được "chẩn trị và bảo vệ toàn diện" từ các "bác sĩ" trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, mồ hôi cũng là một sản phẩm bài tiết thu hút sự quan tâm của giới khoa học. Trong nhiều thập kỷ qua, mồ hôi được sử dụng trong theo dõi sàng lọc trẻ sơ sinh mắc bệnh xơ nang, hội chứng làm mất sự cân bằng giữa sodium và chloride trong mồ hôi.

Dựa trên nhiều nghiên cứu về mồ hôi, thế giới đang phát triển những miếng băng dán đơn giản có thể cảnh báo vận động viên về sự thay đổi trong cân bằng các chất điện phân do mất nước khi vận động liên tục. Từ đó, đưa ra dự đoán trước giai đoạn "mất sức nhanh" để vận động viên bổ sung kịp thời chất điện phân cho cơ thể.

Nghiên cứu thú vị nhất được tiến hành trên phân người để tìm kiếm sự thay đổi trong hệ vi khuẩn. Các kết quả đã chỉ ra rằng, nhiều loại vi sinh vật đường ruột (cũng có trong phân) chịu ảnh hưởng bởi thức ăn con người tiêu thụ và nơi người đó sinh sống.

Phân tích các vi sinh vật và hóa chất có trong phân không những giúp chỉ ra những căn bệnh phức tạp như trầm cảm, béo phì hay tiểu đường, mà còn cung cấp cảnh báo sớm cho những người cao tuổi giai đoạn suy nhược sức khỏe và cần sự hỗ trợ.

Dù vậy, liệu ráy tai, mồ hôi hay phân người có trở nên hữu ích hơn máu trong chẩn đoán bệnh hay không? Đây là câu hỏi cần thêm thời gian nghiên cứu. Có quan điểm cho rằng, nguồn thông tin thu được từ mồ hôi vẫn còn hạn chế vì mồ hôi chứa các phân tử làm chỉ dấu, nhưng lại rất dễ thay đổi. Thành phần của mồ hôi cũng chịu ảnh hưởng bởi hoạt động của các vi sinh vật sống trên da.

Trong khi đó, máu có xu hướng cung cấp một bức tranh chính xác hơn về hoạt động bên trong cơ thể. Thêm vào đó, khoa học có thể cung cấp cho mọi người phương tiện để xét nghiệm nhiều bệnh, nhưng sự diễn giải các kết quả vẫn cần sự hướng dẫn của bác sĩ.

Nhìn chung, dù có ít nhiều quan điểm trái chiều, lợi ích của theo dõi tình trạng cơ thể bằng chỉ báo mồ hôi, ráy tay hay phân là có thể thực hiện một cách linh động, không cần tới kim tiêm hay băng gạc. Trong tương lai gần, một mẫu mồ hôi hay thậm chí ráy tai có thể là tất cả đầu vào cần thiết để thu được thông tin về sức khỏe của con người.

Những nguồn cung cấp thông tin ngày càng phong phú, cộng với chi phí phân tích thấp dần, tất yếu dẫn tới sự xuất hiện những bộ dụng cụ tự xét nghiệm. Một số ý kiến tin rằng, điều này sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong việc chăm sóc sức khỏe, hạn chế nhu cầu đi lại làm xét nghiệm, đồng thời giúp mọi người có thể tự động theo dõi sức khỏe và có trách nhiệm hơn với cơ thể mình.
Liệu pháp miễn dịch không tấn công trực tiếp khối u, mà sử dụng các tế bào miễn dịch để chiến đấu với ung thư.

"Bác sĩ" công nghệ

Vừa qua, Tricoder - dụng cụ cầm tay theo dõi các chỉ số sức khỏe - được đưa ra thị trường, mở ra hi vọng chẩn đoán các bệnh nguy hiểm như Ebola trước khi con người nhận thức được mình đang nhiễm bệnh mà không cần tốn thời gian tìm tới các phòng thí nghiệm xa xôi. Ngoài ra, thiết bị mang tên Cue, giúp người dùng thử thai, tự xét nghiệm cúm và các dấu hiệu nhiễm trùng đang được tích cực hoàn thiện và đưa tới tay người tiêu dùng.

