Những cuộc sống ký sinh
Thế giới kì diệu trong ánh mắt trẻ thơ
Trong tiềm thức, Chelsea Wood mơ ước sẽ trở thành một nhà sinh vật học đại dương, được nghiên cứu đời sống của những chú cá heo hoặc lặn sâu thám hiểm biển cả để giải mã bí ẩn của thế giới động vật rộng lớn. Cô bé có niềm yêu thích đặc biệt với ốc biển, dành thời gian ngắm nhìn từng con vật bé nhỏ chậm rãi di chuyển bên trong “phòng thí nghiệm” mini là chiếc giỏ bằng gỗ.
Phải mất hơn 20 năm, Chelsea Wood, khi ấy đã có tiếng trong giới nghiên cứu sinh vật biển tại đại học Washington, mới nhận ra thế giới tuổi thơ trong vỏ ốc ngày bé lại ẩn chứa sự sống đến từ những ấu trùng. Loài giun dẹp Cryptocotyle lingua (ký sinh phổ biến trên cá), trong tư duy ngây thơ của tuổi nhỏ, trông vô cùng đáng yêu và có nét quyến rũ bởi hai chấm mắt đen nhánh. Wood chẳng thể rời mắt khỏi sinh vật kì quặc, rồi liên tục đặt câu hỏi về nguồn gốc của chúng, đến độ phải thốt lên: “Rồi có ngày, mình sẽ biết chúng là ai”.
Lên đại học, Wood dành phần lớn thời gian trong phòng thí nghiệm với những người bạn... ngoe nguẩy. Thế giới sinh vật của Wood sống nhờ vật chủ, tựa kẻ bị ruồng bỏ trong vũ trụ của động vật. Có vẻ, giới khoa học mắc nợ Chelsea Wood (và cộng sự), khi nhà nghiên cứu khởi xướng phong trào bảo tồn những loại ký sinh luôn bị khoa học ghẻ lạnh. Thế giới siêu nhỏ, “ăn bám” phải chiếm đến gần một nửa các loại động vật đã biết trên Trái Đất, nhưng không phải loài nào cũng gây hại cho vật chủ, kể cả con người.
Giới ký sinh chiếm đến gần một nửa các loại động vật đã biết trên Trái Đất. |
Hãy tưởng tượng một ngày trong thế kỷ tới, 10% loài ký sinh biến mất do biến đổi khí hậu, không còn vật chủ phù hợp, điều gì sẽ xảy ra? Wood quan ngại, nhưng chúng ta thì thờ ơ. Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế chỉ liệt vài loài trai hay chấy ký sinh vào nhóm “nguy cơ cao”, trong khi giới ký sinh vô cùng rộng lớn. Chelsea Wood cho rằng, bỏ quên loài ký sinh, là chấp nhận thất bại trong nghiên cứu khoa học sinh vật.
Khoa học tranh cãi, phản biện quan điểm của bất cứ ai ủng hộ Chealsea Wood. Sinh học bảo tồn nguỵ biện, rằng chúng ta đang tiến từng bước chậm rãi... mà chắc để khám phá giới ký sinh, chứ không quên. Số ít ủng hộ Chelsea Wood, tin tưởng thành tựu nghiên cứu các loài ký sinh mở ra triển vọng đột phá trong y học, sinh thái học và lịch sử phát triển giống loài.
Điểm quyến rũ của ký sinh ẩn chứa bên trong nguồn gene cổ đại để tiến hoá, từ loài giáp xác bé nhỏ “siêu độc ác” sẵn sàng khai tử lưỡi cá đến thứ ong bắp cày với nọc độc làm tê liệt não gián. Chúng ta vẫn mường tượng ra những sinh vật đong đưa, lấm bẩn và ghê sợ, nhưng thế giới ký sinh lại ấn tượng theo cách của riêng chúng, và nắm một phần chìa khoá sự sống của muôn loài.
Nhiều, nhưng chưa thấy hết
Con người là động vật bậc cao, nhưng cùng chung số phận với đại đa số loài khác như sư tử, ngựa vằn hay thậm chí cá tôm. Ấy là, chúng ta đều trở thành vật chủ của nhiều nhóm ký sinh, cho dù con người không hề tỏ ra mến khách với chúng. Khoa học tin rằng, hàng trăm loài ký sinh khác nhau đã và đang tiến hoá để thích ứng với cơ thể, rồi gắn cuộc đời của chúng, gộp cả nhiều thế hệ sau, với cơ thể người. Chealsea Wood ngờ vực, từ cái thời còn ngồi trong phòng thí nghiệm trường đại học, về năng lực “mọc lên như nấm” của bầy lũ ký sinh - thời điểm cô nghĩ bản thân mình giống như một bữa tiệc buffet giàu dinh dưỡng cùng năng lượng cho bất cứ cơn đói khát nào của thế giới sinh vật kia.
Tư tưởng lớn gặp nhau. Khi nhà sinh thái học Skylar Hopkins (đại học Bắc Carolina) định nghĩa khái niệm ký sinh, Wood như mở rộng tầm mắt. Bản chất của ký sinh là một mối quan hệ cộng sinh không tương hỗ giữa các loài, trong đó có một loài là ký sinh, sống bám vào loài kia là vật chủ hay ký chủ. Cứ hình dung đơn giản thế này: giống loài ký sinh chẳng dại “chạy đua vũ trang” như kiểu săn mồi - bị thịt, mà mánh khoé lựa chọn cuộc sống “nhàn nhã” bên một đối tác to xác. Wood, và rồi Hopkins, ví von rằng tự nhiên chẳng ưa gì sự trống rỗng, và nếu có cơ hội thì nhất định sẽ có thứ gì đó tiến hoá để lấp đầy khoảng trống ấy. Điều này trở thành nền tảng để hai nhà khoa học vận động làn sóng nghiên cứu chuyên sâu về ký sinh, hướng tới ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài.
