Những cái bẫy của dự đoán tương lai

Thứ Ba, 14/01/2020, 08:24
Hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã đi đến hồi kết. Nếu như thế kỷ 20 xoay quanh các câu chuyện của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và các phong trào giải phóng dân tộc thì thế kỷ 21, cho đến thời điểm này, là câu chuyện của những loại “người” mới, những trí tuệ nhân tạo và những siêu nhân, của những bước tiến vượt bậc về mặt công nghệ....


Trước khi bước vào thập niên tiếp theo với đầy hoài bão và nghi hoặc, ta cùng điểm lại những “quẻ bói toán” mà các nhà khoa học từng “gieo” cho thời đại này, xem thế giới đã “trật bánh” theo chiều hướng nào.

Những “nhà tiên tri” lầm lẫn

Năm 1997, trên tạp chí khoa học kỹ thuật Wired, nhà tương lai học Peter Schwartz và Peter Leyden đã tưởng tượng ra viễn cảnh đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2020, đúng nửa thế kỷ sau khi chúng ta lần đầu đặt chân lên Mặt trăng. Hai ông thậm chí còn mô tả rất rõ khoảnh khắc lịch sử này: “4 nhà du hành vũ trụ đáp xuống và chiếu hình ảnh của mình trở lại 11 tỉ cư dân trên Trái đất ngay trong giờ phút ấy. Cuộc thám hiểm là một nỗ lực chung được hỗ trợ bời hầu như mọi quốc gia trên thế giới...”.

Vào thời điểm bài viết được xuất bản, nó có tính khả tín rất cao. Nhưng giờ thì khó lòng để ai tin vào điều đó nữa, dù cho tỉ phú Elon Musk hồi tháng 9 vừa qua (lại) tuyên bố rằng SpaceX hướng tới mục tiêu đưa con người lên Mặt trăng và sao Hỏa vào năm sau và dần dần thương mại hóa những chuyến du lịch tới hành tinh màu đỏ.

Giấc mơ lên Sao Hỏa vẫn còn khá xa vời trong năm 2020.

“Tôi nghĩ chúng ta nhiều khả năng sẽ được chứng kiến con người bay tới đó (Mặt trăng và sao Hỏa) trong năm tới nếu như chúng tôi có thể đưa tàu vào quỹ đạo trong vòng 6 tháng”, Musk tự tin cập nhật lịch trình của tàu con thoi Starship. Nhưng, ai còn tin nổi những khẳng định có phần “huênh hoang” của Musk? Ông nổi tiếng “hứa lèo”.

Từ năm 2017 ông đã hứa sẽ có 2 công dân được đi du lịch quanh Mặt trăng. Nhưng đến tận năm nay, SpaceX vẫn chưa đưa được người nào ra ngoài vũ trụ. Ông bảo kế hoạch hoãn lại, để tập trung làm... một tên lửa lớn hơn.

2020 có lẽ là một năm đặc biệt, rất nhiều nhân vật trong thế kỷ trước từng đưa ra dự đoán về nó. Tiên đoán về việc lên sao Hỏa tuy khó thành hiện thực nhưng vẫn là một mục tiêu trong tương lai gần thì còn nhiều tiên đoán khác mà cuối cùng đều trật lất: đó là dự đoán mọi con đường sẽ biến thành... ống trên tờ Popular Mechanics vào năm 1957, dự đoán về sự xuất hiện những ngôi nhà biết bay của nhà văn viễn tưởng nổi tiếng Arthur C.Clarke, hay việc con người sẽ có thể dịch chuyển tức thời - theo Michael J. O'Farrell, một trong các chuyên gia công nghệ hàng đầu.

Nhà phát minh lớn nhất thế kỷ 20 Thomas Edison có thể rất xuất sắc trong việc phát minh nhưng nhìn trước tương lai thì chắc không phải thế mạnh của ông. Trong bài phỏng vấn năm 1911, Edidon tiên đoán sự lên ngôi của thép, cụ thể là chúng ta sẽ có những ngôi nhà bằng thép, lũ trẻ sinh ra sẽ nằm trong nôi thép, trong khi ông bố nó sẽ ngồi trên ghế thép còn phòng trang điểm của bà mẹ sẽ toàn đồ nội thất bằng thép.

