Bí ẩn những cỗ quan tài treo ở Tây Bắc

Thứ Sáu, 19/05/2017, 13:18
Trong cái nôi văn hóa của hơn 30 chục vùng dân tộc ít người của dân tộc Việt Nam ta – Tây Bắc có rất nhiều điều kỳ bí. Gần đây người ta đặc biệt nhắc nhiều đến các cỗ quan tài treo trên những vách núi cao và chưa ai tìm ra được lời giải. 

Bà con người Thái, người Mường ở vùng Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hang Ma ở thị trấn Hồi Xuân có đến hàng trăm chiếc quan tài treo ở trong động cao hàng trăm mét so với mặt nước sông Luồng. Tương tự ở khu vực xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, riêng một xã có tới hơn 10 động sâu ở trong hang núi ở đó chứa hàng chục cỗ quan tài treo lơ lửng…

Một táng thức bí ẩn?

Chúng tôi đi từ huyện Mộc Châu đi dọc sông Đà và đi thêm 50km nữa về xã Suối Bàng, bà con đã quá quen với hình ảnh, người miền xuôi chuyên gia nghiên cứu cũng như các du khách nước ngoài đến thăm các hang Ma của họ. Đường vào hang rất hiểm trở, sau vài giờ leo núi chúng tôi đã thấy hàng trăm cỗ quan tài làm bằng hai nửa thân cây khoét rỗng ruột và úp lại với nhau. 

Khi úp hai nửa thân gỗ rỗng đó lại thì cây gỗ vẫn tròn như khi nó đứng ở trong rừng. Không biết tộc người nào đó, đã nghĩ ra cách chôn người chết trong những thân cây gỗ khoét rỗng. Với nhiều dân tộc trên thế giới thì họ coi rằng đây là một cách chôn người rất lạ, các khoa học gọi là “huyền táng” (chôn người một cách bí ẩn).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt trên đường leo núi nghiên cứu về các cỗ quan tài treo.

Một số người già ở xã Suối Bàng kể lại rằng cách đây hàng trăm năm người Xá và người Thái đã có sự tranh chấp về đất đai. Người Xá là người bản địa đã, còn người Thái thì mới đến. Vậy là họ đã nghĩ ra cách hỏi các vị thần linh, xem các vị đồng ý cho người Xá hay người Thái được sống trên đất Mộc Châu. Họ thi bắn tên vào các hốc đá, nếu mũi tên nào bay xa và cắm được vào vách đá thì sẽ giành chiến thắng. Người Xá thì có mũi tên bọc bằng đồng nên rất tự tin, nhưng đã bị bật ra, còn người Thái họ lấy mũi tên bằng cỏ, trên mũi tên thì bôi sáp ong, có khả năng kết dính cao, và khi bắn mũi tên vào đá, mũi tên bám ngay vào đó. 

Cuối cùng người Thái đã giành được những vùng đất mênh mông ven sông Đà ở huyện Mộc Châu. Từ đó người Xá phải đi khỏi vùng đất Mộc Châu, mang theo thường trực nỗi sợ, nên mỗi khi có người chết, họ luôn cho lên những hang cao, trên những đỉnh núi cao, để không bị xâm phạm đến mồ mả. Và vì để trong rừng nên họ rất sợ thi thể bị thú rừng tấn công, và việc dùng gỗ cây đinh thối có mùi thối rất nặng được chọn làm giải pháp.

Cận cảnh những cỗ quan tài bằng thân cây khoét rỗng và trang trí các hoạ tiết sinh động.

