Những binh sĩ chiến đấu để bị lãng quên

Thứ Tư, 19/08/2020, 13:40
Khoảng 260 ngàn công dân Philippines đã lên đường nhập ngũ, phục vụ quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên những gì họ nhận lại sau ngày phe Đồng minh giành chiến thắng chỉ là sự lãng quên. Giờ đây, những cựu binh hiếm hoi còn sống sót đang cố gắng đòi quyền lợi chính đáng trong vô vọng.

Lịch sử khó quên

Thời trẻ, Patrick Ganio đã chứng kiến đất nước bị xâm lược, công sự phòng thủ bị phá hủy, và hàng ngàn đồng đội ngã xuống nơi chiến trường. Nhưng bằng một phép màu kỳ diệu nào đó, ông vẫn sống sót ngay cả khi bị lính Nhật bắt giữ làm tù binh trong trại tập trung. Những ngày bị tước quyền tự do ở bán đảo Bataan là những ngày Ganio chịu cảnh đánh đập nhừ tử với vết thương không thể khép miệng, và còn bị bỏ đói.

Không phải ai cũng may mắn như Ganio. Trong những ngày Nhật Bản chiếm đóng Philippines, gần 57 ngàn binh sĩ nước này đã hy sinh, cùng một lượng không nhỏ dân chúng thương vong nhưng không thể thống kê con số chính xác. Ganio là một trong những người hiếm hoi có thể vượt qua mọi thảm cảnh để chứng kiến ngày Philippines giành quyền độc lập từ phe Trục. Ông đào thoát khỏi nhà giam, về thăm gia đình rồi lại nhanh chóng lên đường chiến đấu.

Quãng thời gian 3 năm chiếm đóng Philippines của Nhật Bản dần đi tới hồi kết. Quân Đồng minh bắt đầu lật ngược thế cờ ở mặt trận châu Âu, và chiến trường Thái Bình Dương cũng không phải ngoại lệ. Chỉ cần thêm một vài đợt phản công nữa, Ganio và các đồng đội sẽ chính thức quét sạch quân đội Nhật Bản khỏi đảo quốc của họ. Mấu chốt nằm ở cuộc chiến trên đảo Luzon, địa bàn chiến lược chi phối toàn bộ đất nước.

Đồng cam cộng khổ nhưng binh lính Philippines và Mỹ có số phận hoàn toàn khác sau khi chiến tranh kết thúc.

Bất chấp mưa bom bão đạn, Ganio vẫn lao lên dồn quân địch vào chân tường. Ông vẫn luôn như thế kể từ ngày bỏ học lên đường nhập ngũ vào năm 1941, lúc mới 20 tuổi. Ở thời điểm ấy, Philippines vẫn chưa phải quốc gia độc lập, mà là chiến lợi phẩm của Mỹ sau cuộc chiến với người Tây Ban Nha. Ganio vẫn cho rằng mình lên đường bảo vệ quê hương, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ông chỉ là một quân cờ phục vụ lợi ích cho nước Mỹ.

Tiền bạc cũng là một lý do khác khiến Ganio bất chấp tính mạng để lên đường nhập ngũ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở nông thôn, một ngày thường nhật của ông là ra đồng phụ giúp cha mẹ cấy lúa. Làm không đủ ăn, lại thường xuyên mất mùa vì bão, cha Ganio hết lòng ủng hộ con trai tòng quân đi lính. Người nông dân chân lấm tay bùn ấy chỉ nghĩ đơn giản đi lính sẽ có tương lai, có tiền, giúp gia đình thoát nghèo.

