Người cứu rỗi vương quyền nước Pháp

Thứ Sáu, 20/09/2019, 05:08
Philippe đệ nhị, tức Philippe Auguste, quả thật là một bậc quân vương quỷ quyệt. Song, chính sự nham hiểm của ông lại góp phần quan trọng tạo nên vị thế cường quốc hàng đầu cựu lục địa của nước Pháp, kể từ thời Trung cổ đến cận đại.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tên tuổi của người đó bị xây dựng thành một nhân vật đáng căm ghét trong văn học Anh, như biểu tượng xấu xa đối nghịch với vị vua huyền thoại Richard - Trái tim sư tử (Richard I The Lion heart). 

Philippe đệ nhị, tức Philippe Auguste, quả thật là một bậc quân vương quỷ quyệt. Song, chính sự nham hiểm của ông lại góp phần quan trọng tạo nên vị thế cường quốc hàng đầu cựu lục địa của nước Pháp, kể từ thời Trung cổ đến cận đại.

Những bề tôi lấn chúa

Để hiểu rõ hơn về những hành động của Phillipe Auguste - kẻ thông đồng với hoàng tử John và bắt giam Richard "Sư tử tâm" trong danh tác Ivanhoe của văn hào Anh Walter Scott (cũng như trong những câu chuyện dân gian Anh hay những tiểu thuyết về Robin Hood - chúa tể lục lâm), có lẽ đầu tiên chúng ta cần đi ngược trở lại dòng lịch sử, về đến thời điểm đế quốc Carolingen của Charlemagne suy tàn, khi sự hỗn loạn hoành hành khắp các khu vực. Đó là giai đoạn đầu của thời Trung Cổ - thường được giới nghiên cứu châu Âu gọi là thời kỳ Tăm tối.

Ba con trai của Charlemagne đã chia đế quốc thành ba phần. Phần phía tây - Francia (tức là nước Pháp hiện đại), những chia rẽ, xung đột và mâu thuẫn đi cùng sự suy vi của dòng họ Carolingien khiến lãnh thổ cũng như quyền bính bị phân tán manh mún vào tay hàng loạt các thế lực nhỏ. 

Năm 887, Odo - bá tước vùng Paris, một người không thuộc dòng dõi hoàng gia - được đưa lên ngôi báu bởi một nhóm đồng liêu. Tất nhiên, phái chính thống phản ứng dữ dội, và suốt một thế kỷ, những gia đình thuộc phe này hoặc phe kia thay nhau nắm quyền. Cho đến năm 987, một hậu duệ của Odo kế vị - Hugues Capet, mở ra một sự kế thừa mang tính huyết thống kéo dài tới tận Đại cách mạng tư sản Pháp 1789.

Có điều, trong thực tế, nhóm quý tộc ủng hộ Capet làm vua còn nhiều quyền lực gấp bội so với ông.  Lãnh thổ thực tế của hoàng gia Capet chỉ là Ile de France - một dải đất nhỏ gồm Paris (vốn còn đang rất hoang sơ) và những vùng phụ cận. 

Nó quá bé nhỏ so với đất đai của đám bề tôi nước Pháp đầy quyền lực: Quận công Aquitaine, quận công Normandie, quận công Bourgogne, hay các bá tước Flandres, Anjou, Champagne, Bretagne, Toulouse… Nếu muốn, bất cứ ai trong số họ cũng có thể thách thức triều đình hoàng gia, chỉ bằng việc không đóng thuế, hay không góp binh sĩ cho các nhiệm vụ thảo phạt.

Philippe Auguste, trong một bức bích họa cổ.

Suốt 350 năm, các nhà vua Pháp dòng Capet đã phải cam chịu nghịch cảnh đó. Tuy vậy, chỉ riêng việc họ duy trì được sự liền mạch đó, nhằm xác lập mỗi lúc một vững chắc tính chính thống của mình, đã là một thành công lớn. 

Điều này có quan hệ mật thiết với một yếu tố quyết định: Nhà thờ Thiên Chúa giáo. Giáo hội, chừng ấy năm, vẫn sát cánh cùng hoàng gia Pháp. Những nghi lễ đặc biệt như được hàng giáo chức ban phước, đội vương miện, xức dầu thánh…tạo cho các nhà vua Capet một sự thiêng liêng đặc biệt trong mắt dân chúng, kể cả dân chúng ở ngoài địa phận riêng của họ.

Quận công Normandie chinh phục đảo Anh. Các họ hàng của quận công Bourgogne trở thành vua xứ Bồ Đào Nha. Đến lúc ấy, hoàng gia Capet vẫn đặt hết tâm sức vào việc ổn định trật tự, thống nhất hệ thống cai trị và mở rộng quyền lực mềm của mình từ Ile de France đến tận những biên địa xa xôi phía nam. Uy tín lên cao bảo đảm cho họ sự tin cậy và thuần phục từ các lãnh chúa, đặc biệt là các lãnh chúa đang có tranh chấp với nhau và cần người phân xử.