Các nhà khoa học đã chứng minh, những ngôi mộ làm bằng gỗ thân cây khoét rỗng này có thể từ thế kỷ X - XV, niên đại từ 500 - 1.000 năm. Chúng tôi đi vào khu vực xã Suối Bàng huyện Mộc Châu thì thấy, rất nhiều các cỗ quan tài còn treo ở đó. Nhiều người thắc mắc tại sao các cỗ quan tài này được làm rất cầu kỳ, ở những khớp nối có hình đuôi én, giống những con thuyền độc mộc đi trên sông. Có phải điều đó chứng tỏ các cộng đồng dân tộc là chủ nhân của các ngôi mộ này, cuộc sống của họ gắn với sông nước!? Nếu đúng thì có thể khẳng định chủ nhân các ngôi mộ đó là người Thái - dù khẳng định này ngược lại với câu chuyện một số người già ở Suối Bàng đã kể ở trên.

So với những ngôi mộ thuyền đã phát hiện ở Việt Nam, thì các ngôi mộ thuyền mà chúng tôi tìm thấy trong các hang động vùng Suối Bàng, đặc biệt trong những hang Ma ở xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu, các quan tài treo được điêu khắc rất cầu kỳ, đặc biệt trong đó còn xương người, những đầu lâu khá lớn. Ở một vài hang khác, trên quan tài còn đẽo chữ cổ, hoặc hình cô gái đang múa. Hầu hết các trần hang đều thấp và cùng chứa mấy chục cỗ quan tài, tất cả đều được treo rất cao so với mặt nước sông Đà, và ngay trong hang nó cũng được gác trên những cành cây khô ráo. Chứng tỏ, họ đã quy hoạch những khu mộ treo này một cách bài bản và chu đáo, nó giống như một văn hóa trong mai táng chứ không phải là sự chôn lấp cẩu thả, bừa bãi để chạy trốn các dân tộc khác, như một số giả thuyết đã đưa ra.

Bà con bản địa, rất nhiều người cho biết không phải tổ tiên của họ được treo trong hang sâu, trong các cỗ quan tài gác lên núi cao như thế. Bởi nhiều đời nay, người dân Suối Bàng không hề cúng bái hay có một tín ngưỡng nào liên quan đến các cỗ quan tài này cả.

Khu vực hang núi chon von, xa lánh mặt đất, và quan tài được xếp trên giá cao với từng lớp lang cầu kỳ

Câu trả lời còn treo mãi cùng các cỗ quan tài!

Từ Mộc Châu về, chúng tôi đã tìm hiểu từ vùng Hồi Xuân và hỏi chuyện những nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này. GS. Nguyễn Lân Cường cho rằng tục “huyền táng” có từ thời Chiến Quốc bên Trung Hoa. 

Họ làm các cỗ quan tài treo hướng về phía mặt trời để tránh thú dữ xâm phạm, họ tin rằng người con đưa quan tài cha mẹ lên các vách núi cao là người con có chí, có hiếu. Họ tuyển người tài giỏi trèo lên đỉnh núi cao, rồi thòng dây đu xuống vách núi, đục hang huyệt, cọc gác quan tài, sau đó quan tài được kéo lên huyền táng trên vách núi.

Còn TS. Nguyễn Văn Việt (GĐ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) cho biết, ông đã khảo sát khu vục Suối Bàng và Quan Hóa và tìm được một số mảnh sành gốm từ thời Lý - Trần. 

Theo ông việc “huyền táng” ở hai nơi này đều chọn hang núi cao hiểm trở và có sông suối ở bên dưới. Bởi người xưa tin rằng, thiên táng trên núi cao chính là con đường ngắn nhất để linh hồn người chết được trở về với trời, đó là thiên đường trong quan niệm của họ.

Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu thì cho biết những quan tài cổ này có liên quan đến tộc người Môn Khmer, như người Xá, Khơ Mú, hay Xinh Mun, chứ không thể là của người Thái hay Mường được. Bởi nếu là tổ tiên người Thái hay Mường là bản địa thì họ đã thờ cúng. Chúng tôi tiếp tục đi tìm câu trả lời ở Viện Khảo cổ học Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những phân tích tương đối thuyết phục. 