Cấp trên trấn an Ganio rằng mặt trận Thái Bình Dương không thể bị xâm phạm, nhưng mọi thứ thay đổi chóng mặt chỉ sau đó vài tháng. Cuối năm 1941, quân đội Nhật tiến hành tổng tấn công. Chưa đầy 10 giờ sau khi phá nát Trân Châu Cảng, một hạm đội lính thủy đánh bộ của họ xuất hiện ở ven biển Philippines. Đánh úp bất ngờ, lại sở hữu nòng cốt là binh lính thiện chiến, Nhật Bản không mất nhiều thời gian chiếm đóng quê hương của Ganio.

Người Mỹ thất hứa

Cuối cùng quân Đồng minh vẫn chiến thắng đúng như những gì Ganio được nghe vào ngày nhập ngũ, nhưng theo một kịch bản hoàn toàn khác. Quá nhiều người đã hy sinh, quá nhiều máu đã đổ xuống. Và mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Từng đi lính với hy vọng đổi đời, mọi thứ Ganio nhận về trong ngày quân Đồng minh tuyên bố chiến thắng phát xít chỉ là con số không. Kể từ đó, ông bắt đầu một cuộc chiến khác kéo dài suốt hơn 7 thập niên qua.

Năm 1946, chưa đầy 1 năm sau ngày chiến thắng, chính phủ Mỹ tuyên bố bãi bỏ mọi quyền lợi và đãi ngộ dành cho những binh lính Philippines từng tham gia Thế chiến thứ hai giống Ganio. Căn cứ để những nhà lập pháp xứ cờ hoa thông qua điều luật này là Ganio và các đồng đội chưa bao giờ tham gia quân đội Mỹ. Họ chỉ phục vụ một xứ thuộc địa của Mỹ ở Đông Nam Á, nên không thể hưởng đầy đủ chế độ giống một binh lính Mỹ.

Mọi thứ như sụp đổ trước mặt Ganio. Sau khi cuộc chiến kết thúc, ông trở về nhà với hy vọng đổi đời đúng như những gì người Mỹ đã hứa hẹn lúc ông nhập ngũ. Ganio tin ông sẽ có tiền để theo học ngành sư phạm, trở thành một thầy giáo trong vài năm tới, có tiền nuôi gia đình nhỏ vừa chào đón thêm một thành viên mới. Viễn cảnh đó nhanh chóng sụp đổ, và Ganio chẳng biết chia sẻ với ai cho đến ngày ông gặp một nghiên cứu sinh có tên Jimiliz Valiente-Neighbours.

Tranh cổ động người dân Philippines nhập ngũ trong Thế chiến thứ hai.

Trong quá trình nghiên cứu phục vụ làm luận án Tiến sĩ hồi năm 2008, Valiente-Neighbours tỏ ra đặc biệt hứng thú với chủ đề về những binh sĩ Philippines phục vụ quân Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Chiến đấu vì nước Mỹ có ý nghĩa như thế nào với họ? Cô càng tò mò hơn khi biết ông nội mình từng là một đồng đội của Ganio, phục vụ trong một đơn vị có tên Quân đội Mỹ thuộc vùng Viễn Đông; nhưng không ai trong gia đình muốn kể lại chuyện đó cả.

Trước khi thất hứa, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt từng tuyên bố "mọi công dân Philippines đều là công dân Mỹ, được Mỹ bảo hộ về mọi mặt". Nghe theo những lời hoa mỹ ấy, 260 ngàn thanh niên Philippines giống Ganio đã lên đường nhập ngũ. Họ thuộc rất nhiều đơn vị: quân đội chính quy, quân du kích, y tá,... Tuy nhiên kể từ ngày Roosevelt qua đời, cộng thêm gánh nặng tài chính phát sinh, Mỹ dần tính đến phương án khác.

Cảm thấy việc giữ Philippines làm thuộc địa không còn mang lại quá nhiều lợi ích, Mỹ quyết định trao quyền độc lập cho đảo quốc này. Bằng cách đó, họ có thể rũ bỏ mọi nghĩa vụ với những người lính Philippines từng chiến đấu vì nước Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Bù lại, chính quyền Mỹ sẽ hỗ trợ Nhà nước Philippines non trẻ một khoản tiền lên tới 200 triệu USD dưới dạng viện trợ quân sự. Trên danh nghĩa nó được sử dụng để bồi thường cho lính bản xứ, nhưng không một ai trong số họ được nhận tiền cả.