Đối thủ một thời của Edison là Nikola Tesla cũng sai không kém khi tiên đoán thời điểm cà phê và trà sẽ tuyệt chủng. “Trong vòng một thế kỷ, cà phê, trà và thuốc lá sẽ không còn là mode nữa” nhưng ông đã nhầm.

Những tưởng rằng những dự đoán đưa ra từ thời xưa xửa xừa xưa mới sai lệch nhưng cả những dự đoán mới đây cũng không khá hơn. Trong cuốn sách Điểm kỳ dị đã cận kề: Khi con người vượt qua sinh học ra mắt năm 2005, tác giả của nó - nhà sáng chế Ray Kurzweil cho rằng vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, chúng ta sẽ sáng chế ra những nanorobot có khả năng đưa chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải trong tế bào, như thế, dần dần, hoạt động tiêu hóa tự nhiên của con người sẽ chỉ còn là câu chuyện được kể trong viện bảo tàng.

Nhưng, kể cả khi phát minh đó được làm ra thật thập niên tới đây, liệu nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta hay chỉ trở thành một ứng viên của giải IG Nobel? Chứng kiến trào lưu phát triển của những doanh nghiệp thiên về trải nghiệm trong những năm gần đây, bạn sẽ thấy rằng con người không bao giờ chán việc thưởng thức một món ăn nào đó. Ẩm thực đã vượt xa khỏi việc ăn cho no mà thể hiện một đẳng cấp sống hay một gu thưởng thức.

Nếu ai đã từng xem bộ phim tài liệu Sushi: Giấc mơ của Jiro - bộ phim về tiệm sushi nức tiếng hàng chục năm qua của Nhật Bản - sẽ biết rằng người ta có thể tín ngưỡng một quán ăn ngon, một đầu bếp giỏi đến đâu và ăn là một trải nghiệm định hình việc làm người.

Dự đoán tương lai, vì sao thường sai?

Có thể thấy, rất nhiều dự đoán về tương lai thường trật lất. Những dữ kiện hiện tại là không đủ để mường tượng một thế giới của nhiều chục năm sau. Thậm chí, trong tiếng Anh có cả một từ ngữ để chỉ những dự đoán sai rất thường xuyên của các nhà tương lai học, đó là từ “Hermie”. Chúng ta tốn không ít tiền bạc để in những cuốn sách hóa ra sai mười mươi như Quả bom dân số của nhà khoa học Paul R Ehrlich, trong đó dự đoán hàng trăm triệu người sẽ chết đói vào thập niên 1970.

Trong cuốn sách Hộp thời gian: một lịch sử văn hóa của tác giả William E. Jarvis, ông nhắc tới nỗi thất vọng điển hình về những chiếc hộp thời gian - một món đồ cất giữ những vật phẩm của hiện tại được chôn xuống và đợi nhiều năm sau mới khai quật trở lại cho những con người thời đại mới tham khảo người thiên cổ đã sống thế nào. Chúng ta kỳ vọng những người đời sau sẽ cảm thấy tò mò trước những món đồ cổ lỗ kia. Nhưng, sự thật thường không như vậy.

Năm 1999, tại trường Đại học Washington, một chiếc hộp thời gian được lật mở. Chiếc hộp này được chôn xuống năm 1927, tức là hơn 70 năm trước. Và, trong đó có một tờ báo đã ngả vàng, một đồng 10 cent, một cuốn sổ tay và một tờ giấy phép xây dựng. Tất cả những người chứng kiến đều la ó vì sao mà người xưa sống... chẳng khác gì người nay.

Người ta thường mường tượng Chiến tranh thế giới thứ 2 mang màu sắc hiện đại, tuy nhiên, thực tế là những chú ngựa giữ rất nhiều trọng trách đối với Đức Quốc xã.