Song, đến cuối thế kỷ thứ VII, nước Anh - đã thuộc về quận công Normandie - dần trở thành một "đại địch" của nước Pháp, và các hậu duệ của William the Conqueror cũng thách thức trực diện quyền lực của vua Pháp. Đầu thế kỷ VII, vua nước Anh Henry II (đồng thời cũng là quận công Normandie), thông qua hôn nhân và các mối quan hệ họ hàng, có lãnh thổ bao gồm cả các xứ Bretagne, Anjou, Maine, Touraine…, vươn tay tới tận Aquitain ở Tây Nam nước Pháp. Hơn nửa lãnh thổ Pháp lúc đó đã thuộc về nhà vua Anh, và được mệnh danh là "đế quốc Angenvin).

Và rồi Philippe Auguste xuất hiện.

Chiến thắng Bouvines.

Thiên thần bóng tối

Suốt cả đời mình (1180-1223), Phillipe Auguste đắm chìm trong những mưu kế nhằm chống lại hoàng gia Anh, hạ thấp tiềm lực nước Anh, để qua đó nâng cao vị thế của nước Pháp, bảo vệ sự sống còn của hoàng gia Pháp. Đó có lẽ là sự mở đầu cho mối hiềm khích âm ỉ qua cả nghìn năm, ở hai bên bờ eo biển Manche.

Trong tay Philippe Auguste lúc đầu không có đủ sức mạnh quân sự để tranh hùng với các nhà vua Anh, vậy nên ông chọn cách khác. Đầu tiên, ông ủng hộ những người con phản loạn của vua Anh Henry II. Richard Sư tử tâm thậm chí đã từng cầm quân tiến đánh chính các thái ấp của cha mình trên đất Pháp, với sự hậu thuẫn của Philippe Auguste. 

Sau đó, khi Richard lên ngôi, Philippe Auguste quay sang bắt tay với John - gã em trai thèm khát danhh vọng bị Walter mô tả cực kỳ xấu xa trong Ivanhoe. Richard Sư tử tâm, trên đường từ các cuộc Thánh chiến trở về, bị Philippe Auguste bắt giữ, qua đó vừa khiến nước Anh thiếu vắng nhà vua đích thực của mình, vừa đòi hỏi những khoản tiền chuộc khổng lồ từ các lãnh địa của Richard.

Gần như song song với những hành động này, Philpippe Auguste kết hôn với công chúa Đan Mạch, với hy vọng có thể thông qua hôn nhân tìm kiếm cơ hội đòi hỏi ngai vàng Anh quốc. Năm 1200, sau khi John kế vị Richard (tử trận trong một cuộc chiến vô nghĩa trên đất Pháp), Philippe khéo léo dùng luật phong kiến tước bớt quyền lực của John: John cưới một người phụ nữ đã đính hôn, và nhân có những khiếu nại, Philippe đòi John (vẫn chỉ là quận công Normandie ở Pháp) đến đối chất. Đương nhiên, John từ chối. Ông ta quá hiểu điều gì có thể xảy ra cho mình, khi nhìn gương anh mình. Chỉ đợi có thế, Philippe tuyên bố John là một kẻ bề tôi phản loạn.

Philippe, một lần nữa, lại xen vào "chuyện gia đình" của hoàng gia Anh. Ông kích động Arthur - một người cháu họ John, lãnh chúa Bretagne - đặt vấn đề đòi quyền thừa kế. John cho người ám sát Arthur năm 1203, và qua đó đánh mất toàn bộ uy tín của mình trên đất Pháp. Philippe lúc này mới sử dụng đến các biện pháp quân sự. 

Có được sự đồng thuận của giới quý tộc, quân đội hoàng gia Pháp đánh cho quân đội hoàng gia Anh phải bỏ Bretagne, Normandie, Anjou, Maine, Touraine…và chỉ còn giữ được Aquitaine ở phía Nam. Năm 1214, sau trận Bouvines, Philippe Auguste đã áp đặt được quyền cai trị của mình lên gần như toàn bộ đất đai mà John buộc phải để lại. Thế lực của triều đình Paris thực sự có một ngưỡng nhảy vọt quan trọng.

Ở những phần lãnh địa phía Nam nước Pháp còn lại Languedoc và Toulouse, vào năm ông chết,  Philippe Auguste ưng thuận cho con trai - vua Loius VIII kế vị ông - hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo Hoàng, xua quân tràn xuống đàn áp những người Albigiense ngoại đạo. Đến năm 1249, bá tước Toulouse cuối cùng mất. Quân đội hoàng gia Pháp phối hợp với hàng giáo phẩm, đã hoàn toàn làm chủ những miền đất ấy.

Không thể phủ nhận, cả cuộc đời, Philippe Auguste đã luôn là một kẻ quỷ quyệt, nham hiểm và sẵn sàng lật lọng. Thế nhưng, có lẽ, nếu không có sự xấu xa của ông, nước Pháp chưa chắc đã có được diện mạo cũng như vị thế hùng cường cho đến tận bây giờ. Đó thực sự là một thiên thần hắc ám giang đôi cánh đen tối cứu rỗi cho hoàng gia Paris.

Đông Quân
.
.