Niềm tin trong vô vọng

Tìm đến những binh sĩ hiếm hoi còn sống sót từ Thế chiến thứ hai, Valiente-Neighbours càng ngạc nhiên hơn khi họ còn nhớ như in những lời Mỹ từng hứa hẹn với họ. Người kế nhiệm Roosevelt, Tổng thống Harry Truman từng ra thông cáo nói người Philippines "đã chiến đấu như những công dân Mỹ, vì lợi ích của nước Mỹ". Nghe xong những lời đó, mọi người lính Philippines đều quả quyết họ là người Mỹ, dù không ai trong số họ có hộ chiếu Mỹ và cũng chưa bao giờ đặt chân đến Mỹ cả.

Hơn 10 năm đã trôi qua kể từ ngày gặp Ganio, Valiente-Neighbours trên cương vị Giáo sư Đại học Point Loma Nazarene đã gặp thêm 82 cựu binh khác. Họ đều cảm thấy suy sụp, thất vọng về những gì họ nhận lại. Trong một đoạn băng ghi âm được Valiente-Neighbours chia sẻ, một cựu binh đã gửi lời nhắn nhủ đến nước Mỹ: "Tôi đã trao các người tuổi thanh xuân, những năm tháng tươi đẹp nhất. Nhưng khi tôi về già, các người lãng quên tôi. Tôi từng chiến đấu, và giờ sẽ chiến đấu lần nữa".

Lính Mỹ thường gọi lính Philippines là "người anh em da nâu nhỏ bé".

Với những cựu binh Philippines sau này mang quốc tịch Mỹ nhờ di cư, những gì họ chứng kiến ở xứ cờ hoa càng khiến họ cảm thấy bức xúc hơn. Họ chưa bao giờ được đối xử giống như cựu binh Mỹ, đặc biệt là những người da trắng từng trực tiếp tham chiến. Vì thế họ nhanh chóng liên hệ với nhau, đoàn kết lại và đòi nhận về những quyền lợi mình đáng được hưởng. Giữa những cựu binh ở tuổi gần đất xa trời, Ganio một lần nữa là thủ lĩnh của cuộc chiến mới.

"Chúng tôi đã tham gia cùng một cuộc chiến với binh lính Mỹ, thế nên chẳng có lý nào chúng tôi không được hưởng quyền lợi như họ", Ganio giãi bày. Ký ức về một thời bom lửa vẫn được ông nhớ như in, tới mức ông còn thuộc cả lời bài hát mà binh lính Nhật vẫn thường ngâm nga phía bên kia song sắt. Kế hoạch bước đầu thành công nhờ những chuyến vận động không ngừng nghỉ. Một thời gian ngắn kể từ ngày nhậm chức Tổng thống, ông Obama ký sắc lệnh thanh toán 9-15 ngàn USD cho những binh sĩ Philippines từng tham gia Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên với nhiều cựu binh Philippines, họ muốn được thừa nhận chứ không chỉ là một khoản bồi thường. Phần lớn trong số họ đã ngoài 90 tuổi, và chừng đó tiền đâu có nhiều ý nghĩa với những ai đang ở tuổi gần đất xa trời? Họ muốn chính phủ Mỹ phải ghi nhớ sự hy sinh thầm lặng của "những người anh em da nâu nhỏ bé" trong lịch sử hiện đại của xứ cờ hoa. Người Philippines đã dũng cảm chiến đấu, giành lại quê hương xứ sở bằng chính đôi bàn tay mình, chứ không phải những kẻ lười biếng và hèn nhát chỉ biết dựa dẫm vào cường quốc.

Đào Hải Sơn
.
.