Ở một mặt nào đó, chúng ta đang thay đổi rất nhanh nhưng một mặt khác, chúng ta không thay đổi nhiều như mình nghĩ. Việc sở hữu những chiếc ô tô hay ngôi nhà biết bay vẫn là viễn tưởng. Trong khi đó, theo nhà sử học David Egerton trong tác phẩm Cú sốc của đồ cổ cho biết than đá được dùng nhiều trong thế kỷ 20 hơn cả trong thế kỷ 19, đầu máy hơi nước thì phổ biến trong thế kỷ 19 hơn cả thế kỷ 18 và ý ông là rất nhiều những khía cạnh làm nên đời sống cơ bản của con người hầu như không thay đổi hoặc thay đổi rất chậm theo thời gian. Hãy nhìn Amazon! Trong khi họ đang thử nghiệm phương thức dùng máy bay không người lái để giao hàng thì trên thực tế, những món đồ vẫn đang được giao trên đường phố New York bằng một phương tiện được phát minh 200 năm trước, xe đạp.

Những dự đoán tương lai thường dựa trên cơ sở về những gì đang phổ biến ngày nay và thổi phồng vai trò của chúng trong tương lai. Chúng ta thường để ý những trào lưu thay đổi liên tục nhưng những thứ hầu như không thay đổi thì chúng ta ít khi để tâm. Và những thứ hay thay đổi chính là công nghệ, vì thế những nhà tương lai học thường dõi đôi mắt của mình về sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật.

Khoa học kỹ thuật đúng là phát triển rất nhanh nhưng nó không phải tất cả yếu tố quyết định tương lai. Một điều kỳ lạ là ít khi người ta dự đoán về sự thay đổi của những mẫu thức văn hóa hay lối ứng xử của con người. Những bộ phim vị lai sản xuất năm 1960 về xu hướng văn phòng tương lai với những công nghệ tân tiến nhất, song những văn phòng đó hoàn toàn vắng bóng phụ nữ - một hiện tượng bình thường thời bấy giờ.

Ta không hề phủ định tốc độ phát triển theo cấp số nhân của công nghệ và những ảnh hưởng nó áp đặt lên đời sống hiện đại. Chúng ta mất gần nửa thế kỷ để phổ cập điện thoại - món đồ công nghệ thực tế ảo đầu tiên nhưng chỉ mất 8 năm để phổ cập điện thoại di động. Tuy vậy, một thế giới bị ám ảnh bởi công nghệ cũng tạo cho chúng ta nhiều ảo tưởng về sự văn minh của mình so với thế hệ trước.

Nói như sử gia David Edgerton: “Lũ ngựa còn đóng góp cho các chiến dịch của Đức Quốc xã nhiều hơn cả tên lửa V2”. Quả vậy, hơn 6 triệu con ngựa đã được Đức Quốc xã và Hồng quân Liên Xô sử dụng trong Thế chiến thứ 2 để vận chuyển quân đội, pháo binh, vật liệu, các đội kỵ binh cơ động. Nhưng sự đóng góp thô sơ ấy thường không được để ý.

Các nhà tương lai học thậm chí còn dự đoán, trong thời gian tới, ngành tương lai học sẽ không còn đất dụng võ, bởi khoa học sẽ phát triển tới mức độ, ta có thể thu thập mọi dữ liệu về mọi trạng thái trong hiện tại và một khi đã biết “nhân” thì ta sẽ dễ dàng biết “quả”, tức là mọi người đều có thể thấy trước tương lai, chẳng cần gì đến trí tưởng tượng của các nhà tương lai học.

Và trong khi các nhà tương lai học vẫn luôn cố gắng gieo rắc nỗi sợ hãi chung chung về sự kiểm soát của công nghệ lên con người, sự thực chứng minh còn rất xa máy móc mới tiến tới điểm nút đó, theo cách so sánh của nhà khoa học nổi tiếng Michio Kaku thì những AI thông minh nhất cũng chỉ thông minh cỡ “một con gián khiếm khuyết bị cắt thùy não” và nhiều người đang hiểu lầm về tính từ thông minh mà ta thường gán cho trí tuệ nhân tạo. Nên thay vì lo lắng cho sự trỗi dậy của AI, ta nên lo lắng nhiều hơn cho... sự lo lắng thái quá hay kỳ vọng thái quá của con người vào công nghệ.

Hiền Trang
.
.