Ví dụ các nhà khảo cổ của Viện Khảo cổ Việt Nam là ông Bùi Văn Liêm và ông Nguyễn Gia Đối đã viết về những cỗ quan tài như sau: “Niên đại của các cỗ quan tài này có từ thế kỷ X- XV, từ những ngôi mộ treo chúng tôi đã tìm hiểu các dân tộc xung quanh và hiện nay người Mường, người Thái, người Quan Hóa vẫn dùng những cỗ quan tài tương tự như đã phát hiện trong hang, để mai táng người chết. Theo các cụ cao niên thì xa xưa người Mường, người Thái định cư ở khu vực này vẫn dùng quan tài từ thân cây, từ thân cây lớn có thể từ gỗ Bi đến gỗ Vàng Tâm sau khi cưa cắt cẩn thận họ dùng rìu để bổ đôi khoét rỗng lòng tạo thành chiếc quan tài. 

Hiện nay đa số người Mường, người Thái đặc biệt ở Quan Hóa, Thanh Hóa vẫn có những cỗ quan tài bằng thân cây khoét rỗng để dự chữ cho người thân khi quá cố và họ đặt ngay dưới gầm ngôi nhà sàn của họ. Từ những lý do trên chúng tôi cho rằng chủ nhân những ngôi mộ trong các hang động và mái đá ở nhữn khu vực trên là có quan hệ họ hàng với dân tộc Mường và Thái ở Tây Bắc”.

Còn một người nghiên cứu rất sâu về những động Ma và các cỗ quan tài treo là ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo của huyện ủy Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Ông Nghĩa khẳng định, chủ nhân những ngôi mộ này chính là tầng lớp quý tộc xưa đã từng sinh sống ở Quan Hóa, hoặc vùng Suối Bàng, hoặc vùng Mộc Châu của tỉnh Sơn La. Họ là những người giàu và có nhiều đồ tùy táng quý, có điều kiện để làm những cỗ quan tài đẹp và có điều kiện để thuê người, mang những cỗ quan tài của người thân mình lên các đỉnh núi cheo leo, trên những hang sạch sẽ, bao giờ cũng phải nhìn xuống cảnh sơn thủy hữu tình, có dòng sông chảy qua, đây giống như một “đẳng cấp” trong mai táng.

Chúng tôi thì nghĩ rằng, sau những bí ẩn của phong tục “thiên táng” trong động Ma, các quan tài treo trong các động bí ẩn này mãi mãi vẫn là câu chuyện bí ẩn. Nhiều nhà khoa học đã có mặt ở hiện trường và TS. Nguyễn Văn Việt đã mang chính di cốt ở trong những cỗ quan tài treo từ những thân gỗ khoét rỗng ở Suối Bàng về nghiên cứu đã nhiều năm, đến nay vẫn chưa thể khẳng định chủ nhân các ngôi mộ ấy là của dân tộc nào và họ đã mai táng người thân của mình với niềm tin nào. 

Đặc biệt, niềm tin đó cần kiểm chứng ở đâu? Còn tộc người nào ở Việt Nam còn giữ tục này không và họ có thờ cúng tổ tiên họ ở đây không? Có sách vở hay bia kí nào viết lại vấn đề này một cách thuyết phục không?

Có lẽ những động Ma mãi mãi vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải, và trong khi đó thì rất đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những người trẻ vẫn đến đây tham quan nghiên cứu, kính cẩn thắp nhang trước những người quá cố. 

Ngay  cả khi chưa tìm được lời giải như thế, chúng ra vẫn cần tôn trọng và bảo vệ các hang động và các cỗ quan tài treo kỳ bí này, tránh việc phá phách, xâm hại, đào bới để tìm kiếm cổ vật như đã từng xảy ra một cách hết sức đau lòng ở khắp các thủ phủ quan tài treo trong động ma ở khắp Sơn La, Thanh Hóa.

Lãng Quân
.
.