Giới nghiên cứu cũng đang chuẩn bị cho ra mắt Cue và Tricoder phiên bản thứ hai, tích hợp khả năng chẩn đoán hàng loạt căn bệnh khác nhau với chi phí vô cùng rẻ. Đây chỉ là một vài loại dụng cụ hứa hẹn tạo nên cơn sốt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở tương lai gần.

Nhiều chuyên gia khẳng định, cho đến năm 2020, con người hoàn toàn có thể tin vào khả năng được "chẩn trị và bảo vệ toàn diện" từ các "bác sĩ" trí tuệ nhân tạo, hay giảm bớt nỗi lo bệnh ung thư nhờ liệu pháp miễn dịch và sinh thiết lỏng.

Thị trường trí tuệ nhân tạo cho ứng dụng y tế dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh chóng trên toàn cầu. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, chất lượng chăm sóc bệnh nhân sẽ trở nên tốt hơn, chi phí điều trị giảm và nhiều thủ tục không cần thiết được loại bỏ. Ngày nay, các hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được phát triển để phân tích hình ảnh y tế với độ chính xác cao.

Đến năm 2020, các loại bệnh như ung thư và tiểu đường sẽ được chẩn đoán chỉ trong vài phút. Thông qua các hệ thống quét 3D có nhận thức, đặc điểm sinh lý tiêu biểu có thể được xây dựng trong thời gian thực. Bên cạnh đó, trí thông minh nhân tạo có thể được sử dụng để cải thiện quy trình chăm sóc bệnh nhân trong điều trị. Ví dụ, các phần mềm nhận diện khuôn mặt và cử chỉ được ứng dụng để nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc.

Trong nỗ lực điều trị bệnh ung thư, liệu pháp miễn dịch đang là phương pháp cực kỳ hứa hẹn. Không tấn công trực tiếp khối u, liệu pháp này chỉ sử dụng các tế bào miễn dịch để chiến đấu với ung thư, như cách chúng đẩy lùi vi khuẩn và virus khỏi cơ thể. Hiện nay, liệu pháp miễn dịch đang được sử dụng cho bệnh nhân u hắc tố, ung thư da với khả năng kéo dài tiên lượng gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống.

Chưa dừng lại ở đó, liệu pháp miễn dịch cũng đang được nghiên cứu để ứng dụng rộng rãi trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau. Sự phát triển của liệu pháp miễn dịch được dự đoán sẽ bùng nổ mạnh mẽ khi đến năm 2020, thị trường dành cho các loại thuốc sử dụng trong liệu pháp miễn dịch có thể lên đến 21,1 tỷ USD.

Cue và Tricoder hứa hẹn tạo nên cơn sốt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở tương lai gần.

Một kỹ thuật khác "tiếp sức" cho liệu pháp miễn dịch trong cuộc chiến chống lại "cơn ác mộng" ung thư có tên gọi sinh thiết lỏng. Kỹ thuật này được coi là cách mạng trong theo dõi và điều trị ung thư không xâm lấn. Sinh thiết lỏng tách các tế bào ung thư từ một mẫu máu đơn giản của bệnh nhân. Họ sẽ không phải trải qua những lần lấy mẫu sinh thiết lặp đi lặp lại đau đớn như trước. Công nghệ được chứng minh là hiệu quả trong việc dò tìm sự tiến triển của khối u, ngay cả khi bệnh nhân chưa chụp cắt lớp.

Ngày nay, phương pháp tập trung trên hai chỉ dấu sinh học trong máu là cfDNA và CTCs. Chúng cho phép theo dõi và giám sát khối u mà dự kiến chỉ vài năm nữa sẽ được sử dụng hỗ trợ song song kỹ thuật sinh thiết mô xâm lấn. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân có hi vọng được chữa khỏi và tin rằng thế giới ngày càng đáng sống hơn chứ không phải chỉ tràn ngập bệnh tật…

Nam Hồng
.
.