Những thiện xạ trong sử Việt
Thương gia Samuel Baron, một người con lai có bố người Âu và mẹ người Việt, được sinh ở Thăng Long trong khoảng cuối những năm 1630, từng buôn bán ở Thăng Long và nhiều địa phương ở Đàng Ngoài trong khoảng thời gian 1670-1680, trong cuốn “Địa chí vương quốc Đàng Ngoài” viết năm 1683 có ghi chép về tài bắn của binh lính Đàng Ngoài, dưới thời vua Lê, chúa Trịnh như sau:
“Binh sĩ của họ là những người bắn giỏi, tôi nghĩ rằng họ ít thua kém ai, họ vượt xa nhiều nước khác trong việc sử dụng khéo léo súng hỏa mai và bắn nhanh. Họ ít dùng súng, thường dùng cung tên và họ sử dụng cung tên lại càng giỏi”.
Ảnh: L.G. |
Dù sử chính thống không viết chi tiết về khả năng bắn cung, bắn súng của các danh tướng nước Việt nhưng qua các tập dã sử, truyện ký, chúng ta cũng có thể biết tên vài thiện xạ được kể dưới đây.
Nguyễn Địa Lô
Có lẽ, viên tướng thiện xạ đầu tiên được kể đến trong lịch sử nước ta là Nguyễn Địa Lô, thuộc tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Cùng là gia nô nhưng Nguyễn Địa Lô có lẽ ở địa vị cao hơn Yết Kiêu và Dã Tượng, những người chỉ được sử sách ghi lại bằng biệt danh có phần thấp kém là chó mõm ngắn (Yết Kiêu) hay voi hoang dã (Dã Tượng), còn Nguyễn Địa Lô được ghi chép tên họ đầy đủ.
Theo dã sử thì mỗi viên gia tướng của Hưng Đạo vương đều có biệt tài riêng, như Dã Tượng giỏi huấn luyện voi chiến, Yết Kiêu giỏi bơi lặn và huấn luyện thủy quân, Phạm Ngũ Lão thì tinh thông võ nghệ và điều khiển binh lính, còn Nguyễn Địa Lô có tài bắn cung “bách phát bách trúng”, trên vai lúc nào cũng đeo cung tên.
Năm 1285, trong lần thứ hai quân Nguyên xâm lược nước ta, khi đạo quân của Toa Đô từ Chiêm Thành tiến ra đến Nghệ An, tướng chỉ huy quân đội của nhà Trần ở đấy là Trần Kiện đã hèn nhát đầu hàng giặc. Trần Kiện là con thứ của Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, được ban tước Thượng vị Chương Hiến hầu. Trần Quốc Khang vốn là anh ruột Hưng Đạo vương nhưng bị cướp từ bụng mẹ khi công chúa Thuận Thiên, đang là vợ An Sinh vương Trần Liễu bị cướp để gả cho Trần Thái Tông, do đó ông cũng được coi như anh trai vua Trần Thánh Tông. Sự kiện một hoàng tử anh trai vua đầu hàng giặc đã gây cho cuộc kháng chiến lúc bấy giờ những tổn thất rất lớn.
Nắm được Trần Kiện, Toa Đô lập tức sai người đưa ông ta về Yên Kinh (Trung Quốc) để phục vụ mục đích lâu dài. Tuy nhiên, khi chúng đưa Trần Kiện đến biên giới phía Bắc, đã bị quân ta tập kích gây thiệt hại nặng nề.
Bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Quân của Toa Đô kéo về đến Nghệ An, đi đến đâu đánh tan đến đấy, quân của Quang Khải không thể chống lại được. Trần Kiện cùng với thuộc hạ là Lê Trắc đem gia quyến đón đường đầu hàng; Toa Đô sai người đưa bọn Trần Kiện về Yên Kinh. Khi đến Lạng Giang, thổ hào ở đấy là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đánh bọn Trần Kiện ở trại Ma Lục. Người gia nô của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô bắn chết Trần Kiện. Lê Trắc phải cõng xác Trần Kiện, ở trên mình ngựa, đương đêm chạy trốn, chạy được vài mươi dặm, đến Kheo Ôn, Trắc mới chôn xác Trần Kiện ở đấy”.
Không mô tả về tài bắn của Nguyễn Địa Lô nhưng qua những dòng ghi chép này, chính sử đã khẳng định chiến công của Nguyễn Địa Lô là tự tay bắt chết kẻ phản trắc.
Ảnh: L.G. |
Nguyễn Cụ
Trong lịch sử nước ta, được ghi nhận về tài bắn nỏ trong “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ có Nguyễn Cụ. Đó là câu chuyện diễn ra dưới thời Vua Trần Anh Tông. Toàn thư viết: “Năm Hưng Long thứ 13 (1305), mùa xuân, tháng Giêng, sách phong hoàng tử thứ tư là Mạnh làm Đông cung thái tử (tức vua Trần Minh Tông sau này). Bấy giờ có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Vua sai dạy thái tử các nghề ấy”.
Các sử quan thời Trần mô tả chi tiết cách bắn nỏ khác biệt của Trần Cụ: “Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ "đinh" không thành, chữ "bát" không ngay. Riêng Trần Cụ thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người: "Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?".
Do không chỉ giỏi bắn nỏ, đánh cá, đá cầu, mà nhờ kiến thức sâu rộng và tính khoan hậu, thật thà, nên Trần Cụ mới được cất nhắc làm sư phó để dạy bảo vị vua tương lai. Công lao của Trần Cụ đã được báo đáp, khi Vua Trần Minh Tông sau này đã trở thành một vị vua anh minh, giỏi cầm quân và trị nước.
Lê Khôi
Đến thời hậu Lê, trong số các danh tướng thì Lê Khôi được mô tả là người gắn bó với cây cung, mũi tên nhiều nhất. Tuy nhiên, do là một đại tướng chỉ huy những đội quân lớn, lập nhiều chiến công vang dội cả trong kháng chiến chống quân Minh lẫn chiến tranh với Chiêm Thành, nên sử sách cũng không mô tả tài bắn cung của Lê Khôi cụ thể thế nào.
Lê Khôi vốn là cháu ruột của Bình Định vương Lê Lợi. Ông là con của Lê Trừ, anh Lê Lợi, theo chú tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ ngày đầu, từng được cử chỉ huy quân Thiết đột, là đội hộ vệ tin cậy và gần gũi nhất của Bình Định vương.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú, phần “Nhân vật chí”, ở mục viết vể các danh tướng thời Lê sơ, tả về Lê Khôi: “Mình đeo bên trái một túi mũi tên, bên phải cũng một túi mũi tên, theo vua ra trận”.
Dù Lê Khôi là một dũng tướng nhưng người đời sau nhớ nhiều đến ông với tư cách một vị tướng dùng ân đức để thu phục lòng người và thu phục cả đối phương. Như khi ông được cử làm trấn thủ Nghệ An, thì lúc ông vào xứ Nghệ, sĩ phu, dân chúng đứng chật hai bên đường trông đón, giơ tay đến trán mừng reo rằng: “Chúng tôi mong ông lâu rồi! Nay trời mới giáng phúc cho dân tôi đấy ư?”.
Danh tiếng của ông vang dội ở cả đất Chiêm Thành, cho nên năm 1446, khi ông làm tiên phong cho Đô đốc Lê Khả đánh Chiêm, vượt biển vào cửa Thị Nại đến đất Chiêm, quân Chiêm Thành thấy quân Đại Việt hàng ngũ ngay thẳng, quân lệnh răm rắp, mới gọi sang hỏi: “Có phải là ông Tư mã đấy chăng?”. Lê Khôi liền bỏ mũ trụ ra cho quân Chiêm thấy. Quân Chiêm nhận ra ông, đều xuống ngựa sụp lạy, biếu sản vật, đầu hàng. Lê Khôi đến đâu, quân Chiêm tan vỡ đến đấy, đánh đến thành Đồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Bí Cai. Do đó, trong lịch sử nước ta, Lê Khôi là danh tướng duy nhất gắn tên mình với điển tích “Cởi mũ khiến giặc hàng”.
Đinh Văn Tả
Đến thời Lê Trung Hưng, một vị tướng xuất xứ từ vùng đất sản sinh nhiều danh tướng là Hải Dương, cũng được ghi nhận là có tài bắn súng, đó là Lộc quận công Đinh Văn Tả.
Theo sách “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, thì Đinh Văn Tả quê ở Hàm Giang, tỉnh Hải Dương, từng phạm tội nên bị bắt giam trong ngục Đông Môn ở kinh thành Thăng Long. Có lần chúa Trịnh sai các tướng võ tập bắn ở lầu Ngũ Long, Đinh Văn Tả và lính canh ngục đứng xem thấy không mấy người bắn trúng bia nên lớn tiếng cười chê. Các tướng đứng bắn nghe thế giận lắm, đưa súng cho Văn Tả và bảo rằng: “Mày nói khoác làm gì thế, thử bắn xem nào”.
Đinh Văn Tả không thèm cầm súng nhỏ, mà mượn khẩu súng to rồi bắn 3 phát làm vỡ 3 cái bia. Những người chứng kiến ai cũng chịu ông là người có tài. Sau đó, những người lính lại sai ông bắn thử lần nữa xem sao và lần này ông cũng bắn phát nào trúng phát ấy, 10 phát trúng tâm cả 10. Việc ấy truyền đến tai chúa Trịnh, chúa trọng tài nên lệnh tha tội, cho đi đánh giặc.
Đinh Văn Tả chiến đấu lập nhiều chiến công, dần được thăng chức, các tội lỗi lúc trẻ được xóa hết, được phong đến tước quận công. Khi ông sắp mất, còn được chúa Trịnh ban cho vinh dự không ai có được là được phong làm phúc thần của làng lúc đang còn sống.
Vua Gia Long
Sang đến triều Nguyễn, thì nhân vật được sử sách mô tả có tài bắn giỏi nhất, chính là Vua Gia Long. Bộ sử “Quốc triều chính biên toát yếu” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, viết: “Tháng 3, năm Nhâm Dần, năm thứ 3 (năm 1782, tính từ năm Nguyễn Ánh lên ngôi vương ở Gia Định), quân Tây Sơn chiếm lấy Sài Gòn. Lúc lâm trận, ngài (chúa Nguyễn Ánh) bắn súng điểu thương hay lắm, bắn đâu trúng đó”.
Có lẽ do vị vua đầu triều được mô tả là một thiện xạ tầm cỡ nên sau này, ở triều Nguyễn không có viên tướng nào được đề cập bởi tài bắn súng nữa. Sử triều Nguyễn cho biết thêm, sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn và lên ngôi vua, khẩu súng điểu thương (tức súng hỏa mai) của vua Gia Long được lưu giữ để làm kỷ niệm.
Bộ sử nêu trên viết tiếp: “Khẩu súng của ngài, đến triều Minh Mạng, được phong là Võ công lương khí, được tống tàng cùng áo nhung nón chiến của ngài ở trong điện”.
Tuy nhiên, sau sự biến kinh thành năm 1885, quân Pháp đã tràn vào các cung điện ở kinh đô Huế, cướp đi hầu hết vàng bạc, châu báu và các di vật lịch sử từ các triều vua Tự Đức trở về trước. Khẩu súng điểu thương của vua Gia Long, cũng như thoi vàng tín vật nhà vua trao cho Thừa Thiên hoàng hậu, lưu giữ trong điện Phụng Tiên, đều bị quân Pháp lấy mất.