Loài đỉa trâu New England đột nhiên mất tích từ suốt 10 năm qua. |
Sự sống trên Trái Đất hình thành bên trong một bát súp hỗn hợp, với giọt Coacervate sơ khai, tạo nên vô số sinh vật. Ký sinh nhờ thế mà cũng tiến hoá, qua hàng tỉ năm, từ một vi sinh vật đơn bào nhất cho tới cơ thể xương sống phức tạp hiện giờ. Kẻ không chuyên sẽ sốc nặng nếu biết ký sinh tồn tại ở khắp nơi, từ nấm ký sinh, giun ký sinh, cho đến chim ký sinh, thậm chí dơi quỷ với “thực phẩm” yêu thích là máu của động vật khác. Sự quên lãng của khoa học khiến Hopkins lên tiếng, và cũng giống như Wood ban đầu, chỉ nhận lại cái lắc đầu. Cặp đôi Wood-Kins không từ bỏ, mà lặng lẽ mở rộng các nhóm nghiên cứu bảo tồn loài ký sinh tại Mỹ, rồi lan sang châu Âu, bắt đầu triển khai kế hoạch toàn cầu từ đầu năm 2021 với mặt trận truyền thông là tạp chí Biological Conservation.
10 năm truy tìm dấu vết khoa học ký sinh, dưới nước hay trên cạn, là tháng ngày thất vọng khi Wood-Kins chỉ lưu lại vỏn vẹn hai mẫu dữ liệu “cổ đại” từ những năm 1940. Trò đùa tiếp diễn vì nghịch lý cùng tử - chủ chết thì ký sinh cũng lìa đời, mà không có bất cứ bằng chứng nào được ghi lại. Chuyện loài lợn lùn quý hiếm dưới chân núi Himalaya bị đe dọa tuyệt chủng khiến Chelsea Wood và Skylar Hopkins nản lòng khi biết loài chấy chuyên hút máu giống lợn này chẳng mấy mà cũng biến mất. Và điều khiến Wood-Kins muốn bỏ cuộc nhất chính là tham vọng xoá sổ một giống rận chuyên ký sinh trên loài Thần ưng California, hay loài đỉa trâu New England đột nhiên mất tích từ suốt mười năm qua.
Bình thường hóa quan hệ
Một tối mùa đông tháng 12/2020, Skylar Hopkins nhận được một email dài với trăn trở về thế giới ký sinh. Vũ trụ sinh vật ấy, nếu có ngày biến mất, sẽ khủng khiếp đến mức nào? Hopkins lặng lẽ vẽ ra một bức tranh nhợt nhạt: kẻ ăn bám chẳng đáng lo, chỉ sợ hệ sinh thái sẽ “nổ” nếu không có lũ ký sinh ấy. Có người ví ký sinh trùng giống chiếc cần điều chỉnh dân số, hạn định lượng cá thể của các loài để giữ cân bằng cho hệ sinh thái. Vài người giả định, không có ký sinh đồng nghĩa với nhiều loài mất đi nguồn thức ăn.
Hopkins tin vào điều này, bởi một số ký sinh trùng chuyển chủ để tiến hoá, thao túng “tâm lý” của chủ mới, biến chủ mới thành mồi ngon cho loài khác. Hopkins gọi đây là biệt tài thôi miên, được cô phát hiện ở giun bờm ngựa (Nematomorpha) chuyên ký sinh trên dế, nhờ chất có khả năng phá hủy hệ thống thần kinh mà thôi thúc chủ tự nguyện nhảy xuống nước và chết đuối. Vật chủ chết, giun bờm ngựa sẽ thoát ra ngoài và bắt đầu một vòng tuần hoàn mới với nạn nhân tiếp theo, còn dế trở thành thức ăn cho cá hồi nước ngọt.
Với Chelsea Wood, loài người chớ vội mừng ở một vũ trụ không tồn tại ký sinh trùng. Ở nhiều quốc gia như Mỹ, sự biến mất của một số nhóm ký sinh đường ruột lại gây ra nhiều bệnh tự miễn khó hiểu. Tư duy giải thích theo kiểu: hệ miễn dịch tiến hoá cùng với một “hội” những ký sinh và sinh vật nguyên sinh, nên mất hội này thì miễn dịch bắt đầu tấn công chính mình. Chẳng thế mà nhiều người mắc bệnh Crohn (chứng viêm ruột xuyên thành mạn tính) từng tìm cách chữa trị khi cân bằng lại hệ sinh thái đường ruột nhờ một số loài ký sinh.
Giun bờm ngựa có khả năng thôi miên, khiến vật chủ dế tự sát. |
Trang blog “Độc, Điên nhưng Đẹp” ra đời, hướng đến quan điểm y khoa là loại bỏ ký sinh trùng gây bệnh nhưng cần đào sâu nghiên cứu và sẵn sàng bảo tồn khi cần. Có vẻ Wood và Hopkins đã thành công khi truyền tải thông điệp: chúng ta không cần yêu loài ký sinh, mà nên “bình thường hoá” quan hệ với chúng khi còn nhiều bí ẩn ký sinh cất giấu đối với tự nhiên và chính loài người. Cùng một mẹ thiên nhiên, phải thấu hiểu trước rồi mới biết bước tiếp theo nên